Viêm mũi họng một tí ra tiệm mua kháng sinh ngay?
Hàng ngày tại phòng khám tai - mũi - họng có rất nhiều bệnh nhân đến khám vì viêm đường hô hấp trên.
BS Nguyễn Trương Khương khám cho bệnh nhân |
Nhiều người trong số họ đi khám vì muốn bác sĩ kê toa có kháng sinh vì trước đó họ tự mua kháng sinh về uống nhưng không giảm.
Thật ra, những trường hợp viêm đường hô hấp trên mà cần sử dụng kháng sinh là rất ít!
Sự lạm dụng kháng sinh sẽ gây tốn kém, tăng nguy cơ kháng thuốc và có thể xảy ra các tác dụng phụ như nổi mẫn, tiêu chảy, buồn nôn, khó chịu dạ dày, nhiễm nấm và sốc thuốc kháng sinh.
Đường hô hấp trên được giới hạn từ mũi cho đến thanh quản. Đây được coi như là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể khi hít thở không khí từ môi trường hoặc khi ăn uống.
Bệnh lý cấp tính của đường hô hấp trên có thể kể đến là viêm mũi họng cấp hay còn gọi là cảm cúm, viêm họng cấp, viêm mũi xoang cấp, viêm thanh quản cấp, viêm thanh thiệt cấp và viêm thanh khí quản cấp.
Nguyên nhân hầu hết của các bệnh lý này là nhiễm các loại vi rút từ môi trường, số ít còn lại là do nhiễm vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng khi sử dụng đúng trong các trường hợp bệnh có nguyên nhân do vi khuẩn.
Khi bị cảm cúm, không nên sử dụng kháng sinh
Trong dân gian thường xem cảm cúm là một bệnh, thật ra có thể phân biệt cảm và cúm là hai bệnh lý khác nhau, tuy là cùng bị nhiễm vi rút.
Bệnh cảm là do bị nhiễm các vi rút thông thường như rhinovirus, adenovirus, corona virus và một số vi rút khác. Bệnh cúm do các loại vi rút cúm mà tiên biểu là influenza vi rút nhóm A và B hay còn gọi tắt là cúm A, cúm B.
Cảm và cúm tuy có triệu chứng giống nhau như chảy mũi, nghẹt mũi, hắc xì, đau họng, nhưng bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, đau nhức cơ dữ dội, đau đầu nhiều, ho nhiều và có thể đau ngực.
Cúm thường có dịch hoặc theo mùa, bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày và dễ đưa đến các biến chứng nặng như viêm phổi và suy hô hấp.
Trong khi đó, cảm thông thường có thể gặp quanh năm, thời gian bệnh thường kéo dài 3 đến 5 ngày và chỉ đưa đến các biến chứng nhẹ hơn như viêm xoang, viêm tai giữa hoặc viêm phế quản.
Thời gian kéo dài tối đa của cả hai loại bệnh có thể lên đến hai tuần trong một số ít trường hợp.
Để điều trị cả hai loại bệnh này bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc long đàm giảm ho, giảm sổ mũi nghẹt mũi và đau họng, xông mũi họng.
Trong trường hợp cúm nặng có thể nhập viện hoặc sử dụng thuốc kháng vi rút theo chỉ định của bác sĩ.
Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh cho cả hai loại bệnh này nếu không có bằng chứng khách quan như phết họng hoặc cấy tìm vi khuẩn cho thấy có nhiễm vi khuẩn thêm vào hay còn gọi là bội nhiễm.
Viêm mũi xoang cấp có cần sử dụng kháng sinh?
Trong dân gian thường dùng từ viêm xoang thay cho từ viêm mũi xoang để chỉ cho tình trạng viêm niêm mạc của hố mũi và các xoang cạnh mũi.
Được gọi là viêm mũi xoang cấp khi triệu chứng của bệnh mới xuất hiện dưới 4 tuần.
Bốn triệu chứng chính của viêm mũi xoang bao gồm chảy mũi, nghẹt mũi, đau nhức vùng xoang mặt và giảm hoặc mất mùi. Ngoài ra còn có thể có các triệu chứng phụ đi kèm như sốt, ho, nhức đầu, mệt mỏi, hơi thở hôi.
Mặt dù 90% các trường hợp viêm đường hô hấp do vi rút đều có viêm xoang do vi rút đồng thời, nhưng chỉ có khoảng 0,5 đến 2% các trường hợp này tiến triển thành viêm xoang do vi khuẩn bị nhiễm vào sau đó.
Ở người lớn, khoảng 85% các trường hợp viêm xoang cấp sẽ thuyên giảm sau 7 đến 10 ngày mà không cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Các biện pháp điều trị không kháng sinh bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, xịt thuốc co mạch, và xịt thuốc kháng viêm tại chỗ.
Kháng sinh được sử dụng khi các triệu chứng không thuyên giảm nhưng lại có xu hướng nặng dần trong vòng 7 ngày. Thông thường, liều điều trị kháng sinh kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày là đủ.
Đau họng thường do nhiễm vi rút hơn là do nhiễm khuẩn
Hầu hết các trường đau họng, kèm ho, sổ mũi là do nhiễm vi rút. Ở cả trẻ em và người lớn, một năm bị từ 3 đến 5 lần viêm họng do vi rút là bình thường. Việc điều trị chỉ cần uống thuốc giảm đau, kháng viêm, súc miệng bằng nước muối sinh lý bệnh sẽ khỏi sau 3 đến 5 ngày.
Viêm họng do nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ ít hơn, thường là biểu hiện đau dữ dội, đột ngột, kèm sốt, rất hiếm khi có kèm ho hoặc sổ mũi, có thể kèm theo nhức đầu, nổi hạch cổ, ói mữa hoặc đau bụng. Vi khuẩn thường gặp nhất trong trường hợp viêm họng do vi trùng là loại liên cầu khuẩn tiêu huyết beta nhóm A.
Để chẩn đoán chắc chắn, bác sĩ thường phải phết họng và cấy tìm vi khuẩn, trước khi quyết định sử dụng kháng sinh.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cơ sở y tế không đủ điều kiện để thực hiện các phương pháp chẩn đoán chắc chắn, do vậy bác sĩ sẽ dựa vào kinh nghiệm của mình khi thăm khám.
Điều này sẽ không tránh khỏi sai sót hoặc là chẩn đoán viêm họng do vi rút thành viêm họng do vi khuẩn hoặc ngược lại. Trong những trường hợp không rõ ràng, điều cần nhất là sự chia sẽ thông tin và hợp tác tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân để điều trị đúng và kịp thời.
Làm thế nào để phòng bệnh viêm đường hô hấp?
Hai nguyên tắc phòng bệnh viêm đường hô hấp là tránh tối đa tiếp xúc với vi khuẩn, vi rút trong môi trường, và luôn giữ cho cơ thể có một sức đề kháng, một hệ miễn dịch khoẻ mạnh để có thể chống lại bệnh.
Giữ vệ sinh, đặc biệt là rửa tay thường xuyên, khi ho hoặc hắc xì nên dùng cánh tay che lại, ngưng hút thuốc lá hoặc tránh xa môi trường có khói thuốc lá.
Tránh tiếp xúc với các người đang bị viêm đường hô hấp hoặc có người trong gia đình đang bị viêm đường hô hấp.
Thận trọng khi đi du lịch, tiếp xúc với nhiều người trong nhiều môi trường khác nhau.
Tập thể dụng đều đặn, ăn uống điều độ, uống đủ nước và ăn nhiều rau quả.
Cần kiểm soát chặc chẽ các bệnh lý hô hấp sẵn có như viêm mũi dị ứng, polyp mũi, suyễn.
Chủng ngừa cúm hàng năm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tuổi trẻ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình