Hotline 24/7
08983-08983

Những loại thuốc hạ sốt không được dùng khi bị sốt xuất huyết?

Thưa bác sĩ, khi bị sốt xuất huyết thì có được uống thuốc hạ sốt không? Nên dùng loại nào để có tác dụng tốt nhất? Vì sao người bị sốt xuất huyết phải xét nghiệm máu thường xuyên, như vậy có gây thiếu máu không? Em cảm ơn.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Bạn thân mến,

Sốt xuất huyết có 4 tuýp huyết thanh là D1-D4. Vì vậy, khi đã bị sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại nhiều lần. Bệnh này lây qua muỗi đốt từ người bệnh sang người lành nên rất dễ gây thành dịch.

Bệnh thường kéo dài 7-10 ngày; trong đó giai đoạn nguy hiểm là ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Người bị bệnh đến ngày thứ 4 bắt đầu hết sốt và không có biểu hiện gì khác là bệnh đang thuyên giảm nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi.

Việc điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng và phần lớn điều trị ngoại trú, như hạ sốt, bù dịch bằng đường uống; nên uống Oresol, nước sôi để nguội, nước trái cây, nước cháo muối loãng; cần nhập viện khi có các dấu hiệu cảnh báo như: Vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc...

Khi bị sốt xuất huyết, nếu được điều trị ngoại trú, thường thì bệnh nhân vẫn phải thường xuyên theo dõi, thử máu. Đây là một trong những phương tiện giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết. Có nhiều loại xét nghiệm máu được thực hiện trong quá trình theo dõi và điều trị, nhất là trong trường hợp sốt xuất huyết nặng.

Một xét nghiệm máu được làm thường xuyên trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết là đo thể tích khối hồng cầu (Hematocrit).

Trị số thể tích khối hồng cầu là một trong những yếu tố giúp đánh giá mức độ cô đặc máu trong cơ thể bệnh nhi sốt xuất huyết. Có thể nói một cách đơn giản là nếu máu càng bị cô đặc thì bệnh càng dễ trở nặng. Tuy nhiên, can thiệp tình trạng cô đặc máu này sớm hay muộn đều có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Vì vậy việc theo dõi diễn tiến tình trạng cô đặc máu để phát hiện thời điểm cần can thiệp là rất cần thiết, do đó xét nghiệm đo thể tích khối hồng cầu sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện ở nhiều thời điểm tùy tình trạng bệnh nhân.

Các xét nghiệm máu được thực hiện đều cần thiết và lượng máu xét nghiệm (dù nhiều lần) là rất ít so với lượng máu trong cơ thể, hoàn toàn không làm cho bệnh nhân bị mất máu hay thiếu máu vì các xét nghiệm này. Do đó, bạn không cần phải lo lắng việc mất máu quá nhiều nhé!

Một vấn đề khác cần lưu ý đó là không nên cạo gió khi bị sốt xuất huyết, vì như vậy rất dễ làm cho da bị tổn thương và có thể gây chảy máu kéo dài. Bên cạnh đó, nếu bị sốt cao, Paracetamol là thuốc có tác dụng hạ sốt được chỉ định trong sốt xuất huyết, liều dùng 10-15mg/kg/lần trong 4-6 giờ. Không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết nặng hơn.

Vì vây, cần lưu ý đọc kỹ thành phần của thuốc hoặc hỏi dược sĩ, bác sĩ để tránh dùng phải các thuốc trên.

 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời sẽ dễ dẫn tới tử vong.
Vì vậy, khi người bệnh có các biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sốt như sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu chán ăn, buồn nôn; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; da sung huyết (thường có chấm xuất huyết ở dưới da), chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam... cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X