Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh dại, lơ là sẽ nguy!

Những năm gần đây, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng. Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát.

Cách nhận diện chó, mèo bị dại

Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (95 - 97%), sau đó là mèo. Các động vật khác chưa phát hiện được.

Bệnh dại, lơ là sẽ nguy! 1
Cần tiêm vaccin phòng dại cho chó.

Chó, mèo dại thường rất hung dữ. Thời kỳ đầu biểu hiện bứt rứt, lo lắng, có khi tỏ ra vui mừng, quấn quýt chủ hơn hoặc chỉ tỏ ra buồn rầu, nước dãi đã có virut dại. Thời kỳ này chỉ trong vài giờ nhưng cũng có khi tới 1 - 2 ngày.

Thời kỳ phát bệnh, con vật luôn cử động, nhảy lên bắt đớp những con ruồi tưởng tượng, khó nuốt như bị hóc xương, tiếng kêu khàn khàn, ồ ồ, gãy từng nhát, tiếng sủa kéo dài và cuối cùng rướn cao lên thành những tiếng hú ghê rợn.

Bất cứ một sự kích thích nào con vật cũng cắn người và các con vật khác hoặc tự cắn nó, thường cắn rất mạnh và bổ ra đường chạy rông khắp nơi. Phạm vi hoạt động của một con chó dại có khi lên tới 50km, vì vậy rất nguy hiểm. Thời kỳ bại liệt, con vật có biểu hiện gầy mòn, mắt lõm sâu, vẻ mặt phờ phạc, kêu thất thanh, hàm trễ xuống không nuốt được nữa, con vật đi xiêu vẹo, cuối cùng vật ngã và chết.

Mèo bị dại ít hơn chó vì nó quen ở một mình. Triệu chứng dại ở mèo tiến triển tương tự như ở chó. Mèo bị dại hay nấp mình vào chỗ vắng, tối hoặc trái lại, kêu luôn mồm, không ở yên một chỗ, tiếng kêu như động dục, hung dữ cắn, cào. Đôi khi mèo dại không có biểu hiện hung dữ mà chỉ bại liệt chân sau.

Cần làm gì khi phát hiện chó, mèo bị dại?

Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại hoặc nghi dại, không được tiếp xúc với con vật, không di chuyển hoặc bán để hạn chế sự lây nhiễm virut dại sang người và lây lan dịch. Phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y thôn bản và xã/phường để có biện pháp xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại khu vực đó; Phải chôn sâu xác những con vật bị dại cùng với các chất sát khuẩn như xút, cresly, vôi cục chưa tôi hoặc vôi bột...

Bệnh dại, lơ là sẽ nguy! 2
Phải rửa sạch ngay vết thương bằng xà phòng và bôi thuốc sát khuẩn khi bị chó, mèo dại cắn.

Xử trí khi bị chó mèo dại cắn

Chính nguồn virut dại khu trú từ động vật hoang dã lây truyền virut dại sang động vật nuôi, trong đó chó, mèo mắc bệnh dại nhiều nhất và là nguồn truyền virut dại nhiều nhất cho người và các động vật khác vì chúng di chuyển rộng và cắn lung tung.

Khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng, cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu, phải xử lý tại chỗ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc... nhằm làm giảm đến mức tối thiểu lượng virut dại tại nơi xâm hại, không làm dập nát vết thương, sau đó nên đến các điểm tiêm phòng dại để được các thầy thuốc chuyên khoa khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.
Những trường hợp bị con vật lên cơn dại hoặc nghi dại gây thương tích ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục..., dù vết thương rất nhẹ hoặc bị nhiều vết thương nguy hiểm, vết cắn sâu; không theo dõi được con vật..., phải được điều trị dự phòng ngay bằng vaccin dại và huyết thanh kháng dại.

Trường hợp vết cắn rất nhẹ, xa thần kinh trung ương (xa vùng đầu), con vật đó vẫn sống bình thường, cần theo dõi con vật 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện ốm, bỏ ăn, chết, hoặc sau cắn, con vật bỏ đi không theo dõi được..., phải tiêm vaccin phòng dại ngay cho người bị cắn. Nếu sau 15 ngày mà con vật đó vẫn sống bình thường thì người bị cắn không cần tiêm vaccin dại.

Các biện pháp chủ yếu để phòng ngừa bệnh dại

Hạn chế nuôi chó; quản lý chó nuôi, không thả rông chó; tiêm vaccin dại cho chó, mèo theo hướng dẫn của thú y; Giám sát và xử lý triệt để những ổ dịch dại ở động vật; Khi bị phơi nhiễm virut dại, phải rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc và nước muối, bôi chất sát khuẩn, đến điểm tiêm phòng dại nơi gần nhất để được khám và thực hiện đúng phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thì sẽ giảm được tối đa nguy cơ bị bệnh dại.

AloBacsi.vn
Theo PGS.TS. Đinh Kim Xuyến - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X