Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Tạ Phương Dung tư vấn về bệnh thận

14g thứ năm (24/1), BS.CK2 Tạ Phương Dung, BV Nhân dân 115 giải đáp câu hỏi về bệnh thận với bạn đọc Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.


BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận-Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về bệnh thận như: sỏi thận, tán sỏi, suy thận có ăn chay được không, trước và sau ghép thận cần chuẩn bị gì…

Vị bác sĩ yêu quý bệnh nhân như quả thận của mình sẽ chia sẻ với quý bạn đọc nhiều thông tin hữu ích trong việc điều trị bệnh thận, chăm sóc thận đúng cách.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Vũ Thị Nhàn - Quảng Bình

Chào bác sĩ,

Con trai tôi năm nay cháu 9 tuổi, đi siêu âm, phát hiện thận phải kích thước nhỏ hơn 1/2 thận trái. Xin bác sĩ tư vấn việc này nguy hiểm không và nên điều trị như thế nào?


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào chị Nhàn,

2 thận có thể có kích thước chênh lệch với mức độ nhỏ, nhưng nhỏ hơn 1/2 là bất thường rồi, cho nên chị nên đưa cháu tới BV làm thêm các xét nghiệm khác.

Cháu 9 tuổi nên đưa đến BV có chuyên khoa Thận nhi. Đầu tiên là siêu âm lại, nếu vẫn ghi nhận bất thường về kích thước như vậy thì sẽ làm thêm xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm về hình ảnh học của thận.

Nếu thật sự một quả thận là nhỏ hơn 1/2 so với thận còn lại, có thể đó là một thận teo, mất chức năng, thận còn lại hoạt động bù trừ nhưng người bệnh sẽ sớm có biểu hiện suy thận. Vì vậy, cần tới những BV có chuyên khoa Thận nhi để các BS khám và định hướng điều trị.


Phạm Thị Lai - phamt...@...edu.vn

AloBacsi cho em hỏi là,

Để được ghép thận nhân tạo, em cần chuẩn bị những gì ạ? Quá trình ghép và điều dưỡng sau ghép như thế nào ạ?


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào chị Lai,

Để được ghép thận, trước hết chị và gia đình sẽ được BS chuyên về ghép thận tư vấn, kiểm tra sức khỏe có đủ điều kiện để ghép thận hay không. Chị và người hiến thận sẽ được ktra sức khỏe và mức độ phù hợp của 2 người. Bên cạnh đó chị và người ghép thận sẽ làm đơn xin ghép thận và hiến thận có xác nhận của chính quyền địa phương với mục đích là trao tặng thận hoàn toàn tự nguyện.

Khi hoàn tất các xét nghiệm cũng như khám các chuyên khoa: tim mạch, nội tiết, tiêu hóa, gây mê… bước tiếp theo là trình hội đồng ghép tại BV, được hội đồng thông qua sẽ tiến hành ghép. Sau ghép bệnh nhân nằm trong phòng cách ly, được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc toàn diện, người nhà không cần chăm sóc.

Thông thường sau 2 tuần bệnh diễn tiến ổn định, bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà. Trước khi xuất viện sẽ được các BS dặn dò cách tự chăm sóc, theo dõi, uống thuốc và tái khám.


Lê Thanh Quý - Ninh Thuận

Chào bác sĩ,

Cháu đã điều trị bệnh thận hư được 2 tháng nhưng trong quá trình điều trị thì có các biểu hiện như nổi mụn toàn mặt và vùng ngực, vai. Ngoài ra còn cảm thầy cổ và phần bụng và đùi phù nhẹ.

Mặc dù kết quả xét nghiệm tháng trước đã cho kết quả âm tính nhưng cháu lại thấy các biểu hiện trên, không biết đó có phải là tác dụng phụ của thuốc hay không, mong bác sĩ giải đáp giúp cháu. Cháu cám ơn bác sĩ nhiều ạ

Thuốc đã dùng:

1. Esomeprazol(Emanera v-20mg) sáng 7 giờ uống 1 viên (28 viên)

2. Calcium + Cholecalciferol (Korucal V-300mg/100UI) (28 viên)

   sáng 7 giờ uống 1 viên

3. Temisartan (Levistel v-80mg+) (28 viên)

   sáng 7 giờ uống 1 viên

4. Methylprednisolone (Medrol V-16mg+) (56 viên)

   sáng 7 giờ uống 2 viên


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn,

Theo bạn mô tả, khả năng bạn bị tác dụng phụ của thuốc. Các triệu chứng này sẽ dần mất đi khi BS cho giảm liều thuốc với điều kiện bệnh đã ổn định. Bên cạnh đó, bạn có thể làm giảm triệu chứng bằng cách: tránh đồ ăn thức uống cay nóng, nhiều mỡ, ngọt, rửa mặt với sữa rửa mặt có tính sát trùng nhẹ.

Các thuốc BS cho phù hợp với bệnh của bạn. Lưu ý thuốc số 4 Methylprednisolone bạn nên uống vào buổi sáng sau khi ăn no.


H. Thị Hoan - Nghệ An

Thưa bác sĩ,

Con tôi bị dị tật bẩm sinh, khi sinh ra chỉ có 1 quả thận. Vậy con tôi có bị ảnh hưởng gì cho cuộc sống hiện tại và sau này không, thưa bác sĩ?

Thông tin thêm: Con tôi đã mổ trực tràng khi vừa mới sinh ra.


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào chị Hoan,

Con chị sinh ra chỉ có 1 quả thận vẫn có thể sống, phát triển bình thường nhưng cần kiểm tra toàn diện xem cháu có còn bất thường cơ quan nào khác hay không? Và cần kiểm tra định kỳ sức khỏe và sự phát triển của cháu tại cơ sở y tế có chuyên khoa nhi. Khi có bất thường về sức khỏe, không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc ảnh hưởng tới thận. Nên tới khám tại cơ sở y tế.


Nguyen Thanh - thomas...@yahoo.com

Kính chào bác sĩ,

Cách nay 2 tháng tôi nhập viện Bình Dân TPHCM sau khi làm thủ tục xét nghiệm: Thận phải có sỏi 7mm gây tắc nghẽn đường tiết niệu và thận ứ nước. BVBD đã chỉ định tán sỏi nội soi ngược dòng. Sau khi tán sỏi hoàn tất, sau 3 ngày tôi xuất viện. Có uống thuốc theo chỉ dẫn của BV.

1 tháng sau tôi tái khám đễ rút ống JJ. Có uống thuốc theo chĩ dẫn của BV.

2 này sau rút ống tôi có đến phòng siêu âm của tỉnh với kết quả: Thận trái có sỏi 5-6 mm. Thận phải còn ứ nước.

Hôm qua cách ngày tán sỏi gần 3 tháng tôi có đến phòng siêu âm của tỉnh với kết quả: Thận trái có sỏi 5-6 mm. Thận phải sỏi 4mm.

Hiện tại đau lưng phải, và sườn phải thỉnh thoảng hay bị lói.

Kính mong bác sĩ cho lời khuyên tôi phải làm gì? Thành thật cám ơn. Trân trọng kính chào!


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn,

Bạn được tán sỏi thận phải, sau đó phát hiện thận trái có sỏi, rồi lại phát hiện thận phải có sỏi, có thể do các khả năng sau: Tán sỏi lần 1 chưa hết sỏi hoặc sỏi tái phát trở lại sau khi tán. Bạn cần trở lại BV để các bác sĩ tiếp tục điều trị cho bạn nhé.


L. T. Bích Lựu - bichl...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tôi có đứa em bị ung thư thận, mong bác sĩ hãy cứu giúp em tôi với, liệu có nên chữa trị khi ở giai đoạn cuối?

Hiện tại em tôi chưa dùng thuốc gì, mới đi viện phát hiện thì bác sĩ đã phát hiện giai đoạn cuối rồi.


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn Lựu,

Bạn cần đưa em tới BV có chuyên khoa ung thư. Điều trị ung thư nên được thực hiện tại các BV, không nên tự ý điều trị hoặc bởi các bác sĩ không phải là bác sĩ chuyên khoa ung thư. Hiện có nhiều thuốc cũng như phương pháp điều trị ung thư giúp cho em của bạn.

 
Van Cuu - Vũng Tàu

Em bị sỏi thận 4.5mm, bác sĩ cho em hỏi với mức độ của em như bây giờ em điều trị như thế nào ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn,

Bạn có thể cung cấp thêm thông tin vị trí của sỏi, đã gây các biến chứng như đau, tắc nghẽn, nhiễm trùng… hay chưa? Sỏi nhỏ ở nhu mô thận, không gây biến chứng có thể không cần dùng thuốc hay phẫu thuật. Nhưng sỏi ở vị trí dễ gây tắc nghẽn đôi khi phải điều trị bằng cách: tán sỏi hoặc phẫu thuật. Bạn nên tới BV có chuyên khoa tiết niệu để được khám và điều trị đúng mức.


Huynh Tan - TPHCM

Thưa bác sĩ,

Tôi nay 46 tuổi. Bị suy thận mạn tính/theo dõi bệnh thận IGA và điều trị đã 1,5 năm. Hôm nay siêu âm: 2 thận có cấu trúc bình thường, phân biệt vỏ - tủy rõ, không ứ nước, không sỏi. Nhưng kích thước thận phải bị nhỏ là 78x28mm trong khi thận trái là 85x45mm.

Cách đây 1,5 năm thận phải là 78x35mm (thận trái kích thuoc hiện tại vẫn bằng kích thước cách đây 1,5 năm). Vậy thận của tôi có bị triệu chứng teo nhỏ không? Triệu chứng này có nghiêm trọng không?

Xin nói thêm là xét nghiệm máu: Creatinine là 1.9 mg/dL, eGFR(MDRD) là 39 ml/ph. Huyết áp bình thường. Bị tiểu máu vi thể và tiểu đạm.

Nhờ bác sĩ tư vấn giúp nhé. Cám ơn bác sĩ.


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn,

Bệnh thận IgA có tiểu máu và tiểu đạm, tuy nhiên chỉ điều trị đặc hiệu với thuốc ức chế miễn dịch khi mức độ tiểu đạm trong 24h > 1g hoặc gây biến chứng. Siêu âm có thể cho thấy kích thước thận thay đổi tùy người thực hiện siêu âm và “mặt cắt” của trái thận khi siêu âm.

Theo con số bạn cho có vẻ như không thay đổi kích thước mấy. Với chỉ số Creatinine là 1.9 mg/dL, eGFR(MDRD) là 39 ml/ph là đã có suy giảm chức năng thận ở mức độ 3/5. Bạn cần thăm khám đều, định kỳ bởi BS chuyên khoa thận, thực hiện các chế độ ăn cho người bệnh thận: giảm mặn, giảm ngọt, giảm mỡ.

Đặc biệt khi thấy có dấu hiệu phù (nặng tay chân hoặc mí mắt) hoặc làm việc mau mệt mỏi, khi có các vấn đề về sức khỏe như cảm, sốt… nên thăm khám BS chuyên khoa thận, không nên tự ý dùng thuốc.

 
Thu Hồng - Bình Dương

Xin chào AloBacsi,

Mẹ em ở quê lên chơi, em vừa đưa mẹ đi khám sức khỏe, phát hiện suy thận độ 2. Trước giờ 1 tháng mẹ em ăn chay 10 ngày, bây giờ có tiếp tục ăn chay như vậy được không ạ? Mong bác sĩ hướng dẫn giúp em món chay như thế nào phù hợp với người bị suy thận.

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào em,

Em không cho biết mẹ em bao nhiêu tuổi. Thông thường sau tuổi 40, chức năng thận dần dần giảm đi, nên người lớn tuổi có thể độ lọc cầu thận giảm, tương đương mức độ 2, 3 của suy thận. Nếu thực sự là suy thận cần tìm nguyên nhân để điều trị nhằm “bảo tồn” trái thận.

Ăn chay vẫn có thể được duy trì nhưng ăn chay không có nghĩa là chỉ ăn rau, cần bổ sung “đạm chay” (như các loại đậu, nấm…), lưu ý tránh ăn mặn và các đồ chiên xào.


Bạn đọc Đăng - dangh...@gmail.com

Tôi bị sỏi thận kích thước 20mm, do không bị đau, không có biểu hiện gì nên sỏi kích thước lớn mới phát hiện.

Vậy nhờ bác sĩ tư vấn giúp kích thước sỏi lớn như vậy có điều trị bằng thuốc được không? Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể có ảnh hưởng gì không ạ?


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn,

Sỏi 20mm ít khi điều trị khỏi bằng thuốc mà có thể không cần phải phẫu thuật, chỉ cần tán sỏi. Nhiều phương pháp tán sỏi được thực hiện bởi BS nhiều kinh nghiệm thì ít đau, ít biến chứng.
 

Le Sang - Thanh Hóa

Bác sĩ ơi,

Tội bị sỏi thận, đến nay sỏi đã lớn 1,3cm, tôi nên điều trị thế nào ạ? Có nhất thiết phải mổ? Nếu tán sỏi thì có khỏi hẳn không và chi phí hết nhiều tiền không bác sĩ?


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn Sang,

Với sỏi 1,3cm ít khi điều trị khỏi bằng thuốc mà có thể không cần phải phẫu thuật, chỉ cần tán sỏi. Nhiều phương pháp tán sỏi được thực hiện bởi BS nhiều kinh nghiệm thì ít đau, ít biến chứng. Nhiều trường hợp tán sỏi khỏi hẳn.


Nguyễn Đ - vere...@yahoo.com

Xin chào bác sĩ,

Tôi có đi khám bệnh ở Bệnh viện 108 vì đi tiểu có nhiều bọt. Tôi thử nước tiểu, các chỉ số bình thường nhưng chỉ số AlB là 10 mg/L và Cre là 200 Mg/DL.

Bác sĩ kết luận là viêm đường tiết niệu nhẹ. Sau 2 tuần uống kháng sinh, đi khám lại các chức năng thận và thử lại nước tiểu thì các chỉ số thì bình thường nhưng chỉ số ALB vẫn là 10 mg/L và CRE vẫn là 200 Mg/Dl.

Bác sĩ kết luận là bình thường và không cho thuốc uống gì cả.

Bác sĩ cho hỏi, tôi có phải uống thuốc gì không để giảm chỉ số ALB và CRE vì theo tôi biết nếu có ALB trong nước tiểu về lâu dài dễ dẫn đến suy thận.


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn,

Chỉ số AlB là 10 mg/L là không cao, nhưnhg Cre là 200 Mg/DL là cao, có suy thận mức độ nhẹ rồi. Bạn cần được thăm khám bởi một BS chuyên khoa thận, tìm nguyên nhân và các biến chứng của bệnh thận để được điều trị kịp thời.

Nếu bạn đi khám vì một bệnh lý nào khác, bạn nhớ thông báo cho BS biết về tiền căn bệnh thận của bạn để BS cho thuốc không gây độc hại lên thận.


Bạn đọc Quyên - quyen...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Em từng bị sỏi thận, 5 ngày nay đi tiểu ra máu, kèm đau lưng, đi khám BV tỉnh, xét nghiệm có máu, siêu âm có cặn sỏi ở bể thận, thận ứ nước. bác sĩ cho 1 tuần thuốc, bảo không hết thì quay lại tán sỏi.

Em mới uống 1 ngày thuốc, vẫn tiểu ra máu. Vậy tình trạng của em có nặng không ạ? Em vẫn chờ 1 tuần hay đi khám lại luôn? Em đang cho con bú, 5 tháng tuổi.

Cám ơn bác sĩ rất nhiều!


BS.CK2 Tạ Phương Dung

Chào bạn,

Bạn mới uống thuốc 1 ngày thì bệnh chưa hết được đâu, bạn nên uống thêm vài ngày nữa, khi không bớt tiểu máu thì tái khám. Bạn nhớ thông báo với BS là bạn đang cho con bú để BS cho bạn dùng thuốc không ảnh hưởng đến việc tiết sữa hoặc được thải vào sữa, khi đó con bạn bú sữa, thuốc sẽ vào cơ thể của con bạn.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

- Từ năm 1991 - 1995: Chuyên khoa Tiêu hóa-Nhi - Bệnh viện Nhân dân 115

- Từ năm 1995 đến nay: Bác sĩ khoa Nội Thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115

- Từ năm 2007 đến nay: Trưởng khoa, Khoa Nội Thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115

Hội viên các hội chuyên ngành:

- Ủy viên ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam

- Ủy viên ban chấp hành Hội Tiết niệu - Lọc máu trẻ em Việt Nam

- Ủy viên ban chấp hành Hội Ghép tạng Việt Nam

- Ủy viên ban chấp hành Hội vận động Ghép tạng Việt Nam

- Thường vụ Ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học TP Hồ Chí Minh

- Phó chủ tịch Hội Thận học TP Hồ Chí Minh

Khen thưởng:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014

- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” của Sở Y tế các năm 2012, 2013, 2014, 2015

- Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016

Công trình khoa học:

- So sánh hiệu quả của Erythropoietin Alpha khi chuyển từ tiêm dưới da qua tiêm tĩnh mạch trên bệnh nhân lọc máu

- Sinh thiết thận qua da bằng kim cắt tự động dưới hướng dẫn của siêu âm

- Đối chiếu Lâm sàng - Cận lâm sàng - Mô bệnh học một số bệnh cầu thận tại Bệnh viện Nhân dân 115

- Thai kỳ ở bệnh nhân ghép thận

- Vai trò của chức năng thận tồn lưu trên bệnh nhân thẩm phân phúc mạc liên tục ngoại trú

- Khảo sát sự hiểu biết của bệnh nhân/ thân nhân bệnh nhân bệnh thận mạn về chế độ ăn bệnh lý

- Biểu hiện lâm sàng - cận lâm sàng - mô bệnh học của hội chứng thận hư trên đái tháo đường týp 2

- Khảo sát hiệu quả của phương pháp lọc máu khuyếch tán đối lưu với dịch bù liên tục trên bệnh nhân suy thận mạn đang lọc máu định kỳ

- Khảo sát hiệu quả của chế độ ăn đạm rất thấp có bổ sung ketoacid trong điều trị bảo tồn bệnh thận mạn tại Bệnh viện Nhân dân 115

- Thải ghép cấp trong ghép thận: cơ chế phân tử - chẩn đoán - điều trị

- Xử trí thải ghép cấp kháng Corticosteroid trong ghép thận

- Nguyên tắc phân phối tạng ghép từ người cho chết não tại các nước phát triển

- Viêm gan B sau ghép tạng

- Nhiễm Cytomegalovirus sau ghép tạng

- Tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân lọc màng bụng liên tục ngoại trú và lọc máu nhân tạo chu kỳ tại BV Nhân dân 115…

- Khảo sát đặc điểm của người đăng ký hiến thận tại Bệnh viện Nhân Dân 115.

- Phòng ngừa và điệu trị một số virus trong  ghép thận (Cytomegalovirus, vius viêm gan): nghiễn cứu đa trung tâm.

- Xử trí thải ghép cấp kháng Corticosteroid trong ghép thận (đăng tạp chí Y học Việt Nam tháng 05/2014).

- Hướng dẫn điều trị tiểu đêm - HTKH Pháp Việt chuyên  đề thận niệu lần V - 2015

- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép thận - HTKH Pháp Việt chuyên đề thận niệu lần V - 2015

- Điều trị tăng huyết áp trên bệnh nhân bệnh thận mạn  - HN thường niên lần thứ IX -2015 & Đại hội lần IV Hội Tiết Niệu - Thận học Việt Nam.

- Lọc màng bụng trong những trường hợp đặc biệt SHKH Kỷ niệm 100 ca ghép thận thành công 01/2016
Prevalence rate of CMV infection in patients after kidney transplantation in Vietnam European Journal of phamaceutical and medical research , ejmr, 2016, 3(5), 98-106


Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X