Bổ sung acid folic từ khi lên kế hoạch mang thai, không uống viên sắt cùng với sữa
Những thông tin này được BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM chia sẻ trong chương trình hội thảo và tập huấn vừa được tổ chức.
Hội thảo khoa học và tập huấn “Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ” do Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM tổ chức vào ngày 14/5/2023 khép lại phiên 1 vào buổi sáng với 3 bài báo cáo hấp dẫn xung quanh vấn đề lợi ích của sữa mẹ, hướng dẫn thực hành cũng như việc duy trì nguồn sữa mẹ.
Nối tiếp thành công, phiên 2 của chương trình bắt đầu vào buổi chiều cùng với 2 bài báo cáo đi sâu vào vấn đề dinh dưỡng cũng như quy định của pháp luật để triển khai nuôi con bằng sữa mẹ. Chương trình thực hiện cả ngày, nhưng vẫn thu hút hơn 1.400 hội viên trực tiếp và trực tuyến, đón nhận hàng loạt câu hỏi thắc mắc thú vị.
1. Phụ nữ khi mang thai đối diện với nhiều vấn đề dinh dưỡng
Trong bài báo cáo “Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú” - BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM nhấn mạnh, khi mang thai người phụ nữ có nhiều biến đổi sinh lý. Đó là trọng lượng tử cung tăng; cơ chế tự nhiên làm giảm progesterone gây giãn cơ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản (đặc biệt là trong quý đầu), táo bón.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng tăng nhu cầu protein, lipid, glucid và nhiều chất dinh dưỡng; có nguy cơ loãng xương do huy động canxi để tạo xương cho canxi; có tình trạng lưu giữ nước trong cơ thể; canxi, magie máu giảm và chuyển hóa cơ bản tăng.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nhận định, hội thảo do Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM là dịp để gặp gỡ và cung cấp kiến thức liên quan hoạt động chuyên môn, thông qua các chuyên gia lan tỏa kiến thức đến tất cả các cán bộ y tế, không chỉ ở bệnh viện lớn mà còn tuyến y tế cơ sở, trạm y tế phường xã, trung tâm y tế của các quận huyện TPHCM và các tỉnh thành
Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng khi mang thai. Trong đó, với người mẹ, dinh dưỡng sẽ giúp đủ sức sinh con, đủ sữa cho con bú, phục hồi sức khỏe sau sinh, giảm tai biến sản khoa. Đối với em bé, dinh dưỡng giúp con tăng trưởng tốt, giảm suy dinh dưỡng bào thai, giảm sự phát triển tâm thần vận động, đặc biệt là giảm các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, phụ nữ khi mang thai thường phải đối diện với nhiều vấn đề dinh dưỡng, bao gồm thiếu vi chất, nghén, thiếu/ thừa năng lượng. “Mặc dù hiện nay y học đã có nhiều tiến bộ với nhiều biện pháp can thiệp, kiến thức cũng được gia tăng, nhưng tỷ lệ thiếu hụt các chất dinh dưỡng vẫn còn cao.
Chẳng hạn như, theo thống kê, có khoảng 60% đến gần 70% phụ nữ mang thai bị thiếu kẽm, 30-35% thiếu sắt, 50-60% thiếu i-ốt… Mặt khác, hiện nay, phụ nữ mang thai cũng có xu hướng tăng cân quá mức. Đây là những vấn đề của toàn thế giới cũng như tại Việt Nam” - BS Ngọc Diệp đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý.
Theo đó, khuyến nghị về mức tăng cân trong thai kỳ sẽ khác nhau tùy theo BMI trước khi mang thai. Trong trường hợp BMI trước mang thai <18,5 thì cả thai kỳ cần tăng từ 12,5 - 18 kg, trong đó từ 3 tháng giữa cần tăng từ 1,8 - 2,7 tháng. Trường hợp BMI trước mang thai 18,5 - 24,9 thì cả thai kỳ cần tăng từ 11,5 - 16 kg, từ 3 tháng giữa cần tăng từ 1,8 kg/ tháng. Trường hợp BMI trước mang thai 25,0 - 29,9 thì cả thai kỳ cần tăng từ 7 - 11,5 kg, từ 3 tháng giữa tăng từ 0,9 kg/ tháng. Trường hợp BMI trước mang thai ≥ 30, thì cả thai kỳ cần tăng từ 5 - 9 kg, trong đó từ 3 tháng giữa cần tăng 0,7-0,9 kg/ tháng.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cho hay, đối với nhu cầu năng lượng mỗi giai đoạn của người phụ nữ sẽ thay đổi khác nhau. Cụ thể, nếu phụ nữ từ 20 - 29 tuổi cần 1.760 Kcalo/ngày khi hoạt động nhẹ, cần 2.050 Kcal/ ngày khi họat động trung bình thì người phụ nữ ở giai đoạn 30-49 tuổi sẽ cần 1.730 Kcal/ngày khi hoạt động nhẹ, cần 2.010 Kcal/ ngày khi hoạt động trung bình.
Như vậy, khi mang thai 3 tháng đầu cần thêm 50 Kcalo/ngày, 3 tháng giữa cần thêm 250 Kcalo/ngày, phụ nữ cho con bú cần thêm 500 Kcalo/ngày. “Thực tế, khi nuôi con bằng sữa mẹ, con bú sẽ giúp mẹ giảm 500Kcal, con số này bằng một buổi chạy bộ mấy giờ liên tiếp” – chuyên gia chia sẻ thông tin thú vị.
Đối với nhu cầu các chất sinh năng lượng, chuyên gia cho biết, phụ nữ mang thai cần 13-20% protein, 20-30% lipid (SFA <10% - PUFA 10% - MUFA 10%), 55-65% glucid (chủ yếu loại phức hợp).
Đặc biệt, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh vào từng thành phần cần thiết cho phụ nữ mang thai. Đối với protein, đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia cấu tạo cho các tế bào, là thành phần tạo nên hormone, enzyme, kháng thể, giúp điều hòa chuyển hóa, duy trì cân bằng dịch thể và vận chuyển chất dinh dưỡng.
Nếu nhu cầu bình thường là 1,13 g/kg/ngày (khoảng 60g/ ngày), thì khi mang thai cần tăng thêm 1-30g/ ngày, cụ thể là 61g - 70g - 91g tương ứng với mỗi giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Lưu ý, cần chọn loại protein > 50% động vật, thực phẩm giàu chất đạm này bao gồm thịt, thủy hải sản, trứng, sữa, các loại đậu…
Đối với lipid cũng rất cần thiết, vì nắm giữ nhiệm vụ cấu tạo màng tế bào, hệ thần kinh trung ương, giúp cung cấp năng lượng, đồng thời đây là dung môi hòa tan vitamin tan trong chất béo. Nếu nhu cầu bình thường của lipid là 20-30% tổng năng lượng (khoảng 45-57g/ngày) thì khi mang thai sẽ tăng thêm 1,5- 15 g/ngày. Cụ thể là 1,5g - 7,5g - 15g tương ứng với 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối. Lưu ý, cần chú trọng đến vai trò của DHA, EPA, hạn chế acid béo no < 10% (mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ).
Đối với Glucid giúp cung cấp năng lượng và điều hòa chuyển hóa. Trong khi nhu cầu bình thường là 55-65% tổng năng lượng (khoảng 290g- 360g/ngày), thì với phụ nữ mang thai cần tăng thêm 10-70g/ngày. Cụ thể là tăng 10g vào 3 tháng đầu, tăng 35-40g vào 3 tháng giữa, tăng 65-70g vào 3 tháng cuối và tăng 50-55g khi cho con bú.
Chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chất xơ đối với phụ nữ mang thai, vừa giúp nhuận tràng, chống táo bón, tăng khả năng tiêu hóa, vừa làm giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm, giảm nghén và tăng thải/ hấp thu chất độc. Nhu cầu của chất xơ là 25-30g/ ngày.
“Chất xơ có nhiều trong rau, trái cây, ngũ cốc, khoai củ… Chính vì vậy, đừng chỉ tư vấn cho phụ nữ mang thai gói gọn trong việc ăn rau, mà cần khuyến nghị ăn các loại thực phẩm cung cấp chất xơ tốt khác. Chẳng hạn như, chúng ta biết rằng, rau không nhiều chất xơ bằng khoai lang. Hay các loại hạt như hạt chia, hạt é cũng có hàm lượng chất xơ rất tốt” - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM cho biết.
2. Không bổ sung viên sắt khi uống sữa
Bên cạnh đó, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp còn đề cập đến nhu cầu của nhiều vitamin, khoáng chất tăng lên khi mang thai, cho con bú. Chuyên gia dẫn chứng, một nghiên cứu dịch tễ học lớn được thực hiện bởi Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho thấy, có đến 28% phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ ở thành phố thiếu vitamin A. “Đó là lý do vì sao phụ nữ sau sinh cần phải bổ sung vitamin A liều cao” - chuyên gia nói.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng, ngay từ khi có kế hoạch mang thai, người phụ nữ bắt buộc phải bổ sung Acid folic. Thực tế, acid folic có trong rau lá, nhưng không nhiều và trên hết là bị phá hủy bởi nhiệt độ. Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, cho dù phụ nữ mang thai ăn đầy đủ theo khuyến nghị cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu acid folic.
“Thành phần này rất quan trọng, bởi vì có liên quan mật thiết đến dị tật thai nhi, do đó rất cần phải bổ sung. Thực tế, tạo hình thần kinh của thai nhi hình thành trong 28 ngày đầu đời, do đó, cần phải có kế hoạch bổ sung acid folic khi chuẩn bị mang thai, với 400 µg/ngày” - BS Diệp cho biết.
Ngoài acid folic, việc cung cấp đủ sắt cũng là một khó khăn rất lớn. Trong khi nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai tăng thêm 37mg mỗi ngày, song gần như con số này không thể đáp ứng được bằng chế độ ăn uống. Bởi vì nếu tăng sắt bằng cách tăng ăn gia súc sẽ dẫn đến mất cân đối protein, tăng thêm chất béo quá nhiều. Vì vậy, phải bổ sung sắt bằng viên uống.
“Theo khuyến nghị của WHO, phụ nữ mang thai cần uống 60mg sắt nguyên tố bổ sung/ngày. Khi bổ sung sắt cần chú ý nhất là thành phần sắt nguyên tố đạt được bao nhiêu. Đồng thời cần cân nhắc đến các yếu tố ảnh hưởng hấp thu sắt. Điển hình như canxi làm giảm hấp thu sắt. Nhưng lưu ý, nguồn canxi này từ sữa, vì vậy mới có khuyến nghị không uống viên sắt cùng với sữa. Ngoài ra, Polyphenol (trà, gia vị, rau) hay Phytate (sản phẩm ngũ cốc) cũng làm giảm hấp thu sắt.
Ngược lại, việc ăn thịt, cá, gia cầm, hải sản hay vitamin C lại giúp làm tăng hấp thu sắt. Bên cạnh đó, cần ghi nhớ, sắt trong thực vật có khả năng hấp thu thấp, còn trong động vật lại được hấp thu nhiều”.
Song song đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh về việc cung cấp đủ nhu cầu canxi, iod trong quá trình mang thai. Theo đó, với canxi có nhiều trong các loại thực phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phomai, kefir, kem…), cá, tép, đậu, rau xanh…
Cuối cùng, trong thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, BS Ngọc Diệp khuyến nghị, cần ăn đủ các nhóm thực phẩm, nên ăn đủ phẩm nguồn gốc động vật, không nên kiêng khem. Ngoài ra, bữa ăn cần đảm bảo thực phẩm đa dạng, khoảng 20 loại thực phẩm và nên ăn nhiều rau, trái cây, hạn chế gia vị (ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm). Đặc biệt, cần uống đủ nước và không dùng các loại kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá. Đồng thời nên chọn thực phẩm tươi, sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại hiệu quả kinh tế quốc gia, doanh nghiệp và lợi ích cho gia đình
Trong hội thảo, BS.CK2 Vũ Quỳnh Hoa - Phó phòng Nghiệp vụ Sở Y tế TPHCM còn mang đến một bài báo cáo thiết thực trong thực hành lâm sàng về "Quy định của pháp luật về nuôi con bằng sữa mẹ". Chuyên gia đánh giá, buổi hội thảo của Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM thực hiện vào một thời điểm rất ý nghĩa, đó là Ngày của Mẹ (ngày chủ nhật thứ 2 trong tháng 5). Và ai trong chúng ta cũng đều trưởng thành từ dòng sữa mẹ.
BS Quỳnh Hoa điểm qua nhiều lợi ích của sữa mẹ và khi thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Không chỉ giúp con phát triển trí tuệ, cảm xúc tốt, thể chất tốt, ít mắc bệnh; giúp mẹ phục hồi thể hình nhanh, hạn chế nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng mà còn mang lại giá trị cho gia đình, xã hội về mặt kinh tế và thời gian.
Bài báo cáo của chuyên gia cũng thông tin về một số quy định trong pháp luật về nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 của Chính phủ; Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Thông tư số 38/2016/TT-BYT ngày 31/10/2016 của Bộ Y tế; Quyết định số 3451/QĐ-BYT ngày 06/8/2019 về việc Phê duyệt tài liệu “Tiêu chí và hướng dẫn đánh giá công nhận bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về “Mười điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám, chữa bệnh”, bao gồm:
Cuối cùng, BS.CK2 Vũ Quỳnh Hoa nhấn mạnh, nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho quốc gia, các doanh nghiệp/cơ quan và các gia đình mà còn có tác dụng tốt tới sức khỏe bà mẹ, trẻ em và là 1 trong số các can thiệp thiết yếu vì sự sống còn của trẻ.
“Sữa mẹ là thức ǎn tốt nhất cho trẻ, cần cho trẻ bú sớm 1 giờ sau khi sinh, cho trẻ bú hoàn toàn 6 tháng đầu và kéo dài đến 18-24 tháng. Và trong thời gian nuôi con người mẹ cần được ǎn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái, lao động nghỉ ngơi hợp lý, được sự quan tâm của mọi người trong gia đình” - BS Quỳnh Hoa khuyến nghị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình