Hotline 24/7
08983-08983

Tật cắn móng tay: Khó bỏ nhưng chẳng phải không thể

Cắn móng tay là thói quen xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Các chuyên gia công nhận tật này khó bỏ, nhưng vẫn có cách “cai nghiện”.

Trẻ cắn móng tay, người lớn cũng thế. Đàn bà cắn móng tay, nam giới cũng tham gia. Cắn móng tay là một thói quen dễ ghiền. Ước tính có từ 20 đến 30% dân số đang chật vật tìm cách bỏ tật gặm nhấm móng tay mình hàng ngày. Theo các chuyên gia, có thể “cắt cơn nghiện” nếu người ta chịu khó bỏ chút nỗ lực. Dưới đây là một số bí quyết để triệt được hẳn tật cắn móng tay.

1. Xác định động cơ xuất phát

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Paul DePompo, các lý do phổ biến nhất khiến người ta có tật cắn móng tay thường là để nghiền ngẫm một vấn đề gì đó, kềm cơn giận, chế ngự cảm xúc trước một tình huống hoặc thói quen phải nhai một thứ khi suy nghĩ. Chẳng hạn hay cắn lúc họp là do căng thẳng.

Cắn móng tay lúc xem TV là kiểu giết thời gian. Nên nhớ, chìa khóa để chặn đứng thói quen trước tiên là phải hình dung ra vì sao ta bắt đầu làm vậy, từ đó mới nghĩ ra cách hành động. Cho dù bạn có thử mọi biện pháp truyền thống để khỏi cắn móng tay như đeo găng, nhai kẹo cao su hoặc sơn móng tay… nhưng nếu không tìm ra nguyên nhân gốc rễ hình thành thói quen này, sẽ chẳng bao giờ bạn bỏ được.

2. Nhờ bạn bè giúp đỡ

Đừng ngại nhờ giúp đỡ. Hãy tìm sự hỗ trợ từ người thân để giúp bạn vượt qua. Nghiên cứu cho thấy việc kết hợp với bạn bè thành nhóm để đạt được mục tiêu có thể làm tăng cơ hội thành công lên 95%.

Hãy nhờ bạn bè và gia đình nhắc nhở nếu họ thấy bạn bắt đầu cắn móng tay. Tốt hơn nữa là tìm cho được một người bạn cũng muốn bỏ thói cắn móng tay như bạn, và cả hai cam kết giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng hạn giao kết cứ khi nào thấy bạn cắn móng tay là người ấy kéo tay bạn ra. Tất cả hãy bắt đầu với nhận thức, cam kết nghiêm túc để dừng lại, và không ngừng luyện tập mỗi ngày để được tốt hơn.

3. Nghĩ tới an toàn vệ sinh của bản thân

Cứ tưởng tượng những gì ẩn dưới móng tay, nhiều người sẽ dần thôi không dám cắn nữa. Các bác sĩ da liễu nhận định ai hay cắn móng tay sẽ thường ít rửa tay, do đó khi bỏ tay vào miệng, họ xem như tự rước vi khuẩn vào người, nên dễ bị một số bệnh lây lan như cúm. Nhiều loại vi trùng quen thuộc thường thấy trên cơ thể lại hay ẩn dưới các móng tay, gây nhiễm trùng. Nấm cũng hay có mặt dưới móng tay dễ gây nấm móng, nó làm móng tay biến thành màu vàng, nâu hoặc đen. Đó là chưa kể đến thứ mụn cóc ở tay, khi móng được cắn, bệnh sẽ lây lên môi, lên miệng.

4. Nghĩ đến hàm răng

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, lực để cắn móng tay có thể chuyển đến chân răng, gây nhiều vết thương cho răng và nướu, cũng như tạo cơ hội cho vi khuẩn gây nhiễm trùng dẫn đến sâu răng. Hàm răng là công cụ giúp con người trong ăn uống chứ không dành để làm chuyện vô bổ có hại như… cắn móng tay.

5. Trang điểm móng tay thường xuyên

Các chuyên gia y tế cho rằng, những ai chịu bỏ tiền đi làm móng thường ít dính tật cắn móng tay. Bởi trước khi hành động theo thói quen ấy, họ sẽ nghĩ đến công sức, tiền bạc, và thời gian bỏ ra làm cho bộ móng đẹp, nay bị cắn sẽ thành công cốc. Nếu thợ cắt móng ngắn, sát, cũng sẽ không có cơ hội cho người ta cắn nữa.

6. Tìm hành động thay thế

Khi “cơn ghiền” cắn móng tay đến, bạn có thể trấn áp nó bằng một công việc gì đó cũng liên quan đến móng tay, nhưng không có hại. Chẳng hạn bạn sơn móng tay, cắt da viền móng, mài móng hay xức kem da bàn tay. Những hành động đó sẽ lấn át “cơn thèm” cắn, và khi nó qua đi, bạn dễ trở lại bình thường.

7. “Khủng bố” giác quan

Nếu khi cắn móng tay, bạn tiếp xúc với những gì không quen thuộc hàng ngày, nhất là nó liên quan đến vị và khứu giác, có lẽ bạn sẽ dừng hành động định làm. Thế nên, các chuyên gia gợi ra một số “mánh” để người ta sợ cắn móng tay. Đó là dùng sơn móng có mùi khó ngửi, đeo móng tay giả bằng chất liệu cứng, dày như acrylic, răng sẽ khó gặm nhấm.

Theo Hải Ngư - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X