Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia lý giải nguyên nhân bệnh dại gia tăng đột biến đầu năm 2024

Trong vòng 2 tháng đầu năm 2024, số ca bệnh dại tử vong đang ngày một gia tăng trên cả nước, phần lớn các trường hợp bị mèo hoặc chó cắn là chủ yếu. Để lý giải nguyên nhân vì sao số ca bệnh dại lại tăng đột biến như hiện nay, trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM sẽ có những chia sẻ hữu ích về vấn đề này.

1. Nguyên nhân nào dẫn đến sự gia tăng đột biến bệnh dại?

Theo đánh giá của BS, nguyên nhân nào dẫn đến sự gia tăng ca bệnh dại đột biến như vậy ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh dại gia tăng trong thời gian gần đây phần lớn nguyên nhân xuất phát từ việc kiểm soát vật nuôi của mỗi gia đình, đặc biệt là cách quản lý chó và mèo thả rong không đúng và cách xử lý của người dân khi bị chó cắn.

Trong mùa nắng nóng, những loại vật nuôi thường có xu hướng ra ngoài và tấn công người khác nhiều hơn, đặc biệt khi bị nhiễm vi rút và phát cơn dại. Tuy nhiên, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến như hiện nay, phần lớn nguyên nhân đến từ cách quản lý vật nuôi không chặt chẽ ở đại đa số người dân.

2. Nếu không được xử lý và tiêm ngừa, bệnh dại sẽ tiến triển như thế nào trong mùa nắng nóng?

Giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng, hay còn được gọi là “mùa bệnh dại”. Xin hỏi BS, nắng nóng có mối liên hệ với căn bệnh cầm chắc 100% tử vong nếu không được xử trí và tiêm ngừa này ạ?  

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nắng nóng sẽ khiến vật nuôi khó chịu hơn và dễ có xu hướng tấn công con người. Nguy cơ chó dại tấn công con người sẽ cao hơn trong giai đoạn này, do mùa nắng nóng khiến vật nuôi thích đi ra ngoài. Ở chó dại, mùa nắng nóng sẽ khiến chúng trở nên cáu gắt và xu hướng tấn công con người cao hơn.

Chính vì vậy, khi đến mùa nắng nóng bệnh dại sẽ lan rộng trong cộng đồng, do nhiều người bị chó cắn, không phải do con vi rút dại tồn tại trong môi trường nắng nóng.

3. Quan niệm “cứ đến đám tang là phát dại” liệu có đúng?

Người bị chó cắn, dù chưa biết chó có dại hay không, dù đã tiêm ngừa hay chưa tiêm ngừa đều được khuyên là không nên đến dự hoặc đến gần các đám tang, vì điều này có thể làm khởi phát bệnh dại.

- Liệu đây là lời khuyên đúng với khoa học hay đơn thuần liên quan đến tâm linh, thưa BS?

- Thực tế thì trong dân gian xuất hiện trường hợp bị chó cắn, phát bệnh dại sau khi đi đám tang. BS có thể lý giải thêm về việc “cứ đến đám tang là phát dại” này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh dại bắt nguồn từ một loại vi rút, nếu bị nhiễm bệnh và không đi tiêm ngừa, dù ở bất kỳ đâu người bệnh vẫn có thể lên cơn dại.

Khi vi rút dại tấn công vào cơ thể con người và nếu không đi tiêm ngừa dại ngay, dù sống ở đâu bệnh vẫn sẽ bùng phát, phát triển, đi theo hệ thống thần kinh tấn công lên não và biểu hiện bệnh ra bên ngoài. Việc cho rằng đến đám tang sẽ phát bệnh dại là không đúng, hoàn toàn là do mê tín dị đoan và không liên quan hay ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh lý.

Nếu không đi đám tang, khi ở nhà người bị chó cắn, mèo cào vẫn có thể phát cơn dại. Người bị chó cắn sẽ phát dại ở bất kỳ đâu, không chỉ riêng khi đến đám tang mới phát bệnh.

4. Khi bị chó dại cắn/cào, điều quan trọng nhất cần nhớ là gì?

Theo BS, điều gì là quan trọng nhất mà chúng ta cần nhớ khi bị chó nghi dại hoặc chó mắc bệnh dại cắn/cào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều quan trọng nhất là phải đi tiêm ngừa ngay sau khi bị chó cắn hay mèo cào. Nếu nghi ngờ bản thân bị cắn bởi chó dại cần đi tiêm ngừa ngay lập tức, tuỳ theo vết thương, có thể tiêm thêm huyết thanh.

Ngoài ra không có cách nào khác để nhận biết chó dại cắn và điều trị, chỉ có tiêm ngừa mới giúp phòng bệnh dại một cách hiệu quả nhất.

5. Lời khuyên dành cho cộng đồng trước diễn tiến gia tăng bệnh dại

Trước diễn tiến bệnh dại gia tăng, BS có lời khuyên nào dành cho cộng đồng ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước diễn biến gia tăng của bệnh dại, ngành y tế không có cách nào để có thể tác động và làm giảm thiểu tình trạng này. Vì chỉ có con vật bị dại mới có thể gây lây lan bệnh. Ở một con vật được nuôi nhốt từ nhỏ đến lớn trong nhà và không tiếp xúc với bất kỳ động vật nào khác sẽ không thể mắc bệnh dại.

Khi nhiễm vi rút bệnh dại, sau 10 ngày con vật này sẽ chết. Nếu được nuôi từ nhỏ, trong suốt khoảng thời gian dài con vật không đi ra ngoài và tiếp xúc với những vật nuôi khác, chắc chắn sẽ không nhiễm bệnh dại từ con vật khác.

Bệnh dại không lây lan qua không khí hay thức ăn mà truyền vi rút qua vết cắn, trong nước miếng của con vật có bệnh dại. Tương tự, con vật nhiễm bệnh dại sẽ đi cắn người và lây lan vi rút dại sang con người.

Để ngừa bệnh dại, đầu tiên không nên thả rong vật nuôi, kiểm soát chặt chẽ, không để thú cưng đi lang thang bên ngoài. Thứ hai là nếu không kiểm soát được vật nuôi, khi bị chó cắn hoặc mèo cào hay phát hiện có người bị cần xem xét vết thương và đi tiêm ngừa dại ngay. Ngoài ra không có bất kỳ biện pháp nào khác có thể phòng bệnh dại.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X