BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân giải đáp: Bệnh gout, chữa thế nào hiệu quả?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 đã dành thời gian cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về bệnh gout cho bạn đọc AloBacsi như: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị, chế độ ăn uống và cách phòng ngừa.
1. Bệnh gout (gút), y học cổ truyền gọi là bệnh “thống phong” được mệnh danh là “bệnh của vua và vua của bệnh”, BS có thể giải thích vì sao bệnh gout được so sánh như vậy?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Thật ra bệnh gout được phát hiện đầu tiên ở châu Âu, trong giới quý tộc và vua chúa, liên quan đến việc ăn nhiều hải sản, thịt đỏ. Trong thời điểm đó, chỉ có những nhà giàu mới có thể ăn nhiều thức ăn dinh dưỡng như vậy nên đa phần bệnh gout được phát hiện ở giới thượng lưu, nên được gọi là bệnh của vua.
Triệu chứng khởi phát của bệnh rất đột ngột và dữ dội, khiến người bệnh rất đau đớn, không thể chịu đựng được cơn đau của viêm khớp cấp nên người ta thường gọi đó là vua của các bệnh.
2. Nhiều bạn đọc AloBacsi thắc mắc: đau nhức và sưng khớp ngón tay chân, có phải bệnh gout? Nhờ BS cho biết dấu hiệu điển hình của bệnh gout là gì ạ?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Triệu chứng điển hình của bệnh gout là sưng, nóng, đỏ, đau ở ngón chân cái, triệu chứng này xảy ra đột ngột và dữ dội, thường xuất hiện vào ban đêm, người ta mô tả rằng người bệnh đau đến mức một tấm lụa mỏng chạm thoáng qua da cũng làm đau không chịu nổi vì có sự tăng độ nhạy cảm của khớp bị viêm, đây là triệu chứng rất điển hình của gout.
Tuy nhiên hiện nay triệu chứng viêm khớp gout có thể xảy ra ở vùng khớp cổ chân hoặc có thể gây sưng nóng đỏ ở mô mềm của mu bàn chân và một số trường hợp khác cũng có thể xảy ra ở vùng khớp gối, khớp khuỷu hoặc khớp cổ tay.
Một số bệnh nhân bị thoái hóa khớp bàn ngón chân, nhất là ngón chân cái sưng to và biến dạng nhô ra ngoài, mọi người nhầm lẫn là biến dạng của viêm khớp gout nhưng không phải, vì thoái hóa không có sưng nóng đỏ đau và không xuất hiện đột ngột như gout.
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân (phải) và MC Minh Khuê
3. Thêm một tình huống nhiều bạn đọc nhờ tư vấn, đó là đi khám sức khỏe, xét nghiệm có kết quả lượng acid uric trong máu tăng cao, mặc dù không bị đau khớp nhưng họ vẫn rất lo lắng. Xin BS cho biết, có phải hễ tăng acid uric trong máu là có nguy cơ bị bệnh gout hay không? Chỉ số này có thể tăng trong tình huống nào khác ạ?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Gout được định nghĩa là tình trạng tăng axit uric trong máu kèm theo triệu chứng viêm khớp với tính chất khởi phát đột ngột như đã nói trên. Không dùng xét nghiệm, tầm soát để chẩn đoán trước bệnh gout được.
Axit uric có thể tăng mà không kèm triệu chứng viêm khớp, gọi là tăng axit uric máu đơn thuần, có thể xảy ra ở những người dư cân hoặc nằm chung trong hội chứng chuyển hóa (tăng đường, tăng lipid máu, kèm theo tăng axit uric). Hoặc một số trường hợp bệnh nhân dùng các loại thuốc như aspirin loại thấp, thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể làm tăng nồng độ axit trong máu.
Chúng ta đi tầm soát sức khỏe, chỉ khi nào lượng axit uric trong máu tăng lượng nhất định và có tổn thương thận thì có thể điều trị giảm axit uric trong máu xuống. Không giảm axit uric máu trên tất cả những người không có triệu chứng viêm khớp mà thử có nồng độ axit uric trong máu tăng cao.
Còn với bệnh gout thì thật ra trước khi có chẩn đoán, không ai đi thăm khám bác sĩ vì không có triệu chứng gì cả.
4. Xin BS cho biết về các phương pháp điều trị bệnh gout hiện nay? Bệnh gout có thể chữa khỏi hẳn không?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Đầu tiên, bệnh nhân gout cần được dùng thuốc giảm đau, kháng viêm tích cực vì bệnh gout gây đau đớn rất nhiều cho người bệnh, chúng ta có thể dùng thuốc kháng viêm không steroid để điều trị. Trước đây khi nói đến gout thì người ta thường nghĩ đến colchicine nhưng bây giờ không dùng để điều trị nữa và may mắn thay, gout đáp ứng rất nhanh với thuốc kháng viêm.
Thuốc corticoid cũng là thuốc giảm đau rất nhanh và mạnh tuy nhiên chúng ta không nên lạm dụng mà phải được chỉ định ở một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân bị gout nhưng không đáp ứng tốt với thuốc kháng viêm không steroid.
Diễn tiến bệnh gout không ai giống ai, có những người cả đời mới bị 1 cơn gout mà thôi hoặc thậm chí 1-2 năm khi có yếu tố thuận lợi khởi phát như bệnh nhân chấn thương, hoặc sau bữa ăn thịnh soạn, hoặc bữa tiệc có quá nhiều chất cồn thì mới tái phát cơn viêm khớp gout đó. Nếu như may mắn, bệnh nhân sử dụng chế phẩm từ những trang quảng cáo trên mạng mà chữa được hết bệnh thì họ rất sung sướng. Nhưng tiếc thay, điều này không đúng với tất cả bệnh nhân gout.
Có những người 3-5 năm không bị nổi cục tophi nhưng có những người mới 1-2 năm đã xuất hiện nên đảm bảo không có thuốc nào chữa khỏi hẳn bệnh gout, trừ những trường hợp may mắn bị những cơn viêm khớp gout thoáng qua hoặc chỉ bị một vài lần trong đời.
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 chuyên giải đáp những băn khoăn của bạn đọc hỏi AloBacsi về các vấn đề nội khớp.
5. Trường hợp đã thoái hóa khớp và chân tay xuất hiện cục tophi, bệnh nhân sẽ được điều trị như thế nào ạ? Có cách nào để làm giảm kích thước hay loại bỏ cục tophi không, thưa BS?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Khi điều trị bệnh gout mà xuất hiện cục tophi có nghĩa là đã thất bại. Khi tophi có kích thước nhỏ thì may ra có thể làm nó biến mất, còn những cục lớn thì chỉ làm giảm một phần nào. Bởi vì khi tophi đã xuất hiện nó sẽ làm hủy xương, không hồi phục được nữa.
Tình huống thường gặp là bệnh đáp ứng rất tốt với thuốc kháng viêm nên khi bệnh nhân mua thuốc ở nhà thuốc, uống 1-2 ngày hết triệu chứng thì họ rất hài lòng, gần như cứ mỗi lần tái phát, bệnh nhân tự xử lý vấn đề viêm khớp của mình như vậy, đến khi nổi tophi thì đã muộn.
Để điều trị gout, nếu cơn viêm khớp gout tái phát lần 2-3 thì bệnh nhân nên đến các bác sĩ chuyên khoa không phải chỉ để cắt cơn viêm khớp mà còn phải thử máu, kiểm tra nồng độ purin (purin có nhiều trong thịt đỏ, hải sản, bia… khiến lượng axit uric trong máu tăng cao). Nếu purin tăng cao xảy ra khoảng 3 tuần, bác sĩ sẽ phải dùng phương pháp khác làm giảm nồng độ axit uric máu xuống ngưỡng an toàn, tránh việc hình thành các tophi cũng như lắng đọng axit uric máu ở các cơ quan khác, đặc biệt là ở thận vì có thể gây ra biến cố suy thận.
Tóm lại, điều trị gout được chia 2 giai đoạn:
- Điều trị cơn viêm cấp
- Dùng nhóm thuốc để tránh cơn viêm cấp tái phát nhiều lần
6. Nếu bị bệnh gout, người bệnh cần lưu ý gì trong chế độ ăn uống? Theo BS, có cần kiêng tuyệt đối các món hải sản không ạ?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Có thể nói bệnh gout có 2 dạng nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát do yếu tố gia đình, thiếu men chuyển hóa trong chương trình chuyển hóa axit uric, thì thường rất phức tạp. Gout thứ phát xảy ra do cơ địa, có sự rối loạn chuyển hóa của axit uric trong nhân purin và sản phẩm cuối của nhân purin, có nhiều trong các mô trong cơ thể và cũng có nhiều trong thức ăn như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật…
Nếu nói ăn nhiều những thực phẩm trên mà bị bệnh gout thì ai cũng bị nhưng thật sự có những người ăn chay trường vẫn mắc bệnh, cho nên yếu tố ăn uống chỉ là điều kiện thuận lợi dẫn đến bệnh gout mà thôi.
Với những người dễ mắc bệnh gout, nên khuyên họ ăn một lượng vừa phải, tránh một bữa ăn thịnh soạn vì khi nạp lượng thức ăn đó vào quá nhiều, cơ thể vốn dĩ không hoàn thiện trong vấn đề đào thải axit uric ra khỏi cơ thể, sẽ gây ứ đọng, tăng vọt nồng độ axit uric máu lên cao tới ngưỡng gây bệnh gout.
Như vậy tùy theo mỗi người, có những người ăn nhiều không sao, có những người ăn vào là bệnh thì chúng ta điều tiết lại.
Theo tôi, bệnh nhân không cần kiêng ăn gì cả vì không ai ăn 1 lần 1kg tôm, cua, ghẹ… Nếu chúng ta ăn với lượng ít và không quá liên tục thì cúng không có gì nguy hiểm, trừ trường hợp những người vừa ăn vào là bị bệnh thì mới không nên ăn hoặc nồng độ axit uric trong máu được bác sĩ điều trị dưới ngưỡng nguy hiểm.
Bên cạnh đó rượu bia cũng là yếu tố thuận lợi làm cho cơn gout xảy ra nhiều hơn vì đa phần bệnh nhân có nhậu, nhưng xin nhắc lại những người ăn chay vẫn có thể bị bệnh như thường.
7. Bệnh nhân gout nên có chế độ vận động như thế nào, môn thể dục nào phù hợp, nhờ BS hướng dẫn?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Bệnh nhân nên tránh chấn thương khớp vì cơn viêm khớp gout rất dễ xảy ra ở khớp bị chấn thương đặc biệt là khớp chi dưới như khớp gối hoặc khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân.
Bệnh nhân gout nên tập thể dục để tiêu tốn bớt năng lượng, điều này sẽ giúp giảm bớt nồng độ axit uric trong máu. Như đã nói ở trên, axit uric trong máu gặp trong hội chứng chuyển hóa ở những người có cơ địa hơi béo phì, béo bụng, khi dùng chế độ ăn hợp lý về mặt lý thuyết, bác sĩ sẽ khuyên chế độ ăn hợp lý, cân đối giữa rau xanh và thịt cá, hạn chế thức uống có cồn.
Biến chứng của bệnh gout khi không được điều trị đúng cách, xuất hiện nhiều cục tophi trên khớp xương
8. Dựa trên thực tế điều trị bệnh nhân gout, BS có thể điểm qua các sai lầm của bệnh nhân trong sinh hoạt, ăn uống hay dùng thuốc… khiến cho bệnh ít cải thiện mà còn nặng thêm không ạ?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Bệnh nhân dùng thuốc trong vòng 1-2 ngày thì khớp hết sưng đau, bác sĩ có dặn tái khám nhưng đa số bệnh nhân thấy hết đau thì lại không chịu đi tái khám. 1-2 tháng sau bệnh tái phát lại cầm toa thuốc đó ra uống, thậm chí còn giới thiệu cho người thân uống mà không biết những chống chỉ định như họ đang viêm loét dạ dày, bệnh gan, thận… Sợ nhất là những trường hợp buộc phải dùng thuốc corticoid để điều trị vì quá ngoạn mục nên toa thuốc đó được lan truyền cho bạn bè hay hội nhậu của mình.
Theo truyền miệng, có những loại thuốc làm giảm nồng độ axit uric trong máu thì thường không dùng trong trường hợp cấp. Dùng những thuốc đó sẽ làm cho cơn cấp bùng phát khó kiểm soát hơn.
Khi uống thuốc hạ axit uric trong máu, về lý thuyết trong 6 tháng đầu, sụn khớp gout bùng lên, bệnh nhân lại nghĩ bác sĩ cho thuốc sai nên bỏ toa thuốc đó và quay lại toa cũ. Đôi khi lúc đầu bệnh nhân bị “hù” sợ quá thì kiêng cữ và tập thể dục rất tốt nhưng sau 1 thời gian họ lại trở về thói quen sinh hoạt cũ của mình. Chúng tôi rất đau lòng khi bệnh nhân còn trẻ nhưng khi đi khám cục tophi nổi khắp nơi.
9. Có thể nói, nỗi lo lắng chung của những người phải uống thuốc lâu dài để trị bệnh, trong đó có bệnh gout là sợ đau dạ dày và hại gan thận. Với bệnh nhân lo lắng như vậy, BS có lời khuyên như thế nào ạ?
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:
Bác sĩ chỉ cho uống thuốc trong thời gian ngắn tùy theo bệnh nhân. Trong thời gian 6 tháng nếu bệnh nhân có cơn viêm khớp gout tái phát nhiều lần thì buộc phải hạ axit uric máu xuống dưới nồng độ an toàn. Trong thời gian đầu sử dụng thuốc, có thể bệnh nhân có những cơn viêm khớp tái phát thì chỉ uống thuốc trong thời điểm đó mà thôi.
Chắc chắn một điều rằng khi bệnh nhân mắc bệnh gout khi đến gặp bác sĩ đều được thử máu, đánh giá chức năng gan thận thế nào, tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
FB Hoa Vu
Tôi năm nay 60 tuổi, buổi sáng ngủ dậy duỗi chân một cái đôi khi bi co cơ kiểu như bị chuột rút rất là đau. Có cách nào để tránh bị chuột rút như thế và bị như vậy nhiều lần có ảnh hưởng gì về sau không? Cám ơn bác sĩ.
Vì vậy, lời khuyên cho cô là: khi đứng làm việc, tránh đứng quá lâu hoặc đi bộ quá nhiều, vận động quá mức, trước khi đi ngủ có thể co duỗi hai bàn chân nhẹ nhàng tập cho cơ tư thế mềm dẻo cũng như tránh cử động mạnh đột ngột, đặc biệt khi mới ngủ dậy. Hy vọng những lời khuyên có ích cho cô.
Một số nguyên nhân khác gây nên vọp bẻ như thiếu chất khoáng, canxi, magie, kali… tuy nhiên có một số bệnh nhân định lượng những chất trên không thiếu nhiều. Ở tuổi của cô, cô nên bổ sung thêm canxi hoặc magie thường không có hại mà cò tốt cho chất lượng xương.
2. Đau buốt từ hông tới đùi là dấu hiệu bệnh gì?
FB Ngô Liễu:
Cháu chào bác sĩ. Hiện tại mẹ cháu bị đau buốt từ hông tới đùi cảm giác đau buốt ở trong xương. Lúc đang đi đứng lại thì bị buốt. Giống như thay đổi tư thế đang nằm ngồi dậy cũng bị buốt. Ngày hôm qua mẹ cháu có đi tới phòng khám tiêm giảm đau trong ngày khỏi. Nhưng nửa đêm về sáng bị đau. Sáng hôm nay tiếp tục đi tiêm nhưng tình trạng không thấy giảm, vẫn thấy đau buốt. Cháu muốn hỏi mẹ cháu bị như vậy là bệnh gì và phương pháp điều trị như thế nào ạ?
Cảm giác đau buốt trong xương là không có vì xương rất ít khi bị bệnh, nếu có thì bệnh rất nguy hiểm. Theo mô tả, mẹ bạn đau buốt từ hông lan xuống đùi, xuống chân thì có thể bị đau thần kinh tọa.
Đau thần kinh tọa có thể do thoái hóa đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh hoặc do công việc của mẹ bạn thường xuyên đứng lâu, khom lưng hay xách nặng hoặc đi nhiều. Đặc điểm của bệnh này là giảm khi nghỉ ngơi và đau tăng khi đi lại, đó là lý do khi đi tiêm mẹ bạn giảm đau nhưng nếu tiếp tục đi lại nhiều sẽ khó duy trì được hiệu quả của giảm đau.
Nếu mẹ bạn thường xuyên đau nửa đêm hay gần sáng thì bạn nên đưa mẹ đến bệnh viện có chuyên khoa Nội thần kinh, Ngoại thần kinh hoặc Cơ xương khớp để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh như thế nào và có lời tư vấn cụ thể nhất.
3. Còn trẻ mà khớp gối kêu lục cục, liệu có bình thường?
FB Mạnh Hùng
Chào BS. Tôi 32 tuổi, nam. Đã nhiều năm rồi, khi tôi lên xuống cầu thang, khớp gối phát ra tiếng kêu lục cục nhưng không bị đau gì cả. Tiếng kêu to và rõ đến nỗi người nhà chỉ cần nghe tiếng lục cục này, chẳng cần nhìn cũng biết tôi đang đi cầu thang. Tôi vẫn làm việc và chơi thể thao bình thường (tập gym, đánh tennis…).
Xin hỏi BS có phải khớp gối kêu như thế là báo hiệu sẽ sớm bị các bệnh khớp của người già không? Có cách nào khắc phục tiếng kêu này hay phòng ngừa bệnh khớp nếu tôi có nguy cơ cao? Tôi có cần bổ sung chất gì không? Cảm ơn BS!
Như vậy bạn cũng không cần phải lo tiếng kêu từ khớp gối là một bệnh lý nguy hiểm và cũng không cần phải uống thuốc để phòng ngừa hay phải điều trị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình