Hotline 24/7
08983-08983

Cai thuốc lá, tầm soát sớm, điều trị tích cực, tăng sự sống còn cho bệnh nhân ung thư phổi

Với sự tiến bộ trong điều trị, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi sống sót sau 5 năm đã tăng lên. Vậy bác sĩ, cơ quan chức năng, bệnh nhân, cần làm gì để phòng ngừa và điều trị tốt ung thư phổi? Vấn đề sẽ được PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đề cập dưới đây.

1. Bác sĩ cần cập nhật tiến bộ điều trị, giúp bệnh nhân sống vui, sống khỏe, sống chất lượng

Những điểm hạn chế, khó khăn trong điều trị ung thư phổi mà hiện nay thầy thuốc và bệnh nhân vẫn còn phải đối diện là gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Khi điều trị bệnh, cần có sự tương tác giữa thầy thuốc và bệnh nhân, cà hai bên đều xuất hiện các vấn đề. Về phía bệnh nhân, bệnh ung thư phổi cần được phát hiện sớm để điều trị hiệu quả, do đó bệnh nhân có hút thuốc lá, nằm trong nhóm có nguy cơ, cần đi tầm soát ung thư phổi bằng CT-scan liều thấp để phát hiện bệnh sớm.

Đối với bệnh nhân không tầm soát, nếu xuất hiện triệu chứng ho kéo dài khoảng 1 tháng, cần đi khám ngay để phát hiện sớm ung thư nếu có.

Bên cạnh đó, có rất nhiều người quan niệm sai lầm, ví dụ như đụng vào tế bào ung thư làm lan tràn qua các tế bào khác, do đó không làm sinh thiết; hoặc có quan niệm các phương pháp điều trị ung thư hiện tại theo Tây y nhiều tác dụng phụ, từ đó kiêng ăn hoàn toàn, dùng các phương pháp không được chứng minh bằng dữ liệu, chứng cứ.

Ví dụ, uống thuốc Nam, thuốc Bắc, khi điều trị bằng các phương pháp không chuẩn, khối u vẫn lặng lẽ phát triển dẫn đến điều trị trễ, bỏ mất cơ hội chữa lành ung thư.

Đối với bác sĩ, việc điều trị ung thư ngày càng phức tạp, những phương pháp điều trị mới ngày càng nhiều, nếu bác sĩ không cập nhật, họ sẽ luôn quan niệm như bệnh nhân “ung thư phổi là án tử”. Ví dụ, khi bác sĩ nhận một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4, nếu không cập nhật kiến thức mới, họ sẽ phản ứng “chẳng làm gì được nữa”, truyền cho bệnh nhân những suy nghĩ tiêu cực, làm bệnh nhân buồn và bác sĩ không tích cực trong việc chẩn đoán và điều trị.

Nếu bác sĩ cập nhật thường xuyên, ung thư phổi ở những giai đoạn cuối vẫn có thể chữa lành, từ đó gửi bệnh nhân lên những trung tâm cao hơn, chuyên khoa hơn để điều trị đúng. Bên cạnh chữa lành, nếu bệnh nhân được điều trị đúng theo phác đồ, thời gian sống có thể kéo dài, chất lượng cuộc sống tốt, được điều trị giảm nhẹ, cuộc sống dễ chịu, hạnh phúc với thực tại. Như việc thiền, có thời gian nào bệnh nhân sẽ sống vui vẻ với thời gian đó, tuy sống ngắn hơn nhưng sẽ giúp bệnh nhân sống vui, sống khỏe, sống chất lượng.

2. Cai thuốc lá, tầm soát sớm, điều trị tích cực, giúp ích cho bệnh nhân ung thư phổi

Với năng lực y tế hiện nay đã giúp kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi như thế nào, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Theo số liệu mới nhất từ Hoa Kỳ, cách đây 30 năm, cứ 100 người ung thư phổi, sau 5 năm chỉ còn khoảng 5-10 người còn sống. Hiện nay, tỷ lệ này có thể lên đến khoảng 21 người, đó là bước tiến đáng kể.

Để con số ngày ngày càng tăng, việc giảm thiểu hút thuốc lá, cai thuốc lá, tầm soát sớm, áp dụng các phương tiện trị liệu mới, tích cực, ít tác dụng phụ, hiệu quả cao là vô cùng cần thiết, khi đó bệnh nhân ung thư phổi sẽ có tương lai tươi sáng hơn.

3. Ung thư phổi giai đoạn 4, người cao tuổi đều có thể chữa lành

Với nhiều bệnh nhân, ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng như “án tử” treo lơ lửng. BS có thể chia sẻ một (hoặc vài) câu chuyện bệnh nhân ung thư phổi đã chiến thắng ngoạn mục căn bệnh này mà BS gặp trong quá trình điều trị?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Liệu pháp miễn dịch là một trong các phương pháp điều trị được giải Nobel về y học gần đây. Phương pháp này được đưa về Việt Nam năm 2018, trường hợp đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch chung với hóa trị là một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4. Sau 2 năm điều trị, bệnh nhân thăm khám định kỳ, đến nay là 6 năm, nghĩa là bệnh nhân có 4 năm không có ung thư trong người.

Đây là điều đáng mừng do trước đây luôn quan niệm, giai đoạn 4 không còn cách điều trị, cho đến ngày nay, trong một số trường hợp ung thư giai đoạn 4 vẫn có thể kiểm soát và chữa lành.

Bên cạnh đó, những người lớn tuổi thường gọi là “gần đất xa trời”, trước đây các cụ ông, cụ bà 80-90 tuổi, khi mắc ung thư đều bỏ qua không điều trị, “ăn được gì thì ăn”. Hiện nay, các bác sĩ đã tiếp nhận một số trường hợp tràn dịch màng phổi lượng nhiều, bệnh nhân lớn tuổi có đột biến gen, bác sĩ cho uống 1-2 viên thuốc/ ngày, người bệnh hết dịch, khỏe, không còn khó thở, ăn uống sinh hoạt bình thường, có cuộc sống chất lượng bên con cháu nhờ phương pháp điều trị nhắm trúng đích.

Do đó, các phương pháp điều trị ung thư phổi ngày nay, ngoài chữa lành, việc điều trị giảm nhẹ cũng đem lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều so với trước đây, bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, thời gian sống lâu hơn.

Tóm lại, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4, người cao tuổi mắc ung thư phổi vẫn có thể chữa lành. Hy vọng tất cả bệnh nhân đều có có nhiều cơ hội để điều trị ung thư phổi.

4. Tham gia BHYT để giảm đáng kể chi phí điều trị ung thư

Điều kiện kinh tế cũng là một trong những rào cản khiến người bệnh lần lữa điều trị ung thư. Nhờ BS chia sẻ thêm, các chính sách của BHYT, của Bệnh viện đã và đang hỗ trợ, giảm gánh nặng cho bệnh nhân ung thư phổi như thế nào ạ?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Câu chuyện về Phó Tổng thống Al Gore của Mỹ, ngay cả khi người thân bị ung thư ông cũng gặp khó khăn về tài chính, không riêng tất cả bệnh nhân ung thư của Việt Nam.

Về phía bệnh viện, bảo hiểm y tế, các cơ quan chức năng luôn mong muốn cung cấp một dịch vụ của điều trị tốt nhất đến bệnh nhân, bao gồm bệnh nhân ung thư. Đến hiện tại, mong muốn bảo hiểm y tế có cho toàn dân nhưng không phải người dân nào cũng tham gia bảo hiểm.

Mức đóng bảo hiểm của Việt Nam rất thấp so với thế giới, nhưng thu nhập chung của một số gia đình vẫn không đủ để tham gia, do đó quỹ bảo hiểm không đủ lớn. Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc ung thư chưa được vào bảo hiểm, các cơ quan bảo hiểm biết thuốc được khuyến cáo, được FDA phê duyệt… nhưng phải cân đối giữa lợi, hại, mất cân đối quỹ bảo hiểm, vì vậy nhiều loại thuốc không được bảo hiểm hỗ trợ, chi trả hoặc không được bảo hiểm thanh toán nhiều.

Ví dụ thuốc Pemetrexed, mức độ chi trả bảo hiểm chỉ có 50%, các thuốc miễn dịch hiện tại không được chi trả bảo hiểm, chỉ dựa trên gói giảm giá, hỗ trợ bệnh nhân của các công ty dược. Trên tổng thể, về phía cơ quan chức năng luôn cố gắng đưa thuốc tới bệnh nhân nhưng không thể đảm bảo 100% như mong đợi.

Về phía bệnh nhân, cần hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế, giúp đỡ người bệnh rất nhiều, phần chi trả sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nếu bản thân và gia đình có nhiều nguy cơ ung thư, không thể bỏ được thói quen hút thuốc lá, nên cân nhắc mua thêm các bảo hiểm khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm ung thư, khi đó mức độ chi trả sẽ giảm.

So với mặt bằng chung, chi phí của thuốc ung thư rất cao, do đó việc chuẩn bị trước, có bảo hiểm là điều quan trọng, đồng thời việc tốt nhất nên làm là cai thuốc.

Tóm lại, chi phí là vấn đề nhức nhối, tuy nhiên theo thời gian, số lượng người tham gia bảo hiểm tăng, quỹ bảo hiểm kết dư nhiều hơn, nhiều loại thuốc mới sẽ được giảm giá theo thời gian, bộ sẽ phê duyệt nhiều loại thuốc vào chương trình bảo hiểm, khi đó bệnh nhân được tiếp cận tốt hơn với thuốc ung thư.

Hy vọng sẽ đẩy lùi được câu “ung thư là án tử”, đối với giai đoạn sớm, ung thư phổi có thể chữa lành; giai đoạn muộn, ung thư phổi có thể trở thành bệnh mạn tính, uống thuốc mỗi ngày như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp. 

>>> Phần 1: Ung thư phổi giai đoạn sớm có tỷ lệ sống còn sau 5 năm đạt đến 82%

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X