Hotline 24/7
08983-08983

Rượu thuốc bổ thận tráng dương - nguy cơ tiềm ẩn

Nhiều nam giới rất tin tưởng vào công dụng thần kỳ của rượu thuốc vì cho rằng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực, khỏe trong ‘chuyện ấy’.

Để ‘mạnh mẽ’ hơn khi lâm trận, nhiều quý ông không ngại ngần đầu tư các bộ sưu tập rượu thuốc. Rượu thuốc có thực sự bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực như những lời truyền miệng hay không hay tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể dẫn đến mất mạng?

Testosteron là một loại hormone nam, được coi yếu tố kích hoạt trong 'chuyện ấy'. Khi cơ thể có lượng testosteron giảm khiến phái mạnh không còn ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm hoặc xuất tinh chậm.

Do tâm lý ngại ngùng đi khám nam khoa, điều trị theo bác sĩ, nhiều người tìm đến các bài rượu thuốc được truyền miệng. Hoặc có những quý ông, mặc dù không có vấn đề gì với 'cậu nhỏ' nhưng muốn cải thiện ‘chuyện ấy’ nên cũng tìm đến các loại rượu thuốc này.

Tuy vậy, không phải bài thuốc nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, rượu thuốc cũng vậy. Nếu dùng đúng cách, rượu thuốc có thể giúp bạn 'bách dương tráng kiện' nhưng nếu dùng không đúng có thể khiến bạn tử vong.

Khi muốn dùng rượu thuốc để bổ thận tráng dương, bạn nên tới thăm khám ở các cơ sở y học cổ truyền được cấp giấy phép hoạt động, được thăm khám bởi các thầy thuốc Đông y để biết tình trạng của mình ra sao rồi hãy quyết định sử dụng loại rượu thuốc phù hợp.

Rượu thuốc ngâm động vật


Liệt dương vì uống rượu ngâm rắn

Anh Nguyễn Bá Phúc, 36 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội có một bình rượu ngũ xà. Nghĩ rằng rượu rắn quý hiếm, anh nhâm nhi thường xuyên. Sau 3 tuần, anh Phúc cảm thấy 'cậu nhỏ' không thể cương cứng, nhu cầu tình dục giảm sút. Anh Phúc đi khám và được bác sĩ thông báo anh bị liệt dương vĩnh viễn vì tác dụng của rượu rắn.

Bác sĩ Đông y Vũ Quốc Trung, phòng khám đông y chùa Cảm Ứng, Hà Nội cho biết ông rất tiếc trong trường hợp của anh Phúc vì đã mất 'bản lĩnh đàn ông' trong độ tuổi sung sức.

Bác sĩ Trung cho biết uống rượu ngâm rắn phải theo chỉ định của thầy thuốc. Không phải rượu tam xà, ngũ xà là bổ vì nhiều người có thể bị rượu rắn phá hủy các cơ quan nội tạng hoặc nhiễm nọc độc từ rắn khi ngâm rượu. Nọc độc của rắn rất nguy hiểm, chủ chỉ một lượng rất nhỏ cũng gây nhiễm độc, thậm chí tử vong.

Do vậy, nếu dự định uống rượu rắn, bạn nên đến bác sĩ nhận được sự hướng dẫn và chỉ định cụ thể về các bài thuốc về rượu rắn, thời gian ngâm rượu, những loại rắn nào phối hợp ngâm cùng nhau, cách pha rượu như thế nào để vừa có tác dụng chữa bệnh mà không nguy hiểm đến tính mạng.

Rượu ngâm côn trùng

Cá ngựa. Ảnh minh họa. Nguồn: Suckhoedoisong.vn.

Với quan niệm ‘không bổ dọc cũng bổ ngang’, các bình rượu ngâm côn trùng này được coi là của quý trong bộ sưu tập rượu thuốc của quý ông.

Bọ cạp, rết, bửa củi, mối chúa, cá ngựa, bìm bịp, tắc kè... là những loại ưa thích của phái mạnh khi ngâm rượu.

Theo lý giải của quý ông, rượu ngâm côn trùng có tác dụng tráng thận, bổ dương, giúp tăng cường sinh lực cho phái mạnh.

Theo PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các loại côn trùng khi ngâm rượu không an toàn tuyệt đối cho mọi người.

Với các loại côn trùng có độc tính cao cần có chỉ định của thầy thuốc, bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia y tế.

Các loài côn trùng có độc khi đem ngâm rượu thì độc tính sẽ được phát tán rồi hòa vào rượu. Nếu người uống sử dụng hỗn hợp này rất dễ bị ngộ độc thậm chí có nguy cơ tử vong nếu dùng lượng lớn.

Rượu thuốc ngâm thực vật


Rượu ngâm hoa anh túc

Rượu hoa thuốc phiện được đồn thổi là loại rượu 'một người khỏe hai người vui', giúp quý ông tăng sức mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết việc dùng cả lá, hoa, thân, quả của cây anh túc ngâm rượu rất nguy hiểm.

Trong đông y, chỉ dùng quả thuốc phiện khi bỏ nhựa và phối hợp với các loại thuốc chữa bệnh để giúp kích thích tiêu hóa, tăng hưng phấn, khống chế cơn đau.

Hoạt chất gây nghiện tồn tại trên tất cả các bộ phận của cây anh túc nhưng với hàm lượng rất nhỏ. Khi ngâm rượu sẽ không có tác dụng chữa bệnh cũng như tăng cường sức mạnh của nam giới.

Theo các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), rượu ngâm hoa thuốc phiện không có tác dụng trong 'chuyện ấy' mà làm ảnh hưởng tới thần kinh, gây ảo giác cho người sử dụng.

Ở thể nhẹ, người dùng rượu ngâm hoa anh túc bị ức chế, hôn mê, có ảo giác. Ở thể nặng, người dùng rượu thuốc loại này có thể bị trụy mạch, suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Rượu ngâm anh túc. Ảnh minh họa. Nguồn: Doisongphapluat.com

Rượu ngâm lá và rễ cây không rõ nguồn gốc

Với quan niệm cái gì ngâm rượu cũng bổ nên ngoài động vật, thực vật cũng được quý ông đưa vào ngâm rượu thuốc.

Nhiều người do không hiểu rõ độc tính của thực vật, đưa các loài cây này vào ngâm rượu uống nên đã tử vong.

Tháng 3 năm 2018, một vụ ngộ độc rượu thuốc xảy ra ở nhà ông Moong Văn Đi, bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khiến 3 người thiệt mạng.

Sau khi uống rượu ngâm thân, lá cây rừng không rõ nguồn gốc, các bệnh nhân có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, vật vã, ngất xỉu.

Các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn nhưng không qua khỏi. Mẫu rượu được gửi đi xét nghiệm.

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia sau khi kiểm nghiệm cho thấy nguyên nhân gây ra ngộ độc là chất Koumin. Đây là hợp chất có trong cây lá ngón.

Cây lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuốc độc bảng A) ở Việt Nam.

Để hạn chế sự nguy hiểm khi dùng rượu thuốc, các bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không uống các loại rượu ngâm thuốc không rõ nguồn gốc.

Nếu có dùng rượu thuốc thì phải theo chỉ định của thầy thuốc.

Sau khi uống rượu thuốc, nếu xuất hiện các biểu hiện như: mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, nôn, cần đưa nạn nhân đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Theo Trần Huyền - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X