Hotline 24/7
08983-08983

Cảnh báo: bệnh viêm não vào mùa, đã có 3 trẻ tử vong

Theo thông tin của Bộ Y tế, bệnh viêm não và viêm màng não đang vào mùa cao điểm. Chỉ trong một tháng qua, có 49 trường hợp mắc bệnh viêm não virus đã có tới 3 ca tử vong.

Gia tăng các ca bệnh viêm não tại nhiều nơi

Thời tiết phía Nam đang chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa nhiều. Thời điểm này, ghi nhận của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cho thấy đã có sự gia tăng các bệnh viêm não. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng ban đầu của viêm não rất giống với các bệnh nhiễm thông thường khác và chỉ được phát hiện bằng việc xét nghiệm nên hậu quả để lại nghiêm trọng.

Bệnh viêm não xuất hiện quanh năm, xu hướng tăng vào mùa hè. Trong đó, đáng ngại nhất có 2 bệnh viêm não do nhiễm trùng, gồm viêm não Nhật Bản (25%-30% số ca viêm não) và viêm não do virus Herpes (chiếm 15%-20% số ca viêm não). Đến nay, chưa có thuốc đặc trị viêm não, việc điều trị chủ yếu giải quyết các triệu chứng. Tỷ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản lên tới 30%.

Từ cuối tháng 6, tại Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm - COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 có hàng chục bệnh nhi nặng đang được điều trị tích cực.

Tại các bệnh viện Nhi, số lượng các ca bệnh viêm não đang có xu hướng gia tăng

Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP, trong 2 tháng qua cũng đã ghi nhận sự gia tăng số trẻ mắc bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, trong đó điển hình là viêm não Nhật Bản, viêm màng não và bệnh não mô cầu, đến khám và nhập viện điều trị. Riêng trong tuần thứ 3 của tháng 6, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP tiếp nhận hơn 10 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, viêm màng não. Trước đó, trung bình mỗi tuần 2 bệnh viện này tiếp nhận điều trị chỉ từ 2-3 ca bệnh. Hầu hết ca bệnh được chuyển viện từ các địa phương: Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Đắk Lắk, Gia Lai…

Mới nhất, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một số bệnh nhi bị viêm não. Trong đó, có bệnh nhi 4,5 tháng tuổi (ngụ Bình Chánh) mắc bệnh não mô cầu nặng, do tình trạng thiếu máu nuôi và hoại tử mô nên các bác sĩ phải đoạn chi (từ phần gối bên trái, một số ngón tay trên 2 bàn tay) mới cứu được.

Coi chừng di chứng lâu dài

BS Trương Hữu Khanh - Cố vấn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay: lưu ý, từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, bệnh viêm não Nhật Bản có xu hướng “tấn công” trẻ nhỏ, nhiều nhất là trẻ từ 5-15 tuổi. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu, có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ em (25%-35%). Bệnh viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não do virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… gây ra.

"Bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh. Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, một trẻ đang khỏe mạnh bắt đầu với sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường hôn mê sâu và phải thở máy. Ngay cả khi nguy cơ tử vong đã giảm nhưng di chứng bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ trong tương lai" - BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Thống kê sơ bộ cho thấy, cứ 3 trẻ mắc viêm não Nhật Bản thì có 1 trường hợp nặng, có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng, phần còn lại các triệu chứng cải thiện dần, có thể mất vài tháng để phục hồi hoàn toàn và một nửa trong số đó có thể bị tổn thương não vĩnh viễn. Do đó, việc nhận biết các triệu chứng bệnh có vai trò quan trọng đối với khả năng sống còn của bệnh nhân. “Điều nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc trị. Việc điều trị chủ yếu chỉ là giảm nhẹ các triệu chứng, phối hợp với các biện pháp hỗ trợ cần thiết để nâng cao thể chất, sức khỏe của trẻ. Vì vậy, công tác phòng bệnh bằng cách tiêm chủng cho trẻ là quan trọng nhất”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

BS.CKII Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, khuyến cáo, thời gian vàng để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus. Phụ huynh khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều, li bì… cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, với những trẻ đã mắc viêm não Nhật Bản, vẫn có thể xuất hiện những di chứng muộn sau 1-3 năm. Trẻ có thể bị rối loạn về thần kinh, tâm thần và vận động nên phải đi tái khám đúng lịch được bác sĩ chỉ định.

Thực tế, không ít trẻ do bố mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh lý viêm não nên tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám.

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu. Khi trẻ có biểu hiện mắc viêm não Nhật Bản, lượng virus chủ yếu tập trung ở não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Do vậy, việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn, với tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao.

“Thông thường tỷ lệ trẻ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản là 3-5%, tỷ lệ di chứng có thời điểm lên tới 20-25%. Nếu tính cả những trường hợp trẻ sau khi ra viện và được theo dõi, đánh giá sau 2-3 năm, tỷ lệ di chứng còn cao hơn nữa”, BS Nam cho biết.

Cần thiết tiêm mũi vắc xin nhắc lại

Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, hầu hết trường hợp viêm não đến điều trị đều chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ mũi nhắc lại các loại vắc xin phòng bệnh viêm não đã có (như vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin phế cầu, vắc xin 6 trong 1). Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm não, viêm màng não đã có.

Bên cạnh đó, gia đình cần chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng; rửa tay cho trẻ trước khi ăn; vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát.

Theo các bác sĩ, thời gian vàng để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus.

Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện như: sốt cao liên tục, nôn, các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê với trẻ lớn, trẻ có dấu hiệu đau đầu… cần đưa đến viện khám ngay.

So với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, ở hầu hết trường hợp, là do phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý cho con tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản. Mũi một tiêm khi trẻ được một tuổi, mũi 2 sau mũi một 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau một năm tiêm mũi 2.

Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm đến khi 15 tuổi. Vắc xin viêm não Nhật Bản có tác dụng phòng bệnh trong khoảng 3-5 năm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X