Hotline 24/7
08983-08983

Biến chứng nhiễm trùng do đái tháo đường chiếm 80% số ca nằm tại khoa Nội tiết trong các bệnh viện lớn

Theo chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy - Hội viên Hội Nội tiết, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, đái tháo đường là nguyên nhân gây ra những biến chứng nghiêm trọng, trong đó đái tháo đường type 2 bị biến chứng tăng huyết áp chiếm đến 75% số trường hợp, 80% số ca nằm tại khoa Nội tiết trong các bệnh viện lớn.

1. TOP 4 nhóm biến chứng nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường (hay dân gian thường gọi là bệnh tiểu đường) có thể gây ra những biến chứng nào? Những biến chứng này thường có khả năng xảy ra sau bao nhiêu năm người bệnh mắc tiểu đường, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý rối loạn chuyển hóa đường huyết, đặc trưng của bệnh lý này là tình trạng tăng đường huyết mạn tính, gây tổn thương đến nhiều cơ quan, trong đó có tim, não, mắt và thần kinh.

Các biến chứng ĐTĐ được chia thành 4 nhóm chính: biến chứng mạch máu lớn, biến chứng mạch máu nhỏ, biến chứng thần kinh, biến chứng nhiễm trùng.

Biến chứng mạch máu lớn bao gồm bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ não. Bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt là ĐTĐ type 2 có tỷ lệ mắc các biến chứng này cao hơn gấp 2 lần so với người bình thường. Đó là lý do nhiều người cho rằng ĐTĐ là nguyên nhân gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Ngoài ra các biến chứng về mạch máu lớn còn có tăng huyết áp, trong đó bệnh nhân ĐTĐ type 2 bị tăng huyết áp chiếm đến 75% số trường hợp. Đồng thời còn có các biến chứng mạch máu ngoại biên như tắc mạch máu ngoại biên, biểu hiện lâm sàng là đau cách hồi, mất mạch, hoại tử các ngón chân, bàn chân…

Về biến chứng mạch máu nhỏ, biến chứng mắt và thận ĐTĐ là hai biến chứng nghiêm trọng không kém biến chứng mạch máu lớn. Cụ thể đối với biến chứng mắt có các vấn đề như bệnh võng mạc tăng sinh, võng mạc không tăng sinh, hai bệnh lý này diễn tiến về lâu dài có thể gây giảm thị lực ở bệnh nhân, dẫn đến mù, do đó phải điều trị sớm, tích cực để cải thiện biến chứng. Ngoài ra biến chứng mắt còn có đục thủy tinh thể, Glôcôm (Glaucoma).

Biến chứng thận có tiểu đạm (tiểu đạm vi thể, tiểu đạm đại thể), giảm độ lọc cầu thận, suy giảm chức năng thận, lâu dần bệnh nhân phải lọc thận, chạy thận nhân tạo suốt đời …

Đối với biến chứng thần kinh ở bệnh nhân ĐTĐ có tổn thương bệnh lý thần kinh ngoại biên, xuất hiện nốt chai ở chân gây mất cảm giác khi đi lại, nhiều bệnh nhân thường mô tả đang đi bị rớt dép nhưng không biết và không đi khám bệnh ĐTĐ, do đó bệnh nhân cần lưu ý các biến chứng này.

Biến chứng nhiễm trùng, trong khoa Nội tiết tại các bệnh viện lớn số bệnh nhân nằm viện đa phần do nhiễm trùng chân, có gần 80% số ca nằm viện tại các khoa Nội tiết trong những bệnh viện lớn. Nhiễm trùng chân có thể bắt đầu từ ngón chân, loét lỗ đáo hoặc nhiễm trùng từ các vùng bị tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh hoặc các ổ nhỏ ở bàn chân, sau đó nhiễm trùng đoạn chi và dẫn đến phải cắt cụt chân khiến bệnh nhân tàn phế.

2. Thời điểm biến chứng đái tháo đường xuất hiện

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Thời điểm xuất hiện các biến chứng trên ở bệnh nhân ĐTĐ cụ thể như sau:

Đối với ĐTĐ type 1 thường xảy ra sau 5 năm từ khi mắc ĐTĐ type 1.

Đối với ĐTĐ type 2, bệnh thường diễn tiến âm thầm đến khi có biến chứng mới phát hiện ra, do đó ngay khi chẩn đoán ĐTĐ type 2 bệnh nhân đã có biến chứng. Vì vậy trong các guideline hướng dẫn điều trị, khi chẩn đoán ĐTĐ type 2 cần tầm soát ngay các biến chứng cho bệnh nhân.

3. Biến chứng đái tháo đường có thể ngăn chặn và làm chậm diễn tiến

Những biến chứng của bệnh tiểu đường có thể ngăn chặn được không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Với tiến bộ của y học hiện nay có thể ngăn chặn, làm chậm quá trình diễn tiến của biến chứng ĐTĐ bằng cách kiểm soát tốt đường huyết, điều trị sớm ĐTĐ để ngăn chặn sự phát triển của biến chứng, điều trị sớm các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân có thể sống chung với ĐTĐ như các bệnh lý khác.

Bệnh nhân tăng huyết áp có thể sống đến 80-90 tuổi thì ĐTĐ có thể ngăn chặn biến chứng và làm được điều tương tự như tăng huyết áp nếu tuân thủ điều trị, đi khám, tầm soát và điều trị sớm.

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy - Hội viên Hội Nội tiết, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

4. Ca bệnh điều trị đái tháo đường thành công tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

Nhờ BS chia sẻ một (hoặc vài) trường hợp thực tế tại Phòng khám Ngọc Minh:

- Bệnh nhân được điều trị, kiểm soát bệnh hiệu quả sẽ có kết quả như thế nào?

- Ngược lại, bệnh nhân không được điều trị (đến khi đã có biến chứng), hoặc không điều trị thường xuyên, kiểm soát không hiệu quả đưa đến biến chứng sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị ra sao?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh đi vào hoạt động đã14 năm, được tuyên dương uy tín, chất lượng, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao nên số lượng bệnh nhân điều trị ĐTĐ thành công có rất nhiều.

Trong đó có thể kể đến một ca bệnh thực tế đã điều trị ĐTĐ trong thời gian gần đây tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, bệnh nhân nữ 50 tuổi mắc ĐTĐ 10 năm, đến khám, đo đường huyết cao, cụ thể đường huyết đói là 200-220 mg/dL, HbA1c là 9.7%.

Khi khám toàn diện, bên cạnh tiền căn ĐTĐ bệnh nhân còn bị tăng huyết áp và đang điều trị bệnh tim mạch xơ vữa, thể trạng béo phì, chế độ ăn không ổn định, rối loạn lipid máu và có tiểu đạm, nghĩa là bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng thận.

Sau khi khám và tầm soát tất cả các biến chứng, tư vấn kỹ, bệnh nhân được cho thuốc bao gồm các nhóm thuốc mới ức chế vận chuyển Sodium-GLucose co-Transpoter 2 (SGLT2) kèm với metformin và đồng vận GLP-1.

Sau 3 tháng điều trị tình trạng bệnh nhân cải thiện ngoạn mục, đường huyết đói xuống còn 140-150mg/dL, HbA1c còn 7.1%, cân nặng giảm 4kg trong 3 tháng, tim mạch và huyết áp ổn, đạm niệu âm tính. Bên cạnh đó bệnh nhân cảm thấy chất lượng cuộc sống thoải mái, vui vẻ, hài lòng.

Điều thành công của ca bệnh là người bệnh được đến khám đúng chuyên khoa, được tư vấn kỹ, còn trước đây bệnh nhân bị mắc ĐTĐ nhưng điều trị chưa đúng chuẩn, tư vấn không kỹ.

5. Nước tiểu kiến bu do nhiều nguyên nhân

Trước khi nói về kiểm soát, điều trị bệnh tiểu đường. Trước tiên, xin hỏi BS, đâu là những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường type 2 ạ? Dân gian “đồn thổi”, nước tiểu kiến bu… là biểu hiện của tiểu đường, thực hư thông tin này như thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: ĐTĐ type 2 là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa nên dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là thừa cân kèm với các yếu tố nguy cơ như tiền căn gia đình có người bị ĐTĐ, bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch trước đó, phụ nữ từng bị ĐTĐ thai kỳ, hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn lipid máu như triglyceride > 250 mg/dL, có HDl < 40 mg/dL …

Đối với quan niệm nước tiểu kiến bu là biểu hiện của bệnh ĐTĐ trong dân gian cần hiểu như sau, thông thường lượng đường trong máu được lọc qua cầu thận và tái hấp thu ở ống thận, tuy nhiên khi lượng đường trong máu cao hơn 180 mg/dL thận không còn tái hấp thu đường mà sẽ thải qua nước tiểu, từ đó nước tiểu có đường, cho thấy đường trong máu đã cao hơn 180 mg/dL, người này đã bị tiểu đường từ lâu.

Hiện nay những người có đường huyết từ 126 mg/dL đã được chẩn đoán ĐTĐ, không chờ đến khi kiến bu mới bắt đầu chẩn đoán. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều bệnh lý không phải tiểu đường nhưng do sử dụng thuốc, người đó bị suy tim, bệnh thận … trong nước tiểu sẽ có đường nhưng không bị tiểu đường.

Ngoài ra các dịch tiết của đường tiết niệu sinh dục cũng có thể thu hút kiến. Do đó nước tiểu kiến bu không hẳn là bệnh tiểu đường mà còn do nhiều nguyên nhân khác.

6. Bốn tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường

Khi có các biểu hiện nghi ngờ tiểu đường, cần thăm khám và làm những cận lâm sàng nào để chẩn đoán bệnh tiểu đường, thưa BS? Các xét nghiệm này có thể làm ở đâu (phải đến cơ sở y tế lớn, tuyến tỉnh, tuyến trung ương hay có thể làm tại cơ sở y tế tuyến huyện…)?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Khi nghi ngờ ĐTĐ cần thăm khám để chẩn đoán rõ ràng bằng cách xét nghiệm. Có 4 tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ do đó cần thực hiện đúng để tránh sai kết quả, không bỏ sót.

  1. Xét nghiệm đường huyết tĩnh mạch lúc đói (cao hay thấp), nếu kết quả cao bệnh nhân phải thực hiện xét nghiệm lần thứ hai. Việc chẩn đoán cần ít nhất 2 mẫu đường huyết lúc đói > 126 mg/dL, bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ.
  2. Xét nghiệm HbA1c nếu điều kiện bệnh viện, phòng khám có kỹ thuật xét nghiệm HbA1c đạt chuẩn quốc tế để tầm soát ĐTĐ.
  3. Nghiệm pháp dung nạp glucose cho bệnh nhân uống tại phòng khám hoặc bệnh viện để xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose, nếu đường huyết > 200 mg/dl được chẩn đoán là ĐTĐ.
  4. Nếu đã nghi ngờ tiểu đường sẽ xác lập chẩn đoán tiểu đường bằng xét nghiệm máu, không cần chần chừ và bỏ sót.

Do bệnh ĐTĐ hiện khá phổ biến nên việc thực hiện các xét nghiệm trên đã có ở bệnh viện tuyến huyện cùng với thuốc điều trị.

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy cho biết, những người từ 45 tuổi nên quan tâm đến vấn đề tầm soát ĐTĐ

7. Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người khỏe mạnh tầm soát đái tháo đường từ 45 tuổi

Vậy nếu không có biểu hiện bất thường, theo BS, từ độ tuổi nào chúng ta cần làm các xét nghiệm này và khoảng cách thực hiện là bao lâu?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Theo hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ từ năm 2022, hướng dẫn điều trị ĐTĐ type 2 của Bộ Y tế Việt Nam, những người khỏe mạnh từ 45 tuổi trở đi nên bắt đầu tầm soát ĐTĐ.

Gần đây do sự bùng nổ của đại dịch đái tháo đường ADA 2023 và 2024 đã hạ độ tuổi tầm soát ĐTĐ xuống 35 tuổi, tuy nhiên tiêu chí này hiện chưa áp dụng tại Việt Nam.

Hiện nay việc tầm soát ĐTĐ tại Việt Nam được khuyến cáo bắt đầu từ 45 tuổi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X