Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị chấn thương đầu, khi nào cần đi khám?

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ, Cho em hỏi là bé nhà em chạy giỡn bị té đập đầu. Khi bé có biểu hiện như thế nào là cần phải đi khám ạ? Dấu hiệu cần đi khám của bé nhỏ và người lớn có giống nhau không ạ? Bé nhà em 4 tuổi. Cảm ơn bác sĩ!

Trả lời

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

ThS.BS Khâu Minh Tuấn

Phụ trách khoa Cấp cứu tổng hợp - Bệnh viện Nhân dân 115

Bé bị té đập đầu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bé bị té đập đầu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn Ánh Hồng,

Trong cuộc đời mỗi người, hầu hết ai cũng có chấn thương nhẹ ở đầu. Tuy nhiên, những chấn thương nặng gây tổn thương sọ não sẽ diễn tiến nặng nề hơn hoặc thậm chí tử vong.

Chấn thương sọ não thường bắt nguồn từ các loại chấn thương về não bao gồm chảy máu, tụ máu, dập não. Các triệu chứng của chấn thương não phụ thuộc vào loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương đó. Triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc phát triển chậm.

Do trẻ em chưa thể diễn đạt và cấu tạo cơ thể hoàn chỉnh nên có những biểu hiện khác như người lớn khi có chấn thương sọ não. Sau chấn thương, trẻ thường quấy khóc, đôi khi vật vã hoặc lừ đừ, rên rỉ và bỏ bú. Trẻ có thể buồn nôn hay nôn nhiều lần, ngay cả khi không ăn uống gì. Than đau đầu là triệu chứng chỉ gặp ở trẻ lớn.

Ở các trường hợp nặng, thương tổn trong sọ, trẻ có các dấu hiệu thần kinh như co giật, yếu liệt chân, giãn đồng tử và đi vào hôn mê, ngủ gọi không tỉnh dậy. Trong một số trường hợp, lỗ tai hay lỗ mũi trẻ có thể bị chảy máu hoặc chảy dịch trong vài giờ hay vài ngày sau tai nạn.

Khi trẻ bị tai nạn hay nghi ngờ có chấn thương sọ não, cha mẹ phải thật sự bình tĩnh, không được sợ hãi, la khóc bởi điều này càng làm cho trẻ hoảng sợ. Không được vắt chanh vào miệng khi trẻ co giật như nhiều người vẫn làm vì có thể gây hít sặc. Phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nhi có chuyên khoa ngoại thần kinh để được thăm khám, tư vấn và nếu cần có thể phải nhập viện theo dõi.

Trong một số trường hợp, chấn thương sọ não không có triệu chứng gì khi thăm khám; lúc đó trẻ sẽ được bác sĩ cho về nhà. Trẻ phải được theo dõi trong ít nhất một tuần lễ và đưa đi tái khám ngay nếu có một trong các dấu hiệu: quấy khóc nhiều, than đau đầu, buồn nôn hay nôn ói nhiều lần, co giật tay chân, lúc tỉnh lúc mê, ngủ gọi không thức, lỗ mũi hay lỗ tai chảy máu hay nước trong, yếu liệt chân.

Cha mẹ cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây tai nạn. Trong sinh hoạt hay vui chơi, lúc nào trẻ cũng phải trong tầm kiểm soát của người lớn, tránh cho trẻ chơi gần cầu thang, gác lửng hay ban công không có lưới rào an toàn. Nên đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn cho trẻ khi ngồi trên các phương tiện giao thông.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Chấn thương đầu ở trẻ em sau tai nạn té ngã là một rủi ro thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ cần lưu tâm để ngăn ngừa rủi ro, hạn chế nguy cơ có thể gây chấn thương đầu cho trẻ.

Nhà có trẻ nhỏ cần làm tấm chắn nơi giường trẻ nằm, lối đi ra cầu thang, bếp nấu ăn, ban công... Các cửa sổ nếu mở cho thoáng phải có song đã được khóa kỹ để tránh trường hợp trẻ biết đi leo trèo gây nguy hiểm.

Nếu trẻ nằm giường hay nôi, võng cần phải đảm bảo che chắn an toàn sao cho trẻ không bị rơi xuống sàn. Dưới chân giường cần trải nệm, tường sát giường cũng được dán tấm xốp, tấm nệm mút lên đề phòng trẻ hiếu động tập bò, tập lẫy có thể va đầu vào tường. Chú ý nôi, võng dây cột phải chắc và đưa lắc nhẹ nhàng khi trẻ ngủ.

Đối với trẻ nhỏ, khi cho trẻ ngồi vào ghế cao hay xe đẩy phải có dây đai giữ; hạn chế cho trẻ ngồi xe tập đi vì có thể làm trẻ lộn nhào.

Đối với trẻ lớn ở độ tuổi đi học, cha mẹ và nhà trường cần giảng giải cho trẻ biết nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh tai nạn.


ThS.BS Khâu Minh Tuấn
Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X