Hotline 24/7
08983-08983

365 ngày “chung sống” hòa bình cùng viêm mũi dị ứng

Nếu bị viêm mũi dị ứng, bạn có thể đối mặt với triệu chứng hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, ngứa mũi nghẹt mũi bất kể thời điểm nào trong năm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, khiến bạn luôn trong tình trạng khó chịu, lo lắng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

1. Thưa BS, viêm mũi dị ứng là gì, đâu là những nguyên nhân gây bệnh?

Viêm mũi dị ứng là phản ứng quá mức của cơ thể, xảy ra khi hít phải tác nhân trong không khí. Bình thường khi gặp vật lạ, cơ thể sẽ có những phản ứng nhằm mục đích bảo vệ. Tuy nhiên, khi bị viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng quá mức một chất thường vô hại là một kẻ xâm nhập. Chất này được gọi là dị nguyên.

Khi đó, hệ thống miễn dịch phản ứng với dị nguyên bằng cách giải phóng các chất trung gian bao gồm histamin và nhiều chất khác. Trong đó histamine có tác dụng làm dãn nở các mạch máu nhỏ, tăng tính thấm mạch máu, làm sưng phồng mô, co thắt tiểu phế quản, gây viêm phù nề  và tiết dịch ở niêm mạc hốc mũi, khoang họng, kết mạc mắt gây ra các triệu chứng dị ứng như ngứa mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi.

Các loại dị nguyên gây viêm mũi dị ứng thường gặp là con mạt nhà, phấn hoa, bụi, nấm mốc, khói công nghiệp, lông vật nuôi như chó, mèo,… các loại hóa chất. Trong đó con mạt nhà là tác nhân chính. Những thức ăn như ngũ cốc, sữa, trứng, hải sản, các loại thuốc kháng sinh, xà phòng, các loại mỹ phẩm... đều có thể gây dị ứng. Cha mẹ bị dị ứng có tỷ lệ con bị viêm mũi dị ứng cao.

Viêm mũi dị ứng là bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại viêm mũi, nó cũng là một trong những dạng dị ứng phổ biến nhất trong các rối loạn về dị ứng. Hiện nay, căn bệnh này có xu hướng gia tăng do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, khí hậu và thời tiết thay đổi thất thường.

TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Thống Nhất (bác sĩ tư vấn)

2. Viêm mũi dị ứng thường xảy ra ở độ tuổi nào, mùa nào trong năm? Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm mũi dị ứng là gì ạ?

Viêm mũi dị ứng có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi hơn, trong khi tình trạng này ít gặp ở người già. Nguy cơ mắc bệnh cũng giảm dần theo độ tuổi.

Tùy theo các yếu tố gây dị ứng, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO phân loại viêm mũi dị ứng theo các dạng:

- Viêm mũi dị ứng theo mùa: xuất hiện theo chu kỳ trong năm. Bệnh xuất hiện phụ thuộc vào số lượng phấn hoa và bụi nấm mốc trong không khí.

- Viêm mũi dị ứng quanh năm: không xuất hiện theo mùa, không theo chu kỳ. Các cơn viêm mũi dị ứng xảy ra bất kỳ, dị nguyên thường là mạt nhà, nấm mốc, bụi nhà, lông súc vật, thức ăn, bụi đường, bụi công nghiệp…

-  Viêm mũi dị ứng liên quan đến nghề nghiệp: thường gặp ở một số nghề như uốn tóc, làm bánh, bụi phấn, bụi gỗ, bụi vải, xay xát lúa gạo,...

Như vậy, tùy theo cơ địa mỗi người bệnh, viêm mũi dị ứng có thể xảy ra quanh năm hoặc xảy ra theo mùa - đặc biệt là thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết.

Bạn có thể được chẩn đoán viêm mũi dị ứng khi có ít nhất 2 trong các triệu chứng dưới đây (xảy ra thường xuyên, kéo dài ít nhất 1 giờ/ ngày):

- Ngứa mũi: là triệu chứng thường gặp nhất báo hiệu, mức độ tùy từng người bệnh, có thể lan lên mắt, tai hoặc xuống họng.

- Chảy nước mũi trong: là triệu chứng quan trọng xuất hiện sau cơn ngứa mũi, hắt hơi. Thường là chảy nước mũi lỏng, trong như nước lã, có khi thành giọt và tăng lượng khi thay đổi thời tiết, nhầy đục khi có bội nhiễm.

- Hắt hơi hàng tràng, liên tục (5-10 lần liên tiếp), do phản xạ gây nên nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác.

- Nghẹt mũi/ tắc mũi: có thể nghẹt từng lúc, từng bên hay tắc mũi hoàn toàn cả 2 bên.

- Kèm theo dị ứng ở kết mạc mắt như đỏ, ngứa mắt.

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc quanh năm (Ảnh minh họa)

3. Viêm mũi dị ứng điều trị bằng những phương pháp nào, thưa BS? Trong đó, phương pháp nào là tối ưu nhất? Liệu có điều trị dứt điểm căn bệnh này không ạ?

Việc điều trị viêm mũi dị ứng còn tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Mức độ bệnh có thể phân loại thành gián đoạn và dai dẳng và các triệu chứng như nhẹ hoặc trung bình hoặc nặng.

Viêm mũi gián đoạn được định nghĩa là các viêm mũi mà các triệu chứng xuất hiện dưới 4 ngày/tuần hoặc kéo dài dưới 4 tuần. Viêm mũi dai dẳng là viêm mũi có triệu chứng xuất hiện trên 4 ngày/tuần và kéo dài trên 4 tuần.

Các triệu chứng nhẹ không ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm cản trở việc đi làm hoặc đến trường, hoặc làm suy giảm các hoạt động hàng ngày và cho dù có các triệu chứng nhưng cũng không gây khó chịu. Trái lại, các triệu chứng vừa phải đến nặng làm suy giảm các hoạt động này.

Dựa trên hai tiêu chí này, người ta có: viêm mũi dị ứng nhẹ, gián đoạn; viêm mũi trung bình - nặng, gián đoạn; viêm mũi nhẹ, dai dẳng; viêm mũi trung bình - nặng, dai dẳng.

Thực tế, viêm mũi dị ứng cần phải được điều trị tối ưu vì tần suất bệnh cao, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, kèm theo một số bệnh cơ địa dị ứng như hen suyễn và chi phí kinh tế cao khi thường kiểm soát kém.

Hiện nay, viêm mũi dị ứng chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bạn có thể điều trị và kiểm soát các triệu chứng. Việc phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng gồm 3 bước chủ yếu: kiểm soát môi trường - tránh tác nhân gây dị ứng, điều trị bằng thuốc và miễn dịch trị liệu.

- Kiểm soát môi trường - tránh tác nhân gây dị ứng: Đeo khẩu trang, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội sạch sẽ (để loại hết bụi trên tóc, trên da) sau khi ra ngoài trời. Thường xuyên làm vệ sinh nhà cửa, giặt chăn màn, bao gối, màn cửa và phơi dưới ánh sáng mặt trời. Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải. Không nuôi chó mèo hoặc những vật có lông khác trong nhà. Nếu trẻ bị dị ứng nhiều, hạn chế cho chơi thú nhồi bông.

Ngoài ra, bệnh nhân cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với khói thuốc, khói xe, mỹ phẩm hay những chất nặng mùi khác. Đối với dị ứng nghề nghiệp, nếu không thể đổi nghề, nên dùng khẩu trang, mặt nạ hoặc sử dụng các vật liệu thay thế.

- Dùng thuốc: Hầu hết các trường hợp viêm mũi dị ứng đều đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm antihistamine, thuốc chống xung huyết, corticoid, thuốc làm bền tế bào mast, anti-cholinergic, kháng leukotriene. Trong đó, dùng thuốc xịt corticoid tại chỗ là một trong những phương pháp hiệu quả và an toàn trong điều trị viêm mũi dị ứng hiện nay, vì vừa giúp kiểm soát tốt các triệu chứng vừa giúp ngăn ngừa bệnh tái phát

- Miễn dịch liệu pháp (còn gọi là giải mẫn cảm đặc hiệu): Khi thất bại trong việc kiểm soát môi trường và điều trị bằng thuốc, không dung nạp thuốc hoặc nhiều cơ quan cùng bị tác động của phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ điều trị bằng giải mẫn cảm đặc hiệu cho bệnh nhân.

Sau khi thử test, biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào, người bệnh sẽ được tiêm chất kháng nguyên gây bệnh với liều tăng dần, làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa. Tuy nhiên, đây là quá trình lâu dài, công phu và tốn kém. Thông thường, từ 3-5 năm theo liệu trình giải mẫn cảm như vậy. Ở Việt Nam, đây là vấn đề rất khó để đáp ứng.

Bên cạnh đó, viêm mũi dị ứng điều trị bằng biện pháp phẫu thuật chỉ định cho những trường hợp bị viêm mũi dị ứng có polyp mũi, thoái hóa cuống mũi, một số yếu tố bất lợi về cấu trúc giải phẫu như lệch vách ngăn, gai vách ngăn.

Corticoid dạng xịt được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị viêm mũi dị ứng (Ảnh minh họa)

4. Làm thế nào để giảm thiểu khó chịu do viêm mũi dị ứng gây ra, nhất là triệu chứng nghẹt mũi?

Đối với viêm mũi dị ứng, hầu hết các trường hợp điều trị nhằm mục đích giảm các triệu chứng chính ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi. Đặc biệt nghẹt mũi - triệu chứng nổi bật nhất ở bệnh viêm mũi dị ứng luôn khiến bạn khó chịu, thậm chí là khó thở.

Với tình trạng này, điều trị bằng corticoid là giải pháp hữu hiệu giúp giảm hiệu quả cả 4 triệu chứng do viêm mũi dị ứng gây ra, không riêng nghẹt mũi. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại corticoid, nhưng dạng xịt mũi, điển hình như corticoid dạng xịt mũi chứa Budesonide,… được lựa chọn vì an toàn, ít tác dụng phụ hơn corticoid dạng uống.

Sở dĩ corticoid dạng xịt mũi được xem an toàn hơn là bởi, khi dùng nó có tác dụng tại chỗ (ngay tại mũi), ít tác dụng toàn thân, ít đi vào máu nên đa số không gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng lên tiêu hóa, huyết áp, đường huyết,… như corticoid dạng uống.

Một số tác dụng phụ thường gặp (nấm miệng, khàn giọng) có thể dự phòng dễ dàng bằng việc thực hiện đúng kỹ thuật xịt hít và súc miệng sau khi dùng thuốc. Vì thế, vẫn khá an toàn khi sử dụng trong thời gian dài.

Corticoid dạng xịt mũi chứa Budesonide,… có thể mua tại các nhà thuốc, dùng 1 lần trong ngày và tác dụng ổn định 24 giờ. Tuy vậy, với bất kỳ loại thuốc nào cũng cần sử dụng đúng cách, đúng chỉ định, không tự ý ngưng hoặc sử dụng quá thời gian khuyến cáo (nên có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hoặc dược sĩ nhà thuốc). Có như vậy, thuốc mới đạt hiệu quả kiểm soát triệu chứng tối ưu, và giúp hạn chế tái phát viêm mũi dị ứng.

Nghẹt mũi, chảy nước mũi - những triệu chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập (Ảnh minh họa)

5. Để “chung sống hòa bình” với viêm mũi dị ứng, cần lưu ý gì trong sinh hoạt? Làm gì để tránh viêm mũi dị ứng tái phát?

Để “chung sống” hòa bình với viêm mũi dị ứng, người bệnh cần nhớ:

- Cách tốt nhất để phòng dị ứng là tránh các tác nhân dị nguyên gây bệnh.

- Chọn các loại thuốc chống dị ứng ít có tác dụng phụ.

- Không sử dụng thuốc chống nghẹt mũi trong thời gian dài.

- Dùng thuốc xịt corticoid tại chỗ là phương pháp hiệu quả và tương đối an toàn trong điều trị viêm mũi dị ứng hiện nay.

Chương trình này được tài trợ bởi công ty Johnson & Johnson Việt Nam.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X