Hotline 24/7
08983-08983

Cách trị sổ mũi cho trẻ nhỏ không dùng kháng sinh

Giao mùa là thời điểm khiến trẻ dễ bị hắt hơi, sổ mũi. Nếu mẹ không vệ sinh đúng các, bé sẽ dễ bị cảm lạnh, cảm cúm… Khi bé bị sổ mũi, mẹ nên thuộc lòng những cách dưới đây để bé mau khỏi nhé.

Trẻ sơ sinh sức đề kháng còn khá non nớt do chưa hoàn thiện hệ miễn dịch. Do đó, mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe của con nhất là những ngày giao mùa. Với những nguyên liệu có sẵn trong căn bếp của mẹ và những vật dụng y tế không thể thiếu trong nhà, mẹ hoàn toàn có thể giúp bé giảm ngay việc bị sổ mũi.

Gừng

Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch hội Đông y Ba Đình cho hay: "Gừng có tính vị cay, tính nóng dùng tán phong hàn, trị ho, giải cảm, chữa viêm họng rất hiệu quả". Trong một số món ăn mẹ thường sử dụng gừng làm gia vị nhưng không nắm rõ được hết hiệu quả của nguyên liệu này. Để gừng trở thành thành phần phát huy hết “công hiệu” trong việc trị sổ mũi, mẹ có thể pha nước hoặc tắm cho bé bằng nước gừng ấm.

Cách thứ nhất, mẹ có thể pha một ly nước gừng ấm cho bé. Mẹ lấy một ly nước nóng, sau đó thái gừng thành lát và thả vào ly nước. Cho bé uống khi nước còn ấm. Không sử dụng khi nước đã nguội dễ khiến dạ dày bé khó chịu.

Cách thứ hai, mẹ có thể pha thành nước để ngâm chân và massage cho bé. Gừng chọn củ già, gọt vỏ và rửa sạch dưới vòi nước. Cho gừng vào cối giã nhỏ, nấu chung với 1 lít nước và muối hạt. Nước đun sôi vặn nhỏ lửa, sau 5 phút tắt bếp để đến khi nước đủ ấm. Sau đó mẹ cho bé ngâm chân vào nước và nhẹ nhàng massage hai lòng bàn chân của trẻ. Mẹ kiên trì thực hiện trước khi bé đi ngủ trong vòng 3 ngày, bé sẽ nhanh khỏi sổ mũi.

Hơi nước gừng ấm xông vào mũi bé giúp mũi bé thông thoáng

Cách thứ 3, sử dụng gừng để pha nước tắm cho bé. Tắm nước gừng cho bé có tác dụng làm ấm cơ thể bé. Hơi nước gừng xông vào mũi bé khi tắm cũng giúp mũi bé được thông thoáng, tăng sức đề kháng. Mẹ giã 1 củ gừng vừa phải cho vào một cốc nước nóng. Trong lúc chờ tinh dầu tỏa ra trong cốc nước này, mẹ pha nước tắm thường cho bé. Sau đó, cho cốc nước gừng trước đó vào chậu nước tắm.

Lưu ý: Đặc biệt không áp dụng phương pháp tắm nước gừng cho các bé hay đổ mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi nhiều. Khi đó, bé dễ bị mất nước do thoát nhiều mồ hôi.

Tinh dầu tràm, dầu khuynh diệp

Đổ một ít tinh dầu tràm ra đầu ngón tay hoặc thấm vào bông. Đưa vào gần mũi bé, cách 2-3cm. Thực hiện ngày 2-3 lần. Hoặc mẹ có thể nhỏ một vài giọt vào yếm hoặc khăn quấn cổ của bé. Ngửi tinh dầu tràm sẽ giúp mũi bé thông thoáng hơn. Mẹ tránh để tinh dầu dính vào mũi bé.

Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng tinh dầu tràm hoặc dầu khuynh diệp chuyên dùng cho trẻ nhỏ để massage lòng bàn chân cho bé. Mẹ nên xoa ra tay mẹ trước khi massage, tránh không đổ trực tiếp lên người bé.

Tinh chất cỏ xạ hương

Cỏ xạ hương có tên khoa học là Thyme. Đây là loài cây có giá trị về mặt tinh thần tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu của chuyên gia, loài cây này có tác dụng không ngờ trong việc điều trị nhiều loại bệnh. Đặc biệt là bệnh hô hấp nhờ cỏ xạ hương có chứa hai tinh chất Thymol và Carvacrol.

Cỏ xạ hương có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn

Khi bé bị sổ mũi, mẹ có thể sử dụng tinh dầu cỏ xạ hương để cho vào bình khuếch tán tinh dầu. Cách làm này giúp trị các bệnh như nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi dị ứng… Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo sản phẩm nước muối sinh lý kháng khuẩn có chiết xuất từ cỏ xạ hương. Dung dịch này có thể nhỏ trực tiếp vào mũi của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh từ 0 tháng tuổi trở lên.

Húng chanh và quất

Theo từ điển Cây thuốc và động vật làm thuốc (Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật), húng chanh chứa tinh dầu, thành phần chủ yếu là carvacrol có tác dụng ức chế mạnh các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Húng chanh dễ trồng, có mùi thơm dễ chịu, vị chua the, tính ấm.

Để giảm ho sổ mũi cho bé, mẹ có thể thực hiện theo hai cách sau với việc sử dụng húng chanh. Cách thứ nhất, mẹ giã nát lá húng chanh, rồi cho vào cốc nước ấm. Sau khi ngấm, mẹ vắt lấy nước và cho trẻ uống.

Cách thứ hai, mẹ chuẩn bị 10-15 lá húng chanh, 3-4 quả quất xanh và đường phèn hoặc mật ong. Rửa sạch lá húng chanh và quất, sau đó xay nhuyễn. Tiếp tục cho lượng đường phèn vừa đủ, với trẻ lớn hơn, mẹ có thể thay đường phèn bằng mật ong. Hấp cách thủy tầm 20’ sau đó cho bé uống nước hỗn hợp này.

Lá hẹ

Lá hẹ là thực phẩm đã quá quen thuộc với các mẹ trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, hẹ còn có rất nhiều công dụng trong khả năng chống viêm. Thành phần của hẹ chứa các hoạt chất kháng sinh mạnh như allcin, odorin, sulfit.

Mẹ có thể sử dụng lá hẹ kèm một vài lát gừng và một chút đường phèn, hấp chín hỗn hợp. Sau đó, mẹ có thể cho bé ăn cái và uống nước để giải cảm, chữa ho cũng như tránh nghẹt mũi.

Rửa mũi cho bé

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là một trong những biện pháp giúp giảm tình trạng sổ mũi hiệu quả. Mẹ nên chọn loại nước muối an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có chứng nhận và nguồn gốc uy tín. Phương pháp rửa mũi làm loãng dịch nhầy khi bị sổ mũi nhẹ, giúp mũi thông thoáng dễ thở hơn. Mẹ cần lưu ý rửa mũi theo đúng hướng dẫn của chuyên gia để việc vệ sinh mũi được an toàn hiệu quả không gây ra tác dụng phụ.

- Bước 1: Đặt trẻ nằm nghiêng hoặc ngồi nghiêng đầu sang một bên. Xịt thử để kiểm tra bình xịt, đảm bảo bình xịt vẫn hoạt động bình thường.

- Bước 2: Đưa đầu xịt vào cửa mũi, ấn vòi xịt 2-3 lần. Ấn nhẹ dứt khoát liên tục trong vòng 2-3 giây.

- Bước 3: Cho dịch thừa chảy ra ngoài, để bé xì mũi rồi lấy khăn mềm thấm sạch, thấm nhẹ nhàng.

- Bước 4: Lặp lại động tác trên với đầu trẻ nghiêng về bên còn lại.

- Bước 5: Mẹ lau sạch vòi xịt bằng khăn mềm, chú ý bảo quản bình xịt nơi thoáng mát.

Mẹ có thể xem chi tiết video hướng dẫn vệ sinh mũi cho bé do chính ThS.BS Đinh Ngọc Hoa - Chuyên gia nhi Bệnh viện Saint Paul thực hiện:

Tuy nhiên, bố mẹ cũng phải lưu ý, trong các trường hợp dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị:

- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi sổ mũi kèm theo sốt, bỏ ăn hay bú kém

- Đối với trẻ lớn: trẻ sốt trên 38,5 độ có kèm theo ho nhiều. Nếu sổ mũi kéo dài hơn 1 tuần hoặc dịch mũi có màu vàng, mùi hôi thì đây là dấu hiệu bé bị nhiễm khuẩn nặng và cần được tư vấn điều trị bởi chuyên gia.

Hy vọng với một số cách trị sổ mũi cho trẻ vô cùng đơn giản này, mẹ có thể dễ dàng thực hiện cho bé ở nhà. Mẹ cũng có thêm nhiều kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho bé yêu để bé luôn khỏe mạnh mà không cần sử dụng đến bất kỳ loại thuốc nào.

Tác giả: Hương Bùi

Tham vấn chuyên khoa: Đinh Ngọc Hoa

Bạn có thể quan tâm

>> Tắm nước gừng cho trẻ sơ sinh trị ho, sổ mũi, cảm cúm

>> Mách mẹ cách nhỏ mũi an toàn để trẻ sơ sinh ít quấy khóc

>> 10 sai lầm không ngờ 70% các bà mẹ Việt dễ mắc phải khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Nguồn tham khảo:

HealthEngine, Cold and flu: what to eat to help relieve specific symptoms

https://healthengine.com.au/info/cold-and-flu-what-to-eat-to-help-relieve-specific-symptoms

The Telegraph, What can you do to stop the sneezing?

https://www.telegraph.co.uk/news/health/3326100/What-can-you-do-to-stop-the-sneezing.html

Báo Gia đình và xã hội, Vô cùng đáng tiếc nếu bạn không biết hết giá trị của cây hẹ

http://giadinh.net.vn/song-khoe/vo-cung-dang-tiec-neu-ban-khong-biet-het-gia-tri-cua-cay-he-20160409155033707.htm

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X