Hotline 24/7
08983-08983

Chế biến thịt heo, ăn nem chạo thế nào để tránh bị nhiễm liên cầu lợn?

Mặc dù bệnh liên cầu khuẩn lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng cứ đến mỗi dịp cuối năm, bệnh lại có xu hướng gia tăng. Đây là bệnh nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Trong bài viết dưới đây BS Trương Hữu Khanh sẽ chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.

1. Vì sao khi ăn thịt heo có thể làm nhiễm liên cầu khuẩn lợn?

Xin hỏi BS, vì sao khi ăn thịt heo, chúng ta có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn ạ? Người nhiễm khuẩn này thường bị tấn công trong những trường hợp nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ăn nhiều thịt heo bị liên cầu lợn là không đúng. Phải ăn thịt heo không chín và con heo đó có nhiễm liên cầu lợn thì mới có thể mắc bệnh liên cầu lợn. Tỷ lệ mắc liên cầu lợn là do cách chế biến heo, giết mổ, xử lý thịt không tốt, không vệ sinh, không bảo đảm an toàn mới gây bệnh.

Liên cầu lợn có trong máu của heo. Nếu người giết mổ mà tay bị trầy xước, khi giết mổ con heo bị liên cầu lợn, vi khuẩn sẽ theo vết trầy đó xước vào trong cơ thể người. Gây ra bệnh liên cầu lợn, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, thậm chí là sốc nhiễm trùng và tử vong.

Một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn khác là do ăn tiết canh. Vì tiết canh sẽ không chín, nếu lượng tiết canh nhiều hoặc lúc cầm nắm dính vào tay, vi khuẩn vào trong ruột tấn công ruột thì mới nhiễm liên cầu lợn.

2. Không ăn tiết canh, không giết mổ lợn, có thể nhiễm liên cầu lợn không?

Tuy nhiên, thực tế, một số người không ăn tiết canh, không giết mổ lợn nhưng vẫn mắc bệnh. Vậy, những trường hợp này là do đâu ạ? Người bệnh bị vi khuẩn xâm nhập trong tình huống nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Liên cầu lợn không thể lây từ người sang người. Nên khi chăm sóc hoặc nói chuyện với người bị nhiễm liên cầu lợn sẽ không thể bị lây. Chỉ khi có vết thương và vi khuẩn liên cầu lợn tấn công trong lúc chế biến thì mới bị nhiễm. Nếu một người hoàn toàn không ăn tiết canh sống hay liên quan đến giết mổ, chế biến thịt thì có thể do chẩn đoán sai hoặc khai thác không đủ thông tin.

3. Nem, chạo đã lên men, liệu có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn?

Nem chạo, nem chua làm từ thịt heo. Nhưng nhiều người cho rằng vì những thực phẩm này đã được lên men, xem như chín rồi nên không có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nữa. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi chế biến bất kỳ món ăn nào thì sản phẩm thịt phải sạch. Nếu nhiễm liên cầu lợn thì không phải lỗi của việc lên men mà do sản phẩm thịt đó không sạch. Khi không sạch thì vi khuẩn có thể tồn tại trong đó và men không thể giết nổi liên cầu lợn hoặc các loại sáng. Vì vậy lên men không đủ chín, nếu thịt không sạch thì không chỉ bị nhiễm liên cầu lợn mà còn rất nhiều bệnh khác.

4. Lợn tự nuôi, “cắp nách” hay thả đồi, có an toàn?

Một số người có quan niệm lợn tự nuôi, “cắp nách”, thả đồi thì sẽ an toàn. Theo BS, các loại tự nuôi có an toàn hơn, tránh được vi khuẩn liên cầu lợn hơn các loại bán theo kiểu chăn nuôi công nghiệp?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này là không đúng. Vì lợn khi nuôi thả vẫn có thể nhiễm liên cầu lợn, nhiễm sán hoặc nhiễm liên cầu lợn từ các con lợn khác cùng đàn. Nên không thể nói tự nuôi là an toàn mà quan trọng nhất trong chế biến phải đảm bảo an toàn.

5. Nhiễm liên cầu lợn bao lâu mới xuất hiện triệu chứng?

Với người nhiễm liên cầu lợn, thời gian ủ bệnh trung bình từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng là bao lâu?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tùy theo lượng nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn trong máu, thời gian ủ bệnh có thể từ 5 - 7 ngày hoặc 3 ngày. Nhìn chung trong vòng 14 ngày có thể phát bệnh và khi đó sẽ sốt rất cao, nổi ban máu hoặc có dấu hiệu đau đầu, nôn ói, viêm màng não. Sau đó nhanh chóng đi vào trạng thái sốc nhiễm trùng và tổn thương nhiều cơ quan.

6. Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm như thế nào?

Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm ra sao? Người bệnh có nguy cơ đối diện với những biến chứng nào khi mắc căn bệnh này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nguy cơ cao nhất là sốc nhiễm trùng và tử vong. Nếu đến bệnh viện càng trễ thì nguy cơ này càng tăng.

7. Bệnh liên cầu lợn có thể chữa khỏi hoàn toàn hay không?

Hiện nay, bệnh liên cầu lợn được điều trị như thế nào ạ? Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người mắc bệnh có chữa khỏi hoàn toàn? Thời gian hồi phục khoảng bao lâu?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường liên cầu lợn nếu điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn. Thời gian điều trị khoảng 2 - 3 tuần, thậm chí kéo dài hơn.

Khi điều trị sớm, vi khuẩn không tấn công lên màng não thường sẽ không có di chứng. Nếu điều trị trễ và đã viêm màng não thì có thể di chứng, tổn thương đa cơ quan, xuất huyết và tử vong.

8. Nhiễm liên cầu khuẩn lợn có khả năng tái phát hay không?

Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn có khả năng tái phát hay sẽ có miễn dịch với căn bệnh này, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cho đến hiện nay chưa có nghiên cứu nào về miễn dịch của người đã nhiễm liên cầu lợn. Theo tôi, một người từng nhiễm liên cầu lợn hoặc đã chứng kiến sẽ không dám để trường hợp này xảy ra nữa. Vì liên cầu lợn không lây từ người sang người mà do giết mổ và cách chế biến.

9. Làm cách nào để chế biến thị heo an toàn, tránh nhiễm liên cầu khuẩn lợn?

Thực tế, trong dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng các loại thịt gia tăng, trong đó có thịt heo. Theo BS, để đề phòng liên cầu khuẩn, chúng ta cần lưu ý gì trong ăn uống, chế biến các món từ thịt heo?

- Với những người buôn bán thịt cũng cần nhớ những nguyên tắc nào để bảo vệ sức khỏe của bản thân trước liên cầu khuẩn lợn ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

- Nên mua heo rõ nguồn gốc.

- Khi chế biến, giết mổ phải có găng tay. Nếu tay bị trầy xước vi khuẩn sẽ bám vào đó. Bên cạnh đó, thịt lợn đã nấu chín sẽ không còn vi khuẩn liên cầu lợn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X