Hotline 24/7
08983-08983

Ðau bụng dưới, cảnh báo bệnh gì?

Đau bụng là triệu chứng thường gặp, chúng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc đi kèm với nhiều dấu hiệu khác.

Tuy nhiên, đau bụng có thể là dấu hiệu của một cấp cứu ngoại khoa nhưng cũng có khi chỉ cần điều trị nội khoa. Sau đây là những bệnh có thể liên quan khi đau bụng dưới.

Viêm ruột thừa: Ban đầu người bệnh thấy đau bụng vùng quanh rốn, sau đó khu trú ở hố chậu phải. Kèm theo, người bệnh thấy buồn nôn, có sốt nhẹ, nếu bạn thấy các biểu hiện như đã mô tả thì cần đi khám sớm vì viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa, nếu để muộn gây viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ sẽ rất nguy hiểm.

Đôi khi viêm ruột thừa cũng không phải lúc nào cũng dễ chẩn đoán, trong những trường hợp ruột thừa quặt ngược sau gan thì triệu chứng có thể lại đau sau lưng dễ chẩn đoán nhầm là cơn đau quặn thận.

Trong trường hợp này, kể cả thầy thuốc cũng có thể chẩn đoán nhầm nếu không theo dõi sát. Điều quan trọng nhất của viêm ruột thừa là đau khu trú hố chậu phải kèm sốt nhẹ, bí trung đại tiện, xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu tăng cao cần theo dõi sát trong 24 - 48 giờ.

Một điều lưu ý với bệnh nhân là triệu chứng ban đầu thường đau mơ hồ và chưa sốt hoặc sốt nhẹ dễ nhầm với các đau bụng khác nên thường trong chẩn đoán các bác sĩ ghi là theo dõi viêm ruột thừa và xếp ở phòng lưu để theo dõi khi triệu chứng rõ thì sẽ được phẫu thuật kịp thời.

Ðau bụng dưới, cảnh báo bệnh gì?

Khi đau bụng dưới cần nghĩ tới viêm ruột thừa.

Viêm đại trực tràng cấp hoặc mạn: Bệnh nhân hay đau bụng âm ỉ, kèm theo đi đại tiện phân lỏng, đôi khi táo bón. Trường hợp táo bón có thể sờ hố chậu trái có khối phân rắn nổi cục, ấn vào đau. Siêu âm thấy hình ảnh tăng nhu động ruột và khối phân táo rõ.

Điều trị bằng các thuốc chống táo bón (nếu táo bón). Nếu viêm do vi khuẩn, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng kháng sinh. Bệnh liên quan tới chế độ ăn uống nên mọi người cần thực hiện vệ sinh ăn uống để phòng bệnh.

Viêm bàng quang: Triệu chứng thường thấy là đau dữ dội vùng xương mu nhưng không đặc trưng, nhất là không nóng rát khi tiểu tiện. Cũng có một số triệu chứng khác như: thường xuyên buồn đi tiểu, có những cơn đau gay gắt lúc đi vệ sinh kèm theo nóng rát hoặc nước tiểu đục, đôi khi có tiểu ra máu,...

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp chẩn đoán xác định. Thường bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng kháng sinh đường niệu kết hợp lợi tiểu bằng thuốc Nam như uống nhiều nước râu ngô, mã đề,... triệu chứng sẽ giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm tiết niệu ngược dòng lên thận sẽ nguy hiểm.

Chửa ngoài dạ con: Thường xuất hiện ở một bên buồng trứng với các triệu chứng đau nhiều ở một bên bụng dưới và chảy máu âm đạo ngoài kỳ kinh. Có thể xuất hiện đau dữ dội và cảm giác khó ở.

Nếu chị em có quan hệ tình dục không bảo vệ (không dùng phương pháp tránh thai nào mà thấy chậm kinh và ra máu âm đạo bất thường (có thể chỉ ra ít) kèm đau bụng cần đi khám sản phụ khoa ngay.

Trường hợp chửa ngoài tử cung phát hiện sớm sẽ được xử trí bằng phẫu thuật nội soi hoặc mổ ổ bụng nếu nơi chưa có điều kiện nội soi. Trường hợp muộn gây vỡ khối chửa ngoài có thể dẫn đến chóng mất máu và đôi khi vừa phẫu thuật vừa phải truyền máu, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.

U nang buồng trứng: U nang buồng trứng thường được phát hiện lúc khám phụ khoa: thăm dò âm đạo kết hợp nắn bụng, thường là u lành tính. Nếu u nhỏ có cuống ngắn thì có thể sống hòa bình và chỉ cần đặt lịch mổ phiên. Tuy nhiên, nếu u nang càng to và có cuống dài dễ gây xoắn nang - đây là một cấp cứu ngoại khoa cần được phẫu thuật kịp thời. Vì thế, khi thấy xuất hiện đau một bên bụng dưới và có rối loạn kinh nguyệt, cần đi khám phụ khoa để xử trí kịp thời.

Viêm ống dẫn trứng: Thường biểu hiện bằng các cơn đau vùng chậu, đau tăng lên lúc giao hợp, chảy máu giữa các vòng kinh, sốt và ra nhiều khí hư. Việc điều trị cần dùng kháng sinh tích cực. Nên nhớ, viêm vòi trứng có thể dẫn đến tắc vòi trứng gây vô sinh hoặc bán tắc là nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung.

Ngoài ra, các bệnh liên quan tới mạch máu nuôi dưỡng vùng tiểu khung như: chỉ cần giãn tĩnh mạch âm hộ hoặc một sự dị thường của sự tuần hoàn, nhất là ở vùng buồng trứng gây ra xung huyết tiểu khung là đã có thể gây ra những cơn đau bụng dưới.

Tóm lại, đau bụng dưới bên phải đôi khi chỉ là triệu chứng bình thường ở phụ nữ như trong thời kỳ kinh nguyệt, nhưng trong một vài trường hợp nào đó, nó lại là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm. Do đó, cần lưu ý để phát hiện sớm và có được những chẩn đoán chính xác nhất.

Theo BS Nguyễn Kim Dung - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X