Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Phan Bá Ngọc: Vì sao phải lấy cao răng?

Cao răng (vôi răng) ít gây mất thẩm mỹ vì khó thấy từ bên ngoài và cũng không gây đau. Tuy nhiên, nếu bạn "mất cảnh giác" với cao răng, lâu ngày có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đó nhé.


BS.CK1 Phan Bá Ngọc đến từ Nha khoa Hạnh Phúc sẽ chia sẻ cụ thể về việc vì sao phải lấy cao răng, chăm sóc sau lấy cao răng thế nào, nếu lỡ bị tụt lợi rồi thì phải làm sao?...
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Cao răng hay vôi răng là những mảng bám ở chân răng. Xin BS cho biết, cao răng thực chất được cấu tạo như thế nào? Vì sao chúng ta đánh răng mỗi ngày mà chất này vẫn bám lại ạ?

Vôi răng (cao răng) là một vấn đề không mới nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng, trong 10 bệnh nhân đến phòng nha của tôi thì có khoảng 8-9 bệnh nhân có vôi răng, do bệnh nhân còn xem nhẹ vấn đề này.

Vôi răng là sự vôi hóa mảng bám chân răng và trên bề mặt răng, nướu. Mảng bám là các muối khoáng trong thức ăn, nước bọt, vi khuẩn lâu ngày bám lại và tạo thành hiện tượng vôi hóa mảng bám chân răng.

Chúng ta đánh răng mỗi ngày mà vẫn có vôi răng vì:

- Muối khoáng trong thức ăn không thể tiêu thụ hết 100% được mà vẫn còn bám ở chân răng, lâu ngày sẽ hình thành vôi răng. Vôi răng sẽ hình thành trong vòng 3-6 tháng để tạo thành mảng bám.

- Đánh răng chưa đúng cách: nhiều khi đánh theo chiều ngang thì sẽ không hết được mảng bám đó, vì chải ngang chỉ hết trên bề mặt chứ không hết được chân răng. Nhiều người không có thói quen dùng chỉ nha khoa, thức ăn không những bám trên bề mặt mà còn bám ở kẽ răng cũng là nguyên nhân gây sâu răng và vôi răng.

Một ngày chỉ cần đánh răng 2 lần buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ sẽ làm giảm bớt mảng bám răng, đánh xoay tròn, đánh từ trên xuống và đầy đủ bề mặt răng. Hạn chế dùng tăm, vì xỉa răng bằng tăm có thể gây hở chân răng hoặc làm tổn thương nướu. Tốt nhất sau khi ăn xong dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng cũng hạn chế rất nhiều việc hình thành mảng bám vôi răng và hạn chế sâu răng.


2. Việc cao răng bám hay ít thường do yếu tố nào, có liên quan đến vùng miền hay di truyền không ạ?

Vôi răng bản chất là sự vôi hóa của muối khoáng và vi khuẩn, phụ thuộc vào những yếu tố:

- Bản chất của thức ăn chứa nhiều muối khoáng

- Một số người hút thuốc lá gây tăng mảng bám vôi răng

- Quan trọng nhất vẫn là đánh răng đúng cách mới hạn chế vôi răng

- Thành phần nước, có thể do vùng miền, có nơi chứa nhiều muối khoáng và vôi thì hiện tượng vôi răng sẽ nhiều hơn nơi khác nhưng nếu khi đánh răng đúng cách thì vôi răng sẽ ít hơn.

- Yếu tố di truyền: chỉ đúng một phần, do một số người bản chất men răng dễ bám muối khoáng mảng bám hơn. Tuy nhiên nếu vệ sinh răng miệng đúng cách thì yếu tố này không ảnh hưởng.


3. Cao răng ít gây mất thẩm mỹ vì khó thấy từ bên ngoài và cũng không gây đau nên nhiều người lơ là. Vì sao chúng ta phải lấy cao răng, thưa BS? Nếu không lấy mà cứ để hoài sẽ dẫn đến hậu quả gì ạ?

Nhiều người không để ý vôi răng, cho đến khi vôi răng quá nhiều thì người đối diện mới nhìn thấy. Vôi răng có rất nhiều tác hại, nhưng diễn biến âm thầm, không gây đau, chỉ bám từ từ.

Những người có vôi răng nhiều sẽ gây hôi miệng và viêm nướu. Viêm nướu không gây đau, nhiều khi đánh răng mạnh hoặc ăn thức ăn cứng làm chảy máu răng nhưng chỉ thoáng qua một vài lần nên nhiều người không để ý nên lơ là chuyện này.

Vôi răng lâu ngày hình thành viêm nha chu, giai đoạn đầu điều trị được nhưng khi viêm mạn tính gây ra tụt nướu, tiêu xương ổ răng dẫn đến răng lung lay và có thể mất răng sớm.


4. Quá trình lấy cao răng gồm những bước nào, thưa BS? Vì sao có trường hợp phải lấy 2 lần ạ?

Khi bệnh nhân đến, bác sĩ sẽ khám xem có vôi răng hay không và có ở mức độ nhiều hay ít, loại thông thường hay huyết thanh. Bác sĩ sẽ quyết định lấy như thế nào, một lần hay hai lần, nhiều hay ít và có cần đánh bóng không.

Sau khi tư vấn bệnh nhân xong, bác sĩ sẽ thực hiện lộ trình có thể mất 30 phút, có người chỉ cần 15-20 phút. Dụng cụ lấy vôi răng gồm có dụng cụ bằng tay và đầu rung siêu âm, hiện tại, lấy vôi răng bằng tay ít được sử dụng, chủ yếu dùng đầu siêu âm. Bác sĩ sẽ lấy vôi ở tất cả các mặt răng, sau khi lấy xong sẽ dùng chổi đánh bóng răng. Việc đánh bóng răng giúp lấy hết mảng bám và làm răng trắng hơn.

Một số người được chỉ định lấy vôi răng 2-3 lần do vôi răng quá nhiều, không thể lấy hết 1 lần vì có thể gây ê răng, hoặc do có vôi răng huyết thanh dai chắc, phải chỉ định lấy thêm lần thứ 2  hoặc 3. Một số người răng quá nhạy cảm, lấy vôi răng có thể bị ê thì có thể lấy lần thứ 2, lần 3 hoặc nhiều hơn.


5. Xin BS cho biết thêm: cao răng huyết thanh là gì? Nó có khó lấy hơn cao răng thông thường không ạ?

Cao răng hay vôi răng có 2 loại là vôi răng thông thường và vôi răng huyết thanh, vôi răng thông thường hình thành ở phần trên nướu, thường mềm và dễ lấy hơn, nếu để lâu ngày sẽ hình thành mảng bám dưới nướu, dai chắc tạo thành vôi răng huyết thanh.

Vôi răng thông thường có màu vàng nhạt, vôi răng huyết thanh bám sâu dưới nướu có màu đỏ nâu hay nâu đen vì có chứa nhiều vi trùng hơn, nguy hiểm và khó lấy hơn, phải dùng dụng cụ lấy vôi ở nướu thì mới lấy sạch được.


6. Việc lấy cao răng cho người trồng răng giả, bọc răng sứ có khác biệt gì không, thưa BS?

Việc lấy vôi răng ở ng trồng răng sứ cũng không có nhiều khác biệt so với lấy vôi răng ở người răng bình thường. Vì ở người bọc răng sứ thì vôi răng cũng có thể hình thành ở phần mão răng và cùi răng. Về thời gian thì cũng nên 6 tháng 1 lần, ngoài việc lấy sạch vôi răng BS còn kiểm tra được về sự vững ổn của răng sứ. Cách thức lấy vôi răng thì cũng không có gì khác biệt, đó là lấy bằng tay và đầu rung siêu âm.

7. Nhiều bạn đọc e ngại lấy cao răng vì sợ đau, và lo lắng không biết việc này có ảnh hưởng gì đến chân răng và nướu hay không. Xin BS cho lời khuyên?

Có những bệnh nhân chưa lấy vôi răng bao giờ, khi đi đến nha khoa có tâm lý lo sợ vì nghe nói lấy vôi răng sẽ cảm thấy ê buốt và đau. Nhưng trên thực tế không hẳn như vậy, chỉ một số người nhạy cảm thì có cảm giác hơi ê một chút thôi.

Một số bạn sợ chảy máu nướu. Điều này có thể xảy ra vì khi lấy vôi răng sâu dưới nướu, đầu lấy vôi răng có thể gây chảy máu một chút nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe, nên các bạn cũng đừng sợ chuyện lấy vôi răng.


8. Sau khi lấy cao răng, việc ăn uống và chăm sóc răng tại nhà cần lưu ý điều gì, thưa BS? Tình trạng nhạy cảm ở chân răng bao lâu sẽ hết ạ?

Về việc ăn uống không cần kiêng khem gì, chỉ với những người có cảm giác ê buốt thì nên hạn chế ăn đồ lạnh một vài ngày, nhưng vẫn có thể ăn uống bình thường. Quan trọng hơn hết là sau khi lấy vôi răng cần đánh răng đúng cách, vì khi lấy vôi răng có thể đã sạch nhưng khi đánh răng không đúng thì vôi răng sẽ bám lại rất nhanh, có thể sau 2-3 tháng khi không vệ sinh răng miệng đúng cách.

Khi lấy vôi răng có bị ê buốt hay không cũng một phần do răng của người bệnh có nhạy cảm không. Với người này, triệu chứng ê hoặc buốt sẽ nhanh chóng hết, với người khác 2-3 ngày sau mới hết. Nói chung khi cạo vôi răng tình trạng ê buốt sẽ hết nhanh hay chậm tùy thuộc vào răng của từng người.


9. Thường thì các BS khuyên mỗi 6 tháng lấy cao răng một lần. Nếu dùng chỉ nha khoa thì có giúp khoảng thời gian phải lấy cao răng thưa ra không ạ?

Cũng như khám sức khỏe tổng quát, 6 tháng chúng ta nên đi khám răng miệng 1 lần, đầu tiên kiểm tra và lấy vôi răng vì thời gian hình thành từ 3- 6 tháng.

Bên cạnh đó, trong quá trình khám răng miệng, bác sĩ sẽ khám tổng quát tất cả răng xem có vấn đề gì không, ví dụ như có sâu răng thì cần trám sớm, hay có viêm nha chu, viêm nướu. Lúc đó, ngoài việc lấy vôi răng còn giải quyết được những vấn đề răng miệng khác, bác sĩ sẽ có lời khuyên và điều trị kịp thời bệnh về răng miệng.

Chỉ nha khoa có tác dụng lấy sạch thức ăn sau khi ăn, giảm hôi miệng, bên cạnh đó còn giảm vôi răng ở kẽ răng và chân răng. Việc dùng chỉ nha khoa làm cho quá trình hình thành vôi răng lâu hơn, đỡ vôi răng hơn khi không dùng chỉ nha khoa. Nhưng bạn cũng nên khám răng miệng 6 tháng 1 lần mặc dù có dùng chỉ nha khoa.


10. Vì sao có những trường hợp viêm nha chu hay tái phát? Có cách nào để điều trị dứt điểm không, thưa BS?

Nha chu là tổ chức nâng đỡ xung quanh của răng bao gồm xương ổ răng và phần dây chằng xung quanh, mô nướu bám vào răng. Khi hình thành vôi răng, nó sẽ tấn công nướu răng, gây chảy máu nhưng ít đau nhức, chỉ khi hình thành ổ áp xe bên dưới thì bệnh nhân mới đau. Bên cạnh đó, vi khuẩn của vôi răng sẽ tấn công phần dây chằng gây tiêu dây chằng và tiêu xương ổ răng, do đó những người bị viêm nha chu thường bị răng lung lay, dẫn đến rụng răng

Ở giai đoạn đầu khi viêm nha chu, nếu điều trị tốt thì có thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi đã đến mức độ tiêu xương hay tiêu dây chằng thì rất khó phục hồi như giai đoạn đầu.


11. Nếu lợi đã bị tụt nhiều, bộc lộ chân răng gây mất thẩm mỹ thì có cách nào khắc phục, hoặc làm đẹp, che giấu vùng chân răng này không ạ?

Khi bệnh nhân bị tụt nướu do viêm nha chu thì khắc phục lại như ban đầu rất khó. Hiện nay có biện pháp là ghép nướu, bác sĩ sẽ dùng nướu ở phía trong ghép vào nhưng cũng sẽ không giúp cho răng trở lại tình trạng ban đầu được.

Vậy nên, vôi răng hay viêm nha chu có liên quan mật thiết đến sức khỏe và thẩm mỹ của răng miệng, nếu xử lý vôi răng tốt thì sẽ không có hiện tượng viêm nha chu, viêm nha chu điều trị sớm không để dẫn đến mạn tính thì sẽ không gây tụt nướu.

Viêm nha chu giai đoạn đầu có thể điều trị phẫu thuật hoặc không. Nếu không phẫu thuật có thể cạo sạch vôi răng, nạo kín túi nha chu. Nếu phẫu thuật thì lật vạt nạo túi nha chu, ghép xương hay ghép nướu.

Có rất nhiều bạn trẻ chưa tới 30 tuổi đã bị răng lung lay, rụng răng như những người lớn tuổi thì rất đáng tiếc. Vậy nên các bạn hãy phòng tránh bằng việc cạo vôi răng cũng như vệ sinh răng miệng thật tốt, đánh răng đúng cách.

Người hút thuốc lá bên cạnh gây bệnh về phổi hay tim mạch cũng ảnh hưởng đến răng miệng, trong đó có viêm nha chu mạn tính gây lung lay và rụng răng, do đó hãy cố gắng từ bỏ thói quen hút thuốc.
Thực hiện: Thanh Thủy - Hồng Nhung
Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X