Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh tư vấn: Nếu để con lại trong xe hơi, cha mẹ nhất thiết phải nhớ…

Mới đây, trên các trang báo mạng đưa thông tin về một bé trai 6 tuổi bị để quên trên xe đưa đón của trường cả buổi và dẫn đến cái chết thương tâm của bé. Sự việc đã làm cho cư dân mạng và nhất là gia đình đau lòng về sự ra đi của em. Hôm nay, BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh sẽ tư vấn cho bạn đọc về vấn đề: Nếu để con lại trong xe hơi, cha mẹ nên lưu ý điều gì?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - nguyên trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2 TPHCM

NỘI DUNG TƯ VẤN

Ngày 6/8 tại Hà Nội có 1 vụ việc đau lòng là em bé 6 tuổi tử vong sau khi bị bỏ quên trong xe đưa đón. Dưới góc nhìn y khoa, BS có thể cho biết, những diễn biến có thể xảy đến cho trẻ nhỏ trong không gian đóng kín là gì? Theo BS, có phải việc thiếu dưỡng khí khiến em bé lịm đi và không kêu cứu?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Sự việc này xảy ra làm cho chúng ta cũng như gia đình bé đều rất đau buồn. Nói về việc trẻ em bị giam trong một không gian đóng kín như vậy, có 2 vấn đề về thể chất và tinh thần.

Đối với trường hợp trẻ em ở lại trên xe, bé càng nhỏ thì càng nguy hiểm vì trong không gian đóng kín, như trong xe ô tô đã tắt máy thì luồng khí CO và CO2 thải ra rất nhiều làm giảm oxy trong không gian của chiếc xe hơi, trẻ bị giam trong xe 5-10 phút thì thân nhiệt cũng đã tăng rất nhiều.

Người ta thử nghiệm cho một tình nguyện viên là người lớn thử giam mình trong không gian đóng kín như vậy thì chịu đựng được tối đa 30 phút thôi. Nếu một đứa bé ở trong đó thì thật là một thảm họa.

Khi thân nhiệt quá cao ở người lớn sẽ đổ mồ hôi để điều hòa thân nhiệt nhưng ở trẻ nhỏ, hệ bài tiết chưa hoàn chỉnh nên không thể toát mồ hôi như ở người lớn được, gây ra tình trạng sốc nhiệt rất nhanh. Khi đó, nếu trẻ đang ngủ thì ngộ độc khí CO và CO2 thì dễ dẫn đến tử vong ngay sau đó. Nếu trẻ thức dậy và thấy mình trong tình trạng như vậy thì chắc chắn tinh thần bấn loạn, và ngộp thở cộng thêm thân nhiệt tăng, trẻ sẽ dễ dàng dẫn đến sốc nhiệt.

Đã là trẻ con, bạn phải luôn theo sát, cho dù bạn đi ra ngoài vài phút vẫn có những trường hợp thương tâm xảy ra, huống hồ có những trường hợp cha mẹ quên con cả buổi trời. Tôi được biết có một trường hợp ông bố đi làm để quên hai đứa con song sinh của mình trên xe và chúng đã tử vong, sự việc này thật đáng tiếc và đau lòng. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh và những người lớn, phải luôn quan tâm đến trẻ nhỏ.

 

Theo BS, trẻ có thể chịu đựng bao lâu trong các không gian đóng kín như xe hơi, thang máy?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Tùy theo không gian, nếu không gian nhỏ thì trẻ càng dễ hoảng loạn và càng dễ dẫn đến sốc nhiệt hơn, không gian lớn hơn thì thời gian kéo dài hơn. Ví dụ như chúng ta ở trong phòng đóng kín, cúp điện thì chúng ta đã cảm thấy ngột ngạt rồi huống chi ở một không gian nhỏ như xe hơi, nhiệt độ tăng nhanh, nếu nhiệt độ bên ngoài là 27 độ thì trong vòng 10 phút trong xe đã tăng lên 37 độ, 30 phút sau lên đến 57 độ.

Vấn đề bé đáp ứng được bao lâu chúng ta không biết được vì có nhiều khi trẻ chỉ cần hoảng loạn, la hét là nhiệt độ tăng lên nhanh chóng, một lúc sau sẽ dẫn đến ngạt và tử vong. Có những đứa trẻ không có phản ứng liền, chúng  hạ nhiệt độ bằng cách toát mồ hôi, giảm huyết áp đến khi không còn sức lực nữa nhưng thời gian cũng không lâu.

 

Trường hợp cha mẹ buộc phải để con lại trên xe hơi trong chốc lát, chẳng hạn người lớn cần xuống xe để ghé vào cửa hàng... thì cần làm gì để an toàn cho trẻ? Tối đa bao lâu là phải quay lại xe?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Nếu cha mẹ có việc ra ngoài, trong xe có trẻ lớn thì nên tắt máy xe và dặn trẻ lớn ngồi trông em, hạ cửa kính xe và không  để chìa khóa trong xe.

Đối với trẻ nhỏ thì bạn nên dẫn cháu theo cho dù đi 5-10 phút, hoặc nếu không ra khỏi xe thì bạn có thể ngồi trên xe bấm còi và nhân viên cửa hàng sẽ ra phục vụ bạn.

Chúng ta không thể biết được thời gian bao nhiêu phút trẻ có thể chịu đựng được vì đôi khi bạn chỉ định đi 5-10 phút nhung nếu lỡ bạn phải xếp hàng tính tiền hoặc có sự cố xảy ra, bạn không thể nào biết trước được nên bạn tuyệt đối không được để trẻ nhỏ trong xe hơi một mình.

 

Trong những chuyến đi dài trên tàu xe, máy bay, cha mẹ cần lưu ý các vấn đề gì khi cho trẻ em đi cùng, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Khi đi tàu lửa hoặc máy bay, không nên để bé ăn quá no vì có những trẻ dễ say xe, nôn ói. Không nên để trẻ ngồi cạnh đường đi vì có những người hay xách đồ đi ngang có thể va vào trẻ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nếu trẻ đang sốt cao thì không nên đi máy bay vì có những biến chứng co giật có thể xảy ra với trẻ khi đi đường dài. Bạn nên cung cấp nước cho trẻ đầy đủ, bởi nhiều khi trẻ mất nước và thân nhiệt tăng lên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X