Cảm cúm, cảm lạnh có nguy hiểm không và phụ huynh có nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ?
Theo ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm - Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, gần 90% các trường hợp cảm lạnh sẽ tự khỏi bệnh. Bên cạnh đó, nếu cho trẻ uống siro ho phải uống đúng chỉ định, đúng liều lượng và đúng thời gian quy định để có tác dụng đúng và đủ.
1. Ho, sốt, sổ mũi, giọng đặc nghẹt cảnh báo các bệnh lý nào?
Nhiều phụ huynh than phiền kể cả bản thân mình và con cái cũng gặp tình trạng ho, sốt, sổ mũi, giọng đặc nghẹt. Xin hỏi BS đây là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nào?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Khi giao mùa như mùa thu chuyển qua đông hoặc thời tiết đang mùa nắng chuyển qua mùa mưa hoặc thời điểm các con di chuyển nhiều như từ Nam ra Bắc… lúc đó trẻ sẽ có hiện tượng ho, sổ mũi.
Đây là phản ứng của cơ thể khi thay đổi thời tiết một cách đột ngột và kể cả người lớn. Vì vậy hiện nay trong gia đình hoặc trong các lớp học mầm non, trường tiểu học sẽ có hiện tượng rất nhiều trẻ mắc cùng một lúc các vấn đề như ho, sổ mũi,…
Nguyên nhân có thể là cảm thông thường do thay đổi thời tiết hoặc do virus hoặc cúm gây ra,… Phụ huynh cần lưu ý các trường hợp này để theo dõi con không trở nặng hoặc phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ.
2. Tốc độ lây lan và thời gian ủ bệnh của cúm ra sao?
Nhiều phụ huynh thắc mắc gia đình có 4 - 5 người mà ai cũng bị cảm cúm. Vậy tốc độ lây lan ra sao, thời gian ủ bệnh của căn bệnh này như thế nào thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Trong thời tiết thay đổi, đa số do virus họ á cúm hoặc họ cúm như RSV hoặc Haemophilus influenzae… lây lan và tạo thành dịch trong cộng đồng, nhất là trong môi trường công cộng hoặc môi trường sinh hoạt chung như lớp học.
Chúng có tốc độ lây lan rất nhanh, có thể lây từ trẻ này qua trẻ khác.
- Thường lây qua những giọt bắn khi hắt hơi
- Trẻ ho, sổ mũi đưa tay lên mắt, miệng và chưa được vệ sinh cẩn thận mà chơi chung với những trẻ khác
- Người lớn chăm sóc trẻ mắc bệnh, sau đó không vệ sinh tay sạch sẽ vô tình lây lan cho bản thân và lây cho những trẻ khác.
Đối với những trẻ đã có biểu hiện triệu chứng như ho sổ mũi, thông thường thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày, sau đó sẽ mắc bệnh.
3. Cảm lạnh và cảm cúm khác nhau thế nào?
Thưa BS, cảm lạnh và cảm cúm sẽ khác nhau như thế nào ạ?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Cảm lạnh và cảm cúm đa số đều có biểu hiện tương tự nhau. Lúc đầu trẻ hoặc người lớn sẽ có những triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt nhẹ, có thể đau mỏi cơ hoặc mệt mỏi.
Tuy nhiên cảm lạnh (cảm thông thường) đa số các trường hợp này sau khoảng 5 - 7 ngày sẽ tự khỏi bệnh mà không cần điều trị đặc hiệu, không cần nhập viện, gần 90% sẽ lành bệnh.
Đối với cảm cúm với những loại virus nguy hiểm như SARS-CoV, cúm lây lan từ người sang người, cúm lây từ gia cầm sang người,… những loại này có khả năng tiến triển thành các đợt nặng. Vì sẽ tấn công vào nhu mô phổi, làm tổn thương phổi gây viêm phổi do virus hoặc “bắt tay” với vi khuẩn làm nặng thêm tình trạng viêm phổi ở trẻ và khả năng gây đại dịch nhiều hơn, cũng như khả năng tiến triển viêm phổi nặng nhiều hơn.
Do đó, phụ huynh lưu ý, đối với những trường hợp khoảng 2 ngày đầu trẻ ho, sổ mũi nhưng vẫn ăn uống, vui chơi bình thường, tỉnh táo sau đó trẻ khỏe mạnh dần thì là cảm lạnh, viêm hô hấp thông thường.
Đối với những trường hợp trẻ ho, sổ mũi diến tiến nặng hơn như sốt cao hơn, sổ mũi nhiều hơn, nước mũi trong chuyển sang nước mũi xanh, vàng sau đó trẻ mệt, lừ đừ hơn thì lúc đó nên đưa trẻ đến những các cơ sở y tế chuyên khoa để khám.
4. Cảm lạnh có phải là lành tính và những trẻ nào có nguy cơ chuyển nặng?
Đa số các phụ huynh quan niệm rằng cảm lạnh được xem là bệnh vặt, 1 năm có thể gặp vài lần và không quá nguy hiểm. Nhưng trên thực tế cảm lạnh có lành tính hay không và trên những trẻ nào có nguy cơ chuyển nặng khi mắc phải thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Ngay cả người lớn cũng có thể bị hắt hơi, sổ mũi, ho… Đa số các trường hợp cảm lạnh, viêm hô hấp thông thường sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần. Những trường hợp không khỏe sau 7 ngày nên đi thăm khám.
90% cảm lạnh và viêm hô hấp sẽ tự hết. Phụ huynh phải lưu ý xem trẻ có khỏe mạnh, chơi đùa bình thường không, nếu ảnh hưởng đến tri giác của trẻ hoặc lừ đừ, quấy khóc không giải thích được lý do thì phải đưa đi khám, không nên chủ quan là cảm lạnh thông thường sẽ tự hết.
Đặc biệt, một trẻ phụ huynh cần lưu ý:
- Những trẻ có bệnh lý nền như bệnh tim bẩm sinh, sức đề kháng không tốt như những trẻ khác hoặc trẻ suy giảm miễn dịch bẩm sinh,… hệ miễn dịch sẽ thiếu đi “những anh lính bảo vệ” từ đó không thể chống lại cảm lạnh thông thường, dễ bị nhiễm bệnh và nhiễm nặng hơn.
- Những trẻ sinh non, nhẹ cân phải đặc biệt lưu ý.
- Trẻ hen suyễn hoặc mắc bệnh lý về ung bướu huyết học phải được tiêm ngừa đầy đủ và khi mắc bệnh phải được chăm sóc cẩn thận hơn để phát hiện ra những triệu chứng nặng và đưa đi khám kịp thời.
5. Điều trị cảm lạnh cho trẻ thế nào, vì sao trẻ đã khỏe mà vẫn còn ho dai dẳng?
Khi trẻ nhà mình bị cảm lạnh thì phụ huynh nên điều trị như thế nào? Có nhiều phụ huynh hỏi rằng vì sao thấy con khỏe rồi mà vẫn ho dai dẳng thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Khi trẻ có những triệu chứng ho, sổ mũi hoặc cảm lạnh thông thường phụ huynh phải chăm sóc trẻ bằng cách vệ sinh mũi họng, cho trẻ uống nhiều nước và có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Phụ huynh có thể cho trẻ ở nhà theo dõi.
Theo các chuyên gia tình trạng ho có thể kéo dài 10 - 14 ngày sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên ho cũng là một phản xạ tốt để tống xuất vi khuẩn ra ngoài.
Trẻ ho nhưng ngày càng giảm, bệnh không trở nặng, tiếng ho nhẹ dần, không có đàm xanh, đàm vàng hoặc không gây sốt thì vài ngày sau đó sẽ tự thoái lui. Trong các trường hợp này, phụ huynh có thể cho trẻ uống những siro ho được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
6. Khi cảm lạnh, phụ huynh nên cho trẻ dùng thuốc như thế nào và cần lưu ý gì?
Thưa BS, khi nhắc đến cảm lạnh, cảm cúm phụ huynh vẫn cho đó là bệnh vặt và thay vì đưa đến bệnh viện thì phương pháp đầu tiên là đến các nhà thuốc để tự ý mua thuốc về cho trẻ uống. Vậy lời khuyên của bác sĩ trong trường hợp này như thế nào? Có những loại thuốc nào không cần kê đơn mà an toàn cho trẻ có thể sử dụng và khi mua cần lưu ý những gì thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Ở Việt Nam và nước ngoài, đa số các loại siro ho và thảo dược có thể mua ở nhà thuốc mà không cần kê đơn của bác sĩ. Những loại siro ho này không làm ức chế cơn ho mà có thể làm trẻ long đàm, cảm thấy dễ chịu hơn khi ho, từ đó có thể lướt qua triệu chứng sau 5 - 7 ngày.
Tuy nhiên, nếu uống siro ho mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể gây tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, nếu ba mẹ có con đang uống siro ho phải cho uống đúng chỉ định, đúng liều lượng và đúng thời gian quy định để có tác dụng đúng và đủ cho con.
Khi trẻ uống từ 5 - 7 ngày mà không hết ho hoặc ho đàm đặc, tần suất ho nhiều hơn, tiếng ho nặng hơn thì phụ huynh nên đưa bé đi khám vì thuốc ho không phải uống bất kỳ lúc nào cũng được.
7. Vì sao đã tiêm ngừa cúm nhưng trẻ vẫn cảm lạnh, cảm cúm?
Nhiều phụ huynh thắc mắc là vẫn nhắc nhở và cho con của mình đi tiêm ngừa cúm hằng năm. Vậy vì sao vẫn gặp phải tình trạng nhiễm cảm lạnh, cảm cúm thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Cúm do virus gây ra mà virus có rất nhiều loại gây cảm, ho, sổ mũi, đau cơ, sốt…
Tuy nhiên vắc xin chúng ta tiêm thường là vắc xin ngừa cúm A, cúm B. Đây là 2 loại cúm có khả năng gây cúm nhiều, gây ra đại dịch và tình trạng viêm phổi nặng ở trẻ.
Những loại cúm nhẹ như cúm C, cúm D,… khi nhiễm có thể lướt qua và nhanh chóng khỏe mạnh.
Khi đã tiêm ngừa, khả năng miễn nhiễm chỉ đạt 97 - 98%. 2% còn lại vẫn có thể mắc cảm lạnh hay các triệu chứng ho, sổ mũi trong năm, tuy nhiên đa số có thể vượt qua các triệu chứng này dễ dàng.
Vì vậy phụ huynh nên đưa con đi tiêm ngừa hằng năm, đây là biện pháp bảo vệ tốt nhất và hiệu quả nhất.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình