Hotline 24/7
08983-08983

4 điều nhất định phải làm cho trẻ: Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và tiêm đủ liều vắc xin

Thời tiết thay đổi thất thường khiến cho trẻ dễ gặp phải các bệnh lý về đường hô hấp hơn bao giờ hết. Qua sự tư vấn của BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, các bậc phu huynh sẽ nắm rõ liệu trình tiêm vắc xin phòng bệnh cũng như biết cách chăm sóc, bảo vệ hệ hô hấp của trẻ trong thời điểm giao mùa.

Gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ khi thời tiết thất thường

Thời tiết thất thường có liên quan gì đến tình hình trẻ mắc bệnh hô hấp phải đến khám ở các bệnh viện nhi, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời tiết thất thường là thời cơ tốt để bệnh viêm tiểu phế quản phát triển. Số ca đến khám không tăng nhiều những số ca nhập viện thì tăng khá nhiều.

Thời tiết có mối liên hệ như thế nào với bệnh lý hô hấp và bệnh lý nào thường gặp nhất trong giai đoạn này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời tiết mưa, ẩm nhiều hoặc quá lạnh, quá nóng khiến trẻ bị bệnh nhiều hơn. Trong đó, nhóm bệnh đầu tiên là bệnh hô hấp vì yếu tố môi trường khiến sức đề kháng của bé bị giảm. Có rất nhiều tác nhân gây bệnh thường trú trong đường hô hấp của cả người lớn và trẻ nhỏ, dễ lây từ người này sang người khác.

Thứ hai, thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi của một vài virus theo mùa như RSV, Adenovirus, cúm... Bệnh nhiều nhất ở trẻ nhỏ là viêm tiểu phế quản và một số bệnh hô hấp trên như viêm phổi.

Viêm tiểu phế quản có thể để lại di chứng

Các bệnh hô hấp sẽ tấn công phổi của trẻ như thế nào? Khả năng phổi của trẻ hồi phục sau những đợt mắc các bệnh lý hô hấp này ra sao? Có trường hợp nào phổi tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đa số các trường hợp viêm tiểu phế quản, viêm phổi đều có thể hồi phục, tuy nhiên một số trẻ sức đề kháng kém, phổi bị tổn thương quá nặng dẫn đến tử vong sau thời gian thở máy.

Một số trường hợp viêm tiểu phế quản để lại di chứng gọi là bệnh PIBO tổn thương vùng phế nang, cuối cùng trẻ bị siêu hô hấp mãn tính, có những đợt ho hen giống như bị suyễn. Việc điều trị phải kéo rất dài sau đó, dù đã hết bệnh.

4 điều cần làm cho trẻ: Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và tiêm đủ liều vắc xin

Trước nguy cơ gia tăng các bệnh lý hô hấp, chúng ta có thể làm gì để bảo vệ lá phổi của trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chúng ta phải ngăn không để trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi.

Thứ hai, cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất.

Thứ ba, cho trẻ tiêm ngừa các vắc xin như cúm, phế cầu, các mũi 5 trong 1, 6 trong 1 có bệnh ho gà. Tiêm ngừa sẽ giúp làm giảm khả năng bệnh nặng hơn khi bị mắc virus.

Trẻ bị suyễn phải tiêm ngừa cúm và phế cầu

Phụ huynh nên cho trẻ tiêm những vaccine nào để phòng ngừa các bệnh hô hấp, bảo vệ phổi của trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những trẻ bị suyễn phải tiêm ngừa cúm và phế cầu. Nếu trẻ còn trong độ tuổi tiêm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 thì phải tiêm để bảo vệ trẻ trước những vi khuẩn thông thường khác.

Trẻ thường ốm vặt nên được tiêm cúm mỗi năm

Liệu trình tiêm vắc xin như thế nào? Sau khi tiêm bao lâu thì cơ thể của trẻ sẽ có kháng thể phòng chống bệnh, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 phải tiêm lúc trẻ 1,5 - 2 tháng tuổi. Đến 6 tháng tuổi trẻ phải tiêm đủ 3 mũi. Vắc xin ngừa phế cầu cũng tiêm như vậy.

Nếu trẻ lớn vẫn chưa tiêm hoặc không nhớ rõ thì phải tiêm bù lại những mũi bị thiếu.

Vắc xin ngừa phế cầu phải tiêm nhắc lại. Vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 cũng phải nhắc lại khi trẻ 24 tháng.

Những trẻ thường ốm vặt nên được tiêm cúm mỗi năm để ngừa các bệnh do virus hoặc vi khuẩn bội nhiễm

Không may, RSV và Adenovirus vẫn chưa có vắc xin.

Vắc xin phải tiêm đủ liệu trình mới tối ưu được hiệu quả bảo vệ

Xin hỏi BS, hiệu quả bảo vệ của vắc xin là bao lâu và hiệu quả của vắc xin còn phụ thuộc vào những yếu tố nào khác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi tiêm ngừa bắt buộc phải tiêm đủ liều, hiệu quả bảo vệ có thể được vài năm tùy theo vắc xin. Phụ huynh cần theo dõi để tiêm nhắc lại cho trẻ.

Một số vắc xin chỉ cần nhắc lại 1 mũi, nhưng có vắc xin phải nhắc lại mỗi năm. Vắc xin ngừa phế cầu chỉ cần nhắc lại 1 mũi, trong khi vắc xin cúm phải tiêm lại mỗi năm. Các vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 tiêm đủ liệu trình đến 18 tháng, sau đó có thể tiêm thêm nhưng không phải phòng ngừa bệnh hô hấp mà phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Tập thói quen rửa tay để tăng sức đề kháng

Ngoài tiêm vaccine, phụ huynh nên xây dựng cho trẻ những thói quen tốt nào để bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách tốt nhất?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thói quen tốt là ngủ sớm, ngủ đủ. Đồng thời phải uống nước, uống sữa đầy đủ. Tiếp theo, trẻ cần tránh sinh hoạt ở các môi trường quá nóng, quá lạnh, tránh khói thuốc lá, tránh khói bụi.

Đặc biệt cần tập cho trẻ thói quen rửa tay. Những hành động này giúp tăng sức đề kháng của trẻ.

Phòng cảm lạnh sau khi trẻ dầm mưa

Trong mùa mưa, khi trẻ mắc mưa về đến nhà, phụ huynh cần làm những gì để tránh nhiễm bệnh nói chung và bảo vệ đường hô hấp của trẻ nói riêng? Có nên cho trẻ sử dụng trà gừng, trà mật ong, trà quế để hỗ trợ không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đến mùa mưa cần chuẩn bị tốt, mang theo áo mưa, không để trẻ mắc mưa. Nếu không may mắc mưa, khi về đến nhà phải thay quần áo ngay, lau người cho trẻ bằng nước ấm. Có thể chờ một lát để trẻ khỏe lại rồi tắm bằng nước ấm.

Có thể cho trẻ uống nước ấm, không cần thiết phải dùng trà đặc biệt. Uống đủ nước giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X