Hotline 24/7
08983-08983

5 loại trái cây có công dụng hỗ trợ điều trị cúm

Theo BS.CK2. Huỳnh Tấn Vũ, trái cây là nguồn cung cấp vitamin C - một chất quan trọng đối với cơ thể, giúp bổ sung năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch. Khi bị cảm cúm, việc bổ sung vitamin C từ các loại trái cây như khế, lê, nho, trái cây họ cam quýt, dưa hấu,… là rất cần thiết.

1. Khế

Khế còn gọi là khế ta, khế cơm, kế chua, kế giang, ngũ lãng tử, ngũ liêm tử. Vì quả khế có 5 cạnh nên gọi là ngũ liễm (liễm là thu lại, tụ lại)

Trong múi khế có chất đường, hàm lượng oxalat axit 1% và nhiều yếu tố vi lượng khác (kali, canxi, sắt, photpho, vitamin như A, C, B1, B2, P). Ngoài ra còn có các hợp chất thực vật lành mạnh như axit gallic, quercetin và epicatechin có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Kết quả một số nghiên cứu trên động vật chứng minh rằng lượng đường trong khế có thể làm giảm viêm.

Quả khế có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người, chủ yếu là do hàm lượng oxalat cao. Đối với những người có vấn đề về thận, việc ăn khế thường xuyên có thể dẫn đến tổn thương thận. Điều này có thể gây ra các vấn đề về thần kinh - như lú lẫn, co giật, thậm chí tử vong. Vì vậy, những người có vấn đề về thận nên tránh ăn khế và sử dụng nước ép. Hoặc có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thử.

Những người dùng thuốc theo toa cũng nên thận trọng khi ăn khế. Tương tự như bưởi, khế có thể ảnh hưởng đến sự phân hủy và sử dụng thuốc của cơ thể. Do vậy, cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu đang dùng các thuốc nào khác.

2. Lê

Lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm, nhuận phổi, giáng hỏa, sinh tân dịch, dưỡng huyết, chữa khản tiếng,… Trong quả lê chứa protein, lipid, cenlulose, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, đường gluco, axít acetic…

Việc ăn lê thường xuyên có tác dụng tốt trong điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch (dẫn tới váng đầu hoa mắt, ù tai), lao phổi, viêm phế quản cấp tính. Tuy nhiên, lê có tính hàn nên người bị bệnh đau bụng, tiêu chảy không nên sử dụng.

3. Chanh

Vỏ quả chanh (lớp ngoài cùng) có chứa tinh dầu, mỗi quả cho khoảng 0,5ml tinh dầu (90 - 95% tinh dầu chanh là những hợp chất terpen). Vỏ trắng thì chứa pectin. Dịch quả chanh chứa 80 - 82% nước, 5 - 7% axit citric, có khi tới 10% (mùa thu tỷ lệ axit cao hơn mùa hạ), 1 - 2% citrat axit, canxi và kali, một ít citrat etyl và axit malic. Hàm lượng vitamin C 65mg trong 100g dịch tươi, vitamin B1 và riboflavin. Lá chanh chứa tinh dầu và stachydrin. Hàm lượng tinh dầu trong lá thay đổi từ 0,33 - 0,5%.

Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy chanh rất giàu vitamin C và những chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoid (polymethoxylated flavones trong chanh nhiều gấp 20 lần rau quả thông thường). Do đó, chanh có chức năng giải độc, bảo vệ thành mạch, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tác hại của những gốc tự do để làm chậm sự lão hóa.

Liều lượng được khuyên dùng là 1 cốc nước chanh đặc 250ml/ngày. Có thể pha loãng phần nước chanh này ra để thuận tiện cho việc uống nhiều lần trong ngày. Múi chanh phối hợp với muối ăn dùng ngậm chữa ho viêm họng.

Việc uống nước chanh quá liều lượng hoặc thiếu khoa học có thể dẫn đến những tác dụng phụ, gây hậu quả khi lạm dụng nước chanh:

- Axit citric có trong nước chanh có khả năng làm mòn men răng và khô lưỡi, miệng. Vì vậy cần dùng ống hút để uống nước chanh và súc miệng với nước sạch sau khi uống.

- Đi tiểu nhiều: Không phải do tác dụng phụ của chanh, mà do uống quá nhiều nước chanh khiến cơ thể hấp thụ nhiều nước và gây tiểu nhiều lần.

- Lạm dụng nước chanh gây loét dạ dày (do làm tăng lượng axit); trào ngược dạ dày thực quản (buồn nôn, nôn, đau ngực, loét họng); hỏng men răng, khiến bệnh nhiệt miệng nặng hơn (axit trong chanh sẽ khiến vết loét trở nặng, đau rát); đau đầu (khiến máu đột ngột dồn lên não gây cơn đau nửa đầu); gây mất nước (phải đi tiểu thường xuyên); thừa vitamin C (gây buồn nôn, dạ dày khó chịu, đau bụng, tiêu chảy...).

4. Cam

Cam thuộc họ cam quýt. Trong 100g quả cam có chứa: 87,6g nước; 104 microgram carotene (một loại vitamin chống oxy hóa); 30mg vitamin C; 93mg kali; 26mg canxi; 9mg magnesium; 0,3g chất xơ; 4,5mg natri; 7mg Chromium; 20mg phốt pho; 0,32mg sắt; giá trị năng lượng là 48 kcal. Không chứa chất béo hay cholesterol.

Trên thực tế, hàm lượng vitamin C chỉ chiếm 15 - 20% tổng số các chất kháng oxy hóa. Trong khi những hợp chất khác có khả năng chống oxy hóa cao gấp 6 lần vitamin C là hesperidin từ flavanoid có nhiều trong lớp vỏ xơ trắng, màng bao múi cam và một ít trong tép, hạt cam.

Hàm lượng Vitamin C rất cao trong cam có thể hỗ trợ kích thích sản xuất các tế bào trắng. Từ đó, tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Cam được chứng minh là loại quả có tác dụng chống viêm, chống khối u, ức chế đông máu và chống oxy hóa mạnh. Nước cam cũng chứa lượng vitamin A, đồng, folate và thiamine (vitamin B1) các chất dinh dưỡng khác giúp các hoạt động của hệ thống miễn dịch luôn ở trạng thái tốt nhất, giúp cơ thể chống lại sự tấn công từ bên ngoài cơ thể.

Nước cam tốt cho sức khỏe với điều kiện dùng đúng lượng và đúng đối tượng:

- Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên dùng nước cam. Bởi trong nước cam chứa axit (axit ascorbic - vitamin C), các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.

- Không nên uống nước cam vào buổi tối: Nước cam có tác dụng lợi tiểu. Do đó, uống nhiều nước cam vào buổi tối sẽ gây tiểu đêm nhiều lần và mất ngủ. Đồng thời, vitamin C có trong cam cũng làm cho bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.

- Không nên uống nước cam ngay trước hoặc sau khi uống sữa: vì Protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C trong cam gây ra hiện tượng chướng, đau bụng, tiêu chảy.

- Cam cũng như các loại trái cây họ cam quýt khác (nước ép bưởi) với thuốc (như thuốc chẹn kênh canxi điều trị tăng huyết áp). Nước cam quýt có thể làm tăng tính khả dụng sinh học của thuốc. Một nghiên cứu của Nhật Bản khuyến cáo nên tránh uống nước cam quýt khi đang dùng thuốc, nên nên uống nước cam trước hoặc sau khi uống thuốc 1 - 2h đồng hồ.

- Nước cam là thức uống tốt khi bị bệnh. Điều này đúng với cúm A, vì trong cam có nguồn vitamin C dồi dào cùng với các chất dinh dưỡng khác giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật, chống lại sự tấn công của yếu tố ngoại tà bên ngoài cơ thể, có thể giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của cúm A. Tuy nhiên, nên dùng nước cam đúng cách để đạt được hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cúm A cũng như các bệnh khác.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hàm lượng vitamin C cần thiết cho mỗi người phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi cũng như tần suất sử dụng thuốc lá. Cụ thể:

- Đối với phụ nữ mang thai, lượng vitamin C cần thiết để cung cấp cho cơ thể là 80mg và tăng lên 120mg khi bước vào giai đoạn cho con bú.

- Đối với trẻ em, chỉ nên cho trẻ ăn nửa trái cam mỗi ngày, kể cả khi bé rất muốn ăn cũng không nên cho ăn nhiều vì có thể xảy ra tình trạng dị ứng cam.

- Đối với nữ giới (từ 19 tuổi trở lên) cần bổ sung 75mg vitamin C mỗi ngày (tương đương với 1 trái cam có đường kính khoảng 4cm). Nam giới (từ 19 tuổi trở lên) cần phải bổ sung 90mg vitamin C mỗi ngày (tương đương với 1 trái cam có đường kính 5cm).

- Đối với người có thói quen hút thuốc lá, hàm lượng vitamin C cần thiết cơ bản và phải bổ sung thêm 35mg vitamin C nữa bởi vì trong quá trình hút thuốc, các tế bào gốc tự do sẽ tăng lên.

5. Dưa hấu

Dưa hấu còn gọi là dưa đỏ, tây qua, thủy qua, hàn qua, hạ qua. Dưa hấu được xem là loại quả giải khát quý giá. Từ thịt quả đến cùi vỏ đều có tác dụng phòng bệnh chữa bệnh.

- Trong dưa hấu có 52% ăn được; 49,7% nước; 0,6% protid; 1,3% gluxit; 03% xenluloza; 4,2mg% canxi; ngoài ra còn có Fe, P, caroten, vitamin B1, B2, PP, vitamin C.

- Trong YHCT, vỏ dưa hấu có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh thử, giải nhiệt, lợi tiểu, dùng trong trường hợp huyết áp cao, tiểu buốt, cảm sốt, phiền khát, viêm thận…

Mặc dù dưa hấu giải khát tốt nhưng không nên ăn quá nhiều trong một lần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X