Hotline 24/7
08983-08983

Các nguyên liệu nhà bếp giúp trị đầy bụng, chướng hơi

Đầy bụng, chướng hơi là những vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Người bệnh có thể sử dụng thuốc hoặc một số nguyên liệu có sẵn trong nhà bếp để giảm tình trạng này với sự tư vấn từ BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ.

1. Trong Đông y, đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy bụng, chướng hơi?

Thưa BS, đầy bụng, chướng hơi là những vấn đề thường gặp. Trong Đông y, đâu là những nguyên nhân gây ra tình trạng này ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo Đông y, các nguyên nhân gây chướng bụng, đầy bụng:

- Thường gặp nhất là nội nhân do thất tình, tâm lý, ảnh hưởng từ trầm cảm.

- Nguyên nhân bất nội ngoại nhân do ăn uống, chế độ sinh hoạt.

2. Làm sao để nhận diện và phân biệt rối loạn tiêu hóa?

Mặc dù rất thường gặp nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn với các bệnh khác ở tiêu hóa, chẳng hạn như đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Làm sao để nhận diện và phân biệt được các tình trạng này, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời:

- Rối loạn tiêu hóa: Diễn ra từ 1 - 3 ngày, cảm thấy đầy bụng, chướng hơi, ăn uống không tiêu.

- Trường hợp bị bệnh lý dạ dày: Đau vùng thượng vị và kéo dài một thời gian.

- Trào ngược dạ dày: Có biểu hiện ợ hơi, ợ chua, cảm giác nóng rát vùng hầu họng và tái đi tái lại kéo dài.

Các biểu hiện trên sẽ gợi ý cho chúng ta biết đâu là rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, trào ngược dạ dày. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác phải nhờ đến cận lâm sàng và thăm khám lâm sàng của bác sĩ để đánh giá, phân biệt. Đối với người bình thường sẽ khó phân biệt các tình trạng này.

3. Trong Đông y có những vị thuốc nào dễ kiếm giúp giảm tình trạng đầy bụng, chướng hơi?

- Trong Đông y có những vị thuốc hay bài thuốc nào dễ kiếm có thể xoa dịu tình trạng đầy bụng, chướng hơi này ạ?

- Những bài thuốc này được sử dụng thế nào, mong BS giải đáp cụ thể hơn để bạn đọc hiểu rõ ạ. Khi sử dụng các bài thuốc trị đầy bụng, chướng hơi cần lưu ý những gì?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Đối với người bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ trong máu hoặc một số bệnh cảnh về tim mạch nên chuẩn bị sẵn thuốc để đảm bảo không bị gián đoạn hay đứt thuốc.

Bên cạnh đó, các trường hợp rối loạn tiêu hóa cũng có thể sử dụng một số dược liệu xung quanh nhà hoặc trong bếp như gừng, tỏi, tiêu, hành sẽ góp phần cải thiện các vấn đề này.

Có thể cắt 3 lát gừng cho vào trà và một chút đường, món trà đường gừng này sẽ giúp kích thích và cải thiện vấn đề về tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu rối loạn tiêu hóa kéo dài trên 3 ngày và kèm theo các triệu chứng khác thì chúng ta nên nhờ tư vấn từ chuyên gia để có sự hỗ trợ thích hợp.

4. Nên dùng gừng ra sao để hết đầy bụng, khó tiêu?

Uống trà gừng hoặc ăn vài lát gừng chấm muối là giải pháp được nhiều người lựa chọn khi có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

- Xin hỏi BS, gừng có công dụng ra sao trong những tình huống này?

- Mỗi lần dùng gừng bao nhiêu là đủ và nên dùng trong bao lâu? Vì nhiều người tin rằng dùng càng nhiều, càng ấm bụng sẽ càng nhanh hết.

- Trong dân gian cũng có câu “uống gừng buổi sáng như nhân sâm, ăn gừng buổi chiều độc như thạch tín”. Thực hư lời truyền miệng này như thế nào ạ? Nhiều người mặc dù bụng ậm ạch khó chịu vào buổi chiều, nhưng sợ độc nên không dám sử dụng, mong BS cho lời khuyên ạ.

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Vỏ gừng được gọi là bì khương, gừng sống gọi là sinh khương, gừng khô là can khương và gừng đốt cháy gọi là hắc khương, mỗi loại sẽ có tác dụng khác nhau. Gừng sống, gừng tươi (sinh khương) thường được sử dụng vì có vị cay, tính ấm, kích thích tiêu hóa.

Khi ăn uống không tiêu có thể sử dụng 3 lát gừng pha với trà và một ít đường để uống từ 1 - 3 ngày sẽ góp phần cải thiện tiêu hóa rất tốt. Không nên sử dụng nhiều, lâu dài sẽ gây nóng trong người. Đặc biệt gừng khô khi uống vào sẽ rất nóng và chỉ dùng làm thuốc điều trị tay chân lạnh.

Buổi sáng khi ăn uống bị rối loạn tiêu hóa thì có thể sử dụng sinh khương để kích thích tiêu hóa, tốt cho buổi chiều. Tuy nhiên sử dụng gừng vào buổi chiều sẽ không có lợi. Nhất là gừng khô sẽ gây nóng trong người và khó ngủ từ đó kéo theo một số rối loạn của cơ thể, làm bộc phát bệnh nền.

5. Đầy bụng, khó tiêu ở trẻ em nên dùng bài thuốc, vị thuốc nào?

Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng dễ gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu vì thay đổi thói quen ăn uống. Với trẻ em, dùng bài thuốc, vị thuốc nào là phù hợp thưa BS? BS có thể đưa ra một vài lưu ý cho các bậc phụ huynh khi sử dụng?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Đối với trẻ em có thể sử dụng gừng với liều lượng khoảng 1 lát và băm nhỏ ra. Hoặc nấu cháo và cho vào một ít tiêu, hành kèm một quả trứng gà để vừa bồi bổ cơ thể vừa kích thích tiêu hóa.

Tuy nhiên đối với trẻ một số rối loạn tiêu hóa có thể do giun sán. Vì vậy trước khi chẩn đoán rối loạn tiêu hóa nên tẩy giun để triệu chứng không bị che mờ. Chúng ta có thể sử dụng các dược liệu xung quanh bếp để góp phần cải thiện và đem lại hiệu quả nhất định cho người lớn và trẻ em.

6. Phụ nữ mang thai nên làm gì khi đầy bụng, khó tiêu?

Phụ nữ mang thai cũng rất khó chịu với tình trạng này. BS có lời khuyên nào dành cho các chị em trong giai đoạn này để chấm dứt đầy bụng, khó tiêu mà vẫn an toàn cho em bé?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Khi mang thai các vấn đề về thức ăn hay thuốc đều phải hết sức cẩn thận. Vì ngoài tác dụng cho mẹ còn ảnh hưởng đến em bé.

Phụ nữ mang thai bị rối loạn tiêu hóa có thể xoa nhẹ vùng bụng, kết hợp với một ít trà đường gừng, trần bì (vỏ quýt sao hơi vàng) để kích thích tiêu hóa mà không ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy nhiên không nên lạm dụng nhiều và lâu dài. Sử dụng từ 1 - 3 ngày để cải thiện, khi có dấu hiệu kéo dài phải nhờ đến chuyên gia về sản khoa để hỗ trợ thêm.

7. Massage bụng có hiệu quả không và nên thực hiện thế nào?

Bên cạnh các bài thuốc, massage bụng cũng là liệu pháp được nhiều người ưa chuộng, song không phải ai cũng thực hành đúng. Massage bụng có hiệu quả trong trường hợp này? BS có thể chia sẻ cụ thể hơn các bước thực hiện đúng để đạt hiệu quả cao ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Massage bụng cũng góp phần hỗ trợ rối loạn tiêu hóa bên cạnh các gia vị như gừng, hành, tỏi, tiêu, trần bì,… Lưu ý khi massage bụng:

- Bị táo bón: Sẽ xoa từ hố chậu phải, kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống, đến trực tràng và xoa theo chiều kim đồng hồ.

- Trường hợp rối loạn tiêu hóa có tiêu chảy: Nên xoa ngược lại để giảm nhu động ruột.

8. Rối loạn tiêu hóa, khi nào cần đến bệnh viện ngay?

Trường hợp nào chúng ta cần đi đến bệnh viện, không nên chần chừ, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Những rối loạn của cơ thể diễn biến nhanh, kéo dài nên có sự can thiệp của bệnh viện để giải quyết những ảnh hưởng đến sức khỏe như:

- Rối loạn tiêu hóa kèm theo đau bụng dữ dội.

- Đau chậu phải, nhất là đau vùng thượng vị.

- Đau bụng dữ dội kèm theo bụng cứng như gỗ.

- Đau bụng kèm tiêu chảy không cầm được.

- Nôn không cầm được.

9. Để phòng ngừa khó tiêu, đầy bụng cần lưu ý những nguyên tắc nào?

Để phòng ngừa khó tiêu, đầy bụng, đón Xuân an lành, chúng ta cần ghi nhớ những nguyên tắc nào trong ăn uống, sinh hoạt, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Nên chú ý một số vấn đề:

- Ăn đa dạng, không nên ăn quá no.

- Hạn chế thực phẩm đóng gói sẵn.

- Sử dụng các thực phẩm tươi.

- Ăn nhiều rau.

- Có thể sử dụng rượu vang hay rượu nho, hạn chế bia rượu quá nhiều.

- Nên nghỉ ngơi hợp lý.

- Những người có bệnh nền nên chuẩn bị sẵn thuốc. Nếu không cẩn thận bệnh sẽ bọc phát và không có lợi cho sức khỏe như cao huyết áp, tai biến mạch máu não, tiểu đường, mỡ trong máu cao,…

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X