Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương tư vấn: Mồ hôi tay chân có nên làm phẫu thuật?

Đây là một trong những vấn đề được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp trong chương trình tư vấn. Ngoài ra, bác sĩ còn giải đáp về điều trị vật lý trị liệu sau phẫu thuật, sức khỏe khi mang thai, trầm cảm sau sinh, tình trạng tăng men gan... Mời bạn đọc đón xem.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Nguyễn Huy Tường - nguyenbao...@gmail.com

Chào bác sĩ,     
 
Em bị gãy 1/3 xương chày, gãy hở bó bột có lành không ạ?


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Khi gãy xương mà ổ gãy thông với bên ngoài qua vết thương thì gọi là gãy xương hở. Khi gãy xương hở, đầu xương gãy có thể lộ ra tại vết thương hoặc không lộ mà chỉ gián tiếp thấy tại vết thương có máu lẫn mỡ tuỷ chảy ra. Đôi khi các vết thương gãy xương hở là rất nhỏ thì chỉ khi gây tê nắn chỉnh, thấy thuốc tê và máu chảy ra tại vết thương mới chẩn đoán là gãy xương hở. Cần phân biệt với các trường hợp vừa có gãy xương, vừa có vết thương nhưng ổ gãy không thông với vết thương đó là gãy xương kín kèm theo vết thương phần mềm. Khi gãy xương hở, vết thương là cửa ngõ để vi khuẩn gây bệnh từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào tại ổ gãy xương rồi từ đó dẫn đến nhiễm khuẩn vết thương, viêm xương tuỷ xương.

Ngày nay chỉ định bó bột "kín mít" trong điều trị gãy xương hở ít được đặt ra, do việc chăm sóc vết thương khó khăn, nguy cơ nhiễm trùng cao, các phương pháp ưu tiên lựa chọn là khung cố định xương, bó bột mở cửa sổ hoặc máng bột. Em cần đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để được kiểm tra và điều trị đúng bài bản, em nhé.

Thân mến.


Nguyễn Quang Huấn - nguyenquang...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tôi muốn hỏi là tôi bị bệnh mồ hôi chân tay ra nhiều có nên mổ không bác sĩ? Nếu mổ sẽ hết bao nhiêu tiền, tôi ở Thái Bình?


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào bạn,

Tăng tiết mồ hôi kéo dài gây nên một gánh nặng tâm lý và cản trở sinh hoạt, học tập, làm việc thường ngày cho người bệnh, gây nặng mùi, tăng nguy cơ nhiễm nấm, mất nước và điện giải...

Nguyên nhân: Chia làm 2 loại:

* Loại tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường bị sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc bệnh của tuyến giáp trạng.

* Loại tăng tiết mồ hôi tiên phát: Xuất hiện trên toàn bộ cơ thể hay chỉ khu trú ở một vùng. Người ta cho rằng bệnh này là một trạng thái cường giao cảm hoặc tăng hoạt động của trung tâm bài tiết mồ hôi. Xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều (đồ chiên xào, cay, tỏi, hành tây…)

Điều trị tăng tiết mồ hôi:

* Điều trị nội khoa: thuốc bôi, thuốc uống, tâm lý liệu pháp, châm cứu.

* Điều trị ngoại khoa: chỉ khi phương pháp nội khoa không thành công. Điều trị ngoại khoa bao gồm hủy bỏ hạch giao cảm bằng phẫu thuật nội soi, tiêm huyết thanh nóng vào hạch, cắt bỏ hạch... Điều trị ngoại khoa đem lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên cũng có biến chứng. Một số biến chứng thường gặp sau cắt hạch thần kinh giao cảm:

Biến chứng tại chỗ: sẹo lồi, lõm, nhiễm trùng vết mổ...

Mất khả năng điều tiết mồ hôi: Cơ thể mất đi khả năng điều nhiệt làm mát mỗi khi gặp thời tiết nắng nóng, vận động mạnh, chơi thể thao.

Tăng tiết mồ hôi bù trừ tại nhiều vị trí trên cơ thể.

Hiện nay khi tiến hành cắt hạch giao cảm, tùy từng bệnh viện, chi phí người bệnh cần chi trả dao động từ 10 đến 15 triệu đồng. Nếu có thẻ bảo hiểm y tế thì chi phí này sẽ giảm bớt đi nhưng giảm tối đa không quá 50%. Đây không phải là số tiền quá lớn, tuy nhiên do phương pháp này có thể gây ra một số rủi ro và chỉ có tác dụng với mồ hôi ở vùng thân trên như nách, lòng bàn tay… nên người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện.

Hiện nay có nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được phẫu thuật cắt hạch giao cảm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hạn chế biến chứng, người bệnh nên đến thăm khám và tiến hành mổ tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội và TPHCM. Một số địa chỉ người bệnh có thể tham khảo là:

Tại Hà Nội:

– Khoa thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai
– Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
– Bệnh viện Da liễu Trung ương
– Bệnh viện Nội tiết Hà Nội
– Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Tại TPHCM:

– Bệnh viện Nhân dân Gia Định
– Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
 
Thân mến.


Trần Thị Huệ - tranthi...@gmail.com

Chào bác sĩ,
      
Em năm nay 35 tuổi, có thai hơn hai tháng mà bị mụn cóc ở bàn tay, em dùng thuốc Aicd trichloracetic 80% để bôi, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe mẹ và bé không bác sĩ?


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Mụn cóc hay hột cơm là một khối u sần sùi, trắng, nhỏ, thường mọc trên da bàn tay hay bàn chân, trông giống một chùm súp lơ nhỏ. Mụn cóc rất phổ biến, do siêu vi trùng, thông thường nhất là loại virus papilloma ở người (HPV) gây ra, lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua quần áo, khăn, giày dép, đi đến hồ bơi, phòng tậm gym,...
Gọi là “mụn cóc” vì chúng có thể “nhảy’, tức là dễ lây, có thể tái phát. Mụn cóc ở chân khi mang thai không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai, ngoài tình trạng lây lan và mất thẩm mỹ cho mẹ.

Sự nguy hiểm cho thai khi mụn cóc ở cơ quan sinh dục của mẹ.
Việc bôi Aicd trichloracetic 80% được xem là không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai, nhưng nếu có biến chứng viêm nhiễm sau đó thì những thuốc phải dùng tiếp theo như giảm đau, giảm viêm hay kháng sinh nếu có bội nhiễm vi trùng do chăm sóc vết thương không tốt thì có thể ảnh hưởng lên thai, và do đó phải khám bác sĩ sản khoa để được kê thuốc thích hợp.
Do đó, em cần khám thai định kỳ, kết hợp với khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có liệu trình điều trị an toàn nhất cho mẹ và con, em nhé.

Thân mến.


Nguyễn Dương Cẩm Ly - camly...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em mới sinh được 7 tuần, cảm thấy hay bị đau đầu và hay suy nghĩ nhiều chuyện. Do chồng em ít ở nhà và cũng không để ý đến em. Em thấy trong người lúc nào cũng mệt mỏi, con thì quấy khóc, chồng thì suốt ngày than vãn chuyện công việc không thuận lợi còn hay nổi cáu. Đôi lúc em đã nghĩ đến chuyện tự tử để thoát khỏi hiện tại. Bác sĩ cho em hỏi đó có phải là bị trầm cảm không ạ?


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Sau khi sinh, cơ thể người mẹ có một sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, bao gồm thay đổi về nội tiết tố, thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa, có gia đình xuất hiện những mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, khó khăn trong chăm sóc bé, chồng ít phụ giúp hay vô tâm nên có nhiều bức bối khó nói ra. Tất cả những điều này làm cho tinh thần của người phụ nữ sau sinh có nhiều biến động lớn, nếu không kiểm soát được cảm xúc của mình nữa thì là đã có bệnh, đặc biệt triệu chứng nghĩ tới cái chết thường xuyên, mất ngủ, đau đầu thường xuyên là biểu hiện của trầm cảm sau sinh. Đối với tình trạng trầm cảm sau sinh, người bệnh sẽ không thể kiểm soát suy nghĩ của mình theo hướng tích cực được. Trầm cảm sau sinh là bệnh có thể điều trị được.

Nay em nhận ra tình trạng của mình và tìm đến y khoa để được tư vấn, hỗ trợ là một điều đáng khen và sẽ rất tốt cho việc điều trị của em. Với trình trạng này, em cần liên hệ với người thân để tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ em, đồng thời nên khám chuyên khoa Tâm thần để bác sĩ kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, bác sĩ Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...Chỉ có thuốc điều trị kèm tâm lý trị liệu mới giúp em sớm hồi phục và lấy lại cân bằng trong cuộc sống nữa, chứ 1 mình em không thể gỡ rối được đâu, càng để lâu bệnh càng nặng và càng khó điều trị. Hãy nghĩ đến con mình mà cố gắng lên, em nhé.

Thân mến.


Bui Viet Ha - donqui...@gmail.com
    
Chào bác sĩ, cháu là nữ 20 tuổi. Dạo gần đây vì áp lực học hành, cùng gánh nặng công việc, da cháu tái mụn sau 6 tháng dừng sử dụng isotrentinoin. Đợt khám lại lần này, cháu được kê doxycycline 100mg, dùng 2 viên/ngày, trong 4 tuần liên tiếp. Ban đầu chỉ vài chấm li ti mụn ẩn, nhưng sau 14 ngày bỗng xuất hiện thêm nhiều mụn sưng viêm. Cháu muốn hỏi, liệu đây có phải do phản ứng thuốc? Nếu không phải, cháu có nên dừng doxycycline để sử dụng độc dược isotrentinoin lần 2? Cháu thực sự rất hoang mang, mong sớm nhận được câu trả lời từ bác sĩ.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Việc bùng lên mụn sưng viêm sau 14 ngày dùng doxycycline không phải là tác dụng phụ hay phản ứng thuốc. Doxycycline là kháng sinh có chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn da, mụn nhọt. Tác dụng phụ của doxycycline thường gặp là nổi mẩn đỏ, ngứa da. Thời gian dùng thuốc cũng chỉ được kéo dài 15-30 ngày trong điều trị mụn mà thôi.

Hiện tượng mà em miêu tả nhiều khả năng là em không đáp ứng với doxycycline nữa, việc dừng doxycycline lại là nên bởi vì em cũng đã dùng liên tục 2 tuần hơn rồi, nhưng chuyển sang điều trị thuốc khác thì em phải tái khám lại bác sĩ chuyên khoa Da liễu. Thông thường, để điều trị mụn mau hiệu quả, bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, kết hợp kháng viêm, vitamin AD, vitamin C… và thuốc bôi ngoài da. Em dùng từ "độc dược" đối với isotrentinoin cũng cho thấy em biết thuốc này nhiều tác dụng phụ rồi, do đó em đừng nên tự ý dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ, em nhé.

Thân mến.


Nguyễn Mai Phương - hoaphuong...@gmail.com       

Chào bác sĩ,
  
Xin BS tư vấn cho tôi khi bị viêm da cơ địa ở chân có nên dùng thuốc Đông y không? Nếu có thì địa chỉ nào an toàn hiệu quả. Cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào bạn,

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa vẫn chưa xác định, song nhiều nhà khoa học cho rằng, đó là do yếu tố di truyền trong gia đình tương tác với yếu tố môi trường. Như vậy, có thể nói bệnh của bạn sẽ khó chữa khỏi hoàn toàn và cần kiên trì điều trị dù là Đông y hay Tây y.

Đông y hay Tây y đều có cái hay của riêng nó, bệnh viêm da cơ địa vẫn có thể điều trị theo phương pháp Đông y, thậm chí là đông tây y kết hợp, nhưng cần đến những nơi uy tín, tránh tiền mất tật mang bởi những người lang vườn, phòng khám giả mạo. Địa chỉ uy tín của điều trị bệnh theo phương pháp đông y là bệnh viện y học cổ truyền hay viện y học dân tộc, bạn nhé.

Thân mến.


Nguyễn Văn Duy - Quảng Nam

Chào bác sĩ,
        
Cho em hỏi em bị đứt gân tứ đầu và đã may lại hiện tại chân em cứ thẳng miết không co lại được mất bao lâu để khỏi?


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Gân sau khi được khâu dính sẽ trải qua giai đoạn viêm: các tế bào bạch cầu sẽ ăn các mô bị tổn thương, mô chết, dọn dẹp sạch sẽ “chiến trường”. Kế tiếp là các nguyên bào sợi sẽ đổ nguyên liệu để hàn gắn vết thương làm hai đầu gân dính lại. Do đó, sau mổ nối gân, thường thì người bệnh sẽ phải bất động một thời gian ngắn để gân lành. Qua giai đoạn đó thì người bệnh phải tập vật lý trị liệu chủ động để định hướng lực co gân nhằm tăng sức chịu lực của gân, nếu không thì sẽ bị co rút gân hoặc ngược lại là đờ luôn. Như vậy, câu hỏi của em phụ thuộc vào việc em có tích cực tập vật lý trị liệu hay không, nếu em không tập gì cả thì nhiều năm chân em cũng không phục hồi được. Em cần đến các trung tâm vật lý trị liệu phục hồi chức năng để bác sĩ kiểm tra cho em và hướng dẫn em cách tập thích hợp, em nhé.

Thân mến.


Nguyễn Hà - vuquanng...@gmail.com
      
Chào bác sĩ,

Em không dùng bia rượu, nhưng men cao lại tăng và có bệnh về dạ dày nữa ạ. Em thuốc dạ dày có ảnh hưởng tới việc men gan tăng không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Bất kỳ thuốc nào cũng có thể gây tăng men gan, còn gọi là viêm gan do thuốc, bởi vì tất cả các thuốc đều chuyển hóa qua 2 con đường chính là gan và thận. Cơ chế viêm gan do thuốc có thể do liều lượng (uống nhiều thuốc), cũng có thể do cơ thể dị ứng với thành phần thuốc đó (uống ít cũng bị). Như vậy, không loại trừ khả năng thuốc dạ dày em uống làm tăng men gan, khi đó đơn giản là ngưng thuốc dạ dày thì men gan sẽ giảm.

Tuy nhiên, men gan tăng cao đâu chỉ do rượu hoặc thuốc, có rất nhiều nguyên nhân gây tăng men gan, trong đó hàng đầu là nhiễm virus gây viêm gan (A, B, C, D, E), viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan tự miễn... Do đó, em cần khám bác sĩ chuyên khoa Gan mật để được kiểm tra lại chuyện tăng men gan của em, phải loại trừ được những nguyên nhân nguy hiểm kể trên để điều trị thích hợp tương ứng, trước khi đổ tội do thuốc, em nhé.

Thân mến.


Nguyễn Thị Huyền Trân – sosun…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Dạ bác sĩ cho con hỏi nếu sau thời gian là 19 tháng sau phẫu thuật bắt vít thì khi lấy vít ra con có thể đi lại được ngay không? Và con có phải kiêng cữ gì không ạ? Mong bác sĩ phản hồi giúp con sớm. Con xin cảm ơn ạ.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Thủ thuật lấy đinh vít đơn giản hơn so với lúc phẫu thuật cố định xương nhiều, nhưng em vẫn cần phải nhập viện, vào phòng mổ để việc thực hiện thủ thuật được an toàn tuyệt đối. Thời gian lưu tại viện là 1-2 ngày, sau đó em sẽ cần nghỉ ngơi hạn chế đi lại trong vài ngày, chăm sóc vết thương mỗi ngày, uống thuốc bác sĩ kê trong vài ngày, ăn uống thì không kiêng cữ gì ngoại trừ bia rượu, thuốc lá và các món gây dị ứng (nếu có).

Thân mến.


Hieu Minh - minhh...@gmail.com
       
Xin chào Bác sĩ,

Em 42 tuổi đã bị bướu cổ đa nhân hai thùy và đã cắt toàn bộ tuyết giáp, bây giờ bị suy cận giáp. Em đang uống canxi Morecal ngày 2 viên. Cacitriol 0,25 ngày 2 viên. Bác sĩ cho em hỏi em có thể thay thế viên canxi Morecal bằng viên Canxi Kirkland Calcium 600 - Vitamine D3 có được không ạ? Xin cám ơn bác sĩ rất nhiều ạ.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Thuốc Morecal là viên nang mềm có thành phần gồm Calci Carbonate: 750mg và Vitamin D3: 100IU. Như vậy tổng liều calci theo toa thuốc của bác sĩ là 1500mg Calci và 200 UI Vitamin D3.
Trong khi thuốc Canxi Kirkland Calcium 600 - Vitamine D3 là loại viên nén có thành phần gồm Calci 600mg và và Vitamin D3: 400IU. Như vậy nếu em uống 1-2 viên Canxi Kirkland thì liều lượng canxi sẽ không đủ theo toa bác sĩ nhưng uống 2 viên thì liều lượng vitamin D3 sẽ khá cao. theo luật khám và chữa bệnh hiện nay của bộ y tế, bác sĩ không được phép kê thuốc hay chỉnh thuốc thông qua kênh truyền thông mà không thông qua thăm khám + hỏi bệnh trực tiếp với người bệnh, bác sĩ chỉ cân nhắc và làm rõ các thông tin về thuốc cho người bệnh thôi, em nhé.
Do đó tôi khuyên em không nên tự ý thay thế viên Morecal của bác sĩ đang điều trị cho em đã kê bằng viên Canxi Kirland, em nên trao đổi bàn bạc với bác sĩ đang điều trị cho em để lựa chọn sự phối hợp thuốc phù hợp nhất.
 
Thân mến.


Nam - Giaub...@gmail.com
        
Em xăm xong hình xăm bị mờ, nhìn như da non, lúc ngứa lúc không, lúc có mủ nặn ra lại hết lúc có vảy lên lúc lại không. Em xăm cách đây 3 năm rồi.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Việc xăm da làm tổn thương và thay đổi cấu trúc bề mặt da, có thể gây viêm da nhiễm trùng, viêm da dị ứng ngay lúc đó, cũng có thể gây viêm da dị ứng về sau do da dễ kích ứng hơn, do hiện tượng đào thải mực, do nhiễm tác nhân bên ngoài. Cách xử lý hiện tại là em nên đến khám bệnh viện Da liễu để bác sĩ kiểm tra trực tiếp, đánh giá mức độ, cơ địa mà cho thuốc phù hợp, em nhé.

Thân mến.


Nguyen thi Hảo - thihao...@yahoo.com.vn
       
Chào bác sĩ,

Tôi năm nay 54 tuổi, khoảng 2 tuần nay chỗ tôi ngồi thì kiến đen bò xung quanh. Xin hỏi liệu tôi có bị thiếu hoặc dư chất hoặc bị bệnh gì không (huyết áp, tim mạch hiện tại bình thường)? Tôi nên đi khám chuyên khoa gì để tìm ra bệnh? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào bạn,

Kiến thường bu vào những vùng bẩn, hay khi tới giao mùa, mùa mưa, nơi có nồng độ đường cao… Khi thấy kiến bu nhiều vào quần áo, quanh chỗ ngồi, người hay ra mồ hôi thì tốt nhất nên tầm soát đái tháo đường, kiểm tra chức năng gan thận, điện giải đồ. Bạn có thể đăng ký khám tại chuyên khoa Nội tiết hay chuyên khoa Nội tổng quát đều được, bác sĩ sẽ ghi rõ y lệnh xét nghiệm kiểm tra từng phần cho bạn, bạn nhé.

Thân mến.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X