Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương: Bị viêm dạ dày có cần tầm soát ung thư?

Trong chương trình giao lưu trực tuyến sáng ngày 10/10, bạn đọc AloBacsi sẽ gặp lại ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với chủ đề viêm dạ dày. Mời bạn đọc đón xem.

1. Thưa bác sĩ, vì sao bệnh viêm dạ dày, viêm loét dạ dày hay tái đi tái lại?

Viêm loét dạ dày tái đi tái lại là có lý do của nó.

Dạ dày của chúng ta hoạt động không ngừng nghỉ, từ lúc cất tiếng khóc chào đời đã phải bú mẹ cho tới ngày nằm xuống.

Thực sự miệng là nơi dơ nhất của cơ thể bởi bất kỳ thứ gì cũng cho vào miệng. Mà chúng ta ăn là dạ dày phải làm việc. Dạ dày có 2 hoạt động, đó là vật lý và hóa hóa học. Thứ nhất, vật lý ở đây thuộc dạng cơ học. Kể cả lúc chúng ta không ăn uống, nghỉ ngơi thì nó vẫn phải co bóp liên tục. Tương tự như biển phải có sóng, dạ dày cũng vậy. Dù không ăn uống thì nó vẫn có những đợt sóng nhấp nhô, còn khi chúng ta ăn thì như sóng xô bờ, dạt dào.

Thứ hai là hóa học, tiết ra các chất mục đích chính để tiêu hóa thức ăn. Quan trọng nhất là Axit clohydric, đây là 1 trong 2 loại axit mạnh nhất, bên cạnh axit sulfuric. Dạ dày ghê gớm lắm, mỗi ngày đều tiết ra axit, càng đói càng tiết ra đỉnh điểm. Như vậy, có thể thấy dạ dày phải sự phá hoại của một loại axit có khả năng “hủy hoại dung nhan của tình địch”.

Nhưng ông trời lại phú cho dạ dày một thành lũy rất dày và có màng bảo vệ. Nhưng một khi đã bị viêm loét thì thành trì sẽ bị bào mòn trở nên mỏng manh, trầy xước thì nó sẽ trở thành điểm yếu và ngoài kia thì có vô vàn yếu tố ngày đêm chực chờ để tấn công vào điểm yếu đó. Ngay trong món ngon mỗi ngày ta thưởng thức, gia vị nêm nếm có đặc điểm kích ứng dạ dày, khiến nó tiết chất axit nhiều hơn, ví dụ như ớt, kim chi, cải chua…

Đây đều là những yếu tố bào mòn dạ dày. Khi dạ dày chưa “tan vỡ” thì nó có thể chịu được, nhưng nếu ngày nào chúng ta cũng mở rộng cơ hội tấn công thì chắc chắn có ngày cũng đổ vỡ, giống như tình yêu nào cũng có giới hạn. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như rượu bia, thuốc lá, thuốc kháng sinh, kháng viêm dùng để điều trị bệnh có thể gây tác dụng phụ trên dạ dày.

Đặc biệt, việc tiết ra các chất trong dạ dày cũng ảnh hưởng nhiều bởi hoạt động ăn uống. Tại sao cứ tới giờ đó chúng ta bắt đầu cồn cào? Câu trả lời là vì dạ dày hoạt động nhịp nhàng có thời khóa biểu. Tuy nhiên, lối sống công nghiệp hiện nay khiến chúng ta ăn uống không điều độ, vội vàng, nghỉ ngơi không hợp lý cũng khiến dạ dày phải lên tiếng. Ăn uống quá nhanh cũng giống như việc vận động viên ra sân mà không khởi động.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như thực phẩm không vệ sinh, tái nhiễm vi trùng HP... Những điều này khiến việc đau dạ dày tái đi tái lại.

Nếu việc điều trị không dứt điểm dẫn đến những biến chứng gì ạ?

Viêm loét dạ dày mạn tính có 4 biến chứng. Đầu tiên là từ những viêm loét mạn tính, dạ dày bị bào mòn, lở loét, mặc dù có “thay mới đổi cũ” nhưng nếu quá nhiều sẽ khiến nó mệt mỏi, thay toàn đồ “dỏm”, dần dà trở thành ung thư dạ dày. Đây là biến chứng mà không ai muốn gặp nhất. Thứ 2 là xuất huyết dạ dày. Thứ 3 là lở loét quá nặng gây lủng dạ dày. Thứ 4 ít gặp hơn là hẹp môn vị, biến chứng này có thể hiểu nôm na là việc viêm loét - lành thương tái lặp nhiều lần khiến dạ dày trở nên méo mó, đường đi hẹp lại, thức ăn đi xuống khó khăn, ứ đọng lại. Tương tự như chiếc áo bị rách, vá đi vá lại nhiều lần thì sẽ trở nên nhăn nheo, xấu xí.

Vậy những biến chứng này có thể điều trị không thưa bác sĩ?

Nếu là ung thư thì có phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Xuất huyết tiêu hóa sẽ phải phối hợp giữa nội soi can thiệp, dùng thuốc, truyền máu, trường hợp không đáp ứng thì phải mổ vá lại. Lủng dạ dày thì cách duy nhất là vá lại, như ruột xe vậy đó. Với biến chứng hẹp môn vị việc điều trị nội khoa (thuốc) không mấy hiệu quả, phải ăn uống kiêng cữ, ăn đồ mềm, nếu không giải quyết được thì phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn đó, như thay áo dài tay thành ngắn tay, chứ không cách gì sửa được.

Bị viêm dạ dày có nhất thiết phải kiểm tra HP 6 tháng 1 lần để phòng ngừa ung thư?

Điều này không đúng. Không có người bình thường nào tự nhiên 6 tháng đi tầm soát tìm vi khuẩn HP. Chúng ta chỉ tầm soát trên người không có triệu chứng nếu họ có tiền sử người thân trong gia đình (quan hệ huyết thống) đã mắc u lành, u ác trong đường tiêu hóa, hoặc đã từng nhiễm HP. Tầm soát 1 lần là đủ, không cần phải thực hiện 6 tháng 1 lần.

2. Tôi nghe nói nghệ rất tốt cho điều trị chứng đau dạ dày, nhưng tôi không biết là nghệ đen hay nghệ vàng tốt? Dùng loại bào chế nào tốt cho sức khỏe ạ?

Nghệ vàng có hiệu quả điều trị bệnh lý về dạ dày bởi hoạt chất chính mà y học hiện đại đã tìm ra là Curcumin.

Curcumin giúp tạo thêm màng bảo vệ dạ dày khỏi những yếu tố tấn công mà tôi đã nói ở trên. Do đó, dù có hay không có vi trùng HP thì vẫn tác dụng như vậy, giống như tình yêu, dù em đáp lại hay không đáp lại thì tôi vẫn sẽ che chở.

Ngoài ra, curcumin còn có tác dụng ức chế một số vi trùng phát triển, dĩ nhiên nó không phải kháng sinh để diệt vi trùng nhưng người ta thấy rằng một số vi trùng, kể cả vi trùng lao khi nuôi cấy chung hoạt chất curcumin có trong nghệ thì những vi trùng đó hoạt động yếu đi.

Do đó, nếu có HP thì curcumin làm con vi trùng khó "xây tổ uyên ương" hơn, vì yếu làm sao xây tổ. Tuy không diệt tận gốc nhưng khiến nó khó xây nhà thì đã đạt yêu cầu. Còn nếu không có vi trùng HP thì curcumin giúp bảo vệ ống tiêu hóa.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, tại sao khi đi khám HP âm tính nhưng vẫn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày?

Về lý thuyết, vi trùng HP gây loét dạ dày chỉ chiếm 60%, còn lại không có nó thì vẫn bị như thường. Chúng ta không nên lo sợ vô cớ. Tuy nhiên, nếu có người thân trong gia đình bị viêm loét dạ dày, thứ 2 là người sống trong cùng một nhà nhiễm vi trùng HP thì có khả năng bị lây, thứ 3 là người thân ruột thịt (không phải vợ chồng mà là bà con có liên hệ huyết thống) bị ung thư, u lành của đường tiêu hóa bao gồm cả dạ dày lẫn ruột thì có thể có di truyền, có khả năng mắc những bệnh dễ biến chuyển thành ung thư dạ dày, ung thư ruột nhiều hơn. Những người như vậy khi trên 40 tuổi dù khỏe mạnh thì nên tầm soát bệnh lý về đường tiêu hóa trên và dưới, trong đó có dạ dày.

3. Thưa bác sĩ, vợ chồng em đều có HP, 2 đứa nhỏ, 1 đứa 8 tuổi, đứa 10 tuổi bị viêm dạ dày, không HP. Xin hỏi bệnh dạ dày có di truyền không? Gia đình em nên lưu ý gì trong sinh hoạt để nhanh lành bệnh và tránh tái phát thưa bác sĩ? Khi cả nhà đều bị viêm dạ dày như vậy thì có cần khám tiêu hóa định kỳ không? Nếu có thì bao lâu nên khám một lần? Đây là câu hỏi mà bạn đọc Khánh Nam, ngụ quận 12, TPHCM có gửi đến BS Lưu Phương ạ.

Khánh Nam thân mến,

Tôi thấy khá lạ khi cả 2 vợ chồng đều nhiễm HP nhưng 2 bé không bị. Như vậy, điều này có thể minh chứng cho việc dạ dày có rất nhiều yếu tố tấn công. Những người trong gia đình sống chung nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhưng thực tế gia đình bạn cho thấy 2 bé đều không bị nhiễm HP mà vẫn khó chịu dạ dày.

Bệnh lý dạ dày thường không di truyền, chỉ trừ ung thư dạ dày là yếu tố liên hệ về huyết thống làm cho nguy cơ dễ mắc căn bệnh này hơn chứ không phải chắc chắn 100%.

Bệnh dạ dày không có yếu tố di truyền, ngoại trừ ung thư dạ dày. Việc ăn uống chung, sinh hoạt trong gia đình sẽ chia sẻ yếu tố gây bệnh giống nhau. Ảnh: Internet

Vậy bố, mẹ bị viêm loét dạ dày thì con có bị hay không? Xin thưa là không. Nhưng nếu bố, mẹ bị viêm loét dạ dày do vi trùng HP thì con cũng dễ bị hơn vì khi ăn uống chung xác xuất lây nhiễm cao hơn người khác. Có nhiều yếu tố chung, ví dụ vợ chồng làm việc khuya, stress… thì con cái cũng không vui, ảnh hưởng đến tâm lý. Hoặc bố mẹ thành đạt, áp lực lên con cái cũng cao hơn, dẫn đến căng thẳng. Stress gây ảnh hưởng tiết dịch dạ dày, hoạt động co bóp. Gia đình ăn giống nhau thì sẽ chia sẻ yếu tố gây bệnh giống nhau, đó là lý do hay bị mắc bệnh dạ dày chung chứ không phải do di truyền.

Trường hợp nhà bạn, đau dạ dày có vi trùng HP, việc điều trị thông thường tối thiểu 3 tháng, 2 tuần đầu tấn công diệt vi trùng, tiếp đến duy trì dạ dày ổn định, sau đó ngưng thuốc để kiểm tra xem hết vi trùng hay chưa, dạ dày lành chưa. Nếu tạm ổn định thì có thể ngưng thuốc, nếu chưa ổn định, còn khó chịu đôi khi phải dùng thuốc duy trì kéo dài hàng năm. Khi tái phát thì uống thuốc lại. Và tùy theo nội soi thấy tổn thương trên dạ dày có teo, mỏng không? Nếu có thì dù đã điều trị êm rồi thì sau 1-2 năm vẫn phải nội soi tiêu hóa kiểm tra những tổn thương dạ dày đã lành đó có gây ra vết sẹo dễ biến chuyển thành ung thư không. Điều này là cần thiết.

AloBacsi trân trọng cảm ơn ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã chia sẻ những thông tin hữu ích về bệnh viêm dạ dày. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Chân thành cảm ơn Scurma Fizzy - Elepharma đã đồng hành cùng chương trình!

SCurma Fizzy - Tập trung viêm loét hỗ trợ khỏe nhanh dạ dày

Sản phẩm được phân phối bởi Công ty Cổ phần Elepharma
VPGD: Số nhà 9, Trương Công Giai, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội
GPKD số 0107844969 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp ngày 15/01/2015
Sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà
Hotline tư vấn (miễn phí): 1800 6091
Website: https://scurmafizzy.com/
Số GPQC: 01945/2017/ATTP-XNQC

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X