Hotline 24/7
08983-08983

Sữa mẹ là vắc xin đầu đời, thực phẩm organic an toàn nhất cho con

Sữa mẹ là thực phẩm organic, không hóa chất, an toàn. Sữa mẹ là vắc xin đầu đời cho em bé. Đặc biệt dòng sữa non chỉ có trong 72 giờ đầu tiên sau sinh là vô giá. Vì vậy, mẹ không nên bỏ qua cơ hội chỉ có một lần trong đời trẻ.

Những nhận định trên được các chuyên gia đưa ra trong hội thảo khoa học và tập huấn có cấp CME “Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ” do Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM tổ chức, diễn ra vào ngày 14/5/2023. Với 5 bài báo cáo thiết thực và nội dung hấp dẫn, chương trình thu hút gần 1.400 khách mời tham dự, trong đó có hơn 1.000 người theo dõi trực tuyến và gần 400 hội viên tham dự trực tiếp.

Thay mặt Liên chi hội Thực phẩm và Dinh dưỡng TPHCM, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp gửi lời tri ân đến các báo cáo viên, người tham dự hội thảo qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, đơn vị truyền thông đồng hành cùng chương trình AloBacsi

Hội thảo của LCH được thực hiện song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM gửi lời tri ân đến Sở Y tế TPHCM, Hội Y học TPHCM “đã luôn tin tưởng, tạo điều kiện để LCH thực hiện các chương trình hội thảo cũng như các đồng nghiệp đã đắm say với các hoạt động chuyên môn.

Người đứng đầu LCH chia sẻ: “Rất lâu rồi chúng ta mới quay lại chủ đề về nuôi con bằng sữa mẹ. Đừng nghĩ sữa mẹ quá cổ điển mà đó là sự lãng mạn, một hành trình đầy cảm xúc. Đây là dịp để gặp gỡ và cung cấp kiến thức liên quan hoạt động chuyên môn, thông qua các chuyên gia lan tỏa kiến thức đến tất cả các cán bộ y tế, không chỉ ở bệnh viện lớn mà còn tuyến y tế cơ sở, trạm y tế phường xã, trung tâm y tế của các quận huyện TPHCM và các tỉnh thành”.

Chuyên gia cho biết, hội thảo lần này quy tụ chuyên gia trong hai lĩnh vực. Một là dinh dưỡng cho sản phụ khoa và hai là chuyên gia với nhiều kinh nghiệm thực hành duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Nội dung của chương trình, bên cạnh việc nhìn nhận những thay đổi của chương trình nuôi con bằng sữa mẹ sau nhiều thập kỷ thực hiện, cập nhật các khuyến cáo của các tổ chức y tế trên thế giới, các chuyên gia còn cùng nhau bàn luận, tháo gỡ những vướng mắc trong quy định của pháp luật để thực hành tối ưu nhất.

Trong hội thảo, BS.CK2 Vũ Quỳnh Hoa - Phó phòng Nghiệp vụ Sở Y tế TPHCM còn mang đến một bài báo cáo thiết thực trong thực hành lâm sàng về "Quy định của pháp luật về nuôi con bằng sữa mẹ"

1. Sữa non - vắc xin quý cho trẻ bị lãng phí

Trong bài cáo cáo mở đầu, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nêu rõ, sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo cho trẻ nhỏ và vắc xin đầu đời cho con chính là sữa mẹ. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là khi trẻ được nuôi duy nhất bằng sữa mẹ, không dùng bất cứ thành phần bổ sung nào.

Điểm nhấn của hội thảo "Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ" đó là có phần tập huấn, hướng dẫn cụ thể các bước thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, giúp hội viên có góc nhìn trực quan về vấn đề này.

Chuyên gia dẫn chứng khuyến nghị của WHO - UNICEF đều đồng thuận 3 điểm. Thứ nhất, cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh. Thứ hai, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời (không có bất kỳ thức ăn, nước uống nào khác ngoài sữa mẹ, kể cả nước). Thứ ba, tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi cùng với việc giới thiệu thức ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và an toàn khi trẻ được 6 tháng. Ngoài ra, cần cho bú theo yêu cầu của trẻ. Nếu trẻ ốm không bú được thì vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc bằng cốc.

BS Diệp cho biết, hiện nay trên thế giới đã có những nỗ lực trong thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng mục tiêu vẫn còn khiêm tốn. Trên toàn cầu, mục tiêu đến năm 2025 với ít nhất 50% trẻ em được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Tại Việt Nam, Chương trình nuôi con bằng sữa mẹ bắt đầu thực hiện từ năm 1992, mang lại những thay đổi cơ bản các thực hành của bà mẹ và cộng đồng về nuôi con bằng sữa mẹ, đó là cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh, trẻ được nằm cạnh mẹ sau khi sinh, trẻ được bú mẹ đến 20-23 tháng tuổi chiếm 36%.

“Tuy nhiên, dữ liệu đến bây giờ vẫn còn thực tế, chỉ 2/3 trẻ ở Việt Nam được bú mẹ trong giờ đầu sau sinh - đây là nguồn sữa non được ví như vắc xin quý cho trẻ - bị lãng phí. Trong 8 năm gần đây, tỷ lệ cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng 45,4%, sau một thời gian dài không đạt hiệu quả (chỉ trong khoảng 20%). Đây là kỳ tích rất lớn, đã đạt trung bình của toàn cầu và khu vực” - BS Diệp nêu lên thực trạng tại nước ta về thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.

BS Ngọc Diệp nhấn mạnh về vai trò, lợi ích của sữa mẹ và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ

BS Diệp chia sẻ, sữa mẹ có đặc tính sinh học độc đáo, với hơn 200 chất khác nhau, chứa các thành phần dinh dưỡng ưu việt. Chẳng hạn, sữa mẹ có số lượng protein (đạm) ít hơn sữa động vật nhưng có đủ các loại acid amin cần thiết với tỷ lệ cân đối và dễ hấp thu vì vậy rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành.

Bên cạnh đó, protein trong sữa mẹ chủ yếu là protein dạng lỏng hòa tan, còn gọi là protein sữa (Whey protein) (Tỷ lệ whey/casein = 80/20 và có thể thay đổi đến tỷ lệ 60/40 trong quá trình điều tiết sữa) nên phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ.

Ngoài ra, sữa mẹ còn rất giàu immunoglobins, kích hoạt sự hoạt động của hệ thống miễn dịch. Carbohydrate trong sữa mẹ không chỉ cung cấp năng lượng mà còn thúc đẩy vi khuẩn đường ruột phát triển, tránh cho trẻ bị tiêu chảy. Glucid trong sữa mẹ chủ yếu là đường lactose, một số lactose trong sữa mẹ vào ruột chuyển thành acid lactic giúp cho sự hấp thu canxi và muối khoáng…

Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh vai trò của sữa non (màu vàng nhạt, đặc), giàu năng lượng, giàu chất diệt khuẩn giúp trẻ tránh các bệnh nhiễm trùng. “Tuy nhiên, các chất diệt khuẩn giảm đi rất nhanh từ giờ thứ nhất sau sinh. Đó là lý do cần cho trẻ bú sớm trong 60 phút đầu sau sinh. Chưa kể, sữa non còn giàu vitamin A gấp 10 lần sữa vĩnh viễn. Vitamin A sẽ được dự trữ trong gan, do vậy cần tận dụng ưu thế này để tích lũy. Có thể nói, nếu được bú mẹ sớm trong 60 phút đầu sau sinh, sẽ tích lũy vitamin A đủ dùng trong 6 tháng đầu đời”.

Trước những lợi ích này, chuyên gia cho rằng, nuôi con bằng sữa mẹ là một trong các đầu tư thông minh nhất cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Theo các nghiên cứu, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn, giúp con hình thành hệ miễn dịch, ít mắc các bệnh nhiễm trùng, hoàn thiện đường tiêu hóa, giảm nguy cơ dị ứng, béo phì.

Đồng thời, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn có lợi cho chính bà mẹ, giúp co hồi tử cung tốt, giảm mất máu sau sinh, giảm nguy cơ đái tháo đường, tăng huyết áp, giảm nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và cũng giúp mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng trước khi sinh.

Chưa kể, nuôi con bằng sữa mẹ còn đem đến những lợi ích cho gia đình, xã hội liên quan đến kinh tế, thời gian và môi trường. Nếu trẻ bú mẹ, tăng cường sức khỏe, giúp giảm tử vong ở người mẹ (20.000 ca mỗi năm), giúp 823.000 trẻ em dưới 5 tuổi được cứu sống mỗi năm. Đặc biệt, giúp giảm chi phí y tế, tiết kiệm lên đến 300 tỷ USD mỗi năm vì giảm trí tuệ liên quan không bú mẹ. Hơn nữa, sữa mẹ là sản phẩm luôn tươi ngon, không tăng thải carbon, nên không gây ô nhiễm.

BS Diệp nhấn mạnh, việc thực hành sai cũng mang đến nhiều nguy cơ sức khỏe cho trẻ. Chuyên gia dẫn chứng một thống kê để minh chứng, nếu trẻ không bú mẹ hoặc bú sữa mẹ + thức ăn lỏng ngoài sữa thì tỷ lệ trẻ < 6 tháng tuổi mắc một bệnh bất kỳ trong vòng 2 tuần lên đến 60%; sữa mẹ + thức ăn bổ sung (đặc) 46,3%, sữa mẹ + sữa công thức 41%, sữa mẹ + nước 32,4%, thì với trẻ được bú mẹ hoàn toàn chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ 29,1%.

Trong một nghiên cứu, tỷ lệ tiêu chảy ở trẻ dưới 6 tháng tuổi trong vòng 2 tuần qua theo cách nuôi ăn cũng cho thấy, với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn chỉ 5,7%, trong khi đó ở trẻ bú sữa mẹ + sữa công thức lên đến 15,4%, sữa mẹ + thức ăn bổ sung (đặc) 11,7%.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại nhiều yếu tố ảnh hưởng thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Bao gồm: can thiệp khi đẻ; quảng cáo; xu hướng thời trang nuôi con bằng sữa công thức; sức khỏe, tâm lý, áp lực về việc làm của bà mẹ; cán bộ y tế được đào tạo về nuôi con bằng sữa mẹ; luật quốc tế, nghị định 100, luật lao động, quy định liên quan; BV BHTE; chiến dịch nuôi con bằng sữa mẹ, môi trường gia đình, làm việc thuận lợi.

Do vậy, để thúc đẩy thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, BS Diệp cho rằng cần kết hợp các giải pháp, từ chính sách, gia đình, xã hội, nơi làm việc, bà mẹ và cán bộ y tế cơ sở. Chẳng hạn, về chế độ chính sách đã có luật lao động nghỉ hậu sản kéo dài 6 tháng, có chiến lược quốc gia về dinh dưỡng... Về xã hội - nơi làm việc thì nên bố trí chỗ hỗ trợ cho những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, cùng với việc giáo dục kiến thức và kỹ năng thực hành…

Về gia đình, nên giảm gánh nặng làm việc kiếm sống, nội trợ; có sự động viên từ người chồng, chia sẻ kinh nghiệm từ bà, mẹ, chị. Với bà mẹ cũng cần chủ động tìm hiểu kiến thức bảo vệ nguồn sữa mẹ và chủ động chăm sóc sức khỏe trước, trong khi có thai…

Để bảo vệ nguồn sữa mẹ, chuyên gia khuyến cáo, trong thời kỳ có thai, người phụ nữ cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái (tránh cảm xúc buồn phiền, lo âu, mất ngủ), tăng cân tốt. Song song đó, bà mẹ cần được ǎn đủ, uống đủ, ngủ đủ (tối thiểu 7 giờ/ ngày); uống đủ nước, sữa khoảng 2 lít/ngày. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là cho con bú thường xuyên và bú đúng cách.

Trong một số trường hợp có chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm bất thường chuyển hóa, Galactosemia (đối với trẻ), HIV, bệnh lao tiến triển không được điều trị, đang hóa trị, xạ trị, đang dùng antiretrovirus và nghiện ma túy (đối với người mẹ).

Chương trình nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ y tế tại TPHCM và các tỉnh thành

2. Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ: Chủ đề “cổ, cũ” nhưng vô cùng quý giá

Bài báo cáo của BS.CK1 Võ Thị Đem - Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Từ Dũ hấp dẫn không kém khi đề cập đến vấn đề “Tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ và phương pháp duy trì nguồn sữa mẹ”.

Đồng tình với những giá trị mà sữa mẹ trong bài báo cáo của BS Ngọc Diệp mang lại, chuyên gia với hơn 30 năm kinh nghiệm nhấn mạnh thêm, sữa mẹ là chủ đề “cũ, cổ” nhưng vô cùng quý giá, bởi vì trong thực tế thực hành vẫn còn nhiều khó khăn phát sinh.

“Chúng ta thu nhận lợi ích đủ điều từ sữa mẹ, với các thành phần dinh dưỡng gần như là hoàn hảo cho trẻ. Đây là thực phẩm organic, không hóa chất, có đầy đủ các kháng thể để chống lại vi trùng trong những ngày đầu đời khi em bé sinh ra. Đặc biệt, sữa non trong những ngày đầu là đủ cho trẻ” - BS Đem cho biết.

Với lối trò chuyện thu hút, BS.CK1 Võ Thị Đem - Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Từ Dũ lôi cuốn người tham dự về những câu chuyện thực tế trong việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ

Để cho bé bú sớm, chuyên gia khuyến cáo, nên cho mẹ và bé ở gần nhau, đặt trẻ sơ sinh tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh ít nhất một giờ. Đồng thời, khuyến khích các bà mẹ nhận biết khi nào trẻ sẵn sàng bú và giúp đỡ nếu cần, để trẻ tự ngậm bắt vú khi sẵn sàng, đừng nôn nóng và làm gián đoạn quá trình này, song song đó là trì hoãn các kiểm tra y tế không khẩn cấp ít nhất 1 giờ.

BS Võ Thị Đem dí dỏm cho biết, em bé phải chịu khó lao động từ khi sinh ra, đó là phải rà tìm đến vú mẹ mới có cái ăn và phải chịu mút mới có sữa. Đây sẽ là khởi đầu để tạo ra thế hệ chăm lao động. Hơn nữa, khi bú mẹ, cơ chế nuốt của em bé sẽ giúp hạn chế tình trạng sặc sữa. Trong khi đó, khi bú bình, dù bé không mút sữa vẫn chảy, áp lực đẩy vào nhiều nên với phản xạ nuốt của bé, không đóng kịp nắp thanh môn nên có khả năng sặc sữa. Với tình huống này, nếu không xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Từ tầm quan trọng của việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, trong bài báo cáo, chuyên gia đã những kiến thức cần lưu ý liên qua đến kỹ thuật cho trẻ bú đúng, kỹ thuật cho trẻ ngậm bắt vú và kỹ thuật giữ bầu vú khi cho trẻ bú. BS Đem cũng nhấn mạnh, nếu ngay từ đầu không đúng tư thế thì các bước sau cũng không thực hiện được.

Trong đó, để nhận diện trẻ ngậm bắt vú đúng, chuyên gia chỉ ra một số dấu hiệu như: miệng trẻ mở rộng, ngậm sâu quầng vú và các mô dưới vào miệng; cằm chạm vú mẹ; môi dưới hướng ra ngoài; quầng vú phía trên miệng trẻ còn nhiều hơn phía dưới; lưỡi đưa ra qua lợi dưới và ở dưới các xoang sữa; cuối cùng là miệng và lưỡi trẻ không cọ xát vào da vú và núm vú, không tổn thương da và núm vú mẹ.

Trong khi đó, nếu trẻ ngậm bắt vú sai sẽ biểu hiện, trẻ chỉ ngậm núm vú, không ngậm cả mô vú phía dưới; các xoang sữa nằm ngoài miệng trẻ nên lưỡi trẻ không với tới được; lưỡi trẻ tụt về phía sau, ở trong miệng trẻ và không ép vào các xoang sữa được.

“Khi trẻ ngậm bắt vú sai, mẹ sẽ bị đau núm vú, tổn thương núm vú, cương tức vú, giảm sự tạo sữa. Với trẻ sẽ bú không đủ sữa, khóc nhiều, đòi bú liên tục, mỗi lần bú kéo dài hơn bình thường, và trẻ không tăng cân. Đồng thời, khi cho bé bú, mẹ cũng cần hiểu rõ về kỹ thuật giữ đầu vú. Đó là bà mẹ cần đặt 4 ngón tay áp vào thành ngực ở dưới vú. Dùng ngón tay trỏ nâng vú, ngón tay cái để ở phía trên. Lưu ý, các ngón tay của bà mẹ không nên để quá gần núm vú, không nên khum lại như gọng kiềm để đỡ vú vì sẽ chặn dòng sữa ra” - BS Đem khuyến nghị.

Chuyên gia cũng bày tỏ, giữa lý thuyết đến thực hành rất xa, cán bộ y tế cần phải học liên tục, quan sát và giúp đỡ cho các bà mẹ. Song, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ. Đầu tiên là bà mẹ không đủ sữa với dấu hiệu chắc chắn là trẻ tăng cân kém (dưới 500 gam/1 tháng), đi tiểu ít (dưới 6 lần/ ngày) và nước tiểu cô đặc, nặng mùi và có màu vàng.

Với những trường hợp này, BS Đem khuyến cáo, cần xác định nguyên nhân dẫn đến không đủ sữa bằng cách thăm hỏi (để tìm hiểu quá trình nuôi trẻ) và quan sát, đánh giá một bữa bú. Đồng thời, hướng dẫn bà mẹ phát hiện được các lý do trẻ không nhận đủ sữa. Dựa trên những nguyên nhân đã xác định được, hướng dẫn bà mẹ khắc phục cải thiện tình trạng thiếu sữa.

BS Đem lưu ý, chuyên gia y tế cần khuyến nghị các bà mẹ đừng vội cho trẻ ăn thêm sữa công thức hoặc ăn bổ sung, mà cần được tư vấn sớm, hỗ trợ kịp thời.

Thứ hai là trẻ không chịu bú mẹ, với các biểu hiện như trẻ ngậm bắt vú nhưng không bú hoặc bú rất yếu; trẻ khóc và không bú mặc dù bà mẹ đã cố gắng cho trẻ bú; trẻ bú một lúc rồi nhả vú ra và khóc (có thể làm như thế vài lần trong một bữa bú). Tình trạng này có thể do trẻ bị bệnh hoặc gặp khó khăn về kỹ thuật bú, hoặc do trẻ mới sinh bắt đầu tập làm quen với bầu vú mẹ, hay là sự thờ ơ của trẻ trong giai đoạn 4-8 tháng tuổi. Ngoài ra, trong một số trường hợp trẻ tự “cai sữa”, thường xảy ra đối với trẻ trên 1 tuổi, giai đoạn mà chế độ ăn bổ sung chiếm ưu thế. Điều quan trọng là cần sớm tìm ra nguyên nhân để khắc phục, giúp trẻ nhận được lợi ích từ sữa mẹ một cách tốt nhất.

Cuối cùng, để duy trì nguồn sữa mẹ, BS Đem cho rằng, cần giữ đúng 3 nguyên tắc, liên quan đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. Người mẹ cũng cần cân bằng cuộc sống, ngủ đủ giấc 6-8 tiếng/ ngày và cần phải ngủ say, hiệu quả, giữ tinh thần thoải mái, làm việc - nghỉ ngơi hợp lý. “Kết hợp với đó là chế độ ăn uống lành mạnh, đủ 4 nhóm dinh dưỡng, không ăn kiêng hay cắt giảm lượng thức ăn. Uống nhiều nước, 2-3 lít/ ngày. Cho bé bú thường xuyên, đảm bảo bé bú đúng tư thế và ngậm bắt vú đúng” - BS Đem nhấn mạnh.

Nhiều thắc mắc được đặt ra cho chủ tọa đoàn và các báo cáo viên

3. Cho trẻ bú đúng: đảm bảo 3 yếu tố kỹ thuật, 4 điểm then chốt

Điểm nhấn của hội thảo "Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ" đó là có phần tập huấn, hướng dẫn cụ thể các bước thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, giúp hội viên có góc nhìn trực quan về vấn đề này. Đó là phần báo cáo lý thuyết và thực hành “Hướng dẫn bà mẹ cho con bú” của ThS Lê Thị Thu Vân - Bệnh viện Từ Dũ.

ThS Lê Thị Thu Vân - Bệnh viện Từ Dũ

Chuyên gia cho rằng, bà mẹ có thể cho trẻ bú ở nhiều tư thế khác nhau tùy theo hoàn cảnh. Dù ở tư thế nào, việc đặt trẻ, bế trẻ ở tư thế đúng và trẻ ngậm bắt bú tốt là điều quan trọng để trẻ bú có hiệu quả. Bởi vì, nếu tư thế của mẹ không đúng sẽ khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, đau vai, cổ gáy, đau và nứt đầu vú, trong khi đó, bé cũng không ngậm hết được hết bầu vú dẫn đến đói - chán bú mẹ, thời dài gian khiến bé mệt và không đủ lượng sữa cho 1 cữ bú.

“Kỹ thuật cho trẻ bú đúng cần kết hợp 3 yếu tố, bao gồm tư thế bú đúng, ngậm bắt vú đúng và giữ bầu vú đúng. Có như vậy mới giúp thì bé mới nuốt được nhiều sữa. Có nhiều tư thế để cho bé bú, nhưng dựa trên kinh nghiệm và quan sát cho thấy có 5 tư thế phổ biến nhất, trong đó có 3 tư thế ngồi và 2 tư thế nằm.

Tất cả các tư thế đều phải đạt 4 điểm then chốt để bế trẻ khi cho bú (đặt trẻ vào vú mẹ). Thứ nhất, đầu - thân nằm trên 1 đường thẳng. Thứ hai, toàn thân trẻ sát vào người mẹ - bụng chạm bụng. Thứ ba, mặt trẻ quay vào vú mẹ, vị trí núm vú mẹ nằm khoảng giữa phần mũi và môi trên của trẻ. Thứ tư, đối với trẻ sơ sinh, bà mẹ không những phải đỡ đầu, vai mà còn phải đỡ phần mông trẻ” - ThS Thu Vân khuyến cáo.

5 tư thế được chuyên gia đưa ra trong bài báo cáo, bao gồm:

Song song đó, trong kỹ thuật ngậm bắt vú đúng, chuyên gia hướng dẫn theo 4 bước. Một là, mẹ ôm người bé hướng vào người mẹ, mũi bé ngang với núm vú của mẹ. Hai là, bé bắt đầu tìm bắt núm vú, khi đầu bé ngửa ra sau, lúc này môi trên bé chạm vào núm vú mẹ, hành động này giúp bé mở rộng miệng ra. Ba là, khi miệng bé mở rộng nhất, cằm sẽ chạm vào vú mẹ, đồng thời đầu ngửa ra sau nhiều hơn, lúc này mẹ nhanh chóng đưa miệng trẻ vào vú thì bé sẽ ngậm được sâu nhất có thể. Bốn là, cằm bé tựa hoàn toàn vào vú mẹ, mẹ có thể nhìn thấy quầng đen của vú ở phía trên nhiều hơn phía dưới, khi bú 2 má của bé sẽ phồng và tròn ra.

Chuyên gia hướng dẫn ghi nhận thực tế, khi trẻ ngậm bắt vú đúng, bé sẽ nút vú và nuốt sữa một cách chậm rãi, ngậm vú sâu - 2 má căng tròn, có khi nghe rõ được tiếng nuốt sữa "ực ực", và trẻ tự nhả vú ra sau khi bú xong, nhìn có vẻ hài lòng.

Cuối cùng, chuyên gia ThS Thu Vân nhấn mạnh, dòng sữa non chỉ có trong 72 giờ đầu tiên sau sinh là vô giá. Vì vậy, mẹ không nên bỏ qua cơ hội chỉ có một lần trong đời trẻ. Cùng với đó, nhân viên y tế cũng cần hỗ trợ các bà mẹ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách, quan sát và nhận định chung tình trạng của mẹ và bé, linh hoạt trong hướng dẫn các tư thế phù hợp cho người mẹ, đánh giá các dấu hiệu của bé, đặc biệt luôn động viên - thúc đẩy sự kiên trì của người mẹ.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp tặng hoa cảm ơn các báo cáo viên tham gia hội thảo

Các báo cáo viên chụp hình lưu niệm cùng người tham dự hội nghị

AloBacsi hân hạnh đồng hành bảo trợ truyền thông cùng Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM trong chương trình lần này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X