Hotline 24/7
08983-08983

Sống gần khu công nghiệp, làm sao thở lành?

Ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đang trở thành một vấn đề cấp bách, tác động trực tiếp đến sức khỏe của cư dân xung quanh. Mời bạn đọc AloBacsi theo dõi chia sẻ của TS.BS Phạm Lê Duy để biết cách chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý vấn đề bụi, khí thải, cải thiện chất lượng không khí khi sống gần khu công nghiệp

1. Không khí tại các khu công nghiệp chứa những chất độc hại nào?

Thưa BS, đặc điểm ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp có gì khác so với những vùng khác?

TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Trường Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Ở khu công nghiệp hay bất cứ khu vực nào cũng có những yếu tố gây ô nhiễm không khí. Tại khu công nghiệp, có 9 loại chất gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng, sinh ra từ quá trình sản xuất, đốt nguyên liệu, lưu chuyển nguyên vật liệu đến nơi sản xuất và lưu chuyển hàng hóa đến nơi phân phối...

Các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường gồm: nhóm khí từ carbon (CO, CO2), nhóm khí từ lưu huỳnh (SO2), các loại khí có nguồn gốc từ nitơ (NO2), khí amoniac, khí chlorofluorocarbon (CFC) từ thiết bị làm lạnh.

Bên cạnh đó, trong không khí còn cón những hạt bụi mịn PM (Particulate Matter) với nhiều kích thước khác nhau, từ PM10, PM2.5 cho đến PM0.1. Còn phải kể đến những kim loại nặng như chì hay thủy ngân.

Tất cả những chất này đều có thể gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các loại khí thải, bụi mịn sẽ gây ô nhiễm không khí.

2. Không khí ô nhiễm ở khu công nghiệp sinh ra từ đâu?

Xin hỏi BS, nguồn không khí bị ô nhiễm tại các khu công nghiệp sinh ra từ đâu, do những tác nhân nào gây ra? 

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Nguồn phát thải những chất gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí đến từ:

- Quá trình sản xuất: Sản xuất công nghiệp cần đốt nhiều nguyên vật liệu, đặc biệt là các chất sinh khói như than, dầu, gas. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất còn cần sử dụng những nguyên liệu chế biến, cũng tạo ra những chất gây ô nhiễm môi trường.

- Quá trình vận chuyển: Những chuyến xe chở nguyên vật liệu đến nơi sản xuất và đưa sản phẩm đến nơi phân phối cũng phát thải ra những chất gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí.

3. Ô nhiễm không khí tăng nguy cơ bệnh lý hô hấp, tim mạch, ung thư...

Những người sống trong vùng có không khí bị ô nhiễm, khói bụi thường bị mắc những bệnh lý nào, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Đã có nhiều nghiên cứu về những bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại những khu công nghiệp. Những bệnh lý hô hấp bị ảnh hưởng nhiều nhất, ví dụ tăng nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), dị ứng đường hô hấp (viêm mũi dị ứng, hen suyễn).

Theo nghiên cứu, những người phụ nữ sống ở nơi không khí bị ô nhiễm như khu công nghiệp hay gần các trục đường lớn sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng cho thai nhi.

Từ đó có thể nhận thấy, tác động của ô nhiễm không khí vô cùng lớn. Ngoài những bện lý hô hấp, các bệnh lý tim mạch cũng có thể xảy ra, như bệnh mạch vành, đột quỵ. Một bệnh lý khiến bất kỳ ai cũng phải e dè, ngoài ung thư phổi, các loại ung thư khác cũng có phần liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng.

4. Dễ bùng phát các bệnh lý mạn tính nếu sống trong khu vực bị ô nhiễm

Xin hỏi BS, những người có sẵn bệnh lý mạn tính như tim mạch, hô hấp, dị ứng, da liễu... nếu sống trong môi trường bị ô nhiễm lâu dài sẽ dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe ra sao?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Những người có bệnh lý nền sống trong môi trường không thuận lợi như ô nhiễm không khí sẽ dễ có những đợt bùng phát. Bệnh mạn tính nếu được kiểm soát tốt sẽ không có những đợt bùng phát.

Trường hợp không được kiểm soát, chẳng hạn có những yếu tố kích thích từ bên ngoài như gặp luồng không khí ô nhiễm sẽ rất dễ bùng phát bệnh lý mạn tính như cơn hen suyễn, các đợt COPD... Chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm đáng kể. Sau mỗi đợt bùng phát, sức khỏe của bệnh nhân bị sụt giảm một chút.

TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Trường Đại học Y Dược TPHCM

5. Người có bệnh lý mạn tính sống ở khu công nghiệp cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn

Những người sống gần khu công nghiệp nên kiểm tra sức khỏe như thế nào, tần suất ra sao? Các cơ quan nào cần được quan tâm hàng đầu, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Đáng tiếc rằng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có khuyến cáo chỉ ra những người sống trong khu vực ô nhiễm cần tăng cường tần suất khám bệnh định kỳ như thế nào.

Tuy nhiên, những người mắc bệnh mạn tính sống gần khu công nghiệp, nếu nhận thấy bản thân hay có những đợt kịch phát như hen suyễn, COPD nên tái khám theo lịch của bác sĩ hoặc thường xuyên hơn để đảm bảo kiểm soát được những triệu chứng của bệnh. Mỗi cơn hen hay COPD xảy ra, bệnh nhân đều có nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, người dân cần quan tâm hơn và tuân thủ khám sức khỏe định kỳ, ít nhất 1 lần/năm để đảm bảo sức khỏe luôn trong trạng thái tốt nhất có thể.

6. Làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí khi sống gần khu công nghiệp?

Sinh sống liền kề các khu công nghiệp không phải là điều mong muốn song đành phải chấp nhận. Nhờ BS chia sẻ một vài giải pháp mà gia đình có thể áp dụng để hạn chế các nguy cơ do ô nhiễm không khí, khói bụi từ các khu công nghiệp thải ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Đúng thật là sống gần các khu công nghiệp là điều không ai mong muốn nhưng đôi khi tình huống bắt buộc phải sinh sống tại đó để gia tăng thu nhập, đảm bảo điều kiện khi tế của gia đình. Có nhiều phương pháp có thể hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tại khu công nghiệp đến gia đình.

Đầu tiên, trong giờ cao điểm hoặc khi chỉ số AQI (Air Quality Index - chỉ số chất lượng không khí) quá tệ, nên hạn chế mở cửa để ngăn chặn chất ô nhiễm không khí bay từ bên ngoài vào trong nhà.

Thứ hai, khi ra đường, nên sử dụng các loại khẩu trang đạt chuẩn (N95) để hạn chế việc hít phải bụi mịn PM. Cả người lớn, trẻ em và người già đều cần đeo khẩu trang khi ra đường.

Thứ ba, chúng ta chỉ có thể hạn chế mở cửa chứ không thể tuyệt đối không mở cửa, nguồn ô nhiễm không khí vẫn có thể bay vào nhà. Nên trang bị những thiết bị làm sạch không khí trong nhà như máy lọc không khí để giảm thiểu chất ô nhiễm.

7. Nâng cao sức khỏe chung để kiểm soát bệnh lý hô hấp mạn tính

Thưa BS, những nhóm người nhạy cảm với bệnh lý cần trang bị những gì trong môi trường sống để đảm bảo sức khỏe tốt nhất?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Người dễ bị bệnh hoặc người đã có sẵn bệnh lý mạn tính cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Khẩu trang là vật dụng không thể thiếu mỗi khi ra đường, có thể sử dụng khẩu trang N95 để ngăn chặn bụi mịn.

Nếu có điều kiện, nên đi dã ngoại ở những nơi gần gũi với thiên nhiên, ít ô nhiễm như nông thôn, vùng núi, ven biển... Luồng không khí trong lành sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn, cải thiện sức khỏe.

Bệnh nhân nên tăng cường sử dụng những thực phẩm có chất chống oxy hóa cao như trái cây giàu vitamin C, vitamin E. Bệnh nhân cũng nên ngủ đủ giấc và tập luyện thể thao vừa sức.

Đặc biệt, nếu trong nhà có những người mắc bệnh lý dị ứng đường hô hấp, bệnh lý hô hấp mạn tính, rất cần những thiết bị làm sạch không khí.

Tôi xin chia sẻ một câu chuyện rất ấn tượng: Một bác lớn tuổi sống ở TPHCM, bác cũng có nhà ở Buôn Ma Thuột. Mỗi khi bác trở về vùng cao, sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng khi sống ở TPHCM lại xuất hiện các triệu chứng nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi. Đó là những triệu chứng của viêm mũi dị ứng.

Bác chia sẻ, khi ở TPHCM hầu như không dám ra khỏi nhà và trong phòng ngủ lúc nào cũng phải có 2 chiếc máy lọc không khí.

Qua câu chuyện, có thể thấy rằng việc giữ không khí trong lành cho những người có bệnh lý hô hấp rất quan trọng.

8. Máy lọc không khí giúp giữ không khí trong nhà luôn sạch sẽ

Xin hỏi BS, máy lọc không khí cần thiết như thế nào đối với những gia đình ở gần khu công nghiệp, đặc biệt là những người có bệnh lý hô hấp nền?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Tôi đã chia sẻ một số cách nhằm hạn chế tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm khi sống gần những khu công nghiệp. Tuy nhiên, không khí bên ngoài và bên trong vẫn có sự trao đổi. Do đó, khi không khí bên ngoài bị ô nhiễm, không khí trong nhà cũng khó giữ được sự trong lành chỉ với việc đóng kín cửa.

Dân cư gần khu công nghiệp nên trang bị cho ngôi nhà những thiết bị có khả năng làm sạch không khí. Những người đã sống ở khu vực này lâu năm hay những người có sẵn bệnh lý nền về hô hấp, tim mạch nên quan tâm đến việc giữ không khí trong nhà sạch sẽ.

9. Tính năng nào cần thiết cho một chiếc máy lọc không khí?

Cụ thể hơn, nhờ BS cho biết, máy lọc không khí có thể lọc được những tác nhân nào có trong môi trường gần khu công nghiệp?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Máy lọc không khí đã rất hiện đại. Mọi người cần biết 2 tiêu chuẩn “cứng” mà một chiếc máy lọc không khí cần có.

Đầu tiên, để có khả năng lọc bụi mịn, đặc biệt là hạt PM 2.5 trở xuống, máy cần có những màng lọc đặc biệt như màng lọc HEPA. Bên cạnh đó, cần có thêm màng lọc loại trừ những hóa chất hữu cơ bay hơi, ví dụ màng lọc bằng than hoạt tính. Đó đều là những chất gây hại cho sức khỏe con người.

Một số máy lọc hiện nay được trang bị thêm đèn UV (đèn tia cực tím) để tiêu diệt mầm bệnh lây lan, là các nguồn truyền nhiễm như vi khuẩn, virus lơ lửng trong không khí. Bị giam giữ trong màng lọc không có nghĩa là chúng sẽ chết. Chúng chỉ nằm ở đó và sẽ phát tán ngược trở lại vào không khí hoặc sinh sôi thêm.

Đèn UV được tích hợp trong máy lọc không khí sẽ tiêu diệt những mầm bệnh bám trên bề mặt màng lọc.

Có những chiếc máy lọc có thêm tính năng tạo ra ion, khiến những hạt bụi mịn kết cụm lại với nhau thành các hạt to hơn, dễ “bắt giữ” hơn. Màng lọc tĩnh điện để gia tăng thêm sức hút và giữ bụi to, tăng khả năng làm sạch không khí.

10. Làm sao giảm các mùi khó chịu từ sản xuất công nghiệp?

Máy lọc không khí có thể giúp giảm một phần hoặc giải quyết vấn đề mùi khó chịu từ các khu công nghiệp không, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Mùi khó chịu phát ra từ các khu công nghiệp là những chất hữu cơ bay hơi, có thể gây hại cho sức khỏe.

Một số máy lọc không khí đã được trang bị những màng lọc hóa chất hữu cơ bay hơi, màng lọc than hoạt tính là một trong số đó. Than hoạt tính sẽ hấp phụ những hóa chất hữu cơ bay hơi, ngăn chặn việc phát tán ngược trở lại vào không khí, từ đó bảo vệ sức khỏe của chúng ta.

11. Tiêu chí chọn máy lọc không khí phù hợp với nhà riêng

Thưa BS, làm sao để có thể chọn được một chiếc máy lọc không khí phù hợp với môi trường sống gần các khu công nghiệp?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Không chỉ riêng cho những ngôi nhà gần khu công nghiệp, tôi nghĩ bất kỳ căn nhà nào cũng phải quan tâm đến 2 tiêu chuẩn khi muốn trang bị máy lọc không khí. Đầu tiên là các màng lọc: màng lọc HEPA, màng lọc hút được chất hữu cơ bay hơi.

Thứ hai, công suất của máy phù hợp với diện tích căn nhà. Nhà quá to mà chỉ dùng máy lọc công suất nhỏ thì chỉ giải quyết được vấn đề ở một khu vực nhỏ. Những vùng khác trong nhà vẫn tồn tại ô nhiễm, có thể dịch chuyển ô nhiễm sang khu không khí vừa được lọc.

Trước đây, máy lọc không khí chỉ hoạt động ở một mặt, hiệu quả làm sạch khá chậm. Hiện nay, một số máy lọc không khí có chức năng hút các hạt bụi 360 độ, tăng tốc độ và hiệu quả làm sạch không khí.

TS.BS Phạm Lê Duy cho biết, ngoài ngăn chặn khói bụi xâm nhập từ bên ngoài, còn phải hạn chế các nguồn sinh ô nhiễm không khí từ ngay trong nhà

12. Giữ vệ sinh nhà cửa, hạn chế các nguồn không khí ô nhiễm trong nhà

Câu hỏi khán giả: Chào BS, nhà em ở Bắc Ninh, gần khu công nghiệp chế biến gỗ, mạt bụi có mùi hôi, bụi bay tứ tung không chịu được. Em còn có bệnh dị ứng theo mùa nữa. Liệu có cách nào hạn chế bụi len lỏi vào nhà trong tình huống này không và làm sao hạn chế bệnh dị ứng của em tái phát ạ?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Đầu tiên, nhà của bạn nên trang bị các loại cửa kín ngăn các loại bụi từ bên ngoài bay vào nhà quá nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngăn được hoàn toàn các hạt bụi xâm nhập vào trong nhà.

Chính vì thế, cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách hút bụi, lau nhà thường xuyên. Bụi nặng có thể lắng đọng ở các bề mặt trong nhà, nếu không làm vệ sinh kỹ càng, bụi có thể bay ngược lên trên khi đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt hằng ngày.

Thứ hai, nếu có điều kiện, bạn nên trang bị máy lọc không khí để giúp lọc sạch các hạt bụi còn lơ lửng trong không khí.

Ngoài vấn đề ô nhiễm không khí từ môi trường bên ngoài, còn cần phải hạn chế các nguồn sinh ô nhiễm không khí trong chính ngôi nhà của mình. Hạn chế sử dụng các chất đốt sinh khói như gỗ, than,... mà chuyển sang nguồn năng lượng sạch như điện, năng lượng mặt trời.

Khi độ ẩm không khí quá cao, cần có cách để giảm độ ẩm trong nhà. Độ ẩm trong nhà nên duy trì trong khoảng 55 - 60% là lý tưởng để kiểm soát các mầm bệnh trong nhà. Người bị dị ứng thường dị ứng với mạt bụi nhà, nấm mốc. Hai thành phần này phát triển tốt trong điều kiện nóng ẩm, nhất là khi độ ẩm không khí trên 60%.

13. Máy lọc không khí 360 độ có ưu điểm gì vượt trội?

Câu hỏi khán giả: BS ơi, dùng máy lọc không khí thì nên đặt máy ở vị trí nào thì không khí ở chỗ đó mới sạch thôi đúng không ạ? Nhờ BS tư vấn giúp em loại máy nào có thể làm sạch không khí khắp gian phòng.

Em tìm hiểu và đang “kết” dòng máy lọc không khí 360 HIT của LG có luồng không khí 360 độ, như vật có phải không khí khắp nhà sẽ được làm sạch hơn không, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Công nghệ sản xuất máy lọc không khí trước đây chỉ hút không khí ở một đầu và thổi không khí sạch ra ở đầu kia. Điều này cũng giúp không khí luân chuyển 2 chiều, giúp làm sạch không khí trong cả phòng, không riêng gì tại vị trí đặt máy.

Tuy nhiên, thiết kế cũ khiến hiệu quả lọc không khí khắp phòng có phần hạn chế và chậm hơn. Do đó nhà sản xuất đã nghiên cứu loại máy lọc có khả năng hút không khí 360 độ và trả không khí sạch từ phía trên. Không khí được luân chuyển khắp phòng, hiệu quả lọc nhanh và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, vấn đề cần lưu tâm là diện tích căn phòng để chọn loại máy lọc không khí phù hợp. Máy lọc không khí LG 360 HIT có thể lọc được cho diện tích khoảng 60m2, nếu phòng của bạn từ 60m2 trở xuống thì hoàn toàn có thể sử dụng. Nhưng nếu diện tích phòng lớn hơn công suất máy, cần cân nhắc chọn máy lọc có công suất cao hơn.

14. Máy lọc không khí có cảm biến tự động, nâng cao khả năng làm sạch

Câu hỏi khán giả: Nhà tôi ở Thái Nguyên, tứ bề đều là khu công nghiệp. Nhà cửa lúc nào cũng bụi bặm, lau nhà được vài tiếng lại phủ đầy bụi khiến cho lúc nào cũng phải đóng kín cửa. Thế nhưng đây cũng không phải là cách lâu dài.

Dùng máy lọc không khí có giải quyết được tình trạng này không? Máy lọc không khí có cho chúng ta biết khi nào không khí bị ô nhiễm, khi nào không khí đã lọc sạch, có thể tắt máy không, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Khó có phương pháp nào giải quyết triệt để ô nhiễm không khí, vì nguồn ô nhiễm vẫn tồn tại. Song, phối hợp nhiều phương pháp có thể giúp hiệu quả bảo vệ tăng lên. Ngoài lau nhà, hút bụi thông thường, nên trang bị thêm thiết bị lọc không khí để tăng hiệu quả làm sạch không khí.

Các loại máy lọc không khí hiện đại có chức năng báo mức độ ô nhiễm không khí. Một số máy có thể báo động lượng PM2.5 hoặc PM1.0; dòng máy khác lại báo động được lượng chất hữu cơ bay hơi trong không khí đang ở mức độ nào.

Bản thân tôi cũng đang sử dụng máy lọc không khí. Mỗi khi xịt nước hoa, máy lập tức thông báo có VOC - hóa chất hữu cơ bay hơi và tự động tăng công suất lọc. Cảm biến này giúp việc lọc không khí hiệu quả hơn.

15. Màng lọc HEPA có khả năng hút sạch bụi mịn PM1.0

Câu hỏi khán giả: Nhà tôi gần khu công nghiệp, bụi đá, bột nhựa phát tán ra không khí nhiều vô cùng. Máy lọc không khí 360 HIT của LG có lọc được bụi đá, bột nhựa không?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Bụi đá, bột nhựa cũng sẽ trở thành những hạt bụi mịn. Máy lọc không khí có trang bị màng lọc HEPA có thể lọc bụi mịn có kích thước dưới 2,5µm, thậm chí chỉ 1µm.

Do đó, theo tôi, máy lọc không khí có màng lọc HEPA có thể lọc 90 - 99% các hạt bụi mịn xuất phát từ bụi gỗ, bụi đá...

Trân trọng cảm ơn TS.BS Phạm Lê Duy  và LG Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X