Hotline 24/7
08983-08983

Bổ sung vitamin cho trẻ thế nào là hợp lý?

Vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên không nên bổ sung quá nhiều sẽ dẫn đến dư chất mà phải tùy theo biểu hiện lâm sàng hoặc xét nghiệm tình trạng thiếu vitamin ở trẻ để bổ sung phù hợp.

1. Trẻ trong trường hợp và giai đoạn nào cần bổ sung vitamin và khoáng chất?

Xin hỏi BS, những trường hợp nào cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ qua các sản phẩm ạ? Giai đoạn hay từ độ tuổi nào cần bổ sung cho trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ nhỏ có nhiều giai đoạn. Vitamin và khoáng chất chỉ có được khi ăn và uống vào, chứ cơ thể không tự sinh ra.

Khi mang thai, vitamin và khoáng chất đi qua máu của mẹ, đến khi được sinh ra thì đi qua sữa mẹ hoặc sữa uống. Trẻ lớn sẽ bắt đầu ăn dặm và ăn đa dạng.

Vitamin và khoáng chất khá quan trọng trong việc phát triển miễn dịch,… Cần biết vitamin đó nằm trong chất gì, có dễ kiếm hay không? Trẻ cũng như mẹ khi mang thai có ăn đủ đa dạng không? Không phải cứ ăn thoải mái hay uống vitamin liên tục là đủ vitamin và khoáng chất.

2. Dấu hiệu cảnh báo trẻ thiếu vitamin và khoáng chất là gì?

Những biểu hiện cảnh báo trẻ thiếu vitamin và khoáng chất để bổ sung gồm những gì, thưa BS? Đặc biệt là những vi chất cần thiết cho trẻ như sắt, kẽm, canxi, vitamin D, nhóm B…?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vitamin D là dễ thiếu nhất vì không có trong sữa mẹ, còn sữa công thức phải uống rất nhiều mới đủ vitamin D. Đặc biệt, vitamin D chỉ có trong các loại mỡ của cá hay các loại hạt, nhưng trẻ rất khó ăn các thực phẩm này. Trẻ chỉ có thể nhận được vitamin D khi phơi nắng, nên không đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, vitamin D là thuốc đầu tiên nên nghĩ đến để cung cấp cho trẻ qua đường miệng từ việc uống mà không phải là thức ăn.

Đối với các loại vitamin khác, nếu là vitamin tan trong dầu, phải ăn thực vật, dầu thực vật, ăn mỡ mới có được.

Nếu thấy trẻ còi cọc, không lớn, bị còi xương, có khả năng trẻ thiếu vitamin D; Lòng bàn tay không hồng như những đứa trẻ khác có thể do thiếu sắt; Ngón tay thường bị bong da có thể là biểu hiện của thiếu vitamin nhóm B; Trẻ hay bị lỡ miệng có thể thiếu vi chất.

Tùy theo biểu hiện lâm sàng để nhận biết tình trạng thiếu vitamin ở trẻ. Hoặc dinh dưỡng của trẻ quá kém, bác sĩ sẽ xét nghiệm xem trẻ đang thiếu những chất nào để bổ sung.

3. Cách bổ sung vitamin và khoáng chất hợp lý cho trẻ

Khi bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ - nên bổ sung dạng tổng hợp hay thiếu gì thì bổ sung đó? Nếu vậy, làm sao để biết con đang đang thiếu gì mà bổ sung cho đủ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi thấy trẻ ăn không được, có khả năng là thiếu vitamin và khoáng chất hoặc trẻ ăn không đủ chất, không đủ đa dạng thì có thể bổ sung vitamin.

Khuynh hướng thường sử dụng viên tổng hợp vitamin và trong mỗi viên đã được tính toán hàm lượng phù hợp. Sẽ rất tốt nếu biết được trẻ đang thiếu chất gì và bổ sung đúng chất đó. Tuy nhiên, bên ngoài có thể không bán riêng từng loại vitamin chúng ta cần, mà chỉ có loại tổng hợp. Nên đa số phải sử dụng vitamin D3K2 hoặc viên tổng hợp,…

Có những lúc, trẻ uống 2 - 3 loại vitamin tổng hợp nên có khả năng sẽ dư chất. Vì vậy cần tính toán nồng độ cụ thể để bổ sung vitamin phù hợp.

4. Vitamin và khoáng chất bào chế dưới dạng nào sẽ hấp thu tốt nhất?

Trên thị trường đa dạng các loại vitamin và khoáng chất. Nên lựa chọn dạng bào chế nào sẽ giúp hấp thu tốt nhất cho trẻ ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, trẻ nhỏ uống dạng nước và người lớn uống dạng viên. Khuynh hướng sẽ sử dụng những loại khoáng chất dạng hữu cơ để dễ hấp thu hơn.

5. Nên bổ sung vitamin và khoáng chất vào thời điểm nào trong ngày?

Nên bổ sung vitamin và khoáng chất lúc nào trong ngày, trước ăn - trong bữa ăn hay sau bữa ăn  là tốt nhất ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tùy từng loại sẽ có thời điểm sử dụng khác nhau. Một số loại như sắt, kẽm nên uống lúc bụng hơi đói sẽ hấp thu tốt hơn. Quan trọng nhất là không uống vitamin vào buổi tối vì một số loại vitamin gây khó ngủ. Nên cố gắng uống trong ngày.

6. Sai lầm nào phụ huynh thường gặp khi bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ?

Những quan niệm chưa đúng khi bổ sung vitamin và khoáng chất các bậc phụ huynh thường gặp phải là gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sai lầm thường gặp là uống bổ sung quá nhiều. Ngoài vitamin D cần uống mỗi ngày thì các khoáng chất khác nếu cảm thấy không thiếu, chỉ nên uống 1 - 2 tuần, sau đó theo dõi lại, nếu thiếu mới bổ sung thêm.

Sau khi uống phải theo dõi tình trạng đáp ứng ở trẻ. Một số vitamin và khoáng chất uống vào sẽ gây táo bón, nên phụ huynh cần lưu ý.

7. Liều bổ sung vitamin và khoáng chất thế nào là hợp lý?

Một số người thấy trẻ bổ sung ăn ngon miệng và cũng có vị ngọt trẻ rất thích nên uống vô tội vạ, không đúng liều. Lời khuyên của BS về tình huống này như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cần xem kỹ thành phần và quan sát chất bên trong của lọ vitamin. Sau khi uống, trẻ ăn ngon hơn đôi khi không phải nhờ vitamin mà nhà sản xuất đã cho vào một chất nào đó như chất kích thích ăn. Vì vậy, phải sử dụng thương hiệu uy tín.

Dù là sản phẩm ngọt hay không thì cũng nên uống chừng mực. Vitamin cũng là một loại thuốc nên không thể uống thoải mái, ngoại trừ vitamin D khó kiếm trong thức ăn nên phải uống mỗi ngày. Ngoài ra, những vitamin và khoáng chất khác chỉ nên uống 2 tuần và đánh giá lại, nếu thiếu mới bổ sung thêm.

8. Bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất có nguy hiểm không?

Một vấn đề thực tế nữa là, phụ huynh bổ sung nhiều loại cho trẻ, bởi vì nghe ai mách gì tốt cũng đều muốn dành cho con. Điều này có thể sẽ gây hại như thế nào đến sức khỏe của trẻ, thưa BS? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vitamin nếu dư sẽ làm cho trẻ khó chịu. Vitamin A tan trong dầu nên khó thải ra ngoài, uống vitamin D quá nhiều dẫn đến trẻ chán ăn. Không nên uống thuốc một cách thoải mái mà phải theo hướng dẫn.

Khi trẻ ăn dặm được, ăn như người lớn thì nên cho trẻ ăn đa dạng để đủ vitamin và khoáng chất.

9. Lưu ý khi bổ sung canxi và sắt

Canxi và sắt là 2 dưỡng chất không được uống liền nhau. Vì sao lại như vậy, thưa BS? Vậy sắt và canxi cần uống cách nhau bao lâu ạ?

- Sữa, sữa chua và các chế phẩm từ sữa, các loại hạt, rau màu xanh lá, các loại đậu cũng có chứa canxi. Khi bổ sung sắt cho trẻ có cần tránh cả các thực phẩm này, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Một số khoáng chất khi uống cùng canxi sẽ khó hấp thu hơn. Khi uống canxi và sắt phải cách nhau ít nhất 30 phút, không thể uống cùng lúc. Tuy nhiên, hiện nay rất ít trẻ thiếu canxi mà chỉ thiếu vitamin D. Vì canxi rất dễ kiếm như có trong sữa, sữa mẹ,…

Sắt nên uống trước khi ăn 30 phút. Tuy nhiên một số trẻ nếu uống trước ăn sẽ sót ruột, lúc đó có thể giảm liều sắt và cho trẻ uống nhiều ngày hơn.

10. Trẻ đổ bệnh vì nắng nóng, có nên uống vitamin C để tăng đề kháng?

Thời tiết nắng nóng, nhiều trẻ đổ bệnh, để tăng cường sức đề kháng, một số phụ huynh lựa chọn bổ sung vitamin C cho trẻ. Theo BS, điều này có nên không? Sử dụng vitamin C cho trẻ sao cho đúng (liều lượng bao nhiêu, dùng của người lớn được không, uống buổi sáng hay chiều)?  

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mọi người thường nghĩ vitamin C làm tăng sức đề kháng nhưng nghiên cứu sau này cho thấy vitamin D tăng sức đề kháng nhiều hơn.

Mùa nắng nóng, chỉ cần uống đủ nước, ăn đủ rau xanh và trái cây tươi sẽ đủ vitamin C. Nếu muốn bổ sung vitamin C phải uống liền theo tuổi, cân nặng, đặc biệt không uống buổi tối.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X