Hotline 24/7
08983-08983

Chồng lập phòng nhì, bảo tôi xem như không có gì

Tôi đau đớn vì bị phụ bạc, nhiều khi muốn buông xuôi tất cả nhưng anh thì cứ vờ như không. Anh còn bảo cánh đàn ông xa nhà ở đây đều sống như vậy cả.

Tôi và anh ấy lấy nhau được 10 năm, đã có hai con gái ngoan và học khá. 4 năm gần đây, chồng tôi ra nước ngoài xuất khẩu lao động, một năm về với gia đình từ một đến hai lần. Trong thời gian này, tôi phát hiện chồng chung sống với một phụ nữ khác đã ly hôn. Tôi hết sức đau buồn và đã tìm mọi cách để chia rẽ họ nhưng cuối cùng vẫn vô ích. Anh ấy về nhà rồi sang lại và tiếp tục chung sống với người kia như vợ chồng.

Chồng tôi còn bảo: "Đó chỉ là tạm bợ thôi chứ với anh gia đình là tất cả, anh không bao giờ từ bỏ gia đình của mình đâu, em cứ xem như chưa có chuyện gì xảy ra". Tôi nói không thể chấp nhận được mối quan hệ như thế thì anh bảo "em muốn làm gì thì làm". Tôi không biết phải làm sao, tôi cũng không muốn gia đình mình tan vỡ. Mong mọi người hãy cho tôi lời khuyên.

(Nguyen Thao)

woman-in-pain-7346-1383960678.jpg

Ảnh minh họa: Livingbodywellness.com


Chị thân mến,

Chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng: "Thân chủ chính là nhà tư vấn sáng suốt nhất cho vấn đề của họ". Vậy nên dù đang có quá nhiều thứ để nghĩ, kết quả để suy đoán hay tương lai để tưởng tượng, thì chị hãy thật bình tĩnh nhé, vì bản thân chị đủ năng lực để tự vượt qua những sóng gió này.

Tôi thật sựquan tâm tới lời chồng chị nói "em muốn làm gì thì làm". Trước tiên là xét về mặt logic nhé, trong hoàn cảnh nào thì người ta sẽ nói những câu ấy?

Trường hợp số 1: Khi người chồng vô cùng tin tưởng vào vợ. Anh ta cho rằng mọi điều cô ấy làm đều đúng và có lý, nên chỉ việc làm theo, nghe theo và tin theo vô điều kiện.

Trường hợp số 2: Khi người chồng quá ì ạch, không để ý đến điều gì, kể cả bản thân mình, không cần biết đúng sai, không cần sợ hậu quả, không cần lo trách nhiệm. Mọi việc tha hồ diễn ra, chỉ đừng có ảnh hưởng đến anh ta là được.

Trường hợp số 3: Khi người chồng quá tự tin vào bản thân và cho rằng mình hoàn toàn kiểm soát được vợ. Anh ta cho rằng dù mình có "làm gì" thì người vợ cũng không bao giờ thay đổi. Ừ thì cô ấy ghen đấy, giận đấy, không chấp nhận đấy, nhưng cuối cùng sẽ quen với việc đó và cam tâm chịu đựng.

Vậy theo chị, cách nghĩ của chồng chị tương hợp với trường hợp số mấy? 1, 2 hay 3?

Nếu đúng như những gì chị viết trong thư, nhiều khả năng anh ấy nằm ở trường hợp thứ 3, nghĩa là biết mình sai, biết vợ bị tổn thương nhưng cho rằng đó là điều chấp nhận được và sớm muộn gì thì vợ cũng sẽ tha thứ, bỏ qua, đó có lẽ chính là chìa khóa để chúng ta tiếp tục tìm lời giải cho câu hỏi:Tại sao chịđã tìm mọi cách để chia rẽ họ nhưng cuối cùng vẫn vô ích?

Về người thứ 3:Chị không nói nhiều về người phụ nữ này, nhưng dù cho họ có thế nào thì cũng là người chị khó gặp mặt, nói chuyện hay trình bày lẽ phải, lẽ trái. Hơn nữa, như chồng chị đã biện hộ "cảnh đàn ông xa nhà ở đây họ đều sống như vậy cả", nghĩa là dù không phải với người phụ nữ ấy thì với cách suy nghĩ đó, cũng sẽ là một người khác.

Về người thứ 2:Chắc rằng anh ấy cũng có nhiều ưu điểm trong cuộc sống gia đình nên chị vẫn rất tôn trọng và cả yêu thương. Nhưng liệu chị có đang quá yêu và phục tùng đến mức anh ấy cho rằng ngay cả khi vợ "muốn làm gì thì làm" vẫn cứ chỉ là quân cờ trong tay, tha hồ xê dịch, tha hồ chỉ đạo theo ý mình? Và liệu anh ấy có cố gắng yêu thương, gìn giữ và trân trọng vợ khi biết rằng dù chẳng cần nỗ lực nào thì mọi chuyển vẫn y như vậy?

Một lần vào vườn thú, tôi cho con khỉ nhỏ một quả táo. Nó vồ lấy ngay, cầm chắc và trèo rất nhanh đến một góc chuồng ngồi ăn, luôn luôn để mắt đến những con khác để canh chừng. Trong khi lấm lét ôm khư khư chiến lợi phẩm, cái đuôi vắt vẻo của nó bị một con khác túm lấy và giật manh. Nhưng nó mặc kệ và vẫn chỉ chú tâm đến quả táo đang ôm trong tay, giữ khư khư như vật báu. Lúc ấy, tôi cười thầm "đồ ngốc, cái đuôi của mình quan trọng hơn thì không giữ, lại đi giữ quả táo".

Nhưng đến giờ, tôi đã có lý giảikhác với hành động đó. Con khỉ không thèm giữ cái đuôi của mình, vì nó nghĩ cái đuôi sẽ luôn ở phía sau, dù có chuyện gì xảy ra. Nên thay vì ôm một phần hiển nhiên ấy, nó phải nâng niu quả táo, thứ sẽ mất ngay khi rời tay ra. Xét cho cùng thì con người cũng đâu có khác, chúng ta chỉ giữ những gì có thể mất, còn những thứ sẽ luôn ở đó, tại sao còn phải giữ?

Trở lại với chồng chị, vậy là anh ấy đang có tổấm ở hai nơi, có những niềm vui từ hai người đàn bà, mà bản thân chẳng mất gì, vậy thì tại sao anh ta lại muốn bỏ đi một trong khi có cả hai? Có thể anh ấy không cưỡng lại sức hấp dẫn của người phụ nụ nữ đã ly dị, có thể anh ấy quá cô đơn và cần được sưởi ấm, có thể tất cả mọi người ở cạnh anh đều như vậy… nhưng chắc chắn là bản thân anh ấy mới chính là người thiếu quyết tâm và bản lĩnh để ngăn việc ngoại tình.

Về người thứ 1:Chính là chị, và chỉ một mình chị, không phải người vợ của chồng, người mẹ của con và người phụ nữ có gia đình. Đãbao giờ chị thấy hạnh phúc của mình thực sự là gì nếutạm quên đi con số đo đếm là 10 năm kết hôn và thành quả lớn lao là hai cô con gái ngoan và học khá? Đã bao giờ chị nghĩđến việc làm lại từ đầu mà không có chồng sẽ như thế nào chưa? Đã bao giờ chị có cảm nhận rằng bản thân chị cũng đáng quý, đáng trân trọng, có quyền được hạnh phúc mà không phải nhẫn nhịn, chịu đựng hay phục tùng ?

Tất nhiên, vì không muốn làm tan vỡ gia đình nên chịđã rất cố gắng để:

- Một mình lo toan việc nhà cửa, con cái để chồng làm việc ở xa.

- Tìm mọi cách chia rẽ tình cảm giữa chồng và người tình của anh ấy.

- Tha thứ và sẵn sàng mởđường cho chồng quay về nếu anh ấy thoát khỏi "những phút giây ngoài vợ, ngoài chồng".

Nhưng rõ ràng kết quả không như chị mong muốn, vì:

- Anh ấy vẫn muốn có cả hai gia đình (ai dám chắc rồihọ sẽ không có con, không tạo thành tổ ấm thứ 2?).

- Anh ấy bỏ mặc nỗi đau của chị, người vợ 10 năm chung sống, và cố gắng duy trìniềm vui "tạm bợ" của mình dù biết rằng làm như vậy là ích kỷ và vô trách nhiệm.

Chị có thực sự tin rằng anh ấy yêu chị, trân trọng và nâng niu tình cảm gia đình hơn bản thân mình?Tất nhiên, có thể vì nhiều lý do khiến chị không muốn phá vỡ gia đình như sự quen thuộc, những ràng buộc về tài chính, e ngại cái nhìn từ mọi người xung quanh, sợ hãi trước tương lai không còn được đảm bảo và đầy đủ. Nhưng hãy xem xét thật kỹ những lý do ấy và khả năng khắc phục của bản thân. Hãy xác định là điều gì mới quan trọng với mình và điều gì khiến mình không còn chịu đựng được nữa. Hơn tất cả, chẳng có một kết cục như ý nào nếu bản thân chị chưa thể thay đổi, vẫn phải dựa dẫm vào một người khác.

Mong chị sẽ sớm lấy lại tinh thần để sáng suốt tự giải quyết vấn đề này.

AloBacsi.vn
Theo Chuyên gia tư vấn Dương Kim Ngân - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X