Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật phương pháp kiểm soát và loại thuốc mới trong điều trị tăng huyết áp

Hội nghị khoa học “Xu hướng mới trong điều trị bệnh Tim mạch 2024” do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức với 45 phiên báo cáo, diễn ra trong hai ngày tại TPHCM. Trong đó, phiên 1 tại Hội trường TPHCM với chủ đề “Bảo vệ tối ưu cho bệnh nhân huyết áp” được các chuyên gia cập nhật các phương pháp và loại thuốc điều trị mới cho bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường và các bệnh lý đồng mắc liên quan đến tim mạch.

Chủ tọa đoàn phiên 1 - Hội trường TPHCM “Bảo vệ tối ưu cho bệnh nhân huyết áp”: GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương (BS cầm mic) và GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch LCH Tim mạch TPHCM (mặc áo xanh)

Đo huyết áp chính xác, kiểm soát huyết áp để sống lâu hơn

Mở đầu phiên báo cáo với chủ đề “Xu hướng chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp 2024: Có gì nổi bật?”, PGS.TS.BS Trần Văn Huy - Phó Chủ tịch Phân hội Tăng Huyết áp Việt Nam nhấn mạnh, tăng huyết áp là một gánh nặng tử vong trên toàn cầu, ước tính có 1,3 tỷ người trên thế giới mắc vấn đề này. Trong đó, chỉ có 42% số người bị tăng huyết áp được chẩn đoán, điều trị, nhưng chỉ có 21% tỷ lệ kiểm soát huyết áp tốt.

Chẩn đoán tăng huyết áp ngày nay chủ yếu dựa vào huyết áp phòng khám với mục tiêu >140/90mmHg. Vấn đề cần giải quyết, phải đo huyết áp chính xác và tránh huyết áp choàng trắng, do đó, xu hướng hiện nay là đo huyết áp tại nhà với mục tiêu huyết áp >135/85mmHg được áp dụng tại Canada, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Đặc biệt, tăng huyết áp có khuynh hướng cao hơn vào buổi sáng, vì vậy, việc đo huyết áp cần tiến hành sau khi ngủ dậy, đi tiểu. Một giờ sau đó, bệnh nhân nên đo lại và lấy chỉ số trung bình là >135/85mmHg để chẩn đoán tăng huyết áp buổi sáng.

Đề cập đến xu hướng mới trong điều trị tăng huyết áp, vị chuyên gia cho biết, việc điều trị hiện nay, huyết áp mục tiêu ở tất cả các phương pháp là dưới 130/80mmHg. Xu hướng là phối hợp thuốc cố định liều thấp.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021, người bị tăng huyết áp không bệnh đồng mắc, cần điều trị thuốc ngay khi huyết áp >140/90 mmHg và đích là dưới 140/80mmHg. Người có huyết áp bình thường cao >130/85mmHg ở người đã có bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn hoặc nguy cơ cao cần điều trị thuốc với đích <130mmHg.

PGS.TS.BS Trần Văn Huy - Phó Chủ tịch Phân hội Tăng Huyết áp Việt Nam

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân kiểm soát được huyết áp rất thấp, ngay tại Hoa Kỳ 2017 - 2020, tỷ lệ bệnh nhân có thể kiểm soát huyết áp chỉ đạt 21-27%. Nguyên nhân dự đoán là do giảm sức đề kháng nhưng thực chất là vấn đề điều trị chưa thỏa đáng, đo huyết áp không chính xác, tăng huyết áp choàng trắng và không tuân thủ kiểm soát huyết áp.

Giải pháp cho vấn đề này là cần tìm ra những tác nhân mới có thể điều trị huyết áp không kiểm soát đến tăng huyết áp kháng trị. Trong đó, MSNP là một phân tử mới tương tự ANP, ở người tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa, việc tiêm dưới da MANP một lần được xác định là an toàn và tăng mức độ cGMP trong huyết tương, giảm huyết áp, giảm đề kháng insulin,… PGS.TS.BS Trần Văn Huy nhận định, đây là thuốc tiêm có triển vọng trong tương lai.

Ngoài ra, AI thời gian tới cũng sẽ được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung cải thiện và kiểm soát tăng huyết áp. Tháng 12/2023, Hoa Kỳ đã đưa ra một quan điểm với 9 điểm cần lưu ý, nổi bật là “Đo huyết áp chính xác”. Điều này liên quan đến thông điệp “Hãy đo huyết áp chính xác, kiểm soát nó để sống lâu hơn”, đó là chủ đề của ngày thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm nay. Do đó, vấn đề kiểm soát huyết là vấn đề tiên quyết.

PGS.TS.BS Trần Văn Huy khuyến cáo, cá nhân cần thay đổi lối sống, đặc biệt là hạn chế ăn mặn, tăng cường luyện tập gắng sức và giảm stress, có giấc ngủ đầy đủ, tăng cường theo khuyến cáo phối hợp thuốc, cố định liều. Mỗi cá nhân cần tự kiểm soát tốt huyết áp tại nhà, chăm sóc sức khỏe tốt hơn để tiến đến sự thành công, mang lại lợi ích tối ưu sức khỏe.

Tăng 15,3% nguy cơ tử vong nếu không kiểm soát huyết áp trên 3 tháng

Trong chủ đề “Kết hợp sớm, tích cực thuốc hạ áp để bảo vệ tim mạch tối ưu”, PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Phó Chủ tịch LCH Can thiệp Tim mạch TPHCM cho biết, tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch thường gặp, có tỷ lệ 30-40% và tăng theo độ tuổi. Việc chẩn đoán tăng huyết áp rất dễ bằng máy đo huyết áp, thuốc điều trị tăng huyết áp có đầy đủ. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay tại Việt Nam và các nước trên thế giới, vấn đề chẩn đoán và kiểm soát, điều trị đúng vẫn không đạt được. Đó là lý do có các hội nghị “làm thế nào để điều trị tăng huyết áp tốt hơn?”.

Phó giáo sư cho rằng, cải thiện kết cục sớm cho bệnh nhân tăng huyết áp cần cả hai tác động trên chuỗi bệnh lý tim mạch: Tác động gián tiếp là sớm đạt huyết áp mục tiêu và tác động trực tiếp là lựa chọn điều trị điều trị có bằng chứng, đảm bảo nguy cơ lâu dài.

Nguyên nhân phải đạt được 2 mục tiêu trên được PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng nhấn mạnh, do tăng huyết áp không trực tiếp gây ra hậu quả nguy hiểm nhưng có thể gây tử vong thông qua các biến cố khác như: đột quỵ, bệnh mạch vành, suy tim và các tình trạng phối hợp.

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Phó Chủ tịch LCH Can thiệp Tim mạch TPHCM

Như vậy, cần điều trị tương đối và tuyệt đối, nhắm vào các kết cục tim mạch khác nhau, nếu kiểm soát được huyết áp, sẽ giảm được tất cả các biến cố tim mạch. Đồng thời, việc kiểm soát huyết áp tích cực sẽ đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra, việc kiểm soát huyết áp tại Việt Nam được đặt ra phải đưa về huyết áp mục tiêu là 130/80mmHg. Qua một nghiên cứu trên dân số thực 18.721 bệnh nhân tăng huyết áp mới chẩn đoán từ 2007 - 2012 tại Tây Ban Nha cho thấy, nguy cơ tử vong ở mọi nguyên nhân sẽ gia tăng đến 15,3% nếu trì hoãn kiểm soát huyết áp trên 3 tháng.

Mục tiêu xử trí tăng huyết áp là điều trị tích cực để nhanh chóng đạt huyết áp mục tiêu trong vòng 3 tháng với chiến lược khởi trị kết hợp với thuốc và ưu tiên dùng viên phối hợp (SPC).

Chuyên gia khuyến cáo, nếu trong quá trình điều trị, việc phối hợp liều chuẩn để kiểm soát không đạt hiệu quả, nên phối hợp thuốc khác sẽ tốt hơn việc tăng liều.

Bên cạnh đó, việc khởi trị bằng việc phối hợp 2 thuốc giúp giảm tỷ lệ tử vong và tất cả các tiêu chí về suy tim, tai biến mạch máu não, thiếu máu cục bộ,… so với điều trị bằng một thuốc. Hội Tim mạch châu Âu (ESH) năm 2023 cũng khuyến cáo viên phối hợp là điều trị chuẩn. Việc kết hợp thuốc chẹn kênh canxichẹn thụ thể Angiotensin (CCB+ARB) cũng được đồng thuận trong các khuyến cáo là phối hợp ưu tiên với bằng chứng cho thấy lợi thế trên khả năng giảm biến cố tim mạch lớn so với các phối hợp khác.

Tăng huyết áp làm tăng 2,5 lần nguy cơ xuất hiện đái tháo đường

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương (APSC)

Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Tăng huyết áp kèm đái tháo đường: Cập nhật chiến lược tối lưu bảo vệ tim mạch”, GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương (APSC) nhấn mạnh, giữa tăng huyết áp và đái tháo đường có mối liên hệ chặt chẽ về tần suất và cơ chế bệnh lý. Việc phân tầng nguy cơ là vấn đề quan trọng ngay cả khi huyết áp bệnh nhân ổn hoặc bình thường cao. Đồng thời, theo dõi huyết áp tại nhà được khuyến cáo áp dụng trong đái tháo đường và tăng huyết áp.

Theo đó, chuyên gia đưa ra khuyến cáo về các ngưỡng hạ và đích hạ huyết áp cho từng nhóm tuổi. Cụ thể:

Bệnh nhân >80 tuổi, ngưỡng hạ huyết áp là >160/90mmHg, đích hạ huyết áp là <140/80mmHg.

Ranh giới đích hạ huyết áp tối ưu ở bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường từ 18-65 tuổi, với huyết áp tâm thu là 120-130mmHg và huyết áp tâm trương là 70-79mmHg.

Ranh giới đích hạ huyết áp tối ưu ở bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường từ >65 tuổi, với huyết áp tâm thu là 130-139mmHg và huyết áp tâm trương là 70-79mmHg.

Trong tương lai, việc điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường cần cá thể hóa, phối hợp tùy mức độ nguy cơ. Nhóm thuốc được khuyến cáo sử dụng chủ yếu là nhóm ức chế RAS và mới nhất là nhóm SGLT2i có tác dụng kép.

Ngưỡng điều trị tăng huyết áp trong đái tháo đường là 140/90mmHg và đích điều trị là 130/80mmHg có thể thấp hơn nếu dung nạp. Đồng thời, việc điều trị phải bao gồm hạ lipid máu cùng các yếu tố nguy cơ khác và bệnh đồng mắc theo các khuyến cáo hiện hành.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Cũng bàn về vấn đề vấn đề tăng huyết áp kèm đái tháo đường, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã đưa ra việc “Điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân đái tháo đường: Từ khuyến cáo đến thực tế”.

Bác sĩ Hải cho biết, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân kiểm soát được huyết áp rất thấp, chỉ đạt 30-35%. Có rất nhiều lý do khiến bệnh nhân không kiểm soát huyết áp tốt, trong đó có đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu cho rằng, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng của đái tháo đường và thường xuất hiện trước đái tháo đường. Tăng huyết áp làm tăng gấp 2,5 lần nguy cơ xuất hiện đái tháo đường.  

Vị chuyên gia nhấn mạnh, khi có sự kết hợp giữa tăng huyết áp và đái tháo đường sẽ làm tăng tần suất đột quỵ, suy tim. Giữa hai bệnh lý này có các yếu tố nguy cơ chung như rối loạn lipid máu, đề kháng insulin, béo phì,…

Khi tăng huyết áp xuất hiện trên bệnh nhân đái tháo đường, sẽ làm gia tăng biến cố mạch máu lớn và biến cố mạch máu nhỏ thông qua cơ chế rối loạn chức năng nội mạc, phản ứng viêm mạch máu hoặc phản ứng xơ hóa của mạch máu.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải thông tin, để tiếp cận một bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường cần phân tầng nguy cơ. Đối với một bệnh nhân đái tháo đường sẽ phân loại nguy cơ tim mạch từ mức trung bình trở lên. Nếu có sự kết hợp giữa tăng huyết áp và đái tháo đường, người bệnh sẽ được phân tầng ở mức trung bình cao, cao hoặc nguy cơ rất cao.

Con số để khởi trị tăng huyết áp có sự khác biệt giữa các hiệp hội, trong đó Hội tăng Huyết áp châu Âu (ESH), Hội Tim mạch châu Âu (ESC) hoặc Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) (2019-2023) đồng thuận khuyến cáo cần khởi trị huyết áp khi huyết áp trên 140/90mmHg. Riêng Hội Tim mạch Hoa kỳ lấy mốc 130/80mmHg và giải thích, hầu hết bệnh nhân đái tháo đường đều có các nguy cơ tim mạch rất cao (>10%), do đó việc điều trị hạ áp cần tiến hành sớm.

Theo 2 khuyến cáo từ Phân Hội tăng Huyết áp Việt Nam 1018 và 2022, cần phải phối hợp thuốc sớm và ngay từ cầu, có thể phối hợp thuốc ức chế hệ RAS phối hợp với chẹn kênh canxi hoặc lợi tiểu thiazide-like.

Vấn đề quan trọng trên lâm sàng, nếu bệnh nhân bị đái tháo đường đến khám có huyết áp bình thường, cần kiểm tra kỹ lại kết quả, bởi vì hiện nay, vấn đề tăng huyết áp ẩn dấu chiếm đến 1/3 người mắc bệnh đái tháo đường. Bên cạnh đó, cần theo dõi huyết áp của người bệnh tại nhà.

Tụt huyết áp tư thế cũng là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, những bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi hoặc mắc bệnh đái tháo đường lâu năm sẽ có biến chứng thần kinh tự động. Khuyến cáo khi tiếp cận những bệnh nhân này, cần đo huyết áp ở tư thế ngồi và tư thế đứng. Nếu gặp trường hợp bệnh nhân tụt huyết áp tư thế xảy ra, huyết áp làm chuẩn để hạ áp là dựa vào huyết áp ở tư thế đứng.

Ngoài ra, bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường có tình trạng huyết áp tăng vào ban đêm, mất trũng huyết áp vào ban đêm; nhạy cảm muối; tăng huyết áp tâm thu đơn độc; tăng huyết áp kháng trị; nguy cơ tăng kali.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải khuyến cáo, bệnh nhân cần thay đổi lối sống để hỗ trợ điều trị hạ áp, giảm đái tháo đường là điều cần thiết.

Polypill giúp cải thiện việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân tim mạch

Kết thục phiên báo cáo PGS.TS.BS Hoàng Văn Sỹ - Trưởng Bộ môn Nội tổng quát, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Phân Hội Xơ vữa động mạch Việt Nam mang đến chủ đề “Polypill: Xu hướng mới trong thực hành lâm sàng điều trị bệnh tim mạch”.

PGS.TS.BS Hoàng Văn Sỹ cho biết, xu hướng hiện tại là phối hợp thuốc điều trị bệnh lý tim mạch. Viên polypill là xu hướng mới, kết hợp nhiều loại thuốc tác động theo cơ chế khác nhau trên hệ thống tim mạch.

Việc sử dụng polypill bởi trên thực tế, một bệnh nhân không chỉ mắc một bệnh lý tim mạch mà còn có các bệnh đồng mắc đi kèm. Nghiên cứu tại Việt Nam, hầu tết các bệnh nhân đều có trên một bệnh đồng mắc, do đó, cần sử dụng nhiều thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Theo vị chuyên gia, nếu kiểm soát càng nhiều các yếu tố nguy cơ, càng giảm được nhiều biến cố hơn cho người bệnh, đặc biệt trên bệnh nhân có nguy cơ cao.

PGS.TS.BS Hoàng Văn Sỹ - Trưởng Bộ môn Nội tổng quát, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TPHCM, Phó Chủ tịch Phân Hội Xơ vữa động mạch Việt Nam

Thứ hai là vấn đề tuân thủ điều trị, thuốc chỉ đạt hiệu quả khi bệnh nhân sử dụng và nạp vào cơ thể. Theo một nghiên cứu về các bệnh nhân điều trị hai nhóm bệnh thường gặp trên lâm sàng là tăng huyết áp và rối loạn lipid máu, sau 6 tháng, chỉ còn 1/3 bệnh nhân tuân thủ điều trị, số còn lại ngưng thuốc hoặc giảm liều. Từ đó, không đạt được đích điều trị, dẫn đến các biến cố tim mạch không như mong muốn.

Trong khi đó, rất nhiều biến cố về tim mạch có thể ngăn ngừa được và 1 trong 10 biến cố tim mạch có nguyên nhân là không tuân thủ điều trị bằng thuốc. Nhiều hy vọng đặt ra, việc phối hợp nhiều loại thuốc trong cùng một viên thuốc sẽ giúp cải thiện được sự tuân thủ điều trị cho bệnh nhân. Qua các công trình nghiên cứu, phối hợp nhiều thuốc trong cùng một viên, tăng được 44% sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Bởi vì việc phối hợp này làm đơn giản hóa liều điều trị.

Hiệu quả của viên polypill đã được chứng minh trong nhiều công trình nghiên cứu. Dựa trên sự kết hợp của các thuốc thiết yếu với liều cố định là chiến lược an toàn để kiểm soát được nhiều yếu tố nguy cơ và giảm biến cố tim mạch ở các bệnh nhân có nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao trong dự phòng tiên phát thứ phát. Bên cạnh đó, viên thuốc polypill là cơ hội để tiếp cận toàn diện yếu tố nguy cơ trong chương trình sức khỏe qua việc thay đổi cách kê toa trong điều trị nguy cơ tổng thể hơn so với yếu tố cá nhân.

Ngoài ra, phân tích của ASCOT 2009, dùng viên polypill phối hợp atorvastatin/ Perindopril/ Amlodipine giúp giảm đến 39% nguy cơ biến cố về tim mạch, tử vong và vấn đề cần can thiệp tái thiếu máu mạch vành,… PGS.TS.BS Hoàng Văn Sỹ nhấn mạnh, đây chính là xu hướng có thể xem xét trong thực hành khi quản lý bệnh nhân tim mạch trong cộng đồng.

Hội nghị khoa học “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024” (NTCC 2024) do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức tại Khách sạn New World Saigon diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/5/2024.

120 báo cáo viên trong và ngoài nước đã đem đến với 240 bài báo cáo đa dạng chủ đề. Đặc biệt, tại hội nghị, nhiều kỹ thuật mới như thay van động mạch chủ, thay van động mạch phổi qua ống thông và các kỹ thuật can thiệp động mạch vành tiên tiến đã được các chuyên gia thực hiện, truyền hình trực tiếp để các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm.

Đây là lần thứ 10 Hội nghị được tổ chức, đánh dấu sự phát triển của một diễn đàn khoa học uy tín, một điểm hẹn thường niên dành cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước nhằm phát triển hơn nữa lĩnh vực tim mạch học của Việt Nam nói chung và của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nói riêng.

>>> Những giải pháp mới điều trị triệt để rung nhĩ tại Hội nghị khoa học NTCC24

 >>> Từ điều trị nội khoa đến can thiệp và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ở bệnh nhân hội chứng vành mạn

 >>> Quản lý bệnh nhân suy tim từ nội trú ra ngoại trú

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X