Hiện nay, có nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh ung thư như phẫu trị, xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm trúng đích…Trong đó, hóa trị là phương pháp bắt đầu được áp dụng để điều trị bệnh ung thư từ những năm 40 - 50 của thế kỷ 20.
Hóa trị có thể hiểu là phương pháp sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào. Tuy nhiên nhiều người bệnh thường ái ngại khi áp dụng phương pháp này: liệu có bị những tác dụng phụ, có làm ung thư mau tiến triển hơn hay không?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 đã có cuộc trao đổi để giải đáp những thắc mắc cùng Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi xung quanh phương pháp này.
Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.
NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN
Thưa bác sĩ, phương pháp hóa trị hoạt động trên cơ chế như thế
nào? Và sử dụng những loại thuốc gì để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung
thư?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Hóa trị là dùng hóa chất để điều trị, được dùng
trong điều trị nội khoa ung thư và cho tất cả các bệnh nhân ung thư.
Ngày nay để điều trị ung thư, có sự phối hợp đa mô
thức: phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội khoa; hóa trị nằm trong mô thức điều trị
nội khoa.
Mô thức điều trị nội khoa ung thư bao gồm hóa trị, các
thuốc liệu pháp nhắm trúng đích, những liệu pháp kháng sinh mạch, hiện nay nổi
trội là liệu pháp điều trị miễn dịch.
Trước đây hóa trị dùng thuốc được chiết xuất từ
thiên nhiên: hoạt chất Paclitaxel được chiết xuất từ cây thông lá đỏ, hoạt chất
Alcaloid chiết xuất từ cây dừa cạn - những hoạt chất này có tác dụng ức chế sự
phát triển của tế bào ung bướu. Ngoài ra có những hoạt chất bán tổng hợp cũng
được sử dụng cho bệnh nhân ung thư.
Trước tiên, chúng ta cần biết ung thư là sự phát triển
của những tế bào không kiểm soát được, mỗi loại thuốc được sử dụng sẽ tác động
vào từng giai đoạn sinh trưởng của tế bào ung thư. Vì vậy khi điều trị ung thư,
các bác sĩ sẽ phối hợp các loại thuốc để mỗi loại tác động vào từng giai đoạn,
như vậy tác dụng điều trị được nâng cao và khả năng tiêu diệt tế bào ung bướu
cao hơn. Đó là cơ chế cũng như loại thuốc hóa trị cho bệnh nhân ung thư.
Hóa trị được chỉ định vào giai đoạn nào của bệnh,
thưa BS? Nhằm mục đích gì trong liệu trình điều trị ung thư?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Hóa trị được sử dụng cho những trường hợp giai đoạn
sớm cũng như trường hợp giai đoạn muộn. Và hóa trị cũng có 2 mục đích: hóa trị
triệt để và hóa trị triệu chứng. Hóa trị triệt để dùng sau khi phẫu thuật, sử dụng
liều cao để tiêu diệt những tế bào còn sót lại giúp bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh
cao hơn. Trong khi hóa trị triệu chứng sử dụng liều thấp hơn để dung hòa vừa kiểm
soát tác dụng phụ và giảm triệu chứng bệnh.
Đối với những trường hợp giai đoạn sớm, hóa trị có
tính hỗ trợ hoặc bổ trợ. Ví dụ: những trường hợp trước khi phẫu thuật, bệnh
nhân sẽ được hóa trị, người ta gọi là hóa trị tân bổ trợ. Cụ thể như những bệnh
nhân ung thư vú, những khối u rất lớn không phẫu thuật được, bệnh nhân sẽ được
hóa trị, khối u sẽ được gom nhỏ lại và khả năng phẫu thuật cắt đoạn bướu sẽ cao
hơn.
Một ví dụ khác: bệnh nhân hóa trị sau phẫu thuật như
ung thư đại tràng, ung thư phổi để diệt những tế bào rơi rớt hoặc di chuyển
trong máu. Bệnh nhân phát hiện ung thư giai đoạn muộn, không còn điều kiện phẫu
thuật cũng sẽ sử dụng biện pháp hóa trị nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thưa bác sĩ, trước khi hóa trị, bệnh nhân nên được chuẩn bị như thế nào ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Đây là câu hỏi được bệnh nhân cũng như người nhà hỏi chúng tôi liên tục.
Để tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ cần chuẩn bị về vấn đề chuyên môn cho người bệnh cũng như những bằng chứng về ung thư, bác sĩ phải hội chẩn, cho bệnh nhân xét nghiệm chức năng gan, thận, số lượng tế bào máu… những loại giấy tờ đó phải đầy đủ.
Cần chuẩn bị tâm lý cho người bệnh vì khi phải hóa trị bệnh nhân rất sợ, giải thích lợi ích của việc hóa trị trong trường hợp này là gì, sẽ có tác dụng phụ gì, giải thích chi phí điều trị: phác đồ có bảo hiểm y tế chi trả hoặc có chi phí bao nhiêu, liệu trình điều trị như thế nào.
Về phần bệnh nhân, cần chuẩn bị dinh dưỡng đầy đủ, cố gắng ăn uống giữ thể trạng thật khỏe vì trong quá trình bệnh nhân hóa trị sẽ làm khẩu vị thay đổi, ăn uống kém, sức khỏe suy sụp. Người nhà cũng cần biết về tác dụng phụ, những gì xảy ra trong quá trình điều trị để sắp xếp hỗ trợ người thân vượt qua hóa trị đạt kết quả tốt.
Một bệnh nhân bị u tuyến ức ở giai đoạn 4, sau khi hóa trị chu kỳ thứ nhất, hình ảnh khối u và các tổn thương liên quan đã giảm 90% và tiếp tục ổn định qua các chu kỳ hóa trị tiếp theo. Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân: đau ngực, ho, khó thở cũng cải thiện rõ rệt - Ảnh tư liệu của khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115
Bệnh nhân khi làm hóa trị còn e ngại về tác dụng phụ. Tác dụng phụ bao gồm những triệu chứng gì? Vì sao xảy ra các triệu chứng trên và khi nào chấm dứt, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Nói về tác dụng phụ của hóa trị, chúng ta sẽ chia ra tác dụng phụ về tiêu hóa, tạo huyết, lông tóc móng…
- Hệ tiêu hóa: nhiều bệnh nhân bị lở miệng, buồn nôn thậm chí nôn khi ngửi thấy mùi thức ăn, đầy bụng khó tiêu, không thèm ăn, thay đổi khẩu vị, mất vị giác, có bệnh nhân bị tiêu chảy, có người bị táo bón.
- Lông tóc móng: nhiều người hóa trị xong rụng tóc rất nhiều thậm chí rụng hết tóc nhưng cũng có người không bị rụng tóc. Việc rụng tóc tùy thuộc vào loại hóa trị. Một số người bị sạm da, móng tay bị teo và ố vàng. Nhưng tóc, móng sẽ mọc trở lại, da cũng sẽ trở lại bình thường sau khi hóa trị 1 thời gian.
- Hệ tạo huyết: bản chất hóa chất hóa trị là thuốc diệt những tế bào sinh sản nhanh, mà tế bào máu là những tế bào sinh sản liên tục. Do đó những tế bào nào sinh ra trong quá trình hóa trị đều bị tác động bởi hóa chất, tế bào máu cũng tương tự tế bào ung thư. Khi đó những tế bào máu trong cơ thể bị nguy hiểm: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu… dẫn đến thiếu máu.
Sau chu kỳ hóa trị, bệnh nhân bắt buộc đến bác sĩ xét nghiệm lại tế bào máu để kiểm tra số lượng tế bào máu để xem có đủ để làm hóa trị đợt tiếp theo hay không? Trong cơ thể có 3 loại tế bào máu: hồng cầu vận chuyển oxy, bạch cầu bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi trùng, tiểu cầu có chức năng cầm máu. Vì vậy khi thiếu 1 trong 3 loại tế bào này đều gây nguy hiểm. Dựa theo kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ biết trường hợp này có thể dùng thuốc hoặc bắt buộc ngưng thuốc.
Ngoài ra có 1 số trường hợp sau khi hóa trị bị tê tay chân, ảnh hưởng tới hệ sinh dục, nam có thể vô sinh và nữ có thể mất kinh nguyệt. Tuy nhiên sau vài tháng chức năng sinh sản sẽ trở lại bình thường.
Theo BS, liệu có thể hóa trị ung thư mà không bị thuốc “hành”? Làm cách nào để giảm tác dụng phụ của thuốc?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Đã nói làm hóa trị thì ít nhiều gì bệnh nhân đều bị tác động bởi tác dụng phụ của thuốc, điều này xảy ra tùy theo ngưỡng chịu đựng của mỗi người. Ngày nay thuốc hóa trị được làm rất tốt, bản thân thuốc dùng để kiểm soát triệu chứng và thuốc hỗ trợ giúp kiểm soát triệu chứng cũng rất tốt.
Trước đây khoảng 10 năm thì việc làm hóa trị rất đáng sợ, bệnh nhân chỉ nhìn thấy khung cảnh đã cảm thấy nôn mửa mặc dù chưa làm hóa trị. Ngay nay thuốc hỗ trợ làm giảm tác dụng phụ rất nhiều. Bệnh nhân sau khi hóa trị đến tái khám để tiếp tục cho chu kỳ sau đa số không có triệu chứng gây nôn mửa, mặc dù một số ít cảm thấy buồn nôn vài ba ngày và chưa có trường hợp nào bị tác dụng phụ nhiều.
Tác dụng phụ về tiêu hóa là 1 trong những tác dụng phụ nổi bật
nhất: cần đảm bảo dinh dưỡng, cần có chế độ ăn cân đối, phải có đạm,
chất xơ, chất béo, vitamin… Cần có phương pháp chế biến thức ăn cho bệnh
nhân sau hóa trị để có cảm giác ăn uống dễ dàng và dễ tiêu hóa.
Bệnh
nhân có thể uống thêm sữa thực vật để bổ sung chất đạm và vitamin, nên
sử dụng loại sữa mang tính chất sử dụng đều đặn. Khi dinh dưỡng của bệnh
nhân được cân bằng, thể trạng bệnh nhân sẽ tốt hơn thì tác dụng phụ sẽ
giảm đi, như vậy giúp cho bệnh nhân đi hết liệu trình điều trị.
Bệnh nhân hóa trị có cần nằm viện không? Sau khi vào thuốc, bao lâu người bệnh có thể tiếp tục công việc thường ngày?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Thuốc hóa trị được pha vào chai dịch để truyền, nhưng phải được truyền tại bệnh viện. Cần có hồ sơ để tiện theo dõi, tuy nhiên không bắt buộc bệnh nhân nằm nội trú tại bệnh viện.
Đa số những bệnh nhân thực hiện hóa trị đều sử dụng hồ sơ ngoại trú, tức là sau khi truyền thuốc xong bác sĩ theo dõi nếu không có vấn đề gì, bệnh nhân có thể về nhà.
Tùy thuộc vào tính chất công việc của mỗi người, không thể nói chung với tất cả. Có những người lao động chân tay và những người làm công việc hành chánh.
Ví dụ: Bệnh nhân là giáo viên sau khi làm hóa trị 10 ngày họ có thể đi dạy bình thường. Cũng có thể sau 4-5 ngày họ thấy khỏe thì vẫn quay lại làm việc được.
Đối với trường hợp làm công việc nguy hiểm như phải leo trèo, khiêng vác nặng, phải xem sau khi hóa trị xong thì việc ăn uống không được như lúc trước mà bệnh nhân đang trong tình trạng thiếu máu thì rất nguy hiểm.
Khoảng thời gian “tạm nghỉ” giữa 2 lần hóa trị thường là bao lâu ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Trong hóa trị chúng ta thường dùng từ “chu kỳ”, vì hóa trị là quá trình lặp đi lặp lại. Thông thường chu kỳ hóa trị là 3 tuần sẽ vô thuốc 1 lần, tuy nhiên có những phác đồ 2 tuần hoặc hàng tuần. Trong chu kỳ 3 tuần, sau khi hóa trị sẽ có những loại thuốc dạng viên uống trong thời gian đó.
Ví dụ ung thư đại tràng sau khi hóa trị bằng hóa chất, bệnh nhân sẽ uống thuốc liên tục 2 tuần, nghỉ 1 tuần sau đó quay lại chu kỳ hóa trị kế tiếp. Việc này lặp đi lặp lại nhiều chu kỳ.
Nếu bệnh nhân có các bệnh nền khác (cao huyết áp, tiểu đường, viêm dạ dày…) hay bị bệnh trong thời gian hóa trị (cảm, ho, chấn thương…) thì việc dùng thuốc điều trị bệnh khác có ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc hóa trị hay không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Đa số bệnh nhân ung thư được phát hiện ở tuổi xế chiều, thông thường lúc này bệnh nhân đã có sẵn các bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường... Cho nên, việc bệnh nhân ung thư có các bệnh nền không phải là chuyện lạ. Việc đầu tiên là bệnh nhân cẩn báo cho bác sĩ biết hiện đang sử dụng nhóm thuốc nào đó, bác sĩ sẽ tư vấn và giải thích cho người bệnh lưu ý khi sử dụng thuốc này có tương tác hay không, cần phải giảm liều hoặc hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa liên quan.
Ví dụ: Bệnh nhân đang điều trị bệnh suy tim, khi hóa trị các bác sĩ ung bướu sẽ hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa tim mạch, từ đó đưa ra phác đồ hội chẩn chính xác nhất.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân gặp bệnh như ho, sốt, nhức đầu… có thể dùng thuốc hạ sốt hặc giảm đau, không cần phải lo lắng về vấn đề này.
Thực tế, nhiều bệnh nhân bỏ điều trị đi uống thuốc nam, đến khi bệnh ngày càng nặng mới quay trở lại điều trị. Hay một số bệnh nhân ung thư từ chối hoặc chần chừ trước việc hóa trị. BS có lời khuyên gì cho bệnh nhân?
BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân:
Sau khi biết bản thân phải hóa trị thì đa số bệnh nhân sẽ rất sốc và từ chối. Có rất nhiều nguyên nhân sâu xa: về kinh nghiệm của những người đi trước, về tài chính, gia đình… Nhưng chúng ta nên biết rằng hóa trị là một trong những phương pháp chính thức được thế giới công nhận và nằm trong sách y khoa về ung bướu, đặc biệt đã có rất nhiều công trình khoa học so sánh giữa những bệnh nhân bị ung thư có hóa trị và những người không hóa trị.
Chúng ta thấy rằng việc hóa trị đem đến những lợi ích cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt những phuong pháp chữa bệnh chỉ dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể chứ không phải theo lời đồn. Khi bệnh nhân từ chối hóa trị chính là đang từ chối phương pháp giúp điều trị căn bệnh của mình.
Khi những bệnh nhân từ chối hóa trị, họ sẽ có những hướng điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc. Nhưng sau khi bệnh nhân một thời gian, họ quay lại và xin hóa trị. Vào thời điểm này sức khỏe của bệnh nhân không còn đủ để làm hóa trị nữa, bệnh đã chuyển sang giai đoạn lan tràn. Những cách chữa trị không chính quy đó đã vô tình làm tổn thương chức năng gan, thận. Chúng ta cần biết khi chức năng gan, thận đã rối loạn thì sẽ gây ra khả năng chống chỉ định với hóa trị, và rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Chính những suy nghĩ sai lầm làm cho bệnh nhân mất cơ hội, mất thời gian vàng và không còn cách nào quay lại nữa.
Thân mến!
~~~~~~~~~
AloBacsi chân thành cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ những thông tin hữu ích về hóa trị, giúp bệnh nhân ung thư hiểu rõ về phương pháp này và giảm bớt nỗi lo âu khi bước vào liệu trình hóa trị. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!
Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:
Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn
Zalo: 08983 08983
Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983 Ngoài
ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ -
chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe
tại kênh: AloBacsi - video.
Trân trọng!
|
Thực hiện: Thanh Thủy- Hồng Nhung
Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi