Hotline 24/7
08983-08983

Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho thai kỳ sao cho đủ và hợp lý?

Bổ sung vitamin và khoáng chất khi mang thai là việc quan trọng nhưng không hề đơn giản với nhiều mẹ bầu. Hãy cùng lắng nghe BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ tiết lộ cách để bổ sung đúng và đủ những loại vi chất cho từng tam cá nguyệt.

Bổ sung đủ axit folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho thai nhi

Từ thực tế các mẹ bầu khi đến khám thai, BS nhận thấy các chị em thường băn khoăn gì khi bổ sung vitamin và khoáng chất trong thai kỳ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Các chị em thường có tâm lý lo lắng từ trước khi mang thai. Vấn đề bổ sung vi chất ở giai đoạn đầu mang thai và cả trước mang thai vô cùng quan trọng. Các bác sĩ sản phụ khoa thường tư vấn 3 tháng trước khi mang thai, cần phải đi khám để bổ sung các vi chất cần thiết.

Trong giai đoạn mang thai, cơ thể thay đổi rất nhiều, đặc biệt là ở thời điểm sinh con. Đa số chị em phụ nữ đều mất máu, dù là sinh thường hay mổ. Việc tập trung vi chất bằng ăn uống dĩ nhiên là tốt hơn nhưng ở thời điểm quan trọng, thường bác sĩ sẽ cho uống bổ sung sắt trong vòng 3 tháng trước khi sinh. Hàm lượng sắt có thể hơi thiếu với chế độ ăn bình thường. Trong giai đoạn mang thai, nhu cầu của cơ thể tăng lên nên cần bổ sung, dự phòng trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ.

Một điều mà nhiều chị em quan tâm là ăn thế nào để ngừa dị tật cho con. Ai cũng muốn sinh con ra khỏe mạnh. Có một số vi chất có thể ngừa được vài dị tật cho thai và ngừa được các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Nếu bổ sung đầy đủ axit folic trước khi mang thai có thể ngừa được dị tật ống thần kinh cho thai.

Các chị em thường hỏi bác sĩ sản phụ khoa uống bao nhiêu là đủ. Hàm lượng thông thường bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo và cũng có trong những viên uống tiêu chuẩn dành cho bà bầu là từ 400 - 600mcg/ngày. Trong một số sữa bầu có bổ sung axit folic, sữa sẽ có mùi đặc trưng của axit folic. Có rất nhiều nguồn để bổ sung axit folic trong thai kỳ hoặc trước thai kỳ để chị em có thể lựa chọn.

Bổ sung canxi, không thể bỏ qua vitamin D

Trong hàng chục các loại vitamin và khoáng chất, những dưỡng chất nào quan trọng mà không thể thiếu cho thai kỳ, thưa BS? Nhu cầu của mỗi loại này trong thai kỳ là bao nhiêu?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Sắt và axit folic vô cùng quan trọng, không cần bàn cãi. Một vi chất vô cùng quan trọng nữa là canxi. Thông thường trong thai kỳ, nhu cầu canxi sẽ cao hơn nhưng còn tùy thuộc vào giai đoạn. Ở 3 tháng đầu thai kỳ, nhu cần canxi chỉ khoảng 1.200mg, nhưng khi đến 3 tháng giữa, 3 tháng cuối, tốc độ phát triển của thai cao hơn, nhu cầu canxi của mẹ có thể tăng lên 1.500mg/ngày.

Có thể hiểu nôm na là mẹ phải bổ sung đủ lượng canxi đó, nếu không sẽ cung cấp thiếu canxi cho con. Ngày xưa, các mẹ hay bị rụng răng, đau lưng nhiều, loãng xương vì không cung cấp đủ dinh dưỡng, đặc biệt là canxi trong suốt thời gian mang thai và cho con bú. Canxi là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, các vi chất khác như kẽm, magie,... cũng rất quan trọng. Các chị em thường thắc mắc không biết phải bổ sung như thế nào. Về nguyên tắc, đầu tiên có thể bổ sung qua chế độ ăn. Axit folic có nhiều trong các loại rau xanh và một số thức ăn thường ngày. Nếu lo lắng không ăn đủ, hoặc 3 tháng đầu thai kỳ mẹ bị nghén không ăn uống được, bác sĩ sẽ cho những viên uống có vi chất sẵn với hàm lượng định chuẩn.

Mẹ bầu có thể uống thêm sữa tươi vì trong sữa tươi có nhiều canxi và các khoáng chất khác. Nếu có chế độ ăn cân bằng, lượng canxi cũng đầy đủ rồi. Nếu chị em có dấu hiệu đau lưng, chuột rút, vọp bẻ, phù chân,... thì nên đến gặp bác sĩ để xem mình đã bổ sung canxi đầy đủ hay chưa.

Có trường hợp chị em uống canxi nhưng vẫn có các biểu hiện trên. Về mặt y khoa, có một điểm thú vị, muốn tăng khả năng hấp thu canxi thì phải có thêm vitamin D. Điểm chính là bổ sung vitamin D qua ăn uống và qua thuốc bổ sung nếu thiếu.

Một số chị em than phiền với bác sĩ về việc khó ngủ khi uống canxi. Bác sĩ thường dặn uống canxi vào buổi sáng hoặc buổi trưa, không uống buổi tối. Không chỉ canxi mà multi vitamin cũng không nên uống vào buổi tối vì có thể có cảm giác cồn cào, kích thích. Do đó, chị em sẽ được khuyến cáo uống vào buổi sáng và buổi trưa để dễ chịu hơn.

Khi uống thuốc nên có sự tư vấn của bác sĩ sản phụ khoa

Việc bổ sung vitamin và khoáng chất qua từng tam cá nguyệt có khác thay đổi gì về hàm lượng không và nếu có thì thay đổi ra sao?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân không tự mua thuốc uống. Mỗi viên thuốc có hàm lượng khác nhau. Ví dụ như sắt cũng có loại sắt II, sắt III, sắt hòa tan như thế nào... Canxi cũng vậy: canxi vô cơ, canxi hữu cơ có hàm lượng hấp thu khác nhau.

Một số bệnh lý còn cần phải cân nhắc chuyện uống cho đúng. Trường hợp mẹ bị Thalassemia phải uống sắt theo chế độ đặc biệt hơn do bệnh lý tán huyết thiếu máu. Những bệnh lý khác cũng có chế độ uống thuốc riêng.

Bác sĩ sản phụ khoa vẫn khuyên chị em nên đi khám. Tôi hay khuyên bệnh nhân nếu khi đi khám được cho nhiều thuốc quá, không biết cách dùng thì nên mang đến cho bác sĩ xem. Thứ nhất, bác sĩ sẽ xem về hạn sử dụng và thứ hai là xem hàm lượng có tốt hay không. Khi cần kê thêm thuốc thì bác sĩ cũng sẽ xem các loại thuốc có tương tác với nhau không.

Đa số các viên uống vi chất đã cân bằng, vừa phải để uống nhưng việc lựa chọn vẫn nên do bác sĩ quyết định cho bệnh nhân uống loại nào. Như đã nói, hàm lượng 3 tháng đầu uống với nhu cầu khác, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối có nhu cầu khác. Lời khuyên vẫn là khi uống thuốc nên có sự tư vấn của bác sĩ sản phụ khoa.

Trà gừng giúp giảm triệu chứng nghén

Mẹ Minh Lan hỏi là: Trong hành trình đón bảo bối của mình, BS Lệ Quyên đã lựa chọn cung cấp vitamin và khoáng chất bằng cách nào - dinh dưỡng hay sản phẩm bổ sung? Vì em bình thường đã dễ nôn, em sợ khi mang bầu em ốm nghén nặng không ăn uống được gì thì thiếu chất.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đây là câu hỏi rất hay. Nhiều mẹ bầu lo lắng khi ốm nghén, việc ăn uống, uống thuốc khiến mình thấy khó chịu hơn nhưng lại sợ ăn không đủ thì con bị thiếu chất. Đó là nỗi lo rất bình thường. Đây cũng là nỗi lo tốt, vì khi lo như vậy, mẹ sẽ cố gắng ăn và uống thuốc để cung cấp vitamin.

Trong 3 tháng đầu, mẹ bầu thường nôn dữ dội. Nhiều chị em chỉ cần nghe mùi đồ ăn là nôn nhưng có một điểm thú vị là trong 3 tháng đầu thai kỳ, con phải khỏe thì mẹ mới nôn ói, nội tiết thai tăng cao thì mẹ mới nghén. Mẹ càng nghén chứng tỏ thai đang phát triển tốt. Các mẹ bầu cần biết nghén là sinh lý bình thường, chúng ta đang nghén nghĩa là nội tiết thai trong cơ thể mẹ tăng cao.

Một điều nữa cần lưu ý là nôn ói xong vẫn phải ăn. Nhiều chị em nói bị nghén đến 3 tháng cuối thai kỳ. Thật ra, về sinh lý, người ta chỉ nghén đến 14 tuần thôi. Nghén đến 3 tháng cuối thai kỳ có một số trường hợp là nghén thật nhưng cũng có một số trường hợp do bị nghén không ăn được, dẫn đến đau dạ dày. Do đó cần lưu ý đến việc ói nhưng vẫn ăn, chỉ cần ăn món mình thích.

Một số phương pháp để đỡ ói là uống trà gừng, chia nhỏ thức ăn và không nên ăn thức ăn quá có mùi. Đa số mẹ bầu đều được bác sĩ sản phụ khoa tư vấn uống các loại thuốc bổ sung vi chất đầy đủ trong thai kỳ. Do đó mẹ cứ tự tin đi khám thai để được bác sĩ sản phụ khoa tư vấn kỹ nên uống thuốc nào cho phù hợp với giai đoạn thai kỳ.

Mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh, lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất

Câu hỏi từ Anh Cường: Vợ em bị yếu bụng từ nhỏ, em sợ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất, làm sao để khắc phục tình trạng này, thưa BS? Còn vấn đề nào khác có thể gặp phải khi bổ sung vitamin và khoáng chất ở phụ nữ mang thai, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trong thai kỳ, có trường hợp chị em uống sắt bị bón, uống loại thuốc này bị tiêu chảy,... Đường tiêu hóa của mỗi người khác nhau. Đương nhiên trước khi mang thai, người mẹ phải trị hết các bệnh đường tiêu hóa và khi mang thai cần có chế độ ăn hợp lý.

Khi uống thuốc, có một số loại thuốc hơi kích thích. Đặc biệt rất thường gặp các bà bầu khi đi khám thai được bác sĩ cho uống sắt hoặc các viên vi chất thì bị bón, đi cầu phân đen, bị cồn cào khó chịu. Khi gặp vấn đề này, các chị em hãy mạnh dạn báo với bác sĩ.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại thuốc khác nhau, hàm lượng khác nhau. Có chị em uống loại sắt này bị bón, nhưng uống loại sắt khác thì không sao. Có chị em uống loại thuốc này hơi cồn cào, hơi rối loạn tiêu hóa, nhưng không có vấn đề khác. Mỗi người có tình trạng khác nhau. Bác sĩ sẽ điều chỉnh, lựa chọn loại thuốc phù hợp với cơ địa của mỗi người.

Các mẹ cần phải theo dõi. Có nhiều chị em bị mệt mỏi khi mang thai nên không lo lắng đến các tác dụng phụ của thuốc. Khi uống bất kỳ thuốc gì cũng phải xem có tác dụng phụ hay không.

Về vấn đề hấp thu, mỗi viên thuốc có loại hấp thu khác nhau. Lấy ví dụ, canxi hữu cơ và canxi vô cơ có hàm lượng hấp thụ khác nhau. Sắt cũng có sắt II, sắt III, ở mỗi loại, khả năng hấp thu không giống nhau. Một số chị em có dạng đột biến MTHFR, là một dạng đột biến khá thường gặp, có thể tăng nguy cơ sảy thai. Các bệnh lý như đột biến này chỉ cần uống loại axit folic đã được chuyển hóa thì vẫn khỏe mạnh bình thường.

Tôi nói để mọi người thấy, mỗi tình trạng bệnh sẽ được lựa chọn thuốc phù hợp nhất để giảm tác dụng phụ. Vì vậy chị em cứ đi gặp bác sĩ sản phụ khoa để hỏi rõ ràng từng loại thuốc vì một số loại thuốc có tương tác với nhau: Một số loại sắt và canxi nếu uống chung sẽ làm giảm hấp thu thuốc. Các bác sĩ luôn tư vấn giờ uống, loại nào uống trong bữa ăn, loại nào uống sau bữa ăn,... để hấp thu tốt hơn. Chúng ta phải tuân thủ giờ uống thuốc mà bác sĩ hướng dẫn.

Chị em không cần quá căng thẳng, chỉ cần uống thuốc đúng loại, đúng cách và theo dõi tác dụng phụ nếu có để bác sĩ sản phụ khoa điều chỉnh phù hợp. 

Khám thai định kỳ để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và con

Bổ sung vitamin và khoáng chất trong thai kỳ, làm sao để mẹ bầu nhận biết được đủ hay thiếu, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Có một số triệu chứng cho bác sĩ biết bệnh nhân đang thiếu chất. Trong khi đi khám thai, chị em được khám rất nhiều thứ. Nhiều người nghi đi khám thai chỉ cần siêu âm thấy thai khỏe là được. Khi đi khám thai, bác sĩ sẽ xem niêm có nhợt hay không. Khi bị thiếu sắt, bổ sung sắt chưa đủ, ăn uống không đủ hay cơ địa có bệnh lý thiếu máu, bác sĩ sẽ biết bệnh nhân có dấu hiệu thiếu máu.  Sau đó, bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm để chắc chắn tình trạng thiếu máu, thiếu sắt để có chế độ bổ sung sắt đặc biệt hơn trong thai kỳ.

Đi khám thai không chỉ là đi khám thai mà còn khám cả mẹ rất kỹ. Ngoài xem tốc độ phát triển của thai, bác sĩ còn xem người mẹ có vấn đề gì hay không. Khi khám thai, chị em sẽ có một số mốc được xét nghiệm. Từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày là khoảng thời gian tầm soát dị tật thai. Thông thường, ở giai đoạn này bác sĩ cũng sẽ xét nghiệm máu, xét nghiệm tổng quát cho mẹ để biết có thiếu sắt hay không.

Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, chị em cần để ý đến từng triệu chứng và nói với bác sĩ. Vọp bẻ, chuột rút cũng là dấu hiệu thiếu canxi. Có những chị em bị phù sinh lý do chèn ép tĩnh mạch nhưng cũng có trường hợp phù bệnh lý. Tăng huyết áp do thai khiến mẹ bị phù, đó là phù bệnh lý. Khi đi khám, bác sĩ sẽ biết được bệnh nhân có bị tiền sản giật hay không, hoặc bị vọp bẻ có phải do thiếu canxi hay không.

Ngoài ra còn có rất nhiều yếu tố khác. Biểu hiện thiếu vi chất còn thể hiện qua móng tay. Ở một số chị em, móng tay có những dấu hiệu bất thường đặc trưng của thiếu vi chất. Các bác sĩ phụ khoa khi thăm khám, siêu âm sẽ xem xét rất kỹ để phát hiện bệnh nhân có thiếu vi chất hay không.

Các chị em hiện nay đều bổ sung vi chất sẵn, ăn uống đầy đủ mà không bị nghén quá nhiều thì đa số là vi chất đầy đủ. Do đó không cần quá lo lắng, hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Chân thành cảm ơn nhãn hàng Vinlac Gold - Dinh Dưỡng chuẩn Việt đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình tư vấn kiến thức cho mẹ bầu!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X