Hotline 24/7
08983-08983

Ai cần thuốc bổ?

Có nhiều quan niệm sử dụng thuốc bổ sai lầm đang xuất hiện ngày càng phổ biến trong đời sống như: uống vitamin, khoáng chất thay bữa ăn.

Dùng thuốc bổ chữa bệnh; uống thuốc bổ hàng ngày để phòng bệnh... Chính từ đây đã làm vô hiệu hoá tác dụng của một số loại thuốc bổ và làm tăng thêm các trường hợp ngộ độc dược, gây nguy hiểm cho tính mạng.

Dựa vào mục đích sử dụng, có thể tạm định nghĩa thuốc bổ là thuốc bồi dưỡng cơ thể, giảm mệt mỏi, tăng cường sức khoẻ, giúp ăn được, ngủ được, hỗ trợ quá trình trị liệu... Điểm qua các thuốc đang lưu hành trên thị trường dược hiện nay, có thể phân ra nhiều loại, và mỗi loại cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng riêng để bảo đảm hiệu quả và an toàn.

Thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng

Vitamin và khoáng chất thuộc các chất dinh dưỡng không được cơ thể tổng hợp hoặc tổng hợp không đầy đủ, cần cung cấp từ các loại thực phẩm. Nếu hàng ngày ta ăn uống đủ chất, đa dạng nhiều loại thức ăn khác nhau thì không sợ thiếu vitamin và chất khoáng.

Tuy nhiên, với một số người có khi phải dùng thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng hoặc dùng thuốc bổ nói chung, như: người mới khỏi bệnh, người suy nhược do làm việc quá mức, người ăn kiêng quá đáng, trẻ con đang lớn và phát triển chậm, phụ nữ có thai và cho con bú, người hút thuốc lá hoặc uống rượu quá nhiều…

Có 13 loại vitamin cần cung cấp, gồm bốn vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) và chín vitamin tan trong nước (vitamin A và các vitamin nhóm B: B1, B6, B12, biotin, axit folic…) Về khoáng chất, có loại cần cung cấp số lượng lớn (canxi, phốtpho, natri, kali…), có loại cần cung cấp số lượng rất nhỏ gọi là các nguyên tố vi lượng (kẽm, selen, iốt, sắt…)

Vitamin và chất khoáng hoàn toàn không thay thế được thức ăn, thức uống, ta vẫn phải ăn uống đầy đủ chất bên cạnh dùng thuốc. Nếu điều kiện tài chính không cho phép, thay vì mua thuốc nên tập trung tiền mua thức ăn bổ dưỡng, đặc biệt tăng cường trái cây, rau quả (được xem là nguồn vitamin thiên nhiên rất tốt).

Có tình trạng đáng buồn ở các nước đang phát triển là một số bà mẹ quan tâm, tiêu tốn nhiều tiền cho con mình uống thuốc bổ nhưng lại quên cho chúng ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng, hậu quả là trẻ bị suy dinh dưỡng.

Khi trẻ suy dinh dưỡng, chậm lớn đương nhiên phải bổ sung vitamin và chất khoáng. Hay trẻ sau giai đoạn bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy...) uống vitamin và chất khoáng cũng là cần thiết.

Tuy nhiên, khi sử dụng phải lưu ý không lạm dụng quá nhiều, nếu bổ sung chỉ nên dùng liều vitamin và chất khoáng trong khoảng 50 – 150% RDA (Recommended Dietary Allowances – liều khuyến nghị dùng hàng ngày, thí dụ RDA của vitamin C là 60mg/ngày). Riêng vitamin A, D tuyệt đối không quá liều (thuốc bổ đa sinh tố chứa 5.000IU vitamin A và 400IU vitamin D chỉ uống một ngày một viên).

Với phụ nữ có thai, dùng liều quá cao vitamin A có nguy cơ sinh quái thai, trẻ con dùng thừa vitamin A sẽ bị tăng áp lực sọ não làm lồi thóp rất nguy hiểm. Với vitamin C, dùng liều cao (quá 1g/ngày) có nguy cơ tiêu chảy, loét đường tiêu hoá (nếu uống vào lúc bụng trống), sỏi thận. Rất hiếm khi cần bổ sung vitamin C dạng tiêm (Laroscorbine), vì vậy phải hết sức tránh dùng thuốc tiêm tĩnh mạch.

Thuốc kết hợp vitamin, chất khoáng và các chất bổ khác

Để hấp dẫn cũng như đáp ứng một số trị liệu, nhiều thuốc bổ hiện nay không chỉ chứa vitamin và chất khoáng mà còn kết hợp chứa thêm một số chất bổ khác như: các axit amin (bổ sung chất dinh dưỡng cho một số người có nguy cơ thiếu do bệnh hoặc do ăn thiếu chất), tinh chất nhân sâm (thường được các vị cao tuổi ưa chuộng), các chất hướng gan (giúp bảo vệ nhu mô gan, làm hoạt động giải độc gan tốt như: lecithin, methionin, cholin, betain, inositol, một số hợp chất flavonoid có trong dược thảo…), trích tinh tạng phủ (chứa các chất trích từ cơ quan súc vật hoặc nhau thai người như: tinh chất vỏ bang thượng thận, cao gan, chế phẩm Filatov… nhằm bổ sung các chất theo kiểu “ăn gì bổ nấy”. Từ lâu, nhiều nước tiên tiến đã không thừa nhận lối trị liệu này và nay, do bệnh bò điên nên nhiều biệt dược chứa trích tinh tạng phủ nổi tiếng trước đây như Sirepar, Campolon, Campovit… đã không còn lưu hành), các chất bổ khác (như mầm lúa mạch, tế bào men…).

Vitamin và chất khoáng hoàn toàn không thay thế được thức ăn, thức uống, ta vẫn phải ăn uống đầy đủ chất bên cạnh dùng thuốc.

Các thuốc bổ sung vitamin, chất khoáng và các chất bổ khác thường được trình bày dạng viên sủi bọt chứa ion natri. Người kiêng muối phải lưu ý vì dùng thuốc nhiều sẽ hấp thu nhiều natri không có lợi, nhất là người đang điều trị bệnh tăng huyết áp, uống thuốc dạng sủi bọt có thể bị tăng vọt huyết áp, gây nguy hiểm.

Thuốc bổ chứa các chất chống oxy hoá

Xuất phát từ một số nghiên cứu cho thấy sự lão hoá là do các gốc tự do sinh ra bởi các phản ứng sinh học nên người ta đã nảy sinh sử dụng thuốc bổ có chứa các chất chống oxy hoá như: vitamin C, vitamin E, beta-caroten (tiền vitamin A), chất khoáng selen… để vô hiệu hoá gốc tự do, bảo vệ tế bào, mô.

Có quan niệm hơi quá đáng khi xem thuốc bổ chứa chất chống oxy hoá và một số thực phẩm chức năng khác là “thần dược” trị bá bệnh, thậm chí cả ung thư. Đây chỉ là thuốc phụ trợ, làm giảm nguy cơ bị một số bệnh (ung thư, tim mạch…) chứ không phải dùng điều trị. Để chống lão hoá, ngừa ung thư… phải thực hiện nhiều điều trong cuộc sống chứ chỉ sử dụng thuốc thôi là không đủ.

Thuốc kích thích thèm ăn

Thận trọng với thuốc bổ Đông y

Theo lý luận đông y, thuốc bổ có nhiều loại: bổ dương, bổ âm, bổ khí, bổ huyết…Mỗi loại chỉ thích hợp cho một số người bệnh. Vì vậy, cần được thầy thuốc đông y chẩn đoán và cho thuốc là tốt nhất. Không nên nghe lời mách bảo mua thuốc trôi nổi, dùng tuỳ tiện có khi tiền mất tật mang.

Cyproheptadin (periactin, peritol) là một thuốc kháng histamin trị dị ứng nhưng có thêm tác dụng kích thích thèm ăn. Do quan niệm thuốc bổ giúp ăn ngon nên một số người đã xem cyproheptadin như thuốc bổ. Trước đây có sự kết hợp hết sức nguy hiểm là dùng chung cyproheptadin với corticoid để tăng trọng!

Hiện nhiều nước không còn dùng cyproheptadin trong chỉ định trị chứng chán ăn. Thuốc này cũng chống chỉ định với phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ dưới hai tuổi. Khi dùng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ như chóng mặt, ngầy ngật, chán nản, dễ kích động (người cao tuổi nên tránh dùng).

Một số thuốc khác cũng được dùng kích thích thèm ăn như: lysin (một axit amin, thường kết hợp với chất khoáng sắt để làm thuốc bổ cho trẻ), carnitin (dẫn chất axit amin), dibencozid (dẫn chất vitamin B12, dùng làm thuốc giúp thèm ăn ở người cao tuổi). Vì sự thận trọng cần thiết, mong bà con mình lưu ý những điều nói trên. Cuối cùng, xin chúc bà con luôn có sức khoẻ, đến mức… không cần dùng thuốc bổ!

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X