Hotline 24/7
08983-08983

90% mẹ bầu có thể kiểm soát đái tháo đường thai kỳ nhờ chế độ ăn uống

Đây là thông tin được PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng Bộ môn Sản phụ khoa - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cung cấp tại hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần IX năm 2020 diễn ra vào ngày 21/11.

Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng là hoạt động thường niên do Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM và Hội dinh dưỡng Việt Nam phối hợp tổ chức nhằn cập nhật những kiến thức mới về dinh dưỡng cho những người làm chuyên môn. Hội nghị năm 2020 thu hút sự tham dự của 350 đại biểu đến từ 105 bệnh viện trên 29 tỉnh thành cả nước.

Bệnh đái tháo đường tăng “phi mã”

Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong mẹ và sơ sinh trong những thập kỷ gần đây đã có nhiều tiến bộ ấn tượng song vẫn còn tồn tại nhiều gánh nặng, trong đó tử vong mẹ do nguyên nhân gián tiếp như tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ ngày càng càng tăng.

Đây là những thông tin được BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cung cấp trong bài báo cáo “Sức khỏe phụ nữ mang thai tại Việt Nam và hiệu quả các chương trình can thiệp”.

BS.CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Chủ tịch Hội sàn chậu TPHCM - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ là vị chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa

Trong đó, rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ là một trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu, bên cạnh băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, thuyên tắc ối… Còn đái tháo đường thai kỳ là một vấn đề nóng của toàn cầu. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sảy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, tiền sản giật, trẻ có khả năng bị dị tật, to như “sumo”, nếu sinh thường có thể bị tổn thương thần kinh đám rối cánh tay, gãy xương đòn…

Chính vì vậy, BS Mỹ Nhi kiến nghị để đẩy mạnh và hiệu quả thêm ngăn ngừa kết cục xấu cho sức khỏe phụ nữ khi mang thai rất cần sự chung tay từ nhiều phía, từ các nhà làm chính sách, Bộ Y tế, truyền thông đến các bác sĩ sản khoa, đặc biệt là các bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng. Đây là mục tiêu hàng đầu của Bộ Y tế và cũng là mục tiêu ưu tiên của WHO tại Việt Nam.

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang hiện là Trưởng khối Sản; Trưởng khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị về chuyên ngành Sản phụ khoa

Đi sâu vào vấn đề “Quản lý và điều trị đái tháo đường thai kỳ”, PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng Bộ môn Sản phụ khoa - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, bệnh lý đái tháo đường có tốc độ gia tăng “phi mã”. Riêng với đái tháo đường thai kỳ tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh tăng từ 3,9% vào năm 2004 đến 20,3% năm 2012, để lại nhiều biến chứng cho mẹ và con.

Song nhiều nghiên cứu đã cho thấy 80-90% đái tháo đường thai kỳ kiểm soát được đường huyết chỉ bằng tiết chế ăn uống. Và sẽ đạt hiệu quả tốt hơn khi kết hợp với vận động tối thiểu 15 phút mỗi ngày. Có rất nhiều cách tiết chế ăn uống được áp dụng, từ những khuyến cáo ban đầu gồm hạn chế năng lượng và thành phần carbohydrate cho đến kiểu tiết chế được chứng tỏ có lợi nhất đến nay là chế độ ăn với thực phẩm chứa carbohydrate chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ.

“Hiệu quả của tiết chế ăn uống được đánh giá sau bao lâu dựa vào mức độ kiểm soát đường huyết, tuổi thai lúc chẩn đoán, theo dõi ngoại hay nội trú. Thường, cần tối thiểu 2 tuần để kết luận là tiết chế ăn uống có hiệu quả hay không” - BS Khánh Trang chia sẻ.

Hội thảo thu hút hơn 350 người tham dự đến từ 105 bệnh viện trên toàn quốc

Tuổi khởi phát dậy thì ngày càng sớm so với các thế hệ trước

Bên cạnh đó, còn nhiều đề tài mới, thiết thực được các đại biểu trao đổi, phản biện sôi nổi cũng như học hỏi, bổ sung kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

TS.BS Trần Thị Hoàng là trưởng ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở Việt Nam được thành lập năm 2017 tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng

Trong phần báo cáo “Tác động của ngân hàng sữa mẹ lên thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh”, TS.BS Trần Thị Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng nêu rõ, các nghiên cứu cho thấy trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong trẻ nhỏ thì sữa mẹ là quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn của trẻ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trẻ kém may mắn không được tiếp cận sữa mẹ đẻ trong những ngày đầu đời.

Chính vì vậy, ngân hàng sữa mẹ là cơ hội tuyệt vời, không phải đơn thuần chỉ là nơi cho và nhận sữa mẹ để cứu giúp những đứa trẻ non yếu mà còn mang sứ mệnh thúc đẩy toàn xã hội nhận thức tầm quan trọng và đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Theo BS Hoàng, để có được sữa mẹ hiến tặng, đội ngũ y bác sĩ và người hiến tặng phải làm việc vất vả qua nhiều công đoạn từ tổ chức vận động, sàng lọc sức khỏe, vắt và trữ sữa, thanh trùng, xét nghiệm, lưu trữ và phân phối.

TS.BS Phan Bích Nga có kinh nghiệm triển khai các công trình khoa học đã công bố về điều trị bằng dinh dưỡng cho trẻ em và người trưởng thành về các bệnh rối loạn chuyển hóa

Một vấn đề nổi trội nhận được sự quan tâm trong xã hội hiện đại ngày nay cũng được TS.BS Phan Bích Nga - Phụ trách Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng đưa ra trong hội nghị qua chủ đề “Dinh dưỡng phòng chống dậy thì sớm ở trẻ em”.

Theo TS Nga, tình trạng dậy thì sớm ngày càng phổ biến. Trước đây, tình trạng này chỉ xảy ra ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ nhưng nhưng hiện nay tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam càng ngày càng được rút ngắn, có khuynh hướng ngày càng sớm so với các thế hệ trước

“Qua các nghiên cứu giá về tình hình bệnh nhân đến khám tại Trung tâm của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy, khoảng 3 năm gần đây, các bậc phụ huynh quan tâm rất nhiều đến vấn đề dậy thì sớm ở trẻ, chiếm khoảng 5% lý do đến khám. Trong khi trước đây hầu như không có” - TS Nga cho biết. Điều này rất đáng lưu tâm bởi điều này gây ra nhiều ảnh hưởng đến tâm sinh lý và quá trình phát triển của các em.

Biểu hiện của dậy thì sớm là xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát trước 8 tuổi ở bé gái (có kinh nguyệt, tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu); trước 9 tuổi ở bé trai (vỡ tiếng, cao vọt, bộ phận sinh dục phát triển). Có nhiều yếu tố liên quan đến dậy thì sớm như giới tính (thường gặp ở bé gái hơn bé trai), chủng tộc, tiếp xúc với hormone sinh dục và dinh dưỡng.

Trong đó, dinh dưỡng trong giai đoạn sơ sinh, thời thơ ấu và giai đoạn tiền dậy thì đóng vai trò quan trọng trong sự khởi đầu và tiến triển của tuổi dậy thì. Tình trạng béo phì, tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm đầu đời ở những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp được coi là yếu tố thúc đẩy dậy thì sớm.

“Chính vì vậy, việc chăm sóc tiền sản đúng cách cho tất cả các bà mẹ để có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ khi mang thai, ngăn ngừa và quản lý sớm bệnh béo phì ngay từ trong thời kỳ sơ sinh và thời thơ ấu, không khuyến khích ăn nhiều chất béo giàu calo có thể ngăn ngừa đáng kể các rối loạn chuyển hóa và dậy thì sớm” - TS Nga nhắn nhủ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X