Hotline 24/7
08983-08983

Chàng du học sinh không đầu hàng bệnh ung thư máu

Khi chỉ còn 2 tháng là tốt nghiệp ngành CNTT tại Nga, Vũ Trường An nhận tin sét đánh khi biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối.

Về Việt Nam chữa bệnh, An lập dự án giúp "tìm lại nụ cười" cho trẻ mắc bệnh ung thư.

Trong những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh đấu tranh với căn bệnh ung thư máu, Vũ Trường An vẫn miệt mài bên dự án "Niềm tin và hy vọng", với mong muốn giúp đỡ các em nhỏ bị ung thư tìm lại nụ cười.

Tại tầng 8 của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), chàng trai 25 tuổi này hăng say làm việc bên máy vi tính. Trong cách nói chuyện, An luôn thể hiện sự lạc quan, đầy nhiệt huyết, nhưng khi kể lại câu chuyện của mình, ánh mắt An thoáng buồn.

Vũ Trường An sinh năm 1986, là con út trong gia đình có 6 người con ở xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình). Bố mẹ và các anh chị của An quanh năm đầu tắt mặt tối nơi đồng ruộng với nguồn thu nhập còm cõi. An là niềm tự hào của cả gia đình khi đỗ vào khoa Công nghệ Thông tin (ĐH Thái Nguyên) năm 2004.

Trường An trong những ngày du học tại Nga. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Niềm vui được nhân lên gấp bội khi An nhận được học bổng tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Tula (Liên bang Nga) do đạt thành tích xuất sắc trong học kỳ I của năm đầu tiên.

Sau những năm tháng tu nghiệp tại nước ngoài, ngỡ tương lai sẽ rộng mở với An, nhưng sự thật lại quá nghiệt ngã. "Tháng 5/2010 khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là thi tốt nghiệp, em phát hiện bị ung thư máu giai đoạn cuối và phải trở về Việt Nam. Sau đó em nhập Viện 103 để điều trị và giờ là Viện Huyết học", giọng An chùng xuống.

Cuộc đấu tranh giành giật sự sống của chàng trai cũng bắt đầu từ đó. Bệnh ung thư hoành hành khiến An bị liệt nửa người bên trái và luôn ở trạng thái hôn mê sâu. Chứng động kinh, lên cơn co giật cũng bắt đầu xuất hiện. Ngày ngày An nằm trên giường bệnh với cái đầu trọc không còn một cọng tóc, chân tay teo tóp không cử động được và miệng bị méo đi do hệ quả của những đợt trị liệu bằng hóa chất. Các bác sĩ cho biết, An có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Những tưởng sẽ là dấu chấm hết, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, An đã không chịu đầu hàng số phận và cho ra đời dự án "Niềm tin và hy vọng", thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức tham gia.

Người mẹ luôn bên cạnh để chăm sóc An trong những ngày anh nằm viện. Ảnh: Phạm Oanh.

An kể, những ngày điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, được tận mắt chứng kiến nỗi đau và bất hạnh của những em nhỏ mang bệnh giống mình, An tự nhủ phải làm được điều gì đó cho các em và dự án được ra đời.

Một loạt công việc như: lắp truyền hình cáp chiếu phim hoạt hình phục vụ bệnh nhi trong khi truyền hóa chất; tạo bình nước lọc tự động trong phòng bệnh để đảm bảo vệ sinh và tiện lợi; xây dựng phòng vui chơi có sách truyện; tổ chức sinh nhật hàng tháng cho các em... đều được An lên kế hoạch và triển khai.

"Các em còn quá nhỏ để phải chịu những bất hạnh do bệnh tật mang lại. Bản thân là người mang trong mình căn bệnh ung thư nên tôi hiểu các em khát khao được sống như thế nào. Vì thế tôi mong muốn được cùng cộng đồng chung tay, góp sức tạo món quà nhỏ để các em có niềm vui chiến thắng bệnh tật", An chia sẻ.

Thấy được tính nhân văn sâu sắc của dự án "Niềm tin và hy vọng", nhiều cá nhân, tổ chức đã liên lạc và giúp đỡ An thực hiện một số hoạt động. Tại Viện Huyết học, lần đầu tiên bệnh nhi được đón sinh nhật do An và các tình nguyện viên tổ chức. Quà tặng đơn giản chỉ là chiếc kẹo hay búp bê cũ quyên góp được, nhưng đã làm thức dậy nụ cười ở các em.

Các bác sĩ và người nhà bệnh nhân đều bất ngờ trước những gì An làm được. Và không biết tự lúc nào các em đều thân mật gọi An là "anh trai". Người nhà bệnh nhân cũng coi An như con, họ vui mừng khi thấy những bước chân tập tễnh khó nhọc của anh mỗi lần đến thăm. An động viên từng em phải cố gắng sống để chiến thắng bệnh tật trong khi bản thân mình cũng đang cận kề cái chết.

Sau những đợt hóa trị, An miệt mài bên máy tính để xây dựng dự án “Niềm tin và hi vọng”
Sau những đợt hóa trị, An miệt mài ngồi xây dựng dự án "Niềm tin và hy vọng". Ảnh: Phạm Oanh.

Nằm trên giường bệnh, An trăn trở: "Tôi chỉ có thể lên kế hoạch cho dự án, không biết cuộc sống cho tôi bao nhiêu thời gian, có thể là một năm, 2 năm, nhưng cũng có thể ngày mai, ngày kia thôi tôi sẽ ra đi. Tôi chỉ có một ước nguyện là khi không thể tự mình thực hiện được dự án, các bạn tình nguyện viên và nhà hảo tâm sẽ thay tôi làm tiếp những công việc này".

Trong những ngày ngắn ngủi còn lại trên đời, chàng trai 25 xuân xanh này vẫn cần mẫn với dự án để mong muốn mang lại nhiều hơn nữa nụ cười cho các em thơ.
 

Khi còn du học tại Nga, Vũ Trường An là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại ĐH Tổng hợp Quốc gia Tula, Phó trưởng nhóm hoạt động từ thiện 2W tại Tula, tác giả cuốn e-book miễn phí "Sổ tay Photoshop 2007", đồng thời là người sáng lập trang web của cộng đồng sinh viên tại Tula.

Không những thế, An còn là trưởng dự án "Тёплая зима" mùa đông ấm áp quyên góp quần áo cũ ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn. Dự án đã nhận được giấy khen tại trại hè thanh niên quốc tế tại Liên bang Nga.

Trong dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long, An đã vận động các sinh viên đang theo học cùng tổ chức Festival quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè nước Nga và được truyền thông nước này đưa tin. Vì những đóng góp đó mà An đã vinh dự nhận giấy khen của Ban chấp hành Liên chi ĐH Tổng hợp Quốc gia Tula. Tháng 10/2010, Vũ Trường An nhận giải thưởng công dân toàn cầu do VTV3 tổ chức.

Cuối năm 2010, khi An đang hôn mê và cận kề cái chết, một người bạn đã gửi hồ sơ dự án "Niềm tin và hy vọng" tham dự giải thưởng Chim én 2010. Tấm gương nghị lực của An đã được nhiều bạn trẻ quan tâm và động viên. Năm 2011, Vũ Trường An tiếp tục tham dự giải thưởng Chim én (http://www.vicongdong.vn/) với mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ, giúp đỡ để dự án đem lại niềm tin, hy vọng cho những bệnh nhi ung thư.

Theo Phạm Oanh - Vnexpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X