Còn chưa đầy 24 tiếng, tại 397 Nguyễn Văn Cừ, Q.Ninh Kiều sẽ diễn ra lễ khánh thành bệnh viện cấp cứu đột quỵ đầu tiên tại Cần Thơ, cũng là bệnh viện chuyên về cấp cứu đột quỵ duy nhất của cả 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Thật xúc động khi được theo chân vị thuyền trưởng - linh hồn của con thuyền S.I.S (viết tắt của Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S - chuyên cấp cứu đột quỵ Cần Thơ) đi kiểm tra thiết bị cấp cứu, phòng mổ... trước ngày bệnh viện chính thức vận hành.
TS.BS Trần Chí Cường - vị giám đốc tâm huyết sẽ lèo lái con thuyền S.I.S ra biển lớn
Vừa đi, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa giải thích về sự khác biệt của bệnh viện chính là: “Chuẩn hóa quy trình cấp cứu đột quỵ. Nhuần nhuyễn chính xác trong từng thao tác khi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ. Với hệ thống trang thiết bị đầy đủ - đúng chuẩn các nước tiên tiến, giúp bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất có thể”.
Ông tranh thủ những giây phút thong thả hiếm hoi, ân cần giải thích về quy trình cấp cứu đột quỵ chuẩn hóa là như thế nào, DSA là gì và được ứng dụng ra sao? Mời bạn đọc cùng theo dõi.
Quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được thực hiện như thế nào, thưa TS.BS Trần Chí Cường?
Quy trình cấp cứu xử lý đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ) tùy thuộc vào 2 nhóm bệnh nhân.
Nhóm thứ 1 là bệnh nhân tự đến, khi vào phòng cấp cứu bệnh nhân sẽ được khám, đánh giá các triệu chứng. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu của đột quỵ thì sẽ được chuyển ngay đến phòng chụp CT để kiểm tra bị đột quỵ nhồi máu não hay xuất huyết não. Căn cứ vào mốc thời gian sẽ điều trị theo phác đồ làm tan cục máu đông hay lấy huyết khối, đối với bệnh nhân bị nhồi máu não.
Nhóm thứ 2 là nếu như bệnh nhân bị xuất huyết não thì sẽ tìm nguyên nhân bằng cách chụp CT hoặc MRI 3 Tesla để tìm xem mạch máu nào bị vỡ và sẽ điều trị nguyên nhân của vỡ mạch máu đó.
Đối với nhóm bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện khác và được liên hệ trực tiếp qua tổng đài thì việc điều trị sẽ chủ động hơn. Nghĩa là khi bệnh nhân hoặc đồng nghiệp, các bệnh viện gọi vào tổng đài cấp cứu đột quỵ 1800 1115 thì chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng ê-kíp để đón tiếp bệnh nhân từ phòng cấp cứu và khởi động ê-kíp can thiệp nếu như bệnh viện tuyến bạn đã chẩn đoán bệnh nhân nghi ngờ có đột quỵ cấp.
Chúng tôi có đầy đủ phương tiện, máy móc từ CT 128 lát cắt, máy MRI 3 Tesla có thể chụp mạch máu não mà không cần bơm thuốc tương phản, phòng thông mạch máu bằng DSA chuẩn tương đương với các bệnh viện đầu ngành trên thế giới.
Ngoài ra, khoa Vật lý trị liệu của bệnh viện còn có tập phục hồi chức năng, đầy đủ các bộ phận để phục vụ tốt nhất cho chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại khu vực miền Tây.
Đặc biệt, trong tương lai chúng tôi còn phát triển hệ thống cấp cứu đột quỵ đường sông bằng cano, cho những bệnh nhân bị đột quỵ mà không tiếp cận được bằng đường bộ.
Không giống như buổi họp giữa lãnh đạo và nhân viên, trong đêm trực đầu tiên, TS.BS Trần Chí Cường cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các điều dưỡng như một người anh đi trước
Ông tận tay kiểm tra từng phòng ốc của bệnh viện. Từ khu cấp cứu, phòng DSA đến giường bệnh. Ông dặn dò từng công tắc điện, đến việc phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ phòng phù hợp với người bệnh hay chưa.
Chúng tôi thấy Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S có phòng DSA. DSA thực chất là làm gì, thưa bác sĩ? Thế nào là 1 ca DSA thành công? Một ca DSA thường mất bao nhiêu thời gian?
Thuật ngữ DSA ngày nay rất phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. DSA (Digital subtraction angiography) là kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa những ống thông từ động mạch đùi, sau đó luồn trong cơ thể bệnh nhân đi theo đường mạch máu đến tận mạch máu “bị bệnh” và xử lý trong đó.
Công nghệ này gọi là can thiệp trong lòng mạch. Nghĩa là chúng tôi đưa ống thông từ động mạch đùi hoặc mạch máu trên tay đi vào trong cơ thể theo đường mạch máu và xử lý có thể bằng stent mạch vành, stent mạch máu não hoặc can thiệp cầm máu trong một số trường hợp bệnh nhân vỡ gan, vỡ lách... Như vậy, nhờ có DSA, chúng ta có thể xử lý rất nhiều các trường hợp liên quan đến hệ thống mạch máu trên khắp cơ thể.
Thời gian xử lý một ca DSA còn tùy theo mức độ nặng - nhẹ. Với những ca đơn giản thì có thể làm xong trong 1 giờ, phức tạp hơn thì 3-4 giờ đồng hồ.
Việc chẩn đoán, điều trị DSA này không chỉ đơn thuần chỉ dựa vào máy móc hiện đại mà còn đòi hỏi bác sĩ được huấn luyện tay nghề, chuyên môn rất cao để đặt stent, đặt coil, nong mạch máu não... Thời gian tối thiểu để đào tạo một bác sĩ có thể thực hiện được kỹ thuật can thiệp chụp DSA trung bình khoảng 1-2 năm.
Sự thành công của DSA trên người bệnh tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: bệnh nhân mắc bệnh gì, mức độ nặng hay nhẹ, thời gian can thiệp có đúng trong khoảng thời gian vàng hay không, bác sĩ có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn đảm bảo thực hiện an toàn cho người bệnh hay không, và phương tiện máy móc có được trang bị tốt chưa...
Chi phí cho một ca DSA khoảng bao nhiêu? Chi phí phụ thuộc vào điều gì?
Chi phí chụp thực hiện DSA trung bình khoảng 8-10 triệu đồng, đối với những trường hợp chụp hệ thống mạch máu não hoặc chụp mạch vành. May mắn là hiện nay chụp DSA đã được BHYT thanh toán khá cao, khoảng 4-5 triệu đồng.
Cách chăm sóc bệnh nhân sau DSA? Sau làm DSA có cần tái khám?
Đối với phương pháp chụp DSA, việc chăm sóc sau đó khá đơn giản, chúng tôi không sử dụng những phương pháp xâm lấn (mổ) mà chỉ đưa vào cơ thể một ống nhỏ. Sau khi rút ống đó ra thì chỉ cần băng ép, cầm máu khoảng 8-24 giờ bệnh nhân hoàn toàn có thể đi đứng, sinh hoạt bình thường. Nó khác hẳn so với những phương pháp điều trị trước đây là mổ (chẳng hạn xử lý những dị tật, dị dạng trong não thì cần phải mổ hở, cưa xương, cưa sọ thì bệnh nhân phải nằm một thời gian rất dài trong phòng hồi sức).
Đối với DSA thì hậu phẫu khá nhẹ nhàng, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân hơn và giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như là giảm nguy cơ về hô hấp, biến chứng gây mê cho người bệnh. Đó là ưu điểm của DSA và nó cũng phù hợp với khuynh hướng chung của thế giới, là ngày càng mong muốn những phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, nhẹ nhàng, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân.
10g30 tối, ông vẫn đi thăm hỏi từng bệnh nhân còn thức, động viên và trấn an tinh thần trước khi được điều trị
Phương pháp DSA có chống chỉ định cho các đối tượng nào đặc biệt như bệnh tim mạch, tiểu đường...?
Chống chỉ định của DSA tương đối ít so với những phương pháp phẫu thuật lớn. Đó là:
Đối với chống chỉ định tuyệt đối là khi người bệnh có kết quả giải phẫu không thể luồn được các ống vào đường mạch máu và để đánh giá điều này thì chúng ta có thể sử dụng các cận lâm sàng, không xâm lấn như tôi đã nói ở trên: chụp MRI mạch máu…
Chống chỉ định thứ 2 (tương đối) là với phụ nữ mang thai hoặc trẻ em. Nếu không cần thiết thì không chỉ định bệnh nhân làm DSA vì đây là phương pháp sử dụng tia X. Khi tiếp xúc với tia X về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư trong một số trường hợp. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề lớn bởi bệnh nhân chỉ tiếp xúc một vài lần thì không đáng kể.
Đối với bệnh nhân tiểu đường đang dùng metformin, chụp DSA có hại gì hay không? Xử lý như thế nào?
Trên lý thuyết, bệnh nhân tiểu đường đang dùng metformin khi chụp có thuốc cản quang, can thiệp DSA có khả năng làm tăng nguy cơ suy thận. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có nguy cơ.
Do đó, nếu cần thiết trong trường hợp cấp cứu thì chúng ta vẫn phải làm, sau đó theo dõi chức năng thận thật tốt, thậm chí có những trường hợp thận diễn tiến suy nặng hơn thì cần tính tới lọc thận cho người bệnh.
Đối với các ca đột quỵ tim, ai sẽ trực tiếp xử lý?
Chúng tôi có ê-kíp có thể xử lý được can thiệp mạch máu tim, can thiệp nhịp cũng như là can thiệp tim bẩm sinh.
Ca can thiệp DSA đầu tiên tại bệnh viện do chính TS.BS Trần Chí Cường "mở hàng"
Bác sĩ có thể giới hiệu phòng DSA của Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S được trang bị như thế nào, có khác gì so với những bệnh viện trên thế giới?
Phòng DSA của bệnh viện được trang bị hiện đại tương đương với các nước đi đầu về can thiệp thần kinh đột quỵ trên thế giới như Thụy Sỹ, Mỹ, Thái Lan... Chúng tôi đầu tư đồng bộ, từ hệ thống máy móc đến các vật dụng nhỏ nhất.
Đầu tiên là hệ thống máy được lắp đặt thế hệ mới nhất, cuối năm 2018. Hệ thống đầu đèn thế hệ mới này giúp giảm được lượng tia X, giúp bệnh nhân và bác sĩ hạn chế tiếp xúc quá nhiều với loại tia này.
Ngoài ra, với chất lượng hình ảnh tốt hơn, đặc biệt là thế hệ màn hình mới nhất, độ rộng và zoom nhỏ nhất để có thể quan sát được hình ảnh tốt nhất. Sàn epoxy không có đường ron, giúp giảm khả năng nhiễm khuẩn cho người bệnh.
Không khí vô trùng tại phòng DSA được trang bị như tại phòng mổ. Hơn nữa, các trang thiết bị bổ trợ như máy gây mê có tuần hoàn giúp đẩy khí mê cặn hoặc khí mê thải của bệnh nhân ra ngoài phòng mổ để tránh tình trạng bác sĩ hít những thuốc mê đó lâu ngày có thể gây bệnh nghề nghiệp như tăng men gan, xơ gan.
Thưa bác sĩ, thông thường khi nhắc đến từ “quốc tế” nhiều người thường gắn nó với việc phải thanh toán chi phí cao ngất ngưởng khi thăm khám và điều trị. Xin hỏi bác sĩ mức giá của Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có thực sự “khó gần” như vậy?
Người bệnh có được thanh toán BHYT khi thăm khám tại bệnh viện không, thưa bác sĩ?
Chữ “quốc tế” trong Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được hiểu theo một nghĩa khác, nó hàm ý là làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi mời những chuyên gia đầu ngành trên thế giới về đây thực hành chứ quốc tế không có nghĩa là chi phí cao.
Tôi khẳng định là chữ quốc tế của Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện Tim mạch Đột quỵ Cần Thơ) hoàn toàn không liên quan đến giá cả. Chúng tôi cũng như các nhà đầu tư, bác sĩ tâm huyết cùng góp công sức, tài chính của chính mình để xây dựng bệnh viện với mục tiêu cứu người. Chúng tôi sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân với mức hỗ trợ tốt nhất, phục vụ cho mọi nhu cầu, nhiều đối tượng khác nhau.
Trong tương lai, bệnh viện sẽ được thanh toán bảo hiểm cũng giống như các bệnh viện khác để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Nhà báo Hồng Tâm - người sáng lập AloBacsi nồng nhiệt chúc mừng TS.BS Trần Chí Cường sau đêm trực đầu tiên và những ca DSA "mở hàng" được thực hiện thành công tại bệnh viện SIS.
Tối 19/2, sảnh chờ của bệnh viện chật kín hoa chúc mừng lễ khánh thành
Lễ khánh thành sẽ chính thức diễn ra vào sáng ngày 20/2/2019 nhưng tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ lúc này đã rất náo nhiệt. Ai nấy đều cấp tập chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để buổi lễ được diễn ra chu đáo.
Một ngày may mắn và tràn đầy hứng khởi đã lan tỏa khắp bệnh viện ngay từ sáng sớm. Hiếm có bệnh viện nào được người bệnh và thân nhân chờ đợi đến vậy, ngay khi khu điều trị nội trú “khai trương”, 20 người bệnh đã “khăn gói” đợi sẵn để nhập viện.
“Đầu tiên” luôn là điều thiêng liêng nhất khiến người ta phải chờ đợi. Đêm trực đầu tiên, ca cấp cứu đầu tiên, ca can thiệp DSA đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S cũng không ngoại lệ.
Vui mừng xen lẫn lo lắng, hồi hộp là tâm trạng chung của tất cả các thành viên trong ngôi nhà chung S.I.S.
|
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn