Hotline 24/7
08983-08983

Sốt tái đi tái lại, theo AloBacsi thì nên khám chuyên khoa nào?

Sốt tái đi tái lại, ho nhiều vào buổi tối, người lớn tuổi lạnh run kèm đổ mồ hôi, vết tiêm ở mông sưng đau, chăm sóc vết thương ở môi... là nội dung tư vấn của BS Lan Hương.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Đạt Nguyễn - leenguyen…@gmail.com

Kính chào BS,

Em là Đạt 20 tuổi, ở quận 8. Khoảng một tuần gần đây, khi ngủ em có ho và ho rất nhiều, bình thường thì không có bị như vậy. Em đã thử uống dinh dưỡng nhưng không bớt. Vậy không biết em có nên mua thuốc ho bình thường về uống không à? Em cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Đạt,

Triệu chứng ho nhiều vào buổi tối, khi ngủ, có thể gặp trong nhiều nguyên nhân, như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng chảy dịch mũi sau, tiếp xúc với tác nhân dị ứng, lao phổi...

Thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng không có tác dụng trị ho cũng như không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây ho. Tốt nhất em nên đến khám tại chuyên khoa hô hấp để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Song song đó, em cần chú ý, vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.


- Thu Hằng - hoangthuhang…@gmail.com

Tôi thường bị nghẹt mũi; chảy mũi nước và nặng đầu, nặng mí mắt khi thay đổi thoi tiết. BS cho tôi hỏi nên điều tị như the nào ạ? Tôi xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thu Hằng thân mến,

Triệu chứng của bạn thường gặp trong bệnh viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi, khói, lông, tơ, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí... nặng đầu là do nghẹt mũi gây ra, nặng mí mắt là phản ứng dị ứng của cơ thể cùng với viêm mũi dị ứng.

Tuy không đe doạ tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian kéo dài. Có người viêm mũi dị ứng theo mùa, có người viêm mũi dị ứng quanh năm; nhưng đây là bệnh thuộc về cơ địa, tức là không chữa dứt được.

Hiện giờ, cách duy nhất là bạn đến khám BS chuyên khoa tai mũi họng để được kê thuốc thích hợp. Nên tránh những yếu tố gây kích thích mũi xoang, như bụi, khói thuốc lá, mạt nhà, nước hoa, phấn hoa... giữ ấm vùng mũi họng, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa/ quạt định kỳ, ra đường nên đeo khẩu trang, trời lạnh phải giữ ấm cơ thể, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng


- Sakura Vũ - vusao…@gmail.com

Bà cháu năm nay 83 tuổi, bị tăng huyết áp trên 10 năm, điều trị đều bằng Amlordipin 5mg/ ngày. Gần đây huyết áp không ổn định, trong cơn tăng huyết áp còn xuất hiện rét run. Cháu xin hỏi nguyên nhân và cơ chế của triệu chứng rét run này là gì ạ? Xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Biểu hiện lạnh run, toát mồ hôi ở người lớn tuổi có kèm bệnh tăng huyết áp là không thể xem nhẹ. Bởi vì những triệu chứng đó có thể là do đường huyết thấp, nhiễm trùng huyết (rất nhiều người bệnh không có sốt cao, chỉ có lạnh run và vã mồ hôi), bệnh lý tim mạch, rối loạn hệ thần kinh tự chủ...Với tình trạng này, gia đình cần phải đưa bà cụ đến BV để kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt để được xử trí thích hợp.


- Nguyễn Huy Hùng - nhhda…@gmail.com

Em đã mổ tim và BS cho uống sintrom, ngày nào em cũng uống 1/4 và có 2 ngày trong 1 tuần là 1/4+1/8. Inr lúc đó là trong khoảng bình thường (2.5).

Bây giờ inr em giảm bất thường.đã tăng thêm 1 ngày uống 1/4+1/8(tức 3 ngày trong tuần)nhưng vẫn giảm so với kết quả lần trước. Xin hỏi là tại sao ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Huy Hùng,

Sintrom (acenocoumarol) là một chất chống đông máu có nguồn gốc từ coumarin. Sintrom rất dễ tương tác với thuốc và thực phẩm dùng hàng ngày, ảnh hưởng lên chỉ số inr, do đó người uống sintrom cần phải xét nghiệm kiểm tra inr định kỳ để điều chỉnh cho phù hợp.

Những yếu tố ảnh hưởng lên sintrom là thuốc (các thuốc làm giảm tác dụng và/ hoặc nồng độ của sintrom: một số thuốc ngủ như phenobarbital, secobarbital, các thuốc khác như rifampin (chữa lao), phenytoin, carbamazepine (thuốc chống co giật), amioglutethimide); thực phẩm (rượu bia, các loại thuốc bổ chứa vitamin không hay thức ăn có nhiều vitamin không như bông cải xanh, gan bò hay heo, trà xanh, coenzyme 10 (chất hỗ trợ hệ tuần hoàn) làm giảm tác dụng của thuốc.

Ngược lại, vitamin E làm tăng tác dụng của thuốc; một số loại thảo mộc như linh lăng (có nhiều vitamin K), măng tây, các loại cải (cải bắp, súp-lơ, củ cải, cải xoong..), rau diếp, tỏi, sâm, cây bạch quả (ginko), trà xanh, cây móng mèo, hạt dẻ... cũng có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Nói chung chế độ ăn uống ảnh hưởng nhiều đến tác dụng của sintrom.


- Bạn đọc Long - pes2…@gmail.com

Thưa BS,

Mấy ngày nay em bị đau họng và sáng hôm nay khi khạc đờm ra thì có cục đờm màu vàng lẫn máu. Có phải em bị ung thư vòm họng không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Long thân mến,

Nguyên nhân gây ho khạc đàm ra máu có thể do viêm nhiễm / tổn thương mạch máu ở vùng hầu họng (thành sau họng) thường gặp trong viêm họng cấp và mạn, ung thư vòm họng, tổn thương trong đường dẫn khí, nhu mô phổi (lao phổi, u phổi, áp xe phổi), hay do rối loạn đông cầm máu... như vậy ho khạc ra máu không chỉ gặp trong ung thư mà còn có thể trong bệnh lý lành tính khác.

Tốt hơn hết em nên khám chuyên khoa Hô hấp hoặc chuyên khoa Tai mũi họng để được kiểm tra toàn diện, xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, em nhé.

Trong thời gian đó, em chú ý hạn chế ăn đồ ăn lạnh, đồ ăn chua cay, sinh nhiệt, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, thêm rau xanh và trái cây, không hút thuốc lá, không rượu bia, uống đủ nước và giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm.


- Nguyễn Thị Hoài - Thủ Đức

Chào BS

Dạo gần đây trong người cháu cảm thấy mệt mỏi lắm, đau đầu, buồn nôn, khó thở, tức ngực, khó chịu lắm. BS có thể cho cháu biết những triệu chứng đó là của bệnh gì vậy ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hoài,

Những biểu hiện trên báo hiệu sức khỏe có vấn đề, nhưng chưa đủ để chỉ điểm ra bệnh gì, vì có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như thiếu máu, huyết áp thấp, căng thẳng lo âu nhiều, viêm nhiễm, cảm mùa, thiếu chất, bệnh lý tim mạch, hô hấp, thần kinh cơ, tâm lý, bệnh lý nội tiết tố...

Do vậy, BS phải khám trực tiếp cho em và có thể cần một số xét nghiệm hỗ trợ mới chẩn đoán được nguyên nhân. Em cần đến BV để kiểm tra sức khỏe, có thể đăng ký khám tổng quát, hay chuyên khoa Tim mạch - Hô hấp đều được.

Song song đó, em nên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất, tránh thức khuya, tránh các chất kích thích như cafe, trà đặc, bia rượu, không hút thuốc lá và bổ sung thêm một số vi khoáng chất cho cơ như canxi, magie, kẽm, kali, vitamin nhóm B.


- Tô Trường Kỳ - Hà Nội

2 ngày nay em mới bị sưng ở phần xương cằm giống như mọc răng. Sờ vào thấy rất cứng và đau. Em muốn hỏi như vậy có phải bị u không hay ung thư vòm họng không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi không rõ chính xác vị trí mà em miêu tả, bởi vì chúng ta không có xương cằm, mà chỉ có xương hàm dưới, dọc theo xương hàm dưới thì chia thành góc hàm, góc cằm.

Triệu chứng sưng đau ở vùng cằm không phải chỉ gặp trong ung thư, mà có thể gặp trong những bệnh lý lành tính thường gặp khác như hạch viêm, bệnh lý răng lợi...

Ung thư thì thường không cấp tính mà thường tiến triển trong nhiều tháng nhiều năm, ngược lại những biểu hiện mới xuất hiện trong vài ngày thì thường là nguyên nhân viêm nhiễm nhiều hơn.

Tuy nhiên, BS cần phải thăm khám trực tiếp cho em và làm xét nghiệm kiểm tra thì mới xác định rõ do nguyên nhân gì, từ đó mới có hướng điều trị thích hợp. Em nên khám chuyên khoa Răng hàm mặt, em nhé. Trong thời gian đó, em nên ăn thức ăn mềm, dễ nhai dễ nuốt và uống nhiều nước.


- Nguyen Vinh - TPHCM

Tôi đau bụng cấp tính, xác định nguyên nhân là đau dạ dày. BS trực cấp cứu đã tiêm 1 mũi vào ven ở cổ tay và 1 mũi tiêm mông. Đến nay là 3 ngày rồi mà mông tôi có dấu hiệu ngày càng đau. Chỗ vết tiêm hơi sưng, không đỏ và chuyển qua triệu chứng nóng sốt. Mệt mỏi.

BS cho hỏi triệu chứng vậy có bình thường không? Tiêm ở mông đa số là đau như vậy hay sao? Và bao giờ hết đau. Cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Vinh thân mến,

Lựa chọn đường tiêm thuốc ở mông có nhiều lợi ích cũng như 1 số tác dụng phụ đi kèm. Một trong những biến chứng có thể gặp là gây viêm mô tế bào và áp xe nơi tiêm chích. Biểu hiện sưng đau ngày càng tăng ở nơi tiêm chích và hành sốt của em nhiều khả năng là bị biến chứng này.

Hiện tại em cần đến BV để kiểm tra lại sớm, nếu chỗ đó chỉ viêm nhẹ chưa tụ mủ thì BS có thể kê thuốc về uống; nếu chỗ đó đã tụ mủ thì cần chọc/hút/nặn mủ, rửa lại bằng dung dịch sát khuẩn và băng lại cho em thì mới hết được.


- Lê Thị Thủy Linh - Bình Định

Cháu hiện 14 tuổi và cháu vô tình bị một vết rách ở phần thịt giữa môi trên khiến nó bị rách khá nhỏ khoảng 4mm và cháu đã sát khuẩn sát trùng đầy đủ.

Cháu xin hỏi liệu có sao không và khi nào vết thương có thể lành lại ạ? Cháu xin cảm ơn và mong sớm có hồi đáp ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thủy Linh,

Với loại vết thương này, nếu em chăm sóc kỹ không để vết thương bị viêm nhiễm thì nó có thể tự lành, trung bình là dưới 7 ngày. Em cần:

- Đánh răng ngày 3 lần sau ăn, súc miệng nước muối pha loãng (đậm đặc sẽ làm khô niêm mạc) sau 3 bữa ăn chính trong ngày, tránh ăn lặt vặt.

- Không rượu bia, café, thuốc lá

- Theo quan niệm dân gian thì không nên ăn: rau muống, thịt gà, thịt bò, nước tương, đồ biển. Theo quan niệm tây y thì chỉ cần ăn chín uống sạch và hạn chế các món ăn bị dị ứng là được.

- Dùng khẩu trang sạch, chất liệu cotton khi ra đường.

- Hạn chế các món phải “gặm” như sườn, giò.

- Không cào gãi môi, liếm môi, bặm môi.

- Không sử dụng son môi.

Không cần băng gạc ở vị trí này. Nếu vết thương do vật sắt nhọn gây ra thì em cần tiêm ngừa uốn ván, em nhé.


- Hoàng Châu - Đồng Nai

Thưa BS,

Em bị phỏng bô xe khoảng 3 ngày nay. Nhưng khi em vừa mới bị phỏng thì em đã lở tay chà làm tróc da ra. Do thấy vậy nên em cũng không ngâm nước mà có xức tí thuốc trị lở miệng và 2 ngày nay em xức dầu mù u. Vậy có bị sao không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hoàng Châu,

Ngay khi bị phỏng bô, dù có tróc da hay không tróc da thì vết thương cần được rửa dưới vòi nước sạch và nước mát để làm mát và rửa sạch vết thương, nếu có dung dịch natri clorua 0.9% (nước muối sinh lý) để rửa thì là tốt nhất; không ngâm vết thương trong nước lạnh.

Sau đó, nếu vết thương bị trợt da, vỡ bóng nước thì nên rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hằng ngày, sau đó chấm khô bằng gạc sạch, đắp gạc Urgotul hay Duoderm mỗi ngày đến khi lành.

Nếu vết thương tiết dịch có mùi hôi, đau, đỏ, lan rộng, lâu lành da hoặc bỏng sâu thì cần đi khám ở cơ sở y tế để được xử trí đúng cách và dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn theo chỉ định của BS.


- Ngô Minh Vương - TPHCM

Chào BS, mẹ em bị sốt tái đi tái lại, mẹ em nên khám khoa nào và làm xét nghiệm gì cho đúng vậy ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Vương thân mến,

Với những trường hợp sốt kéo dài, sốt có chu kỳ, sốt từng cơn tái đi tái lại thì người bệnh cần đến khám tại chuyên khoa nhiễm, tầm soát các nguyên nhân gây bệnh (như sốt rét, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm trùng, bệnh tự miễn...).

BS cần phải hỏi bệnh và thăm khám trước tiên, sau đó dựa vào các xét nghiệm trước đây người bệnh đã làm, từ đó mới có chỉ định xét nghiệm thêm cho phù hợp chứ không thể kê hàng loạt các xét nghiệm được, em nhé.


- Trần Thị Thu Thuỷ - Quận 8

Thưa BS,

Không hiểu sao gần cả tuần nay, cứ đến gần sáng là em lại tỉnh dậy trong khi ngủ và không thể ngủ lại. Kèm theo là có cảm giác bị kim chích vào da, ngứa rất khó chịu.Vậy không biết em bị gì thế ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Theo thông tin em cung cấp thì tôi có thể hình dung là em bị cảm giác ngứa ngáy khó chịu đánh thức vào lúc nửa đêm khi ngủ? Nguyên nhân thường gặp nhất của hiện tượng này là do da bị kích thích bởi dị ứng nguyên (như rận, mạt, nhiệt độ quá lạnh làm khô da, bụi từ máy điều hòa...), nhiễm ký sinh trùng (giun, sán), nấm da...

Trước mắt em nên vệ sinh lại không gian ngủ, quan sát xem cơ thể có nổi mẩn gì bất thường hay không, uống đủ nước, điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa/ quạt gió; nếu còn khó chịu thì cần khám chuyên khoa da liễu, em nhé.


- Hoàng Văn Tình - hoangvan…@gmail.com

Chào BS,

Mấy ngày gần đây cháu thấy rát lưỡi, soi gương thì thấy trong cuống lưỡi nổi rất nhiều cục bằng hạt đậu xanh. BS cho cháu hỏi cháu có bị bệnh gì không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng đau rát vùng lưỡi kèm vết/ cục bất thường trên lưỡi thường gặp trong bệnh cảnh viêm lưỡi

Có nhiều nguyên nhân gây viêm lưỡi: trào ngược dạ dày thực quản, viêm hầu họng cấp và mạn tính, nhiễm khuẩn (thường trên người có vấn đề về răng miệng), nấm, chấn thương, chất kích thích (thuốc lá, rượu, chất cay, thức ăn uống quá nóng); mẫn cảm; bệnh hệ thống như thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B, thiếu vitamin PP; một số bệnh da phát triển toàn thân như lichen phẳng, aptơ, giang mai,…

Em cần khám BS tai mũi họng để được kiểm tra, tìm ra nguyên nhân và đánh giá cơ địa, tiền sử dị ứng thuốc, bệnh lý đi kèm (gan, thận...) để chọn lựa thuốc điều trị thích hợp, em nhé.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X