Hotline 24/7
08983-08983

5 dấu hiệu “vàng” nhận biết suy giảm sức đề kháng

Thời tiết giao mùa, “dịch chồng dịch” đang gây sức ép lên sức đề kháng của mỗi người. Đâu là những dấu hiệu cho thấy sức đề kháng của bạn đang “kêu cứu”? ThS.BS Lê Thuận Linh - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Thành phố Thủ Đức (TPHCM) đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao khi giao mùa, nhiều dịch bệnh có xu hướng kéo đến cùng lúc?

Năm nay, dịch bệnh dồn dập ập đến, từ COVID-19 quay lại với biến chủng mới, sốt xuất huyết và đến cúm A xuất hiện “trái mùa”. Xin hỏi BS, vì sao khi giao mùa, trời nóng bức cộng mùa mưa đến sớm kéo theo nhiều bệnh bệnh lý đến cùng lúc như vậy ạ?

ThS.BS Lê Thuận Linh trả lời: Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ đổ mồ hôi gây mất nước, mất chất điện giải làm cho chúng ta mệt mỏi, uể oải, sức đề kháng suy giảm, dễ dẫn đến các vấn đề bệnh lý. Bên cạnh đó, thời điểm nắng nóng, thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, vi nấm gây bệnh, nhất là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi.

Đối với dịch sốt xuất huyết, mùa mưa có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với thời điểm khác. Riêng đối với dịch cúm, trước đây thường xảy ra vào mùa xuân, mùa đông, nhưng năm nay chúng ta thấy sự gia tăng bất thường vào mùa hè. Nguyên nhân của sự thay đổi này chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên một phần có thể do hệ miễn dịch suy yếu sau đợt nhiễm bệnh COVID-19 cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trong thời gian gần đây.

2. Dịch chồng dịch gây ra thách thức nào cho hệ thống y tế?

“Dịch chồng dịch” là nguy cơ luôn được cảnh báo trong thời gian gần đây. Xin hỏi BS, dịch chồng dịch tạo ra thách thức nào cho hệ thống y tế và với người dân sẽ phải đối diện với những nỗi lo nào ạ?

ThS.BS Lê Thuận Linh trả lời: Hiện nay, một số quốc gia đang ghi nhận sự quay lại của dịch COVID-19 với các biến thể phụ BA.4 và BA.5. Tại Việt Nam, thời gian vừa qua tạm thời kiểm soát được COVID-19, tuy nhiên đã sự xuất hiện của hai biến thể phụ của Omicron, vì vậy thực tế dịch bệnh vẫn còn đang tồn tại.

Bên cạnh đó, sự gia tăng các ca nặng của cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống y tế, đang phải chịu sức ép nặng nề liên quan đến gia tăng số ca bệnh, tình trạng thiếu thuốc, thiếu nhân lực y tế…

Đối với người dân, khi các bệnh dịch liên tiếp làm suy giảm sức đề kháng, đồng thời ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế, xã hội kéo dài.

3. Mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống, có phải do suy giảm sức đề kháng?

Thực tế, chưa cần nhắc đến dịch bệnh, cứ đến mùa nắng nóng, nhiều người luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống hơn bình thường. Những cảm giác này là do đâu thưa BS? Thời tiết, dịch bệnh có mối liên hệ nào với suy giảm sức đề kháng, hệ miễn dịch?

ThS.BS Lê Thuận Linh trả lời: Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể có xu hướng đổ mồ hôi nhiều, gây mất nước, mất các chất điện giải, trong khi chúng ta không bổ sung nước, vitamin và khoáng chất kịp thời. Do đó, chúng ta thường có xu hướng mệt mỏi, uể oải hơn bình thường, hệ miễn dịch cũng suy giảm. Nếu làm trong các môi trường không tốt cũng dễ dẫn đến suy giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc bệnh.

4. Ai dễ bị suy giảm sức đề kháng?

Trong đó nhóm người nào dễ bị suy giảm sức đề kháng, thưa BS?

ThS.BS Lê Thuận Linh trả lời: Nhóm người dễ bị suy giảm hệ miễn dịch:

- Thứ nhất, về lứa tuổi thì có trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai.

- Thứ hai, những người có bệnh lý mạn tính, ăn uống kém, suy dinh dưỡng.

- Thứ ba, người làm công việc ngoài trời.

- Thứ tư, nhóm người dễ bị bỏ sót đó là người làm việc văn phòng.

5. Dấu hiệu nhận biết cơ thể bị suy giảm sức đề kháng?

Cho đến nay, nhiều người vẫn không đặt nặng vấn đề sức đề kháng, vì thực tế nó không hiện hữu trước mắt. Xin hỏi BS, suy giảm sức đề kháng dẫn đến những hậu quả gì cho sức khỏe? Liệu có dấu hiệu nào cho chúng ta biết cơ thể đang bị suy giảm sức đề kháng ạ?

ThS.BS Lê Thuận Linh trả lời: Suy giảm sức đề kháng gây ra hậu quả ảnh hưởng đến cơ thể, làm cho chúng ta dễ mắc bệnh hơn (cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang…); dễ mệt ỏi, uể oải, không đáp ứng được năng suất để học tập, làm việc. Ngoài ra, sức đề kháng cũng có liên quan đến vấn đề hấp thu tiêu hóa, vì vậy nếu bị suy giảm sẽ gây “thiệt hại” cho nhiệm vụ này.

Nhận biết cơ thể bị suy giảm sức đề kháng qua một số dấu hiệu:

- Cảm giác mệt mỏi, uể oải

- Đau nhức khắp cơ thể

- Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn như cảm lạnh, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng…

- Vết thương khó lành hơn

- Ăn uống dễ bị tiêu chảy, đau bụng.

Phần 2: Dịch bệnh liên tiếp: Ăn gì, bổ sung chất nào để tăng cường sức đề kháng?

Phần 3: Viên sủi cung cấp vitamin nên uống thời điểm nào là tốt nhất?

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng Bocalex của DHG Pharma đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X