Hotline 24/7
08983-08983

Bạn bị đột quỵ hay cơn đau tim?

Một triệu chứng chung của đột quỵ là xảy ra đột ngột và đau đầu dữ dội. Đột quỵ đôi khi được gọi là cơn bệnh não (brain attack). Ngược lại, cơn đau tim thường xảy ra với đau ngực. Nhận biết các triệu chứng khác nhau của đột quỵ và của cơn đau tim có thể đưa đến sự cứu trợ khác nhau rất lớn.

Các triệu chứng của đột quỵ và cơn đau tim phụ thuộc vào: mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, tuổi, giới, sức khoẻ nói chung của bạn. Các triệu chứng có thể ập đến nhanh và không có gì báo trước.

Các dấu hiệu báo trước cơn đau tim

- Một số cơn đau tim xảy ra đột ngột và dữ dội, bệnh nhân thở hổn hển, chẹn vào tim (cảm giác đè nặng trước ngực) và té ngã xuống nền. Sự cố bắt đầu từ từ, đau nhẹ hoặc khó chịu, thường không biết mình bị cái gì và chờ khá lâu mới đi khám.

- Đa số thấy khó chịu ở giữa ngực kéo dài hơn mấy phút rồi hết hoặc bị lại. Có thể cảm thấy khó chịu như bị đè ép, bị vắt, căng đầy hoặc đau.

- Khó chịu tại các vùng khác phía trên cơ thể: có thể đau hay khó chịu một hoặc hai tay, cổ, lưng, hàm, dạ dày.

- Khó thở, kèm theo hoặc không với khó chịu trong lồng ngực.

- Các dấu hiệu lo lắng khó chịu khác: ra mồ hôi lạnh, buồn nôn hay đau đầu nhẹ.

Các triệu chứng cơn đau tim ở phụ nữ

Cũng như ở nam giới, phụ nữ khi bị cơn đau tim thường bị đau hay khó chịu trong lồng ngực (cảm giác đè nặng trước xương ức, trước vùng chấn thuỷ hay đau nặng ngực trái). Nhưng ở nữ thường gặp nhiều hơn ở nam một số các triệu chứng khác, đặc biệt là:

+ Đau ở giữa hay phía sau các xương bả vai

+ Mệt mỏi

+ Chóng mặt hoa mắt

+ Buồn nôn

+ Nôn

+ Ra mồ hôi

+ Đau lồng ngực

+ Khó thở

+ Đau lưng hay hàm

Nếu bạn hay ai đó bị đau ngực, nhất là kèm với một hay nhiều các triệu chứng kể trên, bạn không nên chờ lâu hơn 5 phút mà nên gọi Cấp cứu 115 hoặc đến khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Các dấu hiệu báo trước đột quỵ

Đột quỵ là một cấp cứu y khoa. Hãy học hỏi để nhận biết đột quỵ, bởi vì để bỏ phí thời gian tức là để mất não. Các dấu hiểu cảnh báo gồm:

+ Tê hay yếu đột ngột ở mặt, tay, hay chân, nhất là ở về một bên người

+ Lẫn lộn (confusion) đột ngột, rối loạn nói hay hiểu biết

+ Rối loạn nhìn đột ngột ở một hay hai mắt

+ Rối loạn đột ngột về đi lại, hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng hay phối hợp động tác (movement coordination)

+ Đau đầu đột ngột, dữ dội mà không biết nguyên nhân

Không phải tất cả các dấu hiệu báo trước này đều có trong mọi đột quỵ. Nếu bạn hay ai đó có một hay nhiều hơn các triệu chứng đột quỵ kéo dài hơn mấy phút, không được để chậm trễ. Gọi ngay 115 hay các dịch vụ y tế cấp cứu (Emergency Medical Services - EMS) cho xe cấp cứu, lý tưởng là với các phương tiện trợ giúp tiên tiến.

Có gì khác nhau giữa cơn đau tim và đột quỵ?

- Cơn đau tim xảy ra khi dòng máu đi đến một phần nào đó của tim bị tắc, thường là do cục máu đông làm tắc nghẽn dòng chảy mạch máu nuôi tim. Không có máu giàu dưỡng khí, cơ tim bắt đầu chết. Cơn đau tim như trên gọi là Nhồi Máu Cơ Tim.

- Đột quỵ của não xảy ra khi dòng máu và dưỡng khí đi lên não bị gián đoạn, do một mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hay mạch máu bị vỡ.

- Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba ở Hoa Kỳ. Điều trị đạt kết quả cao nhất khi được xử trí trong vài giờ đầu tiên sau đột quỵ, do đó việc nhận biết các triệu chứng và cấp cứu nhanh chóng là rất quan trọng. Khi bạn nghi ngờ đột quỵ, gọi 115 ngay lập tức hoặc đi khám ngay tại các cơ sở y tế địa phương gần nhất. Các dịch vụ y tế cấp cứu có thể bắt đầu việc cứu chữa có tính sống còn ngay trong xe cứu thương hoặc tại y tế cơ sở.

Các căn nguyên là những gì?

Cả hai, đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều có thể xảy ra do các động mạch nuôi não và tim bị tắc nghẽn.

Các căn nguyên của đột quỵ:

▪️ Type hay gặp nhất của đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu (ischemic stroke): Cục máu đông bên trong một động mạch của não có thể làm ngưng tuần hoàn não, dẫn đến đột quỵ.

▪️ Các động mạch cảnh đưa máu tới não. Mảng (plaque) hình thành bên trong động mạch cảnh có thể vỡ ra, hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn tương tự.

▪️ Một loại lớn khác của đột quỵ là đột quỵ chảy máu. Xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ và máu chảy vào mô chung quanh. Huyết áp cao làm căng giãn thành các động mạch có thể gây ra tai biến này.

Các căn nguyên của cơn đau tim (nhồi máu cơ tim):

▪️ Cơn đau tim xảy ra khi động mạch vành (là động mạch cung cấp máu cho cơ tim) bị cục máu đông làm tắc một phần hay hoàn toàn.

▪️ Cũng có thể gặp khi có mảng cholesterol to bồi đắp dần trong lòng động mạch, làm yếu và chậm dần, diễn tiến theo thời gian làm ngưng hoàn toàn dòng chảy.

Các yếu tố nguy cơ là những gì?

Mặc dù cơn đau tim và đột quỵ là khác nhau, chúng thường có chung nhiều các yếu tố nguy cơ. Bao gồm:

+ Hút thuốc lá

+ Cholesterol cao

+ Huyết áp cao

+ Tuổi tác

+ Bệnh sử gia đình

+ Bệnh đái tháo đường

+ Lối sống tĩnh tại

+ Rung nhĩ

Huyết áp cao làm căng các thành mạch khiến cho thành mạch cứng hơn và kém giãn nở theo nhu cầu để duy trì một tuần hoàn khoẻ mạnh. Tuần hoàn kém có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và cơn đau tim.

Nếu bạn có nhịp tim bất thường của rung nhĩ (atrial fibrillation - AF), bạn cũng có tăng nguy cơ đột quỵ. Bởi vì nhịp tim đập của bạn không đều đặn trong rung nhĩ, máu có thể đóng thành vũng (pool) trong tim bạn và tạo ra máu cục. Khi cục máu vỡ, các mảnh rời ra và có thể thoát khỏi tim đi lên não trở thành cục tắc nghẽn (embolus) gây ra đột quỵ thiếu máu.

Triển vọng sẽ thế nào?

Triển vọng của bạn sau đột quỵ hay cơn đau tim phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của sự cố và bạn được điều trị sớm ra sao.

Một số người bị đột quỵ sẽ thấy khó khăn kéo dài trong đi lại và nói năng. Những người bị mất chức năng não thì không bao giở hồi phục trở lại được. Cho những người được điều trị sớm sau khi bắt đầu các triệu chứng, sự hồi phục hoàn toàn là có thể.

Sau cơn đau tim, bạn có thể hi vọng tiếp tục trở lại với đa số các hoạt động mà bạn ưa thích nếu bạn làm tất cả các điều sau: tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, tham gia vào sự phục hồi của tim, giữ lối sống khoẻ mạnh.

Kỳ vọng sống của bạn phụ thuộc lớn vào việc bạn tuân thủ ra sao các đối phó với sức khoẻ của tim. Nếu bạn bị đột quỵ hay cơn đau tim, điều quan trọng là thực hiện một cách nghiêm túc quá trình hồi phục và chịu đựng đến cùng với nó.

Đề phòng cơn đau tim và đột quỵ

Có nhiều chiến lược giống nhau có thể giúp đề phòng đột quỵ cũng có thể giúp giảm các nguy cơ cơn đau tim. Bao gồm:

+ Giữ mức cholesterol và huyết áp trong các giới hạn khoẻ mạnh

+ Không hút thuốc

+ Duy trì cân nặng khoẻ mạnh

+ Hạn chế rượu

+ Giữ đường huyết có kiểm soát

Tập nhiều ngày trong tuần nếu không thể tập tất cả các ngày, chế độ ăn có mức độ thấp các mỡ bão hoà, các loại đường cho thêm, và sodium. Bạn không thể kiểm soát một số các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tuổi và bệnh sử gia đình. Tuy vậy, lối sống lành mạnh có thể giúp bạn giảm nguy cơ cơn đau tim hay đột quỵ.

BS Nguyễn Thị Hải Bình - BS Bùi Ngọc Minh Tâm

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X