Hotline 24/7
08983-08983

Cây chùm ngây chữa bệnh gì, ai không được dùng?

Tất cả các bộ phận của cây chùm cây như lá, hoa, quả, hạt, rễ, thân đều có thể tận dụng làm thực phẩm hoặc làm thuốc.

Tìm hiểu về cây chùm ngây


Cây chùm ngây có tên khoa học là Moringa, ở Việt Nam còn gọi với các tên khác như cây cỏ ngựa hay cây dùi trống. Chùm ngây đã xuất hiện từ khá lâu, nó được biết đến hơn 4000 năm về trước tại các quốc gia Nam Á. Ngày nay, cây chùm ngây được trồng khá rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt là Châu Phi và các quốc gia Châu Á (trong đó có Việt Nam).

Cây thân mộc cao cỡ trung bình, ở độ tuổi trưởng thành cây có thể mọc cao hàng chục mét. 1 tuổi nếu không cắt ngọn cây có thể cao tới 5 - 6m và có đường kính 10cm. 3 - 4 năm tuổi là cây ở độ tuổi trưởng thành.

Thân cây óng chuốt, không có gai. Lá kép dài 30 - 60cm, hình lông chim, màu xanh mốc; mọc đối có 6 - 9 đôi. Đây là loại cây có hoa, hoa giống hoa đậu, khi cây được 1 năm thì ra hoa màu trắng kem, mọc thành chùy ở nách lá, có lông tơ, nhiều mật.

Quả chùm ngây cũng dạng nang treo, gần giống quả đậu đũa, to bằng ngón tay cái, dài hơn 1 gang tay, khi non ăn rất ngon. Hạt chùm ngây cũng giống như hạt đậu, hình tròn, có màu đen, có thể sử dụng làm  hạt giống chùm ngây để trồng.

Hình ảnh lá và quả chùm ngây. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cây chùm ngây tốt như thế nào?


Trong một nghiên cứu của Trung tâm sức khỏe toàn cầu,Trường Đại học Johns Hopkins tại Mỹ cho thấy, cây chùm ngây còn chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp. Trong đó bao gồm 46 chất chống oxy hóa, 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất và 18 loại axit amin.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), chùm ngây là loại cây chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, không chỉ được chế biến thành các món ăn ngon mà còn có tác dụng điều trị một số bệnh như: thiếu máu, còi xương, hạ huyết áp, các bệnh về gan, tim mạch…

Chỉ cần dùng 2 chén canh rau chùm ngây sẽ cung cấp được dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt tốt cho trẻ em suy dinh dưỡng và người cân hồi phục sức khỏe sau quá trình điều trị. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Tất cả các bộ phận lá, hoa, quả, hạt, rễ, thân của cây chùm cây đều có thể tận dụng làm thực phẩm hoặc làm thuốc. Trong đó, lá giàu chất dinh dưỡng hơn cả nên thường được sử dụng nhiều. Cứ khoảng 100g lá cây chùm ngây sẽ có 8,28 cacbonhydrat, 2g chất xơ, 1,4g chất béo, 9,4g protein, 78,66g nước, 147mg magie, 1.063mg mangan, 337mg kali, 9mg natri...

Lá của cây chùm ngây dùng nấu canh rất ngọt và bổ dưỡng, chỉ cần mỗi ngày dùng 2 chén canh rau chùm ngây (tương đương 10g-15g lá khô) sẽ cung cấp được dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt tốt cho trẻ em suy dinh dưỡng và người cân hồi phục sức khỏe sau quá trình điều trị. Có thể sử dụng lá non chùm ngây làm sa lát, xào thịt hoặc xay thành bột pha nước đun sôi để nguội cho tiện dùng. Lưu ý, khi nấu canh rau chùm ngây chỉ cần vừa chín tới để bảo tồn tốt nhất dưỡng chất, không cần nhiều rau vì lượng dinh dưỡng trong rau rất cao, nêm ít gia vị, không cần hoặc cần rất ít mì chính vì rau có vị ngọt đậm tự nhiên.

Ngoài ra, kết hợp chùm ngây và gừng còn giúp hỗ trợ điều trị viêm khớp, ngăn ngừa ung thư, giảm lượng cholesterol, nhức đầu. Phương thuốc này cũng rất dễ thực hiện. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm 10 lá chùm ngây xanh, 85g gừng tươi, một thìa mật ong, 4 ly nước. Đầu tiên, rửa và cắt lát gừng, đun sôi với nước trong 10 phút. Sau đó, cho lá chùm ngây vào nước gừng ngâm một lát rồi thêm mật ong cho vừa miệng. Uống hỗn hợp này ngày 2 lần vào buổi sáng và trước khi đi ngủ, mỗi lần một cốc nhỏ.

Lá chùm ngây giã nát đắp lên vết thương sẽ giúp trị sưng và nhọt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Một số bài thuốc khác:

Trị u xơ tiền liệt tuyến:
Lấy 100g rễ cây chùm ngây còn tươi và 80g lá trinh nữ hoàng cung, rửa sạch và nấu cùng 2 lít nước. Đến khi còn nửa lít thì chia ra uống 3 lần trong ngày, sau giờ ăn cơm. Uống liên tục trong vòng 1 tháng bệnh sẽ có chuyển biến tích cực.

Viêm xoang:
Chùm ngây, kim vàng, cỏ hôi, bạc đầu, mắc cỡ, lá lốt, mơ lông mỗi thứ 30g, thủy xương bồ, hương phụ mỗi thứ 10g sắc thuốc với 3 chén nước còn lại 8 phân để uống. Do đã phối hợp cùng các vị thuốc khác, nên bài thuốc này có thể dùng kéo dài thay vì không nên sử dụng hơn 1 tuần như khi uống độc vị chùm ngây.

Trị suy nhược cơ thể: Lấy 150g lá chùm ngây non rửa sạch, giã nát hoặc xay cùng với 350ml nước sôi để nguội. Sau đó chắt lấy phần nước cốt và thêm 2 thìa mật ong hòa tan và uống liên tục mỗi ngày sau khi ăn sáng.

Trị sưng và nhọt: Lá chùm ngây giã nát đắp lên vết thương hoặc có thể trộn với mật ong đắp lên mắt trị sưng đỏ.

Lá là bộ phận giàu chất dinh dưỡng nhất của cây chùm ngây. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Ai chống chỉ định với cây chùm ngây?


Hiện nay có nhiều thông tin đồn thổi về tác dụng chữa bách bệnh của loài cây này, thậm chí trị khỏi hẳn cả những bệnh nan y như ung thư, tiểu đường… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mặc dù chùm ngây là loại cây tốt, có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng chắc chắn nó không phải là “thần dược”, “trị bách bệnh” như chúng ta lầm tưởng.

Đặc biệt, phụ nữ có thai không nên ăn chùm ngây vì trong loại rau này có alpha - sitosterol gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Phụ nữ có thai giai đoạn đầu tuyệt đối không nên ăn rau chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và mẹ.

Bên cạnh đó, khi sử dụng chùm ngây có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hoặc tình trạng sức khỏe của bạn. Do đó, bất kỳ ai cũng nên tham khảo y kiến tư vấn của thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi sử dụng để tránh những sự cố đáng tiếc.

Những lưu ý khi sử dụng cây chùm ngây

Bất cứ loại thực phẩm nào khi đưa vào thực đơn bữa cơm cũng cần cân nhắc về số lượng và chất lượng. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để cân bằng dinh dưỡng. Ăn quá nhiều một loại trong thời gian dài sẽ không tốt. Rau chùm ngây cũng không ngoại lệ.

Do đó, bạn không nên ăn quá nhiều rau chùm ngây vì loại cây này có nhiều dưỡng chất, hàm lượng vitamin C và canxi. Nếu ăn nhiều dẫn đến thừa canxi, vitamin C, gây những hậu quả xấu cho sức khỏe.

Ngoài ra, cần tránh ăn chùm ngây vào buổi tối để đảm bảo giấc ngủ của bạn vì loại cây này mất ngủ.

Cách trồng và chăm sóc cây chùm ngây tại nhà


Bạn có thể mua giống hoặc cây con tại các cửa hàng bán hạt giống. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Nhà bạn có một khu vườn nhỏ xinh xinh trồng đủ các loại rau, vậy tại sao không “kết nạp” ngay cây chùm ngây vào đội ngũ này, vừa làm món ăn lại tốt cho sức khỏe mà rất dễ chăm sóc.

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị bao nylon hoặc chậu nhựa có lỗ thoát nước, đường kính khoảng 15cm-20cm và sâu chừng 25-30cm. Sau đó đổ đất xốp và thùng chậu, đặt hạt giống chùm ngày sâu khoảng 25mm dưới lớp đất xốp, phủ và nén đến nhè nhẹ. Bạn nên tưới nước cầm chừng, không để khô quá hoặc ướt quá. Sau 3 ngày hạt nẩy mầm, và cây sẽ ló ra khỏi mặt đất sau chừng 1 tuần, rồi tiếp tục giữ ẩm không để quá khô, và tuyệt đối không để sũng nước.

Cây chùm ngây chuộng đất ráo nước, nhiều cát, dù là đất xấu cũng dễ mọc, chịu được hạn hán, ưa nắng. Cây hầu như không bị sâu bệnh hại do đó chăm sóc cây không cần điều kiện gì đặc biệt về phân bón và nước tưới.

Tuy nhiên, cây không chịu được úng ngập và dễ chết nếu không được thoát nước tốt. Biểu hiện ban đầu của sự dư nước dưới rễ chùm ngây là trên lá cây xuất hiện những đốm trắng, khi đó người trồng cây cần ngưng tưới hoặc tìm cách thoát nước cho cây.

Bạn có thể mua giống và tư vấn thêm cách trồng, chăm sóc chùm ngây tại các cửa hàng bán hạt giống.

Một số hình ảnh về cây chùm ngây:





Ảnh - Internet

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X