Bật mí các phương pháp điều trị sụp mí mắt
Sụp mí mắt xuất hiện rõ nhất khi phụ nữ bước vào giai đoạn lão hoá. Vậy làm sao để điều trị sụp mí mắt? Nên chọn phương pháp nào tốt nhất? ThS.BS Tạ Quốc Hưng - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ giải đáp vấn đề này.
1. Sụp mí xuất hiện từ khoảng 35-40 tuổi
Sụp mí thường gặp ở chị em phụ nữ, vậy thông thường gặp ở độ tuổi nào, thưa BS?
ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Sụp mí liên quan đến suy giảm chất lượng độ đàn hồi da, sự suy yếu của các cơ đóng vai trò nâng mí (cơ vòng mắt hoặc cơ trán). Độ tuổi bắt đầu xuất hiện hiện tượng sụp mí tương đồng với độ tuổi lão hoá của các vùng da khác trên cơ thể.
Thông thường, khi phụ nữ bước qua tuổi 30, mật độ collagen trong da, sự lão hoá tác động vào các vấn đề của da, lúc này hiện tượng sụp mí xảy ra. Thời gian đầu, hiện tượng sụp mí chỉ xuất hiện nhẹ, khó nhận ra, đến sau tuổi 35 hoặc gần giai đoạn 40 tuổi, sụp mí xảy ra rõ ràng hơn, chị em có thể nhận ra khi soi gương một bên mắt đã bị sụp xuống.
Một số trường hợp diễn tiến nặng hơn sẽ cảm thấy mở mắt khó khăn, có thể che khuất tầm nhìn.
2. TOP 4 nguyên nhân gây sụp mí
Nguyên dân nào gây sụp mí, do cơ địa, lão hoá tự nhiên hay một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của chị em phụ nữ, thưa BS?
ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Nguyên nhân, cơ chế tác động gây sụp mí tương đương các tác động đối với làn da. Theo đó, có các yếu tố tác động:
Thứ nhất, yếu tố nội sinh, là các vấn đề lão hoá sinh ra bên trong cơ thể mà con người không thể tác động và can thiệp, cụ thể là quá trình tuổi tác. Khi lớn tuổi, quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị ảnh hưởng, chất lượng collagen trong cơ thể bị mất đi, oxy hóa gốc tự do và các yếu tố di truyền trong cơ thể cũng làm suy yếu độ đàn hồi của làn da.
Thứ hai, yếu tố ngoại sinh, là các yếu tố tác động từ bên ngoài như căng thẳng, stress, mất ngủ cũng ảnh hưởng và gây ra quá trình lão hoá của làn da. Việc dụi mắt quá nhiều là yếu tố cơ học làm suy giảm mật độ và đứt gãy collagen vùng mí mắt, tạo ra quá trình sụp mí.
Thứ ba, việc sinh hoạt không điều độ, ăn uống quá nhiều đồ ngọt, ảnh hưởng đến collagen của làn da hoặc khi hút thuốc cũng gây ảnh hưởng đến vấn đề lão hoá của làn da.
Thứ tư, môi trường sống và sinh hoạt có nhiều ô nhiễm làm gia tăng nồng độ gốc oxy hóa tự do bên trong cơ thể, đồng thời là yếu tố gây ra hiện tượng thoái hóa tự nhiên bên trong cơ thể, sụp mí là một trong các biểu hiện của hiện tượng này.
3. Những phương pháp điều trị sụp mí hiện nay
Hiện nay đã có những phương pháp nào để điều trị sụp mí, thưa BS?
ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Để điều trị hiện tượng sụp mí bắt buộc phải nâng mi lên, do đó cần có một số phương pháp để can thiệp. Sụp mí có nhiều mức độ, tùy vào từng mức độ mà bác sĩ sẽ có các phương pháp can thiệp khác nhau.
Đối với mức độ nhẹ, giai đoạn này mí mắt có hiện tượng hơi sụp có thể nhận thấy khi soi gương.
Mức độ trung bình, mí mắt đã che khuất đi tầm nhìn cần sử dụng lực để rướn mày lên mới có thể nhìn thấy và nâng mí mắt.
Mức độ nặng, khi dùng lực rướn mày chỉ có thể nâng một phần mí mắt, phần mí mắt giai đoạn này đã che khuất tầm nhìn.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ sẽ có các can thiệp khác nhau. Ở mức độ đầu tiên, có thể do vận động, sử dụng mắt quá nhiều như thức khuya làm việc, sử dụng máy vi tính nhiều khiến mắt mệt mỏi. Vấn đề này có thể khắc phục bằng cách thư giãn mắt, ngủ một giấc, nhỏ mắt và massage mắt giúp cải thiện vấn đề sụp mí.
Ở mức độ trung bình hoặc mức độ nhẹ, có yếu tố sụp mí do yếu tố thực thể gây ra, có thể dùng các phương pháp thẩm mỹ nội khoa. Cụ thể, nếu sụp nhẹ phần đuôi chân mày, có thể sử dụng Botulinum toxin để tiêm vào và thư giãn các cơ làm hạ vùng chân mày, khi các cơ được giãn ra giúp thả lỏng và chân mày được đưa lên trên.
Bên cạnh đó có thể sử dụng phương pháp HIFU để tác động vào vùng cơ trán, gia tăng trương lực cơ ở vùng này để góp phần nhấc cung mày.
Ngoài ra, có thể sử dụng các phương pháp xâm lấn tối thiểu như căng chỉ để can thiệp vào chân mày, cùng lực cơ học của sợi chỉ kéo lên, các sợi chỉ sẽ giúp kích thích da sản sinh collagen để nâng cung mày lên.
Nếu các phương pháp trên chưa can thiệp hiệu quả, mức độ sụp chân mày nghiêm trọng, bắt buộc đặt ra phương pháp tạo hình thẩm mỹ ngoại khoa để giải quyết. Tùy thuộc vào yếu tố lâm sàng ở phần mí sụp, có 2 phương pháp thường được sử dụng hiện nay là treo cung mày và cắt mí.
4. Sự khác nhau giữa thẩm mỹ ngoại khoa và nội khoa trong điều trị sụp mí
Các phương pháp trên có ưu và nhược điểm ra sao, thời gian thực hiện, mức độ tự nhiên sau khi thực hiện, chi phí, nguy cơ, các biến chứng, tác dụng phụ khác nhau thế nào giữa các phương pháp này, thưa BS?
ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Nếu sử dụng phương pháp thẩm mỹ nội qua để giải quyết vấn đề sụp mí, thời gian nghỉ dưỡng rất nhẹ nhàng.
Ví dụ như bơm Botulinum toxin bệnh nhân không cần thời gian nghỉ dưỡng, 2 ngày sau khi tiêm sẽ cảm thấy được hiệu quả của phương pháp này. Đối với phương pháp HIFU, bệnh nhân không mất thời gian nghỉ dưỡng, quá trình điều trị thoải mái, nhẹ nhàng, không có hiện tượng khó chịu sau điều trị, hiệu quả xuất hiện sau 2 tuần.
Chi phí để thực hiện phương pháp HIFU giao động từ 10-15 triệu cho một lần làm, nếu thực hiện đúng kỹ thuật sẽ không để lại tác dụng phụ quá nghiêm trọng, bệnh nhân chỉ cảm giác hơi ê vùng điều trị sau thực thiện.
Đối với phương pháp căng chỉ, đây là phương pháp mang tính hiệu quả hơn so với việc áp dụng HIFU, Botulinum toxin, giúp giải quyết các tình trạng sụp mí mức độ nặng nề hơn. Căng chỉ là phương pháp can thiệp thẩm mỹ nội khoa xâm lấn tối thiểu, sẽ để lại các vết hơi phù nề vùng điều trị, gây ra hiện tượng hơi sưng bầm da, hiệu quả sẽ xuất hiện ngay sau khi thực hiện can thiệp.
Tuy nhiên, để thấy hiệu quả đẹp nhất, bệnh nhân phải đợi đến khi hiện tượng phù nề mất đi, trung bình là khoảng 7-10 ngày sẽ thấy hiệu quả tối ưu nhất.
Còn với các trường hợp can thiệp treo cung mày hoặc cắt mí cần một số lưu ý sau:
Thứ nhất, đối với treo cung mày cần thời gian nghỉ dưỡng lâu hơn, có thể khoảng 1 tháng để giảm hiện tượng phù nề, vết đỏ ở khu vực phẫu thuật.
Thứ hai, nếu sử dụng phương pháp cắt mí để điều trị sụp mí cần lưu ý vùng mí mắt là mô liên kết lỏng lẻo có thể gây ra hiện tượng sưng bầm, thậm chí tụ máu tại vùng này khá nhiều khi cắt mí, thời gian có thể giải quyết hết các tác dụng phụ cần khoảng 1-1,5 tháng để khôi phục toàn bộ vẻ đẹp tối ưu nhất.
Tuy nhiên, về sự khác biệt về thẩm mỹ nội khoa và thẩm mỹ ngoại khoa, trong đó thẩm mỹ ngoại khoa sẽ có những yếu tố nguy cơ nhiều hơn thẩm mỹ nội khoa. Ví dụ như phẫu thuật, thẩm mỹ ngoại khoa có thể gây ra các vấn đề như sẹo, nhiễm trùng và thời gian nghỉ dưỡng lâu hơn.
5. Điều trị sụp mí, nên chọn treo cung mày hay cắt mí?
Để điều trị sụp mí, phụ nữ trung niên nên treo mày hay cắt mi?
ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời: Nếu sụp mí ở mức độ nặng và nghiêm trọng, cần đặt ra vấn đề lựa chọn giữa cắt mí và treo cung mày. Sự khác biệt giữa hai phương pháp này như sau:
Treo khung mày là can thiệp phẫu thuật lại làn da nằm ở vị trí gần chân mày, có thể nằm trên hoặc dưới cung mày.
Cắt mí là can thiệp và giải quyết phần ở vị trí mí mắt.
Ngoài ra, sự khác biệt giữa 2 phương pháp này là phải lựa chọn vào hình thể lâm sàng của vấn đề sụp mí. Nếu vấn đề sụp mí liên quan đến mí mắt hoặc cần tạo hình mí mắt, ví dụ như sụp mí kết hợp với mắt một mí hoặc hốc mắt nhỏ, cần giải quyết nhiều yếu tố như tạo hình mắt hai mí, mở hốc mắt, thoát vị mỡ vùng mắt bên mắt sụp mí, khi đó sẽ ưu tiên việc cắt mí lên hàng đầu.
Đối với những trường hợp cung mày không đẹp, không đều hai bên, sụp đuôi chân mày, thoát vị mô mỡ tại đuôi chân mày, lúc này việc treo cung mày sẽ được ưu tiên.
Do đó, dựa trên lâm sàng mà bác sĩ sẽ có các chỉ định khác nhau giữa việc cắt mí mắt và treo cung mày cho khách hàng.
>>> Phần 2: Mọi phương pháp điều trị thẩm mỹ đều đối mặt với nguy cơ tác dụng phụ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình