Hotline 24/7
08983-08983

Phòng chống nhiễm trùng cho bệnh nhân ung thư

Nhiễm trùng xảy ra khi hệ miễn dịch không thể nhanh chóng tiêu diệt các nhân tố lây nhiễm vào cơ thể. Bản thân ung thư và quá trình điều trị ung thư đều làm yếu hệ miễn dịch, do vậy các bệnh nhân ung thư thường đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Các phương pháp điều trị để giảm nhẹ triệu chứng và các tác dụng phụ là một phần quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư. Phương pháp này được gọi là chăm sóc hỗ trợ, chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc xoa dịu.

Hãy thường xuyên trao đổi với nhóm chăm sóc y tế về những triệu chứng hoặc những thay đổi mà cơ thể bạn đang trải qua để nhận được sự hỗ trợ.

Về hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch đảm nhiệm vai trò giúp cơ thể chống lại sự lây nhiễm của vi khuẩn, virus và nấm. Hệ miễn dịch bao gồm:

- Da
- Lá lách
- Các hạch bạch huyết
- Tủy xương (một mô mỡ xốp nằm sâu trong xương)

Các tế bào bạch cầu (white blood cells) hay còn gọi là leukocytes và các bạch cầu trung tính (neutrophils), giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và tiêu diệt sự lây nhiễm của các nhân tố có hại vào cơ thể.

Trong trường hợp cơ thể chỉ có một số lượng nhỏ bạch cầu tồn tại được gọi là chứng suy giảm bạch cầu (leukopenia). Hội chứng này sẽ làm tăng nguy cơ mắc những nhiễm trùng nghiêm trọng. Suy giảm bạch cầu trung tính (neutropenia) là một dạng của chứng suy giảm bạch cầu, trong đó các bệnh nhân có mức bạch cầu trung tính (neutrophils) thấp. Tế bào bạch cầu trung tính là nhóm tế bào bạch cầu phổ biến nhất trong cơ thể.

Dấu hiệu và triệu chứng khi mắc nhiễm trùng

Nhiễm trùng có thể khởi phát ở bất kì đâu. Các vị trí thường bị nhiễm trùng bao gồm:

- Miệng
- Da
- Phổi
- Hệ tiết niệu
- Trực tràng
- Bộ phận sinh dục

Các dấu hiệu của nhiễm trùng

- Sốt: nhiệt độ cơ thể từ 38.0 °C (100,5° F) trở lên;
- Ớn lạnh hoặc toát mồ hôi;
- Viêm họng hoặc nướu ở miệng, đau răng;
- Đau vùng bụng;
- Đau gần hậu môn;
- Đau hoặc rát khi đi tiểu hoặc tiểu són;
- Tiêu chảy hoặc đau ở gần hậu môn;
- Ho hoặc khó thở;
- Đỏ, sưng, đau, cụ thể là đau ở gần vết thương hoặc ở gần vị trí đặt ống thông (catheter placement);
- Tiết dịch âm đạo không bình thường hoặc ngứa âm đạo.

Nhiễm trùng hoàn toàn có thể điều trị được. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể tiến triển, trở nên nghiêm trọng và có thể đe doạ tới tính mạng. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu có các dấu hiệu bị nhiễm trùng. Đồng thời bạn cũng nên kể về những thay đổi triệu chứng đang có.

Các yếu tố nguy cơ cho nhiễm trùng tiến triển

Các yếu tố dưới đây có thể ảnh hưởng tới số lượng các tế bào bạch cầu và làm yếu hệ miễn dịch:

- Thiếu ngủ, stress, thiếu dinh dưỡng hoặc tác dụng phụ của điều trị;
- Hoá trị;
- Xạ trị trên vùng rộng như vùng hông/chậu. chân, ngực, hoặc bụng;
- Ung thư ảnh hưởng trực tiếp tới tủy xương ví dụ như ung thư máu hoặc ung thư tế bào lympho;
- Các dạng ung thư lây lan tới xương;
- Các điều kiện/tình trạng khác cũng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, ví dụ như bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh cao huyết áp, bệnh suy tim, các bệnh tự miễn, bệnh gan, bệnh viêm phế quản hoặc bệnh khí phế thủng/phổi tắc nghẽn mãn tính;
- Thuốc điều trị các bệnh khác cũng có thể làm yếu hệ miễn dịch.

Điều trị nhiễm trùng

Chứng suy giảm bạch cầu trung tính (neutropenia), hóa trị, xạ trị có thể làm bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao. Trong trường hợp đó, bạn có thể nhận các loại kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm để phòng ngừa. Có nghĩa là các thuốc này thường được sử dụng trước khi nhiễm trùng xảy ra.

Trong các trường hợp khác, bạn có thể nhận các loại thuốc điều trị sau khi bị nhiễm trùng. Nếu bị suy giảm bạch cầu trung tính và bị sốt, bạn cần phải tới bệnh viện để điều trị cho tới khi khỏi hẳn.

Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao bị suy giảm bạch cầu trung tính kèm theo sốt, bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc gọi là thuốc kích thích tăng trưởng bạch cầu. Các thuốc này sẽ giúp cơ thể có thể tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn và làm giảm nguy cơ bị lây nhiễm.

Những lời khuyên giúp phòng chống nhiễm trùng

Các bước dưới đây có thể giúp bạn phòng chống lây nhiễm:

Rửa tay thường xuyên để phòng nhiễm trùng

- Nghỉ ngơi nhiều.
- Ăn chế độ ăn cân bằng và hợp lý.
- Tránh tiếp xúc với người đang ốm.
- Không dùng chung đồ ăn, cốc, bàn chải đánh răng, hoặc đồ trang điểm.
- Rửa tay sạch và thường xuyên, hoặc sử dụng xà bông diệt khuẩn để rửa tay. Điều này đặc biệt quan trọng nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Tắm hàng ngày.
- Bôi kem dưỡng ẩm để phòng khô và tổn thương da.
- Cẩn thận với các vật nhọn ví dụ như dao, kéo. Bạn có thể tránh làm rách/đứt da bằng việc dùng dao cạo râu bằng điện và đồ giũa móng tay.
- Không ăn thức ăn chưa qua chế biến bao gồm thịt, sò biển và trứng. Rửa rau quả tươi thật sạch.
- Không nên tiếp xúc với chất thải/phân động vật
- Sử dụng bao tay khi làm vườn và các công việc nhà, đặc biệt là khi dọn dẹp.
- Đánh răng bằng bàn chải mềm. Sử dụng nước súc miệng để ngăn chặn nhiễm trùng nếu bác sĩ và nha sĩ của bạn khuyên như vậy.

Theo Hồng Nhung - Y học cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X