Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh cường giáp cần thực hiện các xét nghiệm nào?

Bệnh cường giáp khiến cho cơ quan này tăng cường sản xuất hormon T3 và T4 - hormone tham gia vào quá trình chuyển hóa của cơ thể nên gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh. Xét nghiệm cường giáp giúp bác sĩ chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân bệnh. dưới đây là thôn tin các xét nghiệm cường giáp.

I. Bệnh cường giáp là gì?

Cường giáp (hyperthyroidism) hay cường chức năng tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến sản xuất nhiều hormone hơn nhu cầu của cơ thể.

Các hormone tuyến giáp có ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và chức năng của cơ thể như ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, cân nặng, tiêu hóa và tâm trạng. Do đó, nếu tình trạng cường giáp không được điều trị có thể gây ảnh hưởng đến tim, xương, cơ, chu kỳ kinh nguyệt và cả khả năng sinh sản. Vì vậy, bệnh cường giáp cần được phát hiện và điều trị sớm.

II. Những triệu chứng nào phổ biến ở người mắc bệnh cường giáp?

Các triệu chứng thường gặp của cường giáp là: Hồi hộp, bồn chồn, lo lắng; tính tình thay đổi, dễ cáu kỉnh, xúc động; yếu cơ, đặc biệt là ở cánh tay trên và đùi; run tay, có thể run lưỡi, môi, đầu, chân; luôn có cảm giác nóng bức; chảy nhiều mồ hôi; lòng bàn tay ẩm ướt, mọng nước; khó ngủ; nhịp tim nhanh, không đều; đi tiêu nhiều lần trong ngày, có thể bị tiêu chảy; móng giòn, tóc dễ gãy; giảm cân mặc dù tăng cảm giác thèm ăn; bướu tuyến giáp (bướu cổ); phụ nữ có thể bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

Các triệu chứng trên có thể khác nhau ở mỗi người.

Ở bệnh Basedow, hơn 50% trường hợp có thêm biểu hiện lâm sàng ở mắt. Mắt có thể to ra vì mi trên nâng lên, một hoặc cả hai mắt bị lồi ra, cảm giác chói mắt, cộm hoặc đau nhức hốc mắt, phù nề, sung huyết, nhìn đôi,…

Người lớn trên 60 tuổi khi bị cường giáp có thể có các biểu hiện khác với người trẻ, ví dụ chán ăn hoặc trở nên trầm lặng, ít giao tiếp với người khác. Vì vậy, đôi khi tình trạng này có thể nhầm lẫn với trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ.

III. Có những biện pháp nào chẩn đoán bệnh cường giáp?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán cường giáp qua tiền sử bệnh, triệu chứng, khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng.

Chẩn đoán và kiểm tra cường giáp bằng các xét nghiệm:

Xét nghiệm máu kiểm tra hormone tuyến giáp: TSH, T3, FT3, T4, FT4

Xét nghiệm hấp thu iod phóng xạ

Xét nghiệm định lượng nồng độ các tự kháng thể

Một số xét nghiệm máu khác: CBC, cholesterol, glucose, calci,…

Siêu âm tuyến giáp

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Xem thêm: Các địa chỉ xét nghiệm cường giáp uy tín tại TPHCM

IV. Khi nào cần xét nghiệm cường giáp?

Người bệnh cần xét nghiệm cường giáp khi cảm thấy tuyến giáp có dấu hiệu bất thường, khi đó sẽ xét nghiệm tuyến giáp để kiểm tra các vấn đề liên quan trong đó có cường giáp.

Tuyến giáp có nhiệm vụ sản xuất các hormone giáp (T3, T4). Các hormone này có vai trò điều hòa chuyển hóa cơ thể giúp ổn định nhịp tim, nhiệt độ cơ thể… Lượng T3, T4 tăng cao trong máu khiến các quá trình chuyển hóa này tăng tốc và gây ra nhiều triệu chứng khắp cơ thể. Người bệnh có thể mắc các triệu chứng sau: Đổ mồ hôi liên tục, đổ mồ hôi ngay khi không làm gì hoặc đang ở phòng lạnh; thấy người quá nóng hoặc quá lạnh; tăng số lần đại tiện trong ngày, tiêu phân lỏng; run cơ không kiểm soát được, thấy rõ nhất ở 2 bàn tay; nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực,...

Khi mắc các triệu chứng trên, bạn nên đến khám bác sĩ. Bạn sẽ được làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán cường giáp.

V. Các nhóm xét nghiệm cường giáp có gì?

1. Nhóm xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bệnh nhân và gửi đến phòng xét nghiệm để xác định mức hormone giáp trong máu (TSH, T3, T4, FT4, FTI). Xét nghiệm này gọi là xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

TSH (thyroid-stimulating hormone): Là một hormone do tuyến yên tiết ra để kiểm soát sự sản xuất hormone của tuyến giáp. TSH sinh ra nhiều hay ít dựa vào nồng độ hormone giáp trong máu. Nếu hormone giáp trong máu ít, TSH sẽ sinh ra nhiều để kích thích tuyến giáp hoạt động. Khi hormone giáp trong máu càng tăng cao thì TSH sẽ càng giảm xuống. Do đó, những người mắc bệnh cường giáp có lượng hormone TSH trong máu rất thấp.

T3 (triiodothyronine): Là một hormone chính được tuyến giáp sản xuất có nhiều vai trò trong chuyển hóa cơ thể. Xét nghiệm này thường dùng để chuẩn đoán và xác định mức độ nặng - nhẹ của cường giáp. Bệnh nhân cường giáp có nồng độ T3 cao.

Trong một số tình huống như: phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc dùng thuốc tránh thai thì cả T3 và T4 cùng cao nhưng có thể bạn không bị bệnh. Bạn cần phải làm xét nghiệm định lượng T4 tự do bên cạnh TSH để xác định chính xác cường giáp.

T4 (thyroxine): Hormone giáp chính khác. T4 trong máu có 2 dạng: T4 gắn với protein và T4 tự do. T4 tự do có vai trò quan trọng nhất để xác định chức năng tuyến giáp, xét nghiệm tìm T4 tự do gọi là FT4 và FTI. Người bị cường giáp sẽ có FT4 và FTI tăng cao.

Mức hormone giáp được so sánh với mức hormone bình thường ở người khỏe mạnh. Mức TSH thấp và mức T3, T4 cao có nghĩa là bạn đã bị cường giáp. Trong trường hợp bạn có thai, bác sĩ sẽ dựa vào FT4, FTI cao và TSH thấp để chẩn đoán cường giáp.

2. Nhóm xét nghiệm tìm nguyên nhân cường giáp

a. Xét nghiệm tìm kháng thể kháng tuyến giáp

Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn, virus. Khi hệ này sản xuất các kháng thể tấn công tuyến giáp (làm hư hại và kích thích tuyến tăng hoạt động) sẽ gây bệnh cường giáp. Các kháng thể này được tìm thấy khi bạn bị bệnh Basedow.

Xét nghiệm đo tốc độ lắng máu có thể được dùng để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Bệnh nhân cường giáp do viêm tuyến giáp có tốc độ lắng máu cao.

3. Siêu âm tuyến giáp

Đây là xét nghiệm nhẹ nhàng và hiệu quả. Xét nghiệm được thực hiện trong phòng siêu âm. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu bỏ tất cả trang sức, thiết bị điện tử đeo trên người, cởi bỏ áo ngoài. Sau đó người bệnh nằm lên giường, bác sĩ hay y tá sẽ đặt một gối nhỏ dưới cổ để làm lộ rõ tuyến giáp của bạn. Cổ bạn sẽ được bôi gel bôi trơn. Gel này giúp đầu dò siêu âm trượt trên da mà không làm bạn đau. Bác sĩ sẽ di chuyển thiết bị này ở vùng cổ của bạn và màn hình máy siêu âm sẽ hiện hình ảnh vùng này.

Những hình ảnh trên màn hình giúp bác sĩ xem xét hình dạng tuyến giáp. Qua đó phát hiện các bất thường ở tuyến giáp và các khối u khác nếu có. Trong trường hợp nghi ngờ cường giáp do ung thư tuyến giáp, bác sĩ yêu cầu thêm xét nghiệm sinh thiết để chẩn đoán ung thư.

Xem thêm: Chi phí thực hiện các nhóm xét nghiệm cường giáp có cao không?

4. Chụp xạ hình tuyến giáp

Chụp xạ hình tuyến giáp có thể được dùng để tìm các u, bướu và các nhân giáp.

Khi chuẩn bị làm xét nghiệm, bạn sẽ được yêu cầu nuốt hoặc tiêm một lượng nhỏ chất iốt phóng xạ, chất phóng xạ này sẽ được tuyến giáp hấp thụ và đào thải.

Sau đó, bạn sẽ đi chụp hình để xem tuyến giáp đã hấp thụ bao nhiêu phóng xạ, hình dạng và kích thước của tuyến nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây cường giáp và độ nặng của bệnh để phục vụ cho việc điều trị.

Sau khi chụp hình, bạn cần lưu ý những điều sau:

- Các tác dụng phụ thường là sưng đau đỏ chỗ tiêm.

- Iốt phóng xạ sẽ được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu trong vòng 48 giờ. Bạn nên uống nhiều nước và giật nước bồn cầu 2 lần sau khi đi vệ sinh trong thời gian này.

- Bạn cần tránh tiếp xúc với trẻ em hay phụ nữ có thai cho đến khi iốt phóng xạ đã được đào thải hết.

- Phụ nữ không nên có thai, đàn ông không nên làm người khác có thai trong vòng 6 tháng từ sau khi làm xét nghiệm trên.

5. Điều trị cường giáp

Cường giáp là bệnh có thể điều trị được. Bệnh nhân tuân thủ điều trị sẽ mau chóng quay về cuộc sống của mình. Sau khi đã có đầy đủ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ cùng với bạn thống nhất phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Có 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp chính: dùng thuốc kháng giáp, uống iốt phóng xạ, phẫu thuật.

Đối với cường giáp, bệnh nhân cần tránh các thực phẩm có nhiều iốt, ví dụ: tảo biển, cá biển, đặc biệt là cá thu, muối iốt,...

 Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X