Chế độ dinh dưỡng của người bệnh sỏi thận phải phù hợp theo từng loại sỏi
Người bị sỏi thận nên ăn có chế độ ăn phòng ngừa ra sao để không tái phát? Nạp canxi và vitamin C có gây tái phát sỏi thận hay không? ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân - Bệnh viện Bình dân TPHCM sẽ giải đáp các thắc mắc về dinh dưỡng khi bị sỏi thận theo từng loại sỏi và sỏi đã can thiệp hay chưa.
1. Kỹ thuật phân chất sỏi giúp định hướng dinh dưỡng cho người bệnh sỏi thận
Kỹ thuật phân chất sỏi là gì? Phân chất sỏi mang lại lợi ích gì cho người bệnh sỏi thận?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Bình dân TPHCM trả lời: Theo Hiệp hội Thận Niệu học châu Âu (EAU), phân chất sỏi sau khi đã lấy sỏi ra khỏi cơ thể là bước đầu tiên trong việc phân tầng nguy cơ và xác định các khả năng tái phát sỏi thận. Việc phân chất sỏi nên được thực hiện ngay đối với những bệnh nhân mới mắc sỏi lần đầu.
Tùy vào thể trạng của từng bệnh nhân, nguy cơ để hình thành sỏi thận khác nhau, không ai giống ai. Hiểu rõ bản chất của viên sỏi sẽ giúp bác sĩ và người bệnh có cách điều trị và dự phòng hiệu quả hơn.
Từ đó, bác sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc chỉ định xét nghiệm, điều trị và có những định hướng cụ thể trong dinh dưỡng cho người bệnh.
2. Chế độ phòng ngừa sỏi thận chung dành cho người chưa biết được bản chất của sỏi thận
Xin BS hãy cho biết đâu chế độ ăn có thể áp dụng cho tất cả mọi loại sỏi thận?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Hiệp hội Thận Niệu học châu Âu đã đưa ra một chế độ phòng ngừa sỏi thận chung dành cho người chưa biết được bản chất của sỏi thận, chưa đi xét nghiệm chuyên sâu thì vẫn có thể áp dụng được:
Nguyên tắc đầu tiên phải uống đủ 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày, tương đương 5 - 6 chai nước suối loại 500ml. Ưu tiên uống nước lọc đối với người bệnh sỏi thận. Đối với người mất nước qua mồ hôi phải uống đủ nước để lượng nước tiểu ra thải ngoài phải đủ từ 2 - 2,5 lít.
Đối với nguyên tắc thứ hai, người bệnh sỏi thận cần áp dụng một chế độ ăn cân bằng, không ăn quá nhiều bất kỳ một loại thực phẩm, và cũng không hạn chế cực đoan bất cứ một nhóm thực phẩm nào khác. Chế độ ăn uống cần đa dạng, ít lặp lại các món ăn trong tuần.
Cần cung cấp đủ 1,1 - 1,2g canxi mỗi ngày.
Nạp đủ lượng đạm từ nguồn protein chất lượng như thịt, cá. Mỗi bữa ăn, cần định lượng số lượng thịt, cá từ một nửa lòng bàn tay cho đến một lòng bàn tay, tương đương 70 - 100g thịt, cá. Nên ưu tiên thịt trắng thay vì thịt đỏ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân bị sỏi thận, cần bổ sung lượng đạm có nguồn gốc từ thực vật.
Ăn nhiều rau xanh, hạn chế nước uống có có gas, nước uống có cồn.
Không được tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất đặc biệt là canxi nếu như chưa có sự tham vấn từ bác sĩ.
Nguyên tắc thứ ba là sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể thao, kiểm soát BMI, không để tình trạng béo phì xảy ra vì đây một trong những yếu tố nguy cơ tái phát bệnh sỏi thận.
3. Sai lầm khi hạn chế canxi và protein trong việc điều trị sỏi thận
Có những tin đồn nếu như mắc sỏi thận cần kiêng các thức ăn thức uống có chứa nhiều canxi và protein là đúng hay sai?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Trên thực tế, có 2 loại sỏi thận phổ biến là sỏi canxi photsphate và sỏi caxi oxalate.
Người bệnh khi nghe mình bị sỏi canxi thường có suy nghĩ phải hạn chế canxi trong chế độ ăn uống là sai. Thực tế, nếu bổ sung đủ lượng canxi cần thiết sẽ hạn chế nguy cơ hình thành sỏi thận oxalate.
Sai lầm tiếp theo mà các bệnh nhân thường xuyên mắc phải là kiêng ăn thực phẩm chứa protein như thịt, cá dẫn đến tình trạng mất cơ, suy dinh dưỡng. Đối với những người đã từng phẫu thuật thận, nếu như kiêng đạm từ thịt, cá sẽ gây ra những rủi ro rất lớn.
Chúng ta hạn chế protein một cách khoa học và có định lượng, cụ thể: nếu mỗi ngày ăn 3 bữa thịt thì nên thay đổi thành 1 - 2 bữa thịt, bữa thứ 3 nên thay đổi thành nguồn protein thực vật ví dụ như đậu nành, đậu hũ…
4. Dinh dưỡng dành cho với các nhóm sỏi thận khác nhau sỏi canxi oxalate, sỏi canxi photsphate, sỏi axit uric
Người bị sỏi thận cần lưu ý những loại thức ăn nào để hỗ trợ và phòng tránh các nguy cơ tái phát sỏi?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Đối với những bệnh nhân bệnh sỏi canxi oxalate cần thực hiện chế độ ăn kiềm hóa nước tiểu:
- Ăn 5 phần rau xanh mỗi ngày.
- Hạn chế thực phẩm có chứa hàm lượng oxalate như củ dền, đậu bắp, súp miso, bột ca cao, hạt hạnh nhân.
- Ăn các loại trái cây thuộc họ citrus như cam, chanh, quýt, bưởi (ăn trái cây tươi tốt hơn uống nước ép).
Đối với bệnh nhân có sỏi canxi photsphate không có chế độ ăn đặc hiệu, cần áp dụng nguyên tắc của chế độ ăn phòng ngừa chung. Thông thường, sỏi canxi photsphate có pH kiềm hóa hơn, nên khi chưa có bằng chứng về pH nước tiểu thì không áp dụng chế độ ăn kiềm hóa giống sỏi canxi oxalate.
Đối với sỏi axit uric cần:
- Uống từ 3 - 3,5 lít nước mỗi ngày (uống nhiều hơn chế độ phòng ngừa chung).
- Cần hạn chế các loại protein có nguồn gốc từ động vật như thịt đỏ (có nhiều nhân purine, cần hạn chế giống như bệnh gout)
5. Trái cây giàu vitamin C không gây nguy cơ hình thành sỏi
Có thông tin, người bệnh sỏi thận không nên dùng trái cây họ cam, quýt nhiều để ngừa tái phát sỏi là đúng hay sai thưa BS?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Trái cây họ cam quýt (như cam, chanh, quýt, bưởi) chứa một lượng lớn citrate, một chất có tác dụng kiềm hóa nước tiểu, tăng nồng độ citrate trong nước tiểu và ức chế sự kết tinh sỏi, đặc biệt là sỏi canxi oxalate và sỏi acid uric.
Trái cây họ cam, quýt được xem là loại thực phẩm giàu vitamin C. Tuy nhiên vitamin C tự nhiên trong trái cây họ cam quýt không đủ cao để gây nguy cơ hình thành sỏi, lợi ích của citrate trong việc ngăn ngừa sỏi thận vượt trội hơn hẳn nguy cơ liên quan đến vitamin C tự nhiên.
Khi tiêu thụ vitamin C liều cao từ viên trên 1000 mg/ngày, vitamin C có thể chuyển hóa thành oxalate, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalate. Do đó, việc hạn chế vitamin C chỉ áp dụng đối với các dạng bổ sung liều cao như viên uống hoặc sử dụng không kiểm soát, chứ không phải từ nguồn tự nhiên như trái cây.
7. Tự điều chỉnh pH nước tiểu theo các thông tin trên mạng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho thận
Hiện nay có một số thông tin liên quan đến việc kiềm hóa nước tiểu và chế độ ăn uống để phòng tránh bệnh sỏi thận, xin bác sĩ hãy giải thích rõ hơn về vấn đề này?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Nguyên tắc đầu tiên của Hiệp hội Thận niệu châu Âu khuyên mọi người về chế độ ăn phòng người sỏi thận là chế độ ăn cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm, không ưu tiên bất kỳ một loại thực phẩm nào để kiềm hóa nước tiểu trong dự phòng bệnh lý sỏi thận.
Nguyên tắc thứ hai, nếu cần thay đổi pH nước tiểu chỉ nên dùng thuốc được bác sĩ chuyên khoa thận niệu kê toa, có định lượng cụ thể. Bất kỳ sự điều chỉnh pH nào không có sự theo dõi y tế cũng đều có rủi ro về sức khỏe của các bệnh nhân.
Các loại thực phẩm sau khi chuyển hóa trong cơ thể sẽ tạo ra sản phẩm có tính acid là:
- Nhóm đạm có: Thịt, cá, trứng, hải sản, phô mai.
- Nhóm tinh bột: Ngũ cốc nguyên cám, ngô.
- Nhóm trái cây: Mận, mơ, việt quất…
Các loại thực phẩm sau khi chuyển hóa trong cơ thể sẽ tạo ra sản phẩm có tính kiềm là:
- Nhóm đạm: sữa, sữa chua.
- Rau xanh: trừ cải bó xôi.
- Trái cây: các loại họ cam quýt.
8. Chế độ ăn dành cho người chưa can thiệp loại bỏ sỏi, đã loại bỏ sỏi bằng phương pháp không xâm lấn và phương pháp xâm lấn
Nhờ BS chỉ ra đâu là chế độ ăn dành cho người bệnh đang có sỏi nhưng chưa can thiệp loại bỏ sỏi?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Hiện không có bằng chứng khoa học nào chứng minh chế độ ăn hoặc thực phẩm riêng lẻ có thể làm tan sỏi đã hình thành. Do đó, mục tiêu chính là phòng ngừa sự phát triển và hình thành thêm sỏi mới.
Lời khuyên dành cho người có sỏi nhưng chưa can thiệp loại bỏ là người bệnh cần áp dụng chế độ phòng ngừa sỏi thận chung: Duy trì 2,5 - 3 lít mỗi ngày, đảm bảo lượng nước tiểu đạt từ 2 - 2,5 lít/ngày.
Bác sĩ hãy cho biết đâu là chế độ ăn dành cho người đã loại bỏ sỏi bằng phương pháp không xâm lấn?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Mục tiêu đối với bệnh nhân đã loại bỏ sỏi bằng phương pháp không xâm lấn là ngăn ngừa sỏi mới hình thành và tiếp tục phòng ngừa tái phát. Khi bệnh nhân đã được làm thủ thuật loại bỏ sỏi bằng phương pháp không xâm lấn thì không có sự ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, có thể ăn uống bình thường trong ngày đầu tiên theo chế độ ăn dự phòng sỏi thận chung.
Ngay sau khi có kết quả phân chất sỏi thì sẽ phải điều chỉnh và áp dụng chế độ ăn theo từng nguyên nhân tạo sỏi.
Bác sĩ hãy cho biết đâu là chế độ ăn dành cho người đã loại bỏ sỏi bằng phương pháp xâm lấn?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Mục tiêu với các bệnh nhân đã loại bỏ sỏi bằng phương pháp xâm lấn là hỗ trợ phục hồi sau mổ và phòng ngừa tái phát sỏi. Người bệnh có thể bắt đầu ăn uống trong vòng 1 ngày sau phẫu thuật, ngay khi hết tác dụng của thuốc gây mê và không còn buồn nôn.
Có thể ăn thực phẩm dễ tiêu hóa trong ngày đầu tiên. Đến ngày thứ 2 ăn theo chế độ phòng ngừa sỏi thận khi có kết quả phân chất sỏi.
9. Chưa có chứng minh của khoa học về việc thức ăn chuyên biệt có thể làm tan sỏi thận
Có thông tin về việc có những loại thức ăn có thể làm tan sỏi, xin bác sĩ hãy cho ý kiến thêm về thông tin này?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Cho đến hiện nay, khoa học chưa có bằng chứng nào chứng minh một loại thức ăn chuyên biệt nào có thể làm tan sỏi thận. Vấn đề đặt ra trong giai đoạn này chính là ăn theo chế độ ăn dự phòng chung để hạn chế tăng kích thước của sỏi và không tạo ra sỏi mới.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình