Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp phải thay máy tạo nhịp tim có rủi ro không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Trường hợp người 75 tuổi, bệnh tiểu đường, cao huyết áp và những bệnh khác, có lắp máy tạo nhịp tim 2009. Nếu cần phải thay máy do hết pin thì có rủi ro không? Bệnh viện nào tốt nhất để lắp máy tạo nhịp tim? Xin bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ.

Trả lời
Máy tạo nhịp tim. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Máy tạo nhịp tim. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn Thảo,

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị y khoa điện tử dùng pin. Cấu tạo máy tạo nhịp gồm hai phần: phần phát nhịp (có dùng pin) thường được cấy dưới da qua đường rạch nhỏ ở ngực và phần dây dẫn gồm một hoặc nhiều dây dẫn truyền tín hiệu của bộ phận phát nhịp đến tim.

Máy phát nhịp thường được chỉ định sử dụng trong hai trường hợp rối loạn nhịp tim: nhịp tim quá nhanh hoặc nhịp tim quá chậm. Việc đặt máy tạo nhịp này thường là vĩnh viễn (người bệnh phải mang thường xuyên) hoặc đôi khi tạm thời trong một số ít trường hợp.

Khi đặt máy tạo nhịp, người bệnh cần lưu ý một số điểm quan trọng để không bị hư máy:

- Tránh để điện thoại di động hay máy nghe nhạc MP3 ở túi áo gần chỗ máy phát nhịp

- Không đứng lâu và quá gần các thiết bị điện từ như lò vi sóng

- Không tiếp xúc lâu dài máy dò tìm kim loại (như tại sân bay mà nên chuyển qua việc kiểm tra thủ công bằng tay)

- Cân nhắc dùng các xét nghiệm y khoa như chụp cộng hưởng từ, các điều trị như xạ trị trong ung thư, máy tán sỏi dùng sóng cao tần…

- Thay pin theo định kỳ

Trường hợp của người nhà bạn cần phải thay pin của máy tạo nhịp. Bạn có thể đến khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân Dân 115 để được các bác sĩ tư vấn cách thức chi tiết.

Thân mến.


Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập không đều hoặc quá chậm hoặc quá nhanh, có thể do bẩm sinh, do tuổi già, tổn thương tim sau nhồi máu cơ tim, rối loạn về thần kinh cơ, biến chứng sau phẫu thuật tim hở điều trị bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh…

Những trường hợp bệnh nặng khiến tim hoạt động không hiệu quả, không cung cấp đủ máu cho cơ thể có thể đưa đến các dấu hiệu và triệu chứng như mệt mỏi, ngất, khó thở, lú lẫn…

Chính vì vậy, bác sĩ cần đặt máy tạo nhịp tim cho những trường hợp cần thiết, phổ biến nhất là nhịp tim chậm (tình trạng tim đập chậm hơn bình thường) và nghẽn dẫn truyền tim (tình trạng xung điện truyền trong tim chậm hơn bình thường hoặc bị tắc nghẽn).

Trong hầu hết trường hợp, người mang máy tạo nhịp không phải giới hạn các hoạt động thường ngày hoặc khi chơi thể thao. Mức độ hoạt động thể lực phụ thuộc vào sức khỏe và bệnh lý tim mạch của bệnh nhân. Tuy nhiên, cần tránh các môn thể thao tiếp xúc (chẳng hạn bóng đá) vì những va chạm có thể gây hư hỏng máy tạo nhịp hoặc lỏng các dây điện cực.

Người mang máy tạo nhịp tim có thể sử dụng các thiết bị gia dụng thông thường (như điện thoại di động, máy nghe nhạc mp3, iPod, lò vi sóng, điều khiển từ xa, tivi, radio, máy sấy tóc…). Nên tránh tiếp xúc quá gần hoặc sử dụng quá lâu các thiết bị này do chúng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp.

Máy tạo nhịp cần được kiểm tra định kỳ vì máy có thể hoạt động không tốt do dây điện cực lỏng hoặc đứt, pin yếu hoặc hư, bệnh tim diễn tiến nặng hơn… Pin của máy tạo nhịp có thể sử dụng 5-15 năm tùy thuộc mức độ hoạt động của máy nên khi pin gần hết sẽ phải thay bộ phận điều khiển cùng với pin. Vì vậy, cần tái khám thường xuyên theo đúng lịch hẹn của bác sĩ (thường 3-6 tháng) để được kiểm tra, đánh giá và xử lý kịp thời.

Luôn phải mang theo giấy xuất viện hoặc thẻ chứng nhận có đặt máy tạo nhịp tim và xuất trình khi cần thiết, đặc biệt là khi được kiểm tra ở sân bay. Các thiết bị như hệ thống chống trộm cắp trong cửa hàng, thiết bị kiểm tra ở sân bay và máy dò kim loại có thể cản trở hoạt động của máy.

Khi đi khám bệnh cần cho nhân viên y tế biết mình mang máy tạo nhịp vì một số thiết bị y tế có thể ảnh hưởng đến máy tạo nhịp như máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy tán sỏi, máy đốt điện trong phẫu thuật…


ThS.BS Võ Tuấn Khoa
Khoa Nội tiết - BV Nhân dân 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X