Hotline 24/7
08983-08983

Cách chăm sóc bàn chân của người bị tiểu đường?

Bố tôi bị đái tháo đường nên bàn chân của ông cũng "bệnh" theo. Trong lần khám gần đây bác sĩ bảo phải... cắt. BS ơi, có cách nào khác. Hoàng Oanh (Gia Lai)


Chăm sóc chân tỉ mỉ để khỏi bị cắt oan uổng - Ảnh: N.C.T

- Bàn chân đái tháo đường (ĐTĐ) là một biến chứng lớn của bệnh ĐTĐ mà bệnh nhân nào trải qua rồi thì chắc... cả đời không quên. Khoảng 10-15% bệnh nhân ĐTĐ xuất hiện biến chứng này trong suốt diễn tiến của bệnh. Điều khủng khiếp là có đến 50% nguyên nhân cắt cụt chi dưới là do bàn chân ĐTĐ.

Nguy cơ đối với chi dưới dù đã giảm đáng kể trong 30 năm trở lại đây nhưng vẫn còn mức cao ở những người đã bước vào giai đoạn lọc máu do suy thận giai đoạn cuối. May mắn thay, đây vẫn là một biến chứng phòng ngừa được.

Nguyên nhân

Trong đa số trường hợp, bàn chân ĐTĐ là hậu quả của một nhóm các yếu tố, do đó nguyên tắc phòng ngừa lẫn điều trị phải dựa trên sự tác động trên nhiều yếu tố thì mới thành công.

Bệnh ĐTĐ làm xơ vữa các động mạch lớn, trong đó có các động mạch ở chân, và các động mạch nhỏ là những động mạch trực tiếp cung cấp máu và oxy nuôi dưỡng mô chân. Khi bị giảm máu nuôi, chân dễ bị tổn thương do giảm đề kháng miễn dịch đối với nhiễm trùng và chấn thương, và khi bị tổn thương thì càng khó lành.

ĐTĐ đưa đến ba loại bệnh lý thần kinh. Loại vận động làm giảm phân bố thần kinh đến cơ chân gây mất cân bằng giữa cơ gấp và cơ duỗi khiến ngón chân gập như móng vuốt, các đầu của xương bàn chân nhô lên, các đặc điểm này làm bàn chân dễ chấn thương.

Loại thần kinh tự chủ khiến giảm đổ mồ hôi chân làm da chân khô nứt nẻ và dễ nhiễm trùng. Loại cảm giác khiến chân mất cảm giác đau và nhiệt, khiến người bệnh chỉ phát hiện tổn thương ở chân khi tổn thương đã tiến triển.

ĐTĐ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhất là ở chân đã có tổn thương do mạch máu và thần kinh. Các áp lực tác động thường trực lên bàn chân do sự biến dạng bàn chân, giày dép không phù hợp, khuân vác nặng cũng làm chân dễ bị chấn thương.

Chăm sóc tỉ mỉ

Bên cạnh mục tiêu "tối thượng" là kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp, việc chăm sóc bàn chân cũng phải được thực hiện tỉ mỉ và thường xuyên, bao gồm:

- Bàn chân phải được khám toàn diện ít nhất mỗi năm một lần. Những ai có vấn đề về chân phải được khám thường xuyên hơn. Cần nhớ rằng bệnh nhân ít có than phiền về chân chẳng qua vì bệnh lý thần kinh làm mất cảm giác ở chân mà thôi, vì thế phải thăm khám mới phát hiện được bất thường.

- Người bệnh có thói quen kiểm tra bàn chân một lần mỗi ngày trước khi đi ngủ xem có bất thường, cũng như tìm xem có dị vật, sỏi cát gì trong giày dép mà vì chân giảm cảm giác nên không phát hiện ra. Rửa chân hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng, sau đó lau thật khô. Không ngâm chân trong nước ấm quá lâu.

- Chủ động phòng tránh các tình huống có thể gây tổn thương chân như tiếp xúc nước nóng phải kiểm tra trước nhiệt độ, các hoạt động sinh hoạt hay thể thao có tiếp xúc các vật nóng hoặc sắc nhọn...

- Tránh các tư thế ngồi chéo chân hoặc bó gối, mang giày dép hoặc vớ chật.

- Khi cắt móng chân nên được thực hiện sau tắm hoặc ngâm chân để móng mềm, không "đào sâu lấy khóe".

- Không bao giờ được đi chân không. Nên chọn giày dép thay thế vào buổi chiều vì khi đó chân to hơn. Giày dép có phần mũi rộng và sâu, đế chắc và êm, mặt trong nhẵn. Nếu bàn chân đã bị biến dạng, cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được đóng giày dép phù hợp.

Nếu phát hiện vết trầy xước nhẹ, có thể vệ sinh, bôi thuốc sát trùng, băng lại và theo dõi. Nếu quá 1-2 tuần mà vết thương không khỏi thì phải đến gặp bác sĩ. Tổn thương nặng hơn phải đến bác sĩ ngay để đánh giá toàn diện, tiên lượng nguy cơ loét chân và có điều trị phù hợp. Trong trường hợp chân có những bất thường như cục chai, móng quặp, biến dạng khớp, bệnh nhân không nên tự xử lý mà phải hỏi ý kiến thầy thuốc.

Trong chuyên khoa nội tiết, môn bàn chân ĐTĐ nay đã trở thành một chuyên khoa thực thụ được thực hành bởi những bác sĩ chuyên khoa về chăm sóc thể bệnh này, do đó người bệnh nên tìm đến các nơi này để được tư vấn kịp thời.

Cần nhớ những tổn thương loét và/hoặc nhiễm trùng bàn chân trong ĐTĐ thường cần điều trị trên nhiều yếu tố trong một thời gian dài, chẳng hạn như dùng kháng sinh kéo dài, có khi phải can thiệp để chỉnh hình mạch máu, cắt lọc mô hoại tử, chế tạo giày dép thích hợp, tập vật lý trị liệu... do vậy, sự kiên trì tuân thủ điều trị của bệnh nhân đóng vai trò then chốt của thành công.
AloBacsi.vn
Theo BS Nguyễn Thanh Tâm - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X