Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân ung thư có nên tiêm ngừa COVID-19 hay không, khi tiêm cần lưu ý gì?

Liệu bệnh nhân ung thư có nên tiêm vắc xin COVID-19? Cần lưu ý gì trước và sau khi chích ngừa? Liệu bệnh nhân ung thư có gặp tác dụng phụ nhiều hơn không?... Thắc mắc này sẽ được giải đáp qua phần chia sẻ của ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức.

1. Vì sao bệnh nhân ung thư thường có sức đề kháng kém ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Đối với bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị, sức đề kháng thường bị suy giảm. Sức đề kháng suy giảm có liên quan trực tiếp đến quá trình điều trị. Vì các bệnh nhân phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, hoặc được điều trị bằng các phương pháp mới như miễn dịch, thuốc điều trị trúng đích ít nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng chung của họ.

Nguyên nhân thứ hai gây giảm sức đề kháng là do sự ảnh hưởng trực tiếp của bệnh. Ví dụ như ung thư bao tử dẫn đến bệnh nhân ăn uống kém, giảm hấp thu, gây chảy máu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bệnh nhân.

2. Phương pháp nào ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư nhất?

Trong các phương pháp điều trị thì phương pháp nào ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư nhiều nhất, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Hầu hết các phương pháp điều trị ung thư hiện nay đều có ảnh hưởng ít nhiều đến hệ miễn dịch của bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp gây ảnh hưởng nhiều nhất đến hệ miễn dịch của bệnh nhân là phương pháp hóa trị.

Hóa trị là phương pháp dùng thuốc đặc trị, có thể uống hoặc chích. Khi thuốc đặc trị vào cơ thể, nó sẽ theo dòng máu và đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, nơi các tế bào ung thư còn ẩn nấp và tiêu diệt tế bào ung thư.

Bên cạnh việc giúp bệnh nhân điều trị và tiêu diệt các tế bào ung thư thì phương pháp này cũng gây ảnh hưởng đến các cơ quan trọng yếu của cơ thể như gan, thận, tủy, xương.

Đối với các bệnh nhân ung thư đang hóa trị thường sẽ trải qua một số tác dụng phụ của hóa trị như bị giảm hồng cầu, thiếu máu, giảm bạch cầu, dễ bị nhiễm trùng hơn hoặc giảm tiểu cầu làm dễ chảy máu.

Nhìn chung các phương pháp điều trị ung thư đều làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, sức đề kháng của bệnh nhân. Tuy nhiên mức độ ảnh khác nhau và tùy vị trí cơ quan bị tổn thương.

3. Biện pháp phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 cho bệnh nhân ung thư cần lưu ý gì?

Nước ta đã có bệnh nhân COVID-19 tử vong với bệnh nền là ung thư, trong lúc này, biến thể mới của virus thì lây lan nhanh hơn khiến cho họ càng thêm lo lắng. Vậy biện pháp phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 dành cho người bệnh ung thư cần tăng cường thêm những gì ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Bệnh nhân ung thư, đặc biệt những bệnh nhân đang điều trị, là nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất do virus SARS-CoV-2.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư cần cẩn thận, tuân thủ đúng quy tắc 5K. Bệnh nhân cần sử dụng khẩu trang nơi đông người, duy trì khoảng cách an toàn, giữ môi trường vệ sinh thông thoáng, hạn chế sử dụng máy lạnh, sử dụng nguồn không khí tự nhiên.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị giữ đúng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, vitamin, các khoang chất khác và uống đủ nước để chuẩn bị cho cơ thể sức đề kháng tốt nếu không may nhiễm virus SARS-CoV-2.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức

4. Bệnh nhân ung thư lo lắng về dịch COVID-19, trì hoãn điều trị có được không?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Bệnh nhân ung thư không nên lo lắng quá. Bởi vì điều trị ung thư là điều trị liên tục, nếu bệnh nhân lo lắng về vấn đề nhiễm virus SARS-CoV-2 mà nới lỏng việc điều trị ung thư thì sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến diễn tiến của bệnh ung thư.

Hiện nay ở các bệnh viện đều thiết lập các trạm khai báo y tế, khu sàng lọc và giảm lượng bệnh nhân nội trú tại bệnh viện, bớt được sự quá tải so với trước đây.

Tại khoa Ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức, khi thực hiện vô thuốc cho bệnh nhân trong ngày không để bệnh nhân ở lại. Khuyến khích bệnh nhân làm các xét nghiệm tại y tế địa phương và gửi về bệnh viện trước. Các bác sĩ sẽ đánh giá và chuẩn bị thuốc. Khi bệnh nhân đến bệnh viện sẽ được thực hiện vô thuốc nhanh gọn trong vòng 1 buổi sáng, giảm thiểu tối đa thời gian người bệnh ở lại bệnh viện.

Trong thời gian đó các bác sĩ cũng chú ý đến các thông số huyết học của bệnh nhân để khuyến khích họ ăn uống, vận động, tập thể dục để đảm bảo sức khỏe để theo suốt qua trình điều trị và phòng tránh COVID-19.

5. Có phải bệnh nhân ung thư dễ tử vong hơn trong dịch COVID-19?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Chúng ta không nên quá lo sợ vì hiện nay việc điều trị đã có nhiều tiến bộ. Trong điều trị COVID-19, hiện nay cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ bệnh nhân điều trị. Vấn đề mắc COVID-19 cũng không quá nghiêm trọng nên người bệnh cũng không nên hoang mang.

Nếu người bệnh ung thư không may mắc COVID-19 vẫn điều trị được chứ không phải người bệnh ung thư nào mắc COVID-19 cũng tử vong.

Hiện nay, tại các bệnh viện cũng đã có các biện pháp như sàng lọc, giảm bệnh nhân nội, ngoại trú. Khuyến khích bệnh nhân có thể điều trị tại địa phương thì về địa phương điều trị tiếp tục để giảm bớt sự quá tải ở các bệnh viện TPHCM.

Nếu bệnh nhân có thể mua thuốc uống và chi phí không cao thì khuyến khích bệnh nhân tự mua thuốc. Ví dụ 1 tháng đến bệnh viện một lần thì có thể tự mua thuốc uống và 3 tháng đến bệnh viện một lần. Đó là các biện pháp góp phần làm giảm sự quá tải cũng như phòng tránh việc lây nhiễm SARS-CoV-2.

6. Người bệnh ung thư có nên chủng ngừa COVID-19?

Nhiều người bệnh ung thư cũng băn khoăn không biết mình có nên chủng ngừa COVID-19 khi có vắc xin hay không? Nhờ BS hướng dẫn trường hợp nào nên tiêm - thận trọng khi tiêm - không được tiêm ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Theo các hiệp hội lớn, các bệnh nhân ung thư là những người nên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Người ta lo ngại bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch suy giảm, khi tiêm vắc xin sẽ không đựợc hiệu quả. Tuy nhiên điều này vẫn là suy đoán.

Tại nhiều nước có nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ung thư khi được tiêm ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả và làm giảm đáng kể mức độ bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV-2.

Việc tiêm vắc xin COVID-19 không làm ảnh hưởng gì đến bệnh nhân ung thư và không gây tác dụng phụ đáng kể. So với người khỏe mạnh, việc bệnh nhân ung thư tiêm ngừa vắc xin COVID-19 không gây ra tác dụng phụ nào nhiều hơn hay nặng hơn. Vì vậy, bệnh nhân ung thư được khuyến khích tiêm vắc xin COVID-19 nếu có cơ hội.

Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư cũng cần lưu ý một số trường hợp như bệnh nhân ung thư nặng, vừa được ghép tủy, vừa hóa trị xong cần đợi khoảng thời gian từ 7-10 ngày để hệ miễn dịch hồi phục rồi thực hiện tiêm ngừa.

Đối với bệnh nhân ung thư vú bên trái cần thực hiện tiêm bên tay phải và ngược lại. Nguyên nhân là do sau khi tiêm vắc xin, một số trường hợp bị hạch phản ứng. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể. Vì vậy khi tiêm bên tay phải nếu có hạch phản ứng sẽ đỡ gây lo lắng cho bệnh nhân. Đây là những lưu ý nhỏ và nó không gây ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tiêm vắc xin.

Hiện nay, khoảng cách giữa 2 lần tiêm vắc xin là khoảng 3-4 tuần tùy thuộc loại vắc xin. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu mới thì khoảng cách giữa 2 lần tiêm vắc xin có thể kéo dài từ 10-12 tuần mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Vì vậy, nếu lần tiêm thứ hai mà bệnh nhân phải hóa trị thì khoảng vài tuần sau sẽ tiêm vắc xin lần 2.

7. Bệnh nhân ung thư cần theo dõi sau tiêm thế nào?

Với trường hợp cần thận trọng khi tiêm, bệnh nhân cần theo dõi sau tiêm ngừa như thế nào, có cần phải tiêm ở bệnh viện lớn không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

Đối với việc tiêm ngừa, Bộ y tế, Sở y tế đều có những hướng dẫn cụ thể. Thời điểm dịch bệnh đang bùng phát, tốt nhất không nên tập trung tiêm ngừa ở chỗ quá đông đúc.

Hệ thống y tế Việt Nam đang có sự phân công rõ ràng cho từng cơ sở. Người bệnh cần xem xét cơ sở gần nhất, thuận tiện nhất để đến tiêm ngừa. Vì:

  • Nguồn vắc xin được đảm bảo đồng nhất, không phải mỗi cơ sở tiêm tự nhập về
  • Bộ y tế, Sở y tế của các tỉnh thành đều có những hướng dẫn cụ thể
  • Đa số các loại vắc xin đều có tác dụng phụ, tuy nhiên tỷ lệ thấp nhưng hiệu quả đạt được nhiều.

Các bệnh nhân hoặc những người bình thường có thể đến các cơ sở có đăng ký để tiêm ngừa chứ không nên đổ về các bệnh viện lớn hoặc thành phố lớn gây ra sự quá tải không cần thiết.

8. Nguy cơ đông máu của bệnh nhân ung thư có cao hơn người bình thường?

Liệu nguy cơ đông máu của bệnh nhân ung thư có cao hơn người bình thường sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ:

So với người bình thường, tác dụng phụ đối với bệnh nhân ung thư không cao hơn, kể cả tác dụng phụ đông máu.

Bệnh nhân ung thư không nên lo lắng tác dụng phụ của vắc xin mà nên nghĩ đến hiệu quả của vắc xin đối với bảo vệ cơ thể.

Bản thân ung thư đã là một gánh nặng và bị ung thư trong giai đoạn này càng khó khăn hơn.

Do đó, bệnh nhân ung thư cần tuân thủ việc điều trị. Nếu cơ cội hội tiêm vắc xin COVID-19 thì vẫn nên tiêm và không cần quá lo lắng về tác dụng phụ. Bởi vì vắc xin giúp giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giảm mức độ nặng, giảm khả năng lây nhiễm cho người khác. Đó là chìa khóa để giải quyết đại dịch COVID-19.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X