Viêm phổi do virus nguy hiểm đến mức nào, làm sao để phòng ngừa?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch LCH Hô hấp TPHCM - Nhà sáng lập Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, viêm phổi do virus tiến triển nặng có thể gây ra tình trạng suy hô hấp, thậm chí tử vong. Vì vậy, chúng ta cần chủng ngừa tốt và tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe, tăng cường miễn dịch.
1. Virus nào gây viêm phổi nặng?
Viêm phổi nặng này gây ra do những loại virus gì thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Virus chiếm đa số trong tất cả các bệnh nhiễm trùng hô hấp, trong đó phần lớn do virus cảm.
Biểu hiện triệu chứng của viêm đường hô hấp trên rất nhẹ. Tuy nhiên có những loại virus có thể gây ra nhiễm trùng hô hấp nặng như cúm mùa.
Ngoài ra, dịch COVID-19 vừa rồi cũng là một tác nhân, do Coronavirus là một virus lạ nên biểu hiện rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.
Bên cạnh đó, trước đây có những trường hợp cúm gà với bệnh cảnh nặng nề và tỷ lệ tử vong còn cao hơn Coronavirus.
Năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha gây ra tổn thất nhân mạng từ 20 - 40 triệu người trên toàn thế giới.
Sau này, có những dịch cúm khác như cúm châu Á hay cúm Hồng Kông cũng gây ra những trận đại dịch rất lớn trong lịch sử.
Cúm đa phần biểu hiện nhẹ, tuy nhiên 1 số người có cơ địa đặc biệt có thể diễn tiến nặng và gây tử vong.
2. Độc tính của virus và miễn dịch suy yếu là yếu tố làm virus viêm phổi nặng hơn
Bệnh viêm phổi do virus khác thế nào so với các loại bệnh viêm phổi do nguyên nhân khác, thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Khoảng 80% viêm phổi do virus là viêm phổi nhẹ, giống với các viêm phổi do vi khuẩn khác, chỉ có 20% là viêm phổi nặng do virus hoặc các tác nhân như vi khuẩn hoặc nấm.
Bệnh diễn tiến nặng do virus lạ (lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới) xâm nhập vào trong cơ thể với những cơ địa đặc biệt. Bên cạnh đó, sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể yếu như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền,… có thể gây ra viêm phổi nặng hoặc sau khi nhiễm virus sẽ bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm và gây ra bệnh lý nặng nề hơn so với nhiễm vi khuẩn đơn thuần.
Có thể thấy, virus gây ra viêm phổi nặng phụ thuộc vào độc tính của virus và do miễn dịch suy yếu là 2 yếu tố quan trọng làm virus viêm phổi trở nên nặng.
3. Xét nghiệm nào giúp chẩn đoán viêm phổi do virus?
Viêm phổi do virus được xét nghiệm thế nào để được chẩn đoán đúng bệnh? Bệnh nhân có cần phải đến tuyến cao như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hay Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hay không?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Cảm và cúm là bệnh do 2 nhóm virus khác nhau.
Thông thường, virus cảm (khoảng 200 loại virus) chỉ gây ra triệu chứng ở đường hô hấp trên như đau họng, nhức đầu, mệt mỏi nhẹ,… sau khoảng 1 tuần sẽ đỡ. Do đó không cần quan tâm nhiều, chỉ cần uống thuốc để giảm triệu chứng và bệnh sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên nếu mắc cúm bệnh cảnh sẽ nặng hơn như nhức đầu rất nhiều, sốt cao, bệnh nhân mau đuối sức, xảy ra biến chứng,… Do đó, khi bị cúm nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị.
Thông thường, các bác sĩ trên lâm sàng có thể thăm khám và chẩn đoán được cúm mùa. Tuy nhiên, để chẩn đoán phân biệt giữa các loại cúm như nhiễm COVID-19 hay cúm mùa hay những virus khác thì cần có xét nghiệm sinh học phân tử vì virus không thể cấy được.
Hiện nay, phương tiện này khá phổ biến ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, kể cả tuyến huyện như xét nghiệm PCR, thậm chí một số nơi có test nhanh chẩn đoán cúm, có thể nhận diện ngay nguyên nhân của triệu chứng hô hấp này là do virus cúm mùa hay do COVID-19 hay virus hợp bào hô hấp RSV,…
4. Dấu hiệu nào cho thấy đang mắc viêm phổi nặng do virus?
Những dấu hiệu nào cho thấy một người có thể đang mắc viêm phổi nặng do virus mà người dân cần chú ý thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Triệu chứng của viêm phổi là bệnh nhân sẽ ho. Đối với nhiễm virus hoặc vi khuẩn không điển hình, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, sau đó bệnh nhân sẽ ho (ho khan hoặc ho đàm nhầy, trong).
Nếu viêm phổi lan rộng, bệnh nhân sẽ có triệu chứng khó thở, khởi đầu là nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút, cảm giác như thiếu hơi thở, cần thở nhanh, co kéo các cơ hô hấp. Khi đo SpO2 nếu độ bão hòa oxy trong máu khoảng dưới 94% thì đây là viêm phổi có khả năng tiến triển nặng. Lúc đó phải đến ngay cơ sở y tế để chụp X-quang phổi, thậm chí chụp CT ngực để chẩn đoán xác định.
Trường hợp bệnh nhân tiến triển nặng hơn cần phải xét nghiệm máu, xét nghiệm các cơ quan để xem có tổn thương ngoài phổi không, từ đó xác định mức độ tiến triển nghiêm trọng và khả năng tử vong. Khi đó, bác sĩ sẽ quyết định cho nhập viện, thở oxy hoặc điều trị kháng sinh, điều trị thuốc hỗ trợ, thậm chí phải thở máy.
5. Ai dễ mắc viêm phổi nặng?
Những nhóm người nào sẽ có nguy có mắc viêm phổi nặng thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Thông thường, khi nhiễm cúm hay nhiễm COVID-19 đa phần là nhiễm ở đường hô hấp trên, cũng như đường khí phế quản và hiếm khi gây ra viêm phổi.
Nếu viêm phổi do virus cần lưu ý đặc biệt trên những người lớn tuổi (> 60 tuổi), có bệnh nền, COPD, đái tháo đường, suy tim, bệnh thận mạn hoặc trẻ em, phụ nữ mang thai,… Lúc đó phải chụp X-quang ngực hoặc CT ngực.
Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu của viêm phổi do virus thì những đối tượng này có khả năng sẽ tiến triển nặng và phải cho nhập viện để điều trị sớm.
6. Viêm phổi nặng có thể gây ra biến chứng gì?
Đối với những người mắc viêm phổi nặng không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng gì ạ?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Viêm phổi do virus tiến triển nặng có thể gây ra tình trạng suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 3 - 5 triệu ca cúm nặng, trong đó có trên 10.000 ca tử vong. Đối với toàn cầu, mỗi năm có khoảng 250.000 ca tử vong, có năm lên đến 500.000 ca tử vong. Tuy nhiên, cúm mùa diễn ra hằng năm nên đôi khi chúng ta không chú ý và không chủng ngừa.
Cúm mùa có khả năng gây tử vong và biến chứng viêm phổi kèm theo sau cúm do những tác nhân vi khuẩn gây ra như phế cầu, tụ cầu,… Nếu các tác nhân viêm phổi này xuất hiện trên bệnh nhân cúm thì tiến triển sẽ rất nặng. Trường hợp đồng nhiễm vừa virus cúm và vừa vi khuẩn thì diễn tiến sẽ nặng hơn so với nhiễm cúm hoặc nhiễm vi khuẩn thông thường.
Biến chứng của cúm khá nghiêm trọng trong khi thuốc chủng ngừa cúm phá phổ biến. Tuy nhiên đến khoảng 70% người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam không chủng ngừa cúm, mặc dù có bệnh nền nặng. Kể cả đối với lực lượng y tế tỷ lệ chủng ngừa cúm hằng năm cũng rất thấp.
7. Có các phương pháp nào giúp phòng tránh viêm phổi nặng do virus?
Nhờ BS cho biết, những phương pháp phòng tránh viêm phổi nặng do virus mà người dân cần thực hiện là gì? Tiêm phòng viêm phổi nặng hiện nay đã có những loại vắc xin nào?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Hiện nay, ngoài vắc xin COVID-19 mà chúng ta đã có kinh nghiệm trải qua thì chủng ngừa cúm hằng năm được khuyến cáo cho những người lớn tuổi (> 60 tuổi), có bệnh nền, phụ nữ mang thai,… Chủng virus cúm biến đổi hằng năm nên phải chủng ngừa mỗi năm với tác dụng bảo vệ từ 60 - 80%.
Bên cạnh đó, những đối tượng có nguy cơ thì chủng ngừa vừa cúm vừa phế cầu sẽ có tác dụng bảo vệ lên đến 80% và tỷ lệ tử vong giảm đi rất nhiều.
Sắp tới, Việt nam sẽ có vắc xin chủng ngừa virus hợp bào hô hấp, vì virus này tác hại cũng không kém virus cúm.
Ngoài ra, chúng ta cần có biện pháp tăng cường miễn dịch của cơ thể như:
- Ngay từ trẻ phải tập luyện thể dục thể thao hằng ngày.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ quả,…
- Đặc biệt người lớn tuổi có bệnh nền nên điều trị tối ưu bệnh nền của mình như người cao huyết áp phải duy trì mức huyết áp lý tưởng, tiểu đường phải có mức đường huyết bình thường,… vì đây là bệnh lý cần điều trị suốt đời và giữ mức ổn định. Như vậy, tác hại của cúm sẽ giảm thiểu nhiều đối với những người có bệnh nền nhưng đã điều trị ổn định.
- Nghỉ ngơi hợp lý để giữ gìn sức khỏe, tăng cường sức đề kháng để khi cúm xâm nhập sẽ gây bệnh cảnh nhẹ, không tiến triển nặng.
- Cần phải có chủng ngừa để tạo ra kháng thể chủ động, khi virus xâm nhập vào thì cơ thể sẽ đáp ứng miễn dịch ngay để chống lại virus cúm hoặc làm bệnh không diễn tiến nặng hơn.
8. Làm sao để bảo vệ sức khỏe trước không khí ô nhiễm?
BS có lời khuyên nào cho người dân để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi viêm phổi nặng do virus trong thời gian tới? Nhất là gần đây TPHCM có những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng thì cần có biện pháp gì hữu hiệu để bảo vệ phổi?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Có mối liên quan rất mật thiết giữa những nhiễm trùng do vi khuẩn, virus với ô nhiễm không khí.
Những hạt bụi mịn thường mang theo các tác nhân vi sinh vật, trong đó có vi khuẩn, virus, do đó những nơi càng ô nhiễm thì nhiễm trùng hô hấp càng gia tăng. Sự phát tán của vi khuẩn, virus cũng gia tăng lên khi môi trường ô nhiễm.
Do đó, cần bảo vệ bản thân bằng cách:
- Tập luyện thể dục thể thao, duy trì sức khỏe.
- Điều trị bệnh nền.
- Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không nên thức khuya.
- Không hút thuốc lá, không uống rượu bia quá nhiều,… Những người trẻ chưa thấy sức khỏe suy giảm nên thường tiêu tốn sức khỏe vào thuốc lá, rượu bia từ đó làm giảm sức đề kháng theo năm tháng và bắt đầu xuất hiện các bệnh mãn tính khác làm cho tình trạng miễn dịch suy yếu.
- Vệ sinh cá nhân, giữ gìn sạch sẽ trong nhà.
- Cần có chương trình cộng đồng để bảo vệ môi trường sống xung quanh, không nên vứt rác bừa bãi xung quanh nhà, kinh rạch,… sẽ không tốt cho sức khỏe bản thân và cộng đồng, gây ô nhiễm.
Do đó, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường sống trong nhà và bên ngoài cộng đồng để tránh ô nhiễm không khí là việc làm rất quan trọng giúp giảm thiểu, phòng ngừa các trường hợp nhiễm tác nhân vi sinh vật, trong đó có virus. Đồng thời giảm thiểu sự phát tán, lây lan của virus ra cộng đồng xung quanh để tránh trở thành đại dịch trong tương lai.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình