Hotline 24/7
08983-08983

Cách nào ngăn chặn hình thành sẹo trắng, sẹo thâm?

Sẹo hình thành từ các sang thương trong sinh hoạt, công việc hay do quá trình điều trị thẩm mỹ,… Vậy làm sao để ngăn ngừa sẹo trắng, sẹo thâm xuất hiện? Tất cả được ThS.BS Tạ Quốc Hưng - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp.

1. Sẹo trắng và sẹo thâm hình thành theo cơ chế nào?

Thưa BS, một điều oái oăm là những người da trắng thì xuất hiện sẹo thâm còn da ngăm thì xuất hiện sẹo trắng hoặc có những người có cả hai loại sẹo trên cơ thể. Nhờ BS cho biết cơ chế hình thành 2 loại sẹo này?

ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Sẹo hình thành trong quá trình cơ thể hồi phục sau khi có vết thương, và cả hai loại sẹo đều có thể xuất hiện sau tổn thương này.

Tuy nhiên, dựa trên sự tương phản của màu sắc, nếu những người da trắng bị sẹo thâm sẽ nổi trên nền da của họ, ngược lại nếu bị sẹo trắng, việc tương phản sẽ mất đi và ít khi để ý thấy. Tương tự với người da ngăm, xuất hiện sẹo trắng sẽ nổi trên nền da, rất dễ phát hiện, đó là điều bình thường.

Về cơ chế hình thành, đối với sẹo thâm, do có hiện tượng tăng sắc tố hơn so với bề mặt da. Nghĩa là, sau khi da bị tổn thương, cơ chế hình thành sẹo sẽ diễn ra và do một cơ chế nào đó khiến sắc tố melanin lắng đọng nhiều hơn tại vị trí vết thương sau khi lành.

Còn với sẹo trắng, sau khi vết thương lành, tại vị trí tổn thương bị mất hoàn toàn các tế bào đóng vai trò sản xuất melanin. Do đó, khi da lành hoàn toàn, không còn vấn đề tổn thương, tại vị trí sang thương không có những tế bào đảm đương nhiệm vụ tiết sắc tố, các vết sẹo trắng đi, dễ dàng phát hiện.

2. Nguyên nhân nào gây ra sẹo trắng, sẹo thâm?

Nguyên nhân nào gây ra sẹo thâm và nguyên nhân nào gây ra sẹo trắng, thưa BS?

ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Có một số nguyên nhân hình thành sẹo thâm hoặc sẹo trắng.

Thứ nhất, về sẹo thâm, một tổn thương khi xảy ra sẽ gây phản ứng viêm, theo cơ chế, vết thương khu trú làm tổn thương vị trí thượng bì. Tại vị trí này sẽ xuất hiện phản ứng viêm, trong quá trình lành vết thương, nếu có một tổn thương xuất hiện.

Ví dụ, vết mụn trên mặt bị bóc mài liên tục, đồng thời đi nắng thường xuyên, những tia UV từ môi trường tác động vào vị trí tổn thương đó. Nhiều vị trí, nhiều nguyên nhân và tổn thương tác động lặp đi lặp lại trên một vị trí sang thương, từ đây sẽ kích thích tế bào tiết sắc tố, tế bào melanocytes sản xuất ra rất nhiều melanin ngay tại vị trí đó, nhuộm vết sẹo khi hình thành sau sang thương, được gọi là sẹo thâm.

Thứ hai, về sẹo trắng, quá trình hình thành phức tạp hơn bởi cơ chế gây ra tổn thương. Ví dụ, mụn trứng cá có diễn tiến nặng và sâu hơn rất nhiều hay một vết thương đơn thuần cũng gây tổn thương nặng hơn. Hoặc những vết thương va vấp, bị đâm, vết đốt điều trị thẩm mỹ, làm laser CO2,… Điểm chung của các tổn thương này là xâm lấn qua các vết thượng bì, và vết sang thương sẽ lan rộng hơn, đủ nặng nề để phá hủy các tế bào melanocytes ở dưới da.

Khi cơ chế lành thương diễn ra theo tuần tự, đến giai đoạn vết thương hoàn toàn lành và hình thành vết sẹo, vị trí đó đã mất hết các tế bào sản xuất sắc tố, từ đó gây ra sẹo trắng.

3. Chăm sóc vết thương, tránh nắng, yếu tố quyết định hình thành sẹo thâm

Nhiều người cho rằng, kiêng cữ các món sẫm màu như nước tương, nước mắm, cà phê, phần nào có thể tránh được sẹo thâm. Theo bác sĩ quan điểm này như thế nào ạ?

ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự tương quan giữa thức ăn nạp vào cơ thể có khả năng chuyển hóa thành màu sắc xuất hiện trên da. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, trong nước tương, có thành phần tyrosine, là một loại axit amin bình thường trong nước tương.

Cơ chế hình thành sắc tố phải đi qua chuyển hóa tyrosine và biến hóa thành sắc tố melanin trong da. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu nạp một lượng lớn tyrosine, cần có thêm tác động của tia UV ngoài môi trường mới có thể gây ra thâm sạm làn da. Bên cạnh đó, nếu không ăn nước tương, chỉ tiếp xúc với tia UV bình thường thì lượng tyrosine từ trong cơ thể cũng đã đủ để làm thâm sạm vết sẹo.

Do đó, có thể kết luận, thức ăn không có ảnh hưởng quá lớn đến vấn đề sẹo thâm, mà chính việc chăm sóc vết thương, tránh nắng sẽ đóng vai trò quyết định có hình thành vết thâm sau khi lành sang thương.

4. Dùng axit chấm lên da gây ổ viêm, hình thành sẹo

Tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y Dược TPHCM, BS đã tiếp nhận những trường hợp nào, bệnh nhân đến nhưng có sai lầm trong quá trình làm đẹp dẫn đến sẹo thâm hay sẹo trắng, thưa BS?

ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận rất nhiều các trường hợp, vấn đề sau khi người bệnh thực hiện làm đẹp sai cách, sau đó đến bệnh viện để khắc phục các vấn đề đó.

Thông thường, những ca gặp vấn đề về sẹo thâm hoặc sẹo trắng, xuất phát từ việc người bệnh điều trị vết thương hoặc điều trị thẩm mỹ sai cách.

Ví dụ, khi điều trị nốt ruồi, thay vì đến bệnh viện điều trị bằng các công nghệ chuẩn xác, không gây tổn thương quá lớn. Một số bệnh nhân lại điều trị bằng việc chấm axit lên da, việc này hình thành nên những ổ viêm lớn, làm sang thương nhân rộng, từ đó xuất hiện sẹo lồi hoặc sẹo lõm, gây ra tình trạng mất sắc tố, hình thành các vết sẹo nặng như sẹo trắng.

Hoặc khi bệnh nhân điều trị các vấn đề như trẻ hóa da, dùng các công nghệ không đạt chuẩn gây ra các tổn thương lớn trên da cùng với việc chăm sóc da không đúng cách, đi nắng và quên thực hiện các biện pháp chống nắng như đeo khẩu trang, sử dụng kem chống nắng. Lúc này, làn da dễ dàng bị tăng sắc tố do môi trường ở TPHCM nói riêng hay môi trường tại Việt Nam nằm hoàn toàn trong dải xích đạo, hàm lượng tia UV cao, dễ gây ra thâm sạm. Không chỉ riêng tình trạng sẹo, trên các vết thương mà còn ảnh hưởng trên toàn bộ bề mặt da.

5. Chống nắng, thuốc bôi chứa thành phần corticoid, silicon y tế, giải pháp cho sẹo

Trong quá trình hình thành sẹo có loại thuốc nào bôi để hạn chế tình trạng tăng sắc tố, mất sắc tố hay không?

ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Thực tế, có một số loại thuốc giúp giảm tình trạng hình thành sẹo cũng như tạo thẩm mỹ hơn cho vết sẹo.

Thứ nhất, chống nắng là điều quan trọng khi muốn cho làn da trẻ hóa. Tương tự, khi vết thương mới hình thành, cần quan tâm đến vấn đề che chắn, bảo vệ vết thương. Bởi vì, tia UV có thể làm tăng sắc tố trên vết sẹo, làm thoái hóa, thoái biến những  sợi collagen và những sợi elastin bên trong vết sẹo. Đồng thời, khiến quá trình lành thương bị ảnh hưởng, hình thành các vết sẹo xấu nếu tiếp xúc với ánh nắng hàng ngày. Do đó, kem chống nắng là lựa chọn đầu tiên.

Thứ hai, có thể lựa chọn một số loại thuốc chứa thành phần corticoid, sử dụng đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để kìm hãm những phản ứng viêm nặng, tạo thành sẹo. Bên cạnh đó, hạn chế việc cơ thể tạo phản ứng viêm, những phản ứng phá hủy tạo sắc tố da, cũng như các phản ứng kích thích gây nên vết thâm, làm tăng sinh nhiều collagen bên trong vết sẹo gây ra tình trạng sẹo lồi.

Thứ ba, một thành phần không thể bỏ qua nếu muốn quản lý sẹo hiệu quả, đặc biệt là những vấn đề sẹo phì đại, sẹo lồi, đó là thành phần silicon y tế. Những loại silicon y tế này có thể chiết xuất dưới dạng thuốc bôi hoặc các miếng dán, có thể dán trên bề mặt vết sẹo.

Khi dán lên vết sẹo, tạo môi trường phù hợp nhất cho các tế bào sừng tại vết sẹo được hình thành và giống cơ thể nhất, tránh việc tế bào sừng phát ra những tín hiệu cho những lớp tế bào miễn dịch bên dưới sản xuất ra cytokin, tránh cơ thể hình thành sẹo lõm, sẹo lồi hay sẹo phì đại không mong muốn.

>>> Phần 2: Sẹo trắng, sẹo thâm có xóa sạch được không?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X