Bệnh lý rối loạn nhịp tim dạng nhịp chậm, nguy hiểm ra sao, điều trị thế nào?
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đưa ra các dấu hiệu nhận biết, cách thăm khám bệnh lý rối loạn nhịp tim dạng chậm giúp mọi người phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân đo điện tâm đồ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
Biểu hiện của những người rối loạn nhịp tim dạng nhịp chậm là chóng mặt, choáng váng, khi thay đổi tư thế đột ngột khi đứng lên ngồi xuống, cảm giác như muốn ngất xỉu. Một số trường hợp có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thiểu năng tuần hoàn não, dân gian gọi là thiếu máu não cũng gây choáng váng, chóng mặt tương tự.
Để xác định các bệnh nhân rối loạn nhịp chậm, đa phần chúng ta sẽ sử dụng phương pháp cận lâm sàng. Đầu tiên, ta có thể đi đo điện tim đồ để xem bệnh nhân có bị rối loạn nhịp tim hay không. Sau đó, một số trường hợp nếu chỉ chóng mặt, rối loạn nhịp chậm chỉ thoáng qua mà điện tim đồ không phát hiện được, bệnh nhân có thể đặt máy theo dõi nhịp tim liên tục từ 24 đến 48 tiếng (holter ECG) theo dõi sự biến đổi nhịp tim trong ngày như thế nào, nhanh quá hay chậm quá để bác sĩ có thể đưa ra chỉ định phù hợp.
Về việc điều trị rối loạn nhịp tim dạng chậm, đa phần có thể dùng thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có chỉ định can thiệp như đặt máy tạo nhịp tim vào trong cơ thể. Máy này sẽ có tác dụng theo dõi nhịp tim và phát hiện khi nhịp tim chậm, máy sẽ tự động kích nhịp tim đập bình thường trở lại.
Đối với máy tạo nhịp này, phương pháp can thiệp khá nhẹ nhàng. Bệnh nhân sẽ được rạch da từ phía tay trái hay phía tay phải. Vết rạch da sẽ dài khoảng 3 cm, bác sĩ sẽ tạo một ổ máy khoảng 2x3 cm ở bên dưới.
Sau đó, bác sĩ sẽ luồn 1-2 sợi dây vào trong tim (một số trường hợp bác sĩ phải luồn 3 sợi dây vào trong tim, đó là điều trị bệnh lý suy tim). Sau khi luồn sợi dây vào trong tim, máy sẽ được cấy ở dưới da, máy sẽ được khâu lại và sẽ nằm trong cơ thể bệnh nhân vĩnh viễn. Máy sẽ theo dõi và hỗ trợ nhịp tim bệnh nhân những lúc cần thiết để đảm bảo nhịp tim ổn định khoảng từ 60 lần trở lên.
Như vậy, nó sẽ giúp bệnh nhân tránh bị ngất, choáng váng, chóng mặt, các trường hợp đột quỵ hay đột tử do rối loạn nhịp chậm gây nên.
Trọng Dy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình